Dân Chúa Âu Châu

Thứ Bảy 04/02/2017, thứ 7 tuần 4 TN - Chính anh em hãy lánh riêng ra
“Chính anh em hãy lánh riêng ra”
(Mc 6, 30-34)

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.

31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

***

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy niệm 1

Khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm (nghĩa là dùng nhị quan nhìn và nghe, và nếu có thể, áp dụng ngũ quan : nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng) hình ảnh các môn đệ ngồi chung quanh Đức Giê-su :

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su.

Ngài sai các ông đi, và bây giờ các ông trở về tụ họp chung quanh Thầy của mình. Hình ảnh thật đẹp của sự hiệp nhất : Thầy là điểm khởi và là điểm tới, Thầy là trung tâm qui tụ, nghĩa là các môn đệ hiệp nhất với Thầy, và hiệp nhất với nhau ở trong Thầy. Sự hiệp nhất mà chúng ta được gọi kinh nghiệm và làm chứng, vì hiệp nhất là dấu chỉ của Tin Mừng, của Đức Ki-tô đang hiện diện ; thực vậy, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Cha : « Xin cho họ nên một như chúng ta là một ».

Khi chiêm ngắm, chúng ta hãy cảm nếm và để cho mình được đụng chạm bởi bầu khi thân mật, chia sẻ và hiệp thông. Và bầu khí này cũng là mẫu mực của bầu khí của mọi nhóm, cộng đoàn, gia đình. Đến qui tụ quanh Đức Giêsu, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất với nhau. Trong đời sống cộng đoàn, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, cả nhóm cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ hoa trái của kinh nghiệm lắng nghe và gặp gỡ Chúa là một dấu chỉ của sự hiệp nhất, được tác tạo bởi chính sự hiện diện của Chúa ngang qua Lời của Ngài.

* * *

Tiếp đến, chúng ta hãy lắng nghe các Tông Đồ, chắc cũng « lao xao » như khi các nhóm chia sẻ, nhận ra và cảm nếm những cảm xúc rất đa dạng diễn ra trong lòng các ông :

Các ông kể lại cho Ngài mọi việc các ông làm và điều các ông dạy.

Khi lắng nghe, chúng ta có thể tự hỏi : các môn đệ kể lại những gì và trong tinh thần nào ?

Chắc chắn không phải là báo cáo thành tích để được Thầy thưởng công và để được các bạn nể phục ; và chắc cũng không phải là trình bày mọi sự cho Thầy và anh em để được lượng giá và góp ý.
Có lẽ đó là bầu khi chia sẻ, như khi chúng ta chia sẻ với nhau và tin rằng có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Bầu khí của chia sẻ là lắng nghe, cảm thông và hiểu biết nhau trong tình mến.
Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu những lời của các môn đệ ở một mức độ khác : các ông trao lại cho Thầy tất cả những gì mình đã làm và đã nói, những gì thuộc về mình. Cả nhóm vây quanh Thầy với tâm tình của Kinh Dâng Hiến: « Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây, con xin dâng lại Chúa tất cả. Mọi sự đều là của Chúa ».
Điều là lạ lùng là chính khi trao lại, từ bỏ quyền sở hữu, như lời Chúa nói, chúng ta sẽ nhận lại được, và nhận lại gấp trăm. Còn khư khư giữ lấy, thì sẽ không sinh hoa kết quả, và rốt cuộc sẽ mất luôn cái mình có. Chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày như thế đó ; được sai đi và đến tối trở về bên Chúa với tâm tình của Kinh Dâng Hiến : « Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả ; tất cả đều là của Chúa ».

Chúa đón nhận tất cả, vì Chúa nhìn ra chuyển động của con tim hơn là những thành tích, những công việc được thực hiện hoàn hảo. Vì thế Ngài không xét đoán, nhưng mời gọi các môn đệ đi nghỉ ngơi nơi thanh vắng. Chúa mời gọi các ông đi nghỉ ngơi ngay lúc người ta lui tới tấp nập. Cảm nếm sự dịu dàng của Chúa và cả sự tự do của Ngài nữa trước áp lực của đám đông.

