Dân Chúa Âu Châu

Phó thác cho Chúa của mùa xuân.

Thứ Bảy tuần 3 thường niên – MỒNG MỘT TẾT ĐINH DẬU.
"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".

Lời Chúa: Mt 6,25-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?" Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Việc gì phài lo, có Chúa an bài – Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Trong muôn loài được Thiên Chúa dựng nên, con người là hình ảnh Chúa. Do đó, con người có nhiều đặc ân mà không loài nào trên trần thế có thể so ví với con người. Loài người có suy tư, suy nghĩ và tư duy biết phán đoán, ưu tư, quan tâm đến người khác và quay lại với chính mình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, Ngài luôn yêu thương săn sóc, lo lắng, quan phòng. Hoa huệ ngoài đồng, chim se sẻ Chúa cũng còn quan tâm huống chi con người. Chính vì thế, Chúa nói: ”…Cha trên trời thừa biết anh em cần những gì ?…”.
CHÚA NÓI ĐỪNG QUÁ LO LẮNG NHỮNG CÁI PHÙ PHIẾM: Nghĩ cũng nực cười khi con người hết thế hệ này qua thế hệ khác, chẳng có gì mới mẻ, vẫn cứ ngựa y đường cũ nghĩa là cứ đầu tắt mặt tối lo lắng cơm, gạo, bạc, tiền vv… Có người suốt đời cơm vẫn thiếu, áo vẫn không đủ mặc ấm. Tại sao lại như vậy ? Nghĩ cũng buồn và cười ra nước mắt, thật là thê lương. Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng của thánh Matthêu 6, 25-34, Chúa nói: ”Đừng lo”. Con người là loài thụ tạo cao hơn mọi loài Chúa dựng nên. Hoa huệ đẹp ngoài đồng mà vua Salomon tuy vinh sang như thế nhưng cũng không mặc đẹp như đóa hoa đó. Con chim se sẻ, Chúa cũng nuôi. Hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin (Mt 6, 30). Loài người, con người họa lại hình ảnh vô song, toàn mỹ của Thiên Chúa. Do đó, con người được Chúa quan phòng, lo toan vì họ trọng hơn hoa, quí hơn muông thú. Ngài quan tâm đến từng nhu cầu của mỗi người theo cách thức tế nhị nhiệm mầu cao sâu của Ngài. Thánh Phaolô đã viết rất chí lý rằng: ”Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào !… Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen.” (Rm 11, 33-36).
CỨ TIN TƯỞNG, KÝ THÁC CHO CHÚA: Thánh vịnh 13 có câu: ”Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Chúa bảo “đừng lo”, không có nghĩa Chúa nói chúng ta lười biếng, ỷ lại, không chịu làm việc, đừng lo cho nhu cầu thể xác và trần thế này. Chúa không hề nương chiều con người, cũng như ủng hộ cho những con người lười biếng, liều lĩnh. Thánh Phaolô đã từng nói:” Không làm việc thì đừng ăn…”. Đúng sự đời là như thế, con người quả tuyệt vời vì có lý trí để suy luận, có đạo đức để biết phân biệt điều phải, điều ác, điều ngay, điều gian và có hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Loài chịm, loài thú, chúng ta cứ tưởng chúng không vất vả, kỳ thực ra chúng vất vả nhiều, chúng phải bay đi hoặc đi xa để kiếm mồi, kiếm thức ăn nuôi sống…Loài hoa, loài cây cũng phải nhờ rễ đâm sâu, nhờ hút nước ở dưới đất, nhờ hấp thụ sương, mặt trời vv…Con người Chúa luôn khuyên nhủ hãy phó thác, nghĩa là hãy để tâm hồn bình an, đừng bôn ba quá đáng, đừng lạc quan đến bất cần, nhưng “ Hãy lấy Chúa làm niềm vui…Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”( Tv 36 ). Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê 4, 4-8 cũng đã viết :” Anh em đừng lo lắng gì cả…”.
Tết là dịp để con người dừng lại, chiêm ngắm những kỳ công hết sức tuyệt vời của Thiên Chúa: chim chóc, thú rừng, cây cỏ, hoa lá vv… ngắm lại chính bản thân của mình: “ Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Giavê”. Và đã là hình ảnh của Thiên Chúa, con người sẽ sống sự sống của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa vĩnh cửu, trường sinh. Do đó, sự phó thác luôn là cần thiết của mọi người…
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa. Amen.

