Dân Chúa Âu Châu

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

"Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho".

* Thánh Philipphê quê ở Bét-xai-đa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Chúa Giêsu.

Còn thánh Giacôbê, người là anh em bà con với Chúa và là con của ông Anphê. Người đã lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin. Người còn để lại một bức thư. Người chịu tử đạo năm 62.

Lời Chúa: Ga 14, 6-14
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV)

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Philip và Giacôbê: tông đồ
Kính nhớ thánh Giacôbê Hậu, con ông Alphê, anh em họ với Đức Giê-su. Ngài làm Giám Mục cộng đồng Kitô ở Giê-ru-sa-lem và là thánh tử đạo thứ 36 thánh Stêphanô và Giacôbê tiền anh của thánh Gioan. Cần đọc lại bức thư với lời giới thiệu để tôn vinh Ngài, vì Ngài đã bàn đến nhiều vấn đề.
Tên của Thánh Philip được ghi rất sớm trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Ngài được kể là Tông Đồ thứ tư cùng với Thánh Gioan và hai Thánh Anrê và Phêrô dân thành Betsaida xứ Galilê (Ga 1, 43-44), Ngài giới thiệu mấy người Hy Lạp xin gặp Đức Giê-su (12, 21), trước khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su hỏi Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?... Ngài đáp: thực có mua đến 200 đồng bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút (6, 5-7) và ở bữa tiệc ly, Philíp nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. (14, 8). Người ta cho rằng Philíp sống hiện thực, giống như những người tiến bộ khoa học thời chúng ta: ông sống theo kinh nghiệm nên đòi được xem, sờ, cảm thấy Chúa Cha, cùng với óc tính toán của ông: có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút!
Không Đức Giê-su không mua 200 đồng bánh, cũng không làm cho Chúa Cha hiện ra. Đức Giê-su có tất cả mọi sự để nuôi tất cả thính giả, để mặc khải Chúa Cha: chỉ mình Người tỏ cho thấy rõ quyền phép của Người và tình yêu của Thiên Chúa. Trong Người, chúng ta có tất cả. Chỉ mình Người nắm giữ tất cả để với những cử chỏ của Người, Người ban cho chúng ta những cảm nghiệm về Thiên Chúa nhờ những dây liên kết của Người với chúng ta.
Hãy nhìn ngắm Đức Giê-su sống thì hiểu biết được Thiên Chúa. Hãy tin vào Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ được bảo phải làm gì để đi vào chương trìng cứu độ.
Nhờ sự cảm nghiệm của bản thân mình về đức tin chúng ta sẽ cảm nghiệm thẩm sâu toàn diện Tin Mừng Thánh Gioan kết hợp với những khuynh hướng hiện đại cũa chúng ta. Các bạn trẻ chúng ta đã cảm nghiệm được những điều thích thú trong sách của Thánh Gioan, thì cần đào sâu những cuộc đàm thoại trong Tin Mừng của Thánh Gioan để khởi đi từ câu thứ nhất: “Hãy theo tôi mà Thánh Philíp chắc chắn đã thấm thía với tất cả ý nghĩa thâm sâu của câu đó, để rồi: “Thấy Thầy, là thấy Cha” “Thế là được mãn nguyện”.
L.P

SUY NIỆM 2: Philipphê và Giacôbê tông đồ
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5), thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8). Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào, bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng. Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do Thái, sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình. Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời. Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài: “Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế, chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm: trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin, vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài. Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
(Suy niệm của Lm Nguyễn Cao Siêu)

Thánh GIACÔBÊ và Thánh PHILIPPHÊ
Tông Đồ (Thế kỷ thứ I)

Giáo hội tôn kính hai vị tông đồ này trong cùng một ngày, vì vào thế kỷ thứ V, xác các thánh được đưa về Rôma với nhau và đặt ở đền thờ các thánh tông đồ. Ngày dời xác các Ngài là ngày 01 tháng 5. Nhưng vì trùng với lễ thánh Giuse thợ, cho nên lễ kính các Ngài được dời vào ngày 03 tháng 5.