* * *

Chúng ta hãy dõi theo con thuyền vội vàng rời bến, rồi êm ả trôi trên mặt hồ, hướng về bờ bên kia, vì ở đó có nơi thanh vắng. Nhưng rút cục, Thầy nói các môn đệ đi nghỉ, hay ít nhất là tạm nghỉ, còn Chúa thì tiếp tục làm việc, có thể nói, ngài « gánh » việc cho các môn đệ. Và sau này, với mầu nhiệm Thập Giá, Người gánh hết, vác hết « nặng nợ » cho mỗi người và loài người chúng ta ; chúng ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng ở nơi Đức Giêsu là như vậy (x. Mt 11, 28-30).

Hãy chiêm ngắm đám đông tìm cách đi theo thuyền của thầy trò Giêsu, họ từ các nơi khác nhau, đi đường bộ, đến trước cả con thuyền, chen lấn, lộn xộn : « họ như bầy chiên không người chăn dắt ». Họ đi tìm gì ? Nhưng dù họ đi tìm gì đi nữa, Đức Giêsu cũng chạnh lòng thương và ban Lời Thiên Chúa cho họ.

Lời Chúa vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày để tiếp tục sáng tạo chúng ta và nhất là tái sinh chúng ta cho sự sống mới và gia đình mới, Gia Đình Hiệp Nhất của Vị Mục Tử Nhân Lành, là Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2:

Chúng ta biết là các môn đệ vừa trở lại Capharnaum kháo với Chúa về những việc làm và thành quả của học trên đường chập chững truyền giáo. Họ có nhiều điều phải bàn hỏi, phải tính toán. Nhưng Chúa bảo thôi, đi ra khỏi vùng đất Hêrôdê Antipas cai trị đã (Mt 14,13) vì ông đã bắt đầu dòm ngó dò xét. Cho nên Chúa muốn cùng các môn đệ đi sang miền thuộc quyền Philip, có lẽ là vùng Betsaida-Julia tương đối ôn hòa hơn (Lc 9,10). Họ ra đi như thế cũng là để nghỉ ngơi lấy sức nữa.

Từ Caphanaum đi Betsaida chỉ 140 cây số nên khi dân chúng thấy Chúa lên thuyền họ hiểu ý và đi bộ đón đường. Khi thuyền Chúa tới nơi thì dân chúng cũng tới đó rồi. Trông thấy dân chúng đông đảo, Chúa động lòng thương xót quên cả việc nghỉ ngơi của mình và các môn đệ. Cho nên Chúa lại bắt đầu tiếp tục giảng dạy lâu giờ, Chúa giảng dạy như thế chỉ vì tình thương. Chúa Giêsu thương hết mọi người, thương 99 chiên lành cũng như một chiên lạc (Lc 15,1). Chúa làm mưa nắng trên kẻ lành người dữ (Mt 5,45)

Chúng ta biết rằng sau khi nguyên tổ phạm tội, tất cả nhân loại chìm đắm trong tội lỗi... thì chính động lực duy nhất là tình yêu đã làm Chúa lận đận từ Trời xuống thế cứu vớt từng con chiên, kêu gọi từng đứa con hoang đàng trở về nhà Cha. Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại đến nỗi thí mạng sống mình vì họ (Ga 10,15). Còn tình yêu nào cao vời hơn tình yêu này nữa không? (Ga 15,13).

Thường thường ai cũng thế, một anh hùng dân tộc chẳng hạn. Họ chết là chết cho phe mình, chứ không ai dại gì chết cho kẻ nghịch với mình. Nhưng đây, Chúa Giêsu lại chết cho kẻ Ngài yêu và cả những ai không yêu Ngài, ghét Ngài.