SUY NIỆM 2: Phấn đấu tạo mùa xuân – TGM. Ngô Quang Kiệt
Mùa Xuân là màu của hoa. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Ngày Tết mà thiếu hoa sẽ mất đi rất nhiều vẻ đẹp đẽ vui tươi.
Tại Việt nam, hai loại hoa tiêu biểu cho ngày Tết là mai và đào. Trong Nam, mai rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ. Ngoài Bắc, trong cái buốt giá của mùa Đông kéo dài, những cành đào tươi thắm chen giữa đám lộc non xanh biếc là một cánh thiệp báo tin vui mùa Xuân đến.
Nhìn những cánh hoa tươi thắm như đang cười đùa với nắng Xuân, mấy ai nghĩ rằng những cánh hoa kia đã phải trải qua một quá trình phấn đấu gian nan.
Thật vậy, trước khi mùa Xuân đến, những cây đào trơ trụi như những xác chết không hồn. Những cây mai cũng bị tuốt sạch lá để trơ những cành khẳng khiu nom đến tội nghiệp.
Nhưng ai đã trồng hoa đều có kinh nghiệm là càng tuốt sạch lá càng có nhiều hoa. Chính những thân cây khẳng khiu trơ trụi ấy đã góp phần làm nên những bông hoa tươi đẹp trang điểm cho mùa Xuân, đem niềm vui đến cho con người, trở thành dấu hiệu của hạnh phúc, của thành công.
Mùa Xuân, ta thường chúc nhau thành công, hạnh phúc. Đã thấy những cành cây trơ trụi mùa đông, rồi nhìn những bông hoa rực rỡ hôm nay, tôi hiểu rằng thành công và hạnh phúc ta đạt được cũng phải trải qua những phấn đấu như loài hoa. Để đạt được những thành công thiêng liêng và hạnh phục vĩnh cửu, ta càng phải noi gương loài hoa mà phấn đấu rất nhiều.
Phấn đấu loại bỏ những gì xưa cũ. Nếu những cây hoa không chịu tước bỏ lớp lá cũ già nua xấu xí thì làm sao có được những cánh lá non mơn mởn và nhất là làm sao có được những nụ hoa lộng lẫy vào mùa xuân?
Tương tự như thế, muốn đời sống thiêng liêng sinh hoa kết quả, ta cũng phải từ bỏ những gì xưa cũ trong bản thân. Những gì xưa cũ là những gì không phù hợp với Phúc Âm, những gì ngăn cản ta tiến bước như thói lười biếng, thói giận hờn ganh ghét, thói ích kỷ, thói chia rẽ bất hoà, thói tự kiêu tư đại.
Phấn đấu dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mùa đông, người làm vườn tuốt lá, tỉa cành để khi mùa đến, nhựa cây phong phú không phải tốn phí nuôi dưỡng những chiếc lá già nua, những cành cây thừa thãi vô bổ, nhưng dồn hết sức sống cho hoa, cho lá mới. Nhờ thế hoa càng thêm tươi, lá càng thêm xanh.
Con người cũng thế, muốn thành công và hạnh phúc, phải loại bỏ những gì tiêu phí năng lực, để dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mục tiêu chính của ta là tập luyện lòng mến Chúa yêu người, là sống theo Tám mối phúc thật. Chuyên tâm vào mục tiêu chính, ta sẽ dễ thành công.
Sau cùng, phải phấn đấu vượt qua mọi gian khổ. Khi tuốt lá những cây mai, tôi thầm nghĩ: Nếu cây mai biết nói, chắc nó sẽ kêu lên đau đớn. Tuốt lá, tỉa cành làm cho cây đau đớn, mất mát, xấu xí khó coi. Nhưng chính nhờ vượt qua được những gian nan thử thách ấy mà cây hoa mới đạt đến mùa xuân tươi đẹp đem hương sắc cho đời.
Để loại bỏ những gì xưa cũ và dồn hết năng lực vào mục tiêu chính, con người cũng phải phấn đấu rất nhiều. Phấn đấu từ bỏ mình. Không hành động theo bản năng, dục vọng. Không hành động theo ý riêng. Chỉ tìm thánh ý Thiên Chúa. Những phấn đấu từ bỏ mình làm cho ta đớn đau. Nhưng chính những đớn đau đó góp phần tạo nên mùa xuân tươi đẹp.
Năm Mới, tôi cầu chúc tất cả anh chị em được nhiều ơn chúa để có sức phấn đấu, tạo nên một mùa xuân tươi đẹp cho gia đình, cho đất nước và cho nước Trời.