Thánh GIACÔBÊ (hậu)
Chỉ có một chỉ dẫn Tân Ước cung ứng cho chúng ta về vị tông đồ thứ hai mang tên Giacôbê: Ngài "là con ông Alphêô" (x. Mt 10,3 - Mc 3,18 - Lc 6,15 - Cv 1,13). Vậy không đáng ngạc nhiên gì, khi có nhiều cố gắng đồng hóa Ngài với một hay nhiều người cùng mang tên là Giacôbê ở trong Tân Ước. Có Giacôbê "người anh em của Chúa" (x. Cl 1,19).
Có lẽ Ngài đã được thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra (x. 1Cr 15,7) và chắc chắn Ngài là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (x. Cv 12,17 - 15,13 - 21,18). Sau cùng, người được đồng hoá với người anh em của Chúa được nhắc đến trong Phúc Âm (x. Mt 13,55 - Mc 6,3). Đó là ý kiến của Thánh Hiêrônimô và được nhiều người chấp nhận, nhưng các học giả ngày nay muốn phân biệt hai người khác nhau và Phúc Âm chỉ giản dị ghi lại tên Ngài.
Dầu cho các sách Phúc Âm không nói nhiều tới thánh nhân nhưng Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, Thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói: "Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết" (x. Cv 12,17).
Khi tiếp xúc với các tông đồ, Thánh Phaolô đã đến gặp Giacôbê. Sau này Thánh Phaolô nói: "Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hợp thông." (x. Gl 2,9)
Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại (x. Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (x. Cv 21,18).
Để diễn tả sự thánh thiện của Giacôbê, thánh Eusêbiô và Hiêrônimô đã nói rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa này không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.
Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước công nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói: "Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời."
Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.

Thánh PHILIPPHÊ

Thánh Philipphê là người Bethsaida (x. Ga 1,44). Trên đường đi Galilêa, Chúa Giêsu đã gọi ông. Đến lượt mình chính Philipphê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael: "Đấng mà Môisê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến chúng tôi đã gặp rồi" (x. Ga 1,45).
Và ông còn khích lệ thêm: "Hãy đến mà xem" (x. Ga 1,46).
Khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu đã tin tưởng và ông hỏi: "Ta mua đâu được bánh cho họ ăn" (x. Ga 6,5).
Như vậy Chúa Giêsu đã kết hiệp với ông trước hết trong việc chuẩn bị cho phép lạ này.
Dịp lễ vượt qua sau cùng của Chúa Giêsu, các lương dân đã nhờ Philipphê xin Chúa cho họ được gặp Người: "Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu" (x. Ga 12,21).
Sau cùng, trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc Ly, Philipphê lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con rồi".
Chúa Giêsu nói với ông: "Đã lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philipphê, ngươi đã không biết Ta ư? Ai thấy ta là đã thấy Cha. Làm sao ngươi nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha (x. Ga 14,8-9).
Các tông đồ chỉ hiểu được chiều kích rộng lớn của những lời này khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ông.

Đó là tất cả những gì mà sách Phúc Âm nói với chúng ta về thánh tông đồ Philipphê. Sau này truyền thống cho chúng ta biết thánh Philipphê đã đi rao giảng Phúc Âm ở Scythia và Phrygia. Nhưng rất có thể người ta đã lầm thánh nhân với vị phó tế cũng có tên là Philipphê. Về cái chết của Ngài, không có gì là chắc chắn. Có tài liệu nói rằng: Ngài tử vì đạo. Có tài liệu lại cho rằng: Ngài chết già.

