Dân Chúa Âu Châu

Ðường chân lý.

Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay.

"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"
Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV)

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Ðường chân lý
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: "Giận mất khôn", người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý và là nguồn sự khôn ngoan. Xin ban cho con một trí óc luôn bình tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư, để con có thể nhận xét mọi người mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với Chúa. Xin cho con cũng biết tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Sống theo Chúa.
Có người hỏi chị Lubich: “Làm sao chị có thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn những người theo cùng một linh đạo?” Chị mỉm cười trả lời: “Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Chúa từng giây phút và nếu tôi sống theo Chúa thì những người khác sẽ theo tôi”.
Bí quyết sống của chi Lubich thật ra được gợi hứng từ nếp sống của chính Chúa Giêsu. Ngài đã không nói suông, nhưng đã hành động, đã thi ân cho những ai thành tâm, tìm đến với Ngài. Ngài đã sống điều Ngài giảng dạy và luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài đã như nài nỉ những kẻ không tin Ngài rằng: “Nếu các người không thể tin những lời Ta nói thì ít ra hãy tin những việc Ta làm”.
Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do Thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa, họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người, do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn khi dám xưng mình là Thiên Chúa. Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ vui lòng với những gì đang làm, họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi.
Người Kitô chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa và những gì liên hệ đến Ngài.
Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã nhắn nhủ: “Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi người khác dâng hiến. Đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đó là trách nhiệm của người kitô hữu; không được làm ngơ để người khác ném đá Chúa… Mỗi phút giây, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Bị dồn vào chân tường
Người Do-thái lại lấy đá ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi”. Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một việc phạm thượng: Ông là người thường mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga. 10, 31-33)
Một ông bạn nói, khi bị dồn vào chân tường thì chưa chắc đã xấu. Câu nói hóm hỉnh đó tiết lộ một kinh nghiệm nội tâm đặc biệt. Người ta có thể hiểu dễ dàng rằng toàn diện con người ông sẵn sàng sống với mọi biến cố.
Chính con người khi hoàn toàn bị dồn vào chân tường và thấy bất lực trước những biến cố, thì ý nghĩa của những biến cố đó giúp chúng ta thoát khỏi ngõ bí. Ai không sống trải qua cái cảm giác cùng cực và đối diện kinh khủng trước cái chế diễu của người thân yêu, của người tình tự tử hay một sự im lìm nặng nề, thì đó có phải là người của Thiên Chúa không?
Chính trong những lúc đặc biệt đó, chúng ta cảm nghiệm được sự nghèo khó tột độ thực sự của con người chúng ta. Người ta có thể muốn từ chối sự yếu đuối của mình, điều đó thường dẫn đến thất vọng, trái lại, người ta có thể biến nó thành bàn nhảy nhảy vọt tới hy vọng như lời thánh Phao-lô nói: “Chính lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2Cor. 12, 10).
câu nói trên theo kiểu loài người, thì người ta phải kêu lên là nghịch lý. Nhưng theo ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thì người ta có thể nói: “Đấng thấu suốt tâm can tôi. Chính Ngài tôi phó trót mọi nỗi khúc mắc của tôi”. Vì “cái điều điên dại trước mắt kẻ lý trí, lại trở nên khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa”.
Khi chúng ta khiêm nhường nhận ra sự nghèo khó của chúng ta và dâng sự khổ đó lên Đấng toàn năng, thì đó là cách diễn tả chân thực về nhu cầu cần thiết của chúng ta phải trông cậy vào Thiên Chúa. Chính nhờ thế, Thiên Chúa có thể hành động giúp chúng ta. Chúng ta chẳng có thể cho mình giàu, nhưng ước mong nên giàu nhờ Thiên Chúa ban.
Mùa chay kêu mời chúng ta ăn năn trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đợi chờ mỗi người chúng ta trở về với Ngài, với con tim khó nghèo. Muốn thực hiện được như vậy, có cần phải bị dồn vào chân tường không?
C.G
Suy niệm 4:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.