Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ.

"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".

* Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.

Lời Chúa: Ga 6, 22-29
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV)

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Hoán cải nội tâm
Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.
Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Tại sao theo Đức Giêsu
Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp:
“Thật, tôi bảo thật các ông,
các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.
Các ông hãy ra công làm việc
Không phải vì của ăn hay hư nát,
Nhưng để có lương thực trường tồn
Đem lại phúc trường sinh,
Là thứ lương thực
Con Người sẽ ban cho các ông
Bởi vì chính Con Người là Đấng
Chính Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga. 6, 24-27)
Bài giảng về bánh hằng sống trong hội đường Ca-phác-na-um sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Đức Giêsu ở Ca-phác-na-um vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Ca-phác-na-um với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn “Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình”, mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Ca-phác-na-um.
Như thói quen, thánh Gio-an sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học: Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Đức Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Na-gia-rét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Ca-phác-na-um.
Họ cố gắng tìm Đức Giêsu là điều đáng ca ngợi, còn đáng ca ngợi hơn nữa khi họ tìm Người trong đức tin, và liên kết với Người không vì của nuôi xác nhưng vì của ăn đời đời. Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến man-na nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa-mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Đức Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Đức Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, cho bà ở Sa-ma-ri về nước trường sinh. Lúc này, Người cũng kiên nhẫn giải thích về bánh man-na dựa vào thánh vịnh 78, 24 để dẫn họ tới bánh ban sự sống đời đời. Bài diễn thuyết này có thể hiểu như một giảng đạo có ba phần: Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa (câu 32-40), bánh bởi trời: Đức Giêsu đến từ trời (câu 41-50), để làm của ăn: như bánh ăn (câu 52-58).
L.P

SUY NIỆM 3: Sự lao công đích thực
Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Một đêm nọ nhìn từ xa thấy một con đom đóm đang bay lượn, chúng tưởng là một cục than hồng. Thế là nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận để củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy. Một con chim bay qua tình cờ thấy cảnh tượng bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là một con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi. Một lần nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh con đom đóm.
Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học mà câu chuyện ngụ ngôn trên đây muốn ngỏ với chúng ta.
Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh hướng dẫn và cũng cố chúng ta trong niềm tin ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4:
Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,
nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,
đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,
vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.
Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,
đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.
Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.
Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.
Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.
Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,
và đây là cái đói của thân xác.
Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,
vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.
Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.
Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.
Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,
mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,
chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.
Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,
đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập.
Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.
Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói
chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).
Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.
Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).
Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,
nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,
vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, noi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
noi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ Hai: Ga 6, 22-29
Thứ hai 01/05/2017 – Con ông thợ mộc.
01/05 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ.
"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"

* Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.

Lời Chúa: Mt 13, 54-58
"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

SUY NIỆM 1: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn
"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

SUY NIỆM 2: Thánh Giuse: người lao động.
“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin... Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi...
Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thaoị như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì; chỉ biết tỉnh dậy vâng lời Giouse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David... đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình... vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng. Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan Israel ngủ trong cánh đồng, lúa về ban đêm... thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt...”.
L.P
Thánh Giuse Lao động

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có Thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: Như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.(Chương III số 34)

1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình.
Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.
Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.
- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?
Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.
- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi xôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.
Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành huơng lên tiến hỏi.
- Ông đang làm gì đó?
Nguời đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:
- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường
Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.
Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: Người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!

2. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.
Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.

Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:
- Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?
- Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.
Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?
- Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.
- Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?
- 30 quan, em nghĩ vậy.
- Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?
- Má em ư? - em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!
Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.
Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.

3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.

Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha Ta và Ta hằng làm việc và làm việc không ngừng” (Ga 5,17).
Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.
Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.
Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.