Nguồn: Theo vết chân Người
Suy niệm 4
Trong số những người Galilê diễm phúc được Chúa Giêsu tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để sống thân mật bên Chúa có thánh Philipphê, con ông Alphê, và thánh Giacôbê Hậu.
Thánh Giacôbê là một trong những người được gặp Chúa Phục Sinh hiện đến, như chúng ta đọc trong bài đọc Một.
Chúa Giêsu không bao giờ làm ai phải thất vọng. Sứ vụ tông đồ là dẫn đưa các thân nhân và bạn hữu đến cùng Chúa: nhiệm vụ chúng ta là thông mở một con đường, và dẹp bỏ mọi cản trở khiến làm họ không thể nhìn thấy Chúa Kitô. Chúa đã gọi chúng ta và muốn đi vào linh hồn những ai đến cùng Người, như trong trường hợp Natanael. Về sau Natanael đã trở thành một trong mười hai Tông Đồ của Chúa, mặc dù lúc đầu tỏ ra nghi ngờ lời giới thiệu của Philipphê. Thái độ của Natanael là: Ở Nazareth nào có cái chi hay? Chúng ta cũng thường gặp cảnh ngộ như thế, và câu trả lời của chúng ta sẽ là: Hãy đến mà xem! Bất kỳ ai nghe lời chúng ta và đến gặp Chúa Giêsu nhất định sẽ không bao giờ cảm thấy bị dối lừa.
Thánh Philipphê và thánh Giacôbê hiện nay đang cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Chúng ta trao phó cho các ngài sứ vụ tông đồ nơi những thân nhân và bạn hữu của chúng ta.
Trong Phúc Âm hôm nay,6 chúng ta thấy trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông Đồ rằng Người đã sửa soạn chỗ cho họ trên trời, để họ sẽ được ở với Người mãi mãi, và họ đã biết cách để đến nơi đó. Cuộc hàn huyên cứ tiếp tục – các Tông Đồ nêu câu hỏi, và Thầy Chí Thánh trả lời. Lúc ấy, Philipphê nêu lên một câu hỏi dường như lạc lõng: Lạy Thầy, xin tỏ chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con. Chúa Giêsu đã trách yêu người môn đệ: Thầy đã ở với con bấy lâu rồi, mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Philipphê? Hễ ai nhìn thấy Thấy là đã nhìn thấy Cha Thầy, sao con lại nói, ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha.’ Có lẽ nhiều lần Chúa Giêsu cũng phải trách chúng ta như đã trách thánh Philipphê! Thầy đã ở với con bấy lâu rồi mà con vẫn không nhận ra Thầy sao! Chúa có thể kể cho chúng ta hết trường hợp này đến trường hợp khác, những lần chúng ta có lẽ đã vì áp lực hoàn cảnh mà quên mất mình là con cái Chúa và sự gần gũi của Người. Chúng ta thấy lời đáp của Chúa Giêsu dành cho người Tông Đồ thật an ủi biết bao! Chúng ta cũng nhận ra nơi vị Tông Đồ ấy con người của chúng ta.
3 Truyền bá sứ điệp các Tông Đồ. Công việc tông đồ trên nền tảng siêu nhiên.
Trong bài đọc Một thánh lễ hôm nay, chúng ta đọc những lời thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Côrinthô: Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Thánh Kinh, và Người đã hiện ra với ông Cephas.9 Thánh Phaolô đã nhận lãnh từ các Tông Đồ một sứ điệp mà sau đó ngài đã loan truyền. Đó cũng chính là sứ điệp thánh Philipphê và thánh Giacôbê đã rao giảng và đã hiến mạng sống để minh chứng. Hai ngài, cũng như vị Tông Đồ dân ngoại, biết rõ rằng cốt lõi sứ điệp các ngài rao giảng chính là Chúa Giêsu Kitô, con đường đến cùng Chúa Cha. Đây là Tin Mừng đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như chúng ta đã đọc trong phần Đáp Ca: Sứ điệp truyền tụng ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm kia.10 Chúng ta không có một sứ điệp nào mới lạ để rao truyền, bởi vì nội dung sứ điệp ấy vẫn không thay đổi: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã sống lại, và hiện nay Người vẫn đang sống bên chúng ta. Người yêu thương, Người đã sắm sẵn một hạnh phúc muôn đời cho chúng ta bên Người, khi chúng ta được diện đối diện với Người.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu xúc động và cảm thương dân chúng, những người cần được cảm thông và an ủi. Nhưng Chúa muốn các Tông Đồ đừng quên Người luôn ở bên cạnh họ: Này đây Thầy ở cùng các con luôn mãi.12 Chúa đã cho các ngài biết như thế trong những ngày cuối đời của Người trên dương thế. Thầy đã ở với con bấy lâu nay mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Philipphê? Thiên Chúa là Đấng cho chúng ta nương cậy và sống cho quân bình. Trong việc tông đồ nơi thân nhân, bạn hữu, những người thân quen, quả thật chúng ta đã tính đến những phương tiện nhân loại, tính đến hai trăm đồng bạc, và thấy chẳng bao giờ đủ; nhưng chúng ta đừng quên Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta với quyền năng và lòng thương vô biên. Hiện giờ Chúa vẫn đang ở bên chúng ta. Những nhu cầu và khó khăn trong công việc tông đồ càng chồng chất, sự trợ giúp của Chúa Giêsu càng lớn lao. Chúng ta đừng ngần ngại chạy đến với Người.
Thánh Giacôbê là người bà con với Chúa Giêsu, được gọi là Giacôbô Hậu để phân biệt với thánh Giacôbê, anh của thánh Gioan. Ngài làm giám mục tiên khởi Jerusalem, và thực hiện công cuộc truyền bá Tin Mừng tại đó. Truyền thống cho chúng ta biết ngài là một người rất khắc khổ, nhưng đầy nhân ái với người chung quanh. Thánh Phêrô, thánh Gioan, và thánh Giacôbê Hậu được coi như những ‘cột trụ’ của Giáo Hội thời sơ khai. Thánh Giacôbê chịu tử đạo tại Jerusalem vào khoảng năm 62. Ngài là tác giả của một thư trong bộ Tân Ước.