Trước khi tắt thở trên Thánh Giá, Chúa phán: “Ta khát” (Ga 19,28): Chúa khát các linh hồn và Chúa vẫn còn khát khao như thế. Mỗi linh hồn còn quí giá hơn mọi châu báu ngọc ngà. Hồi còn ở trần gian, Chúa đã từng ví các linh hồn đáng quí như một mùa lúa chín (Mt 9,37-38). Mùa lúa chín là mùa của sự sống vươn lên. Lúa chín thì người ta phải lo tính toán gặt hái cho mau, để lâu lúa lên mộng, sợ chim trời, chuột bọ, trộm cắp, bão tố... làm hư. Mỗi hạt lúa chín là một linh hồn. Mỗi hạt lúa là một linh hồn. Mỗi hạt lúa là một hạt mồ hôi. Mỗi linh hồn là một giọt máu thánh của đồi Canvê, của Thánh lễ.

Để diễn tả tình thương này nữa, Chúa Giêsu đã dùng thêm hình ảnh gà mẹ túc gà con dưới cánh (Mt 23,37). Con gà mẹ túc con lại khi nó kiếm được mồi cho bầy con. Con gà mẹ túc con lại mỗi khi gặp diều hâu, mà thân mẹ hy sinh chiến đấu, thà mẹ khổ chứ đừng để bày con mồ côi. Gà mẹ túc con khi chúng đi lạc và mỗi chiều khi về đi ngủ. Gà mẹ là hình ảnh của chính Chúa, Chúa từ trời đi gọi chúng ta nơi trần thế, đã hy sinh mạng sống Ngài để đưa chúng ta thoát ách tội lỗi mà về với Thiên Chúa Cha trên trời. Còn hình ảnh nào dễ cảm động cho bằng hình ảnh của một bày chiên (Mc 6,34). Chiên cần có chủ chăn mới có nước có cỏ, nơi chốn nghỉ ngơi, tránh trộm cắp, sói rừng... Chúa nói “Ta là Chúa chiên lành. Ta hiến mạng sống mình vì đàn chiên”

Đã hơn hai ngàn năm nay, tình thương của Chúa đã lôi cuốn không biết bao nhiêu người về với Chúa. Không có một nhân vật anh hùng nào trên thế giới được đông đảo người yêu mến như Chúa Giêsu.

Có một minh tinh kia được cả triệu người hâm mộ, đi đâu là báo đăng, là chụp ảnh, là quay phim, cắt tóc kiểu nào. Lập tức bao nhiêu người cắt theo trong ngày ấy. Thí dụ M. Monroe, Bardot, nhưng đến khi Moroe chết thì người thân yêu nhất đưa xác là chiếc xe tang của thành phố với một con chó đi theo sau, không còn ai đi sau nữa? Còn Chúa Giêsu, sau Ngài, hơn 20 thế kỷ, vẫn có những thánh đồng trinh, tử đạo và biết bao nhiêu tín hữu vẫn tiếp tục yêu, người yêu cứ tăng lên mãi. Xin Chúa cho chúng ta hiểu được Chúa yêu chúng ta để chúng ta yêu Chúa mỗi ngày một hơn.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hăng hái lên đường nhưng cũng không quên lắng lại trong thanh vắng. Sự thanh vắng tách biệt khỏi những ồn ào xáo trộn; sự thanh vắng kết hiệp với Chúa cách thân tình và sâu thẳm; sự thanh vắng nuôi lớn đời con trong cầu nguyện, khiêm tốn để không bị cám dỗ ham danh lợi thế trần, để con nhìn thấy ơn Chúa qua tất cả mọi hoạt động tông đồ của con. Xin cho con có được tâm tình như Chúa với một con tim luôn rộng mở để yêu thương hết mọi người.

Suy niệm 3:

Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.

Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mệt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.

Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.

Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.