SUY NIỆM 3: Hạnh phúc
Trong giờ phút giao thừa, nghĩa là trong lúc năm cũ sắp qua đi, nhường bước cho năm mới, chúng ta hướng về Đức Kitô, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời, đồng thời trao phó cho Ngài vận mạng của chúng ta, của loài người và của cả vũ trụ. Chúng ta phó thác cho Ngài cuộc đời và những dự phóng của chúng ta: Tất cả những gì chúng ta đang thực hiện và muốn tiếp tục hoàn thành, tất cả những gì chúng ta muốn làm nhưng chưa muốn hay chưa dám kởi công, cũng như tất cả những gì mới chỉ là những mơ ước, những nguyện vọng. Chúng ta phó thác cho Ngài tất cả mọi người thân yêu, bè bạn.
Chúng ta xin Ngài bảo đảm cho những lời nguyện chúc của chúng ta được trở thành sự thật. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải biết noi gương Chúa Giêsu, nghĩa là đừng chỉ chúc suông cho nhau hạnh phúc mà phải thực sự chia sẻ hay ít ra nếu chúng ta chưa có hạnh phúc để chia sẻ, thì cũng biết cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho nhau.
Chúng ta đừng chỉ chúc hay hứa cho nhau hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, tuy đó là hạnh phúc thật nhưng có lẽ vẫn còn xa. Chúa không chỉ hứa cho chúng ta hạnh phúc thật đời sau, nhưng đàng khác, Ngài cũng không muốn chúng ta phải khổ cực ở đời này, hay là muốn chúng ta mua sắm hạnh phúc tương lai bằng cách trả giá quá đắt là những đau khổ hôm nay.
Thiên Chúa là Cha của chúng ta ngay từ bây giờ, ngay hôm nay, chứ không là người Cha của tương lai mà thôi. Vì thế, Ngài muốn chúng ta ngay từ hôm nay phải được hạnh phúc. Chỉ có điều là hạnh phúc đó, hạnh phúc của hôm nay, hạnh phúc tại đời này cũng chỉ có thể xây dựng bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự nhọc nhằn, thậm chí bằng đau khổ. Thế nhưng, tình yêu sẽ làm vơi bớt đau thương và còn có thế biến đổi gánh nặng của chúng ta thành nhẹ nhàng êm ái.
Một cách cụ thể, chúc cho nhau được hạnh phúc trong ngày đầu xuân, không nên chỉ là phát biểu trên đầu môi chót lưỡi, mà là tự thâm tâm, tự đáy lòng, chúng ta cam kết đem lại hạnh phúc đó bằng cách quyết tâm sống đơn sơ, nghèo khó, hiền từ, biết xót thương, biết sẵn sàng chịu đau khổ vì Chúa, vì anh em đồng loại.
Chúng ta không thể cầu chúc cho nhau hạnh phúc, nếu cứ tiếp tục sống ích kỷ, để mạc anh em phải đói khổ. Chúng ta không thể cầu chúc cho nhau được hạnh phúc, nếu cứ tiếp tục sống tàn bạo, độc ác, hay sống bất chính, bất công với một tâm hồn khô cằn sỏi đá, chẳng biết xót thương. Chúng ta không thể chúc cho nhau được hạnh phúc, nếu không sẵn sàng chịu gian khổ để giúp đỡ, giải thoát họ khỏi tình trạng đói nghèo, khỏi cảnh bị bóc lột, hay không tìm cách gỡ họ ra khỏi cảnh chia rẽ và thù oán.
Đừng để những lời giả dối thốt ra từ môi miệng chúng ta trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Trái lại hãy đem trót cả tâm tình mà cầu chúc cho nhau biết đón nhận hạnh phúc mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đem lại cho chúng ta.
Lời cầu chúc đầy ý nghĩa nhất đối với người Kitô hữu đó là cầu chúc cho nhau biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, và đó chính là chiếc chìa khoá đem lại cho mỗi người hạnh phúc đích thực.

SUY NIỆM 4: Sự nhạy bén của trái tim
(Đức cha Gioan B. Bùi Tuần tại nhà thờ chính tòa Long Xuyên Xuân Giáp Tuất 10/02/1994).
Tết Giáp Tuất này, chúng ta đang chứng kiến nhiều vẻ đẹp mới. Trong số những vẻ đẹp mới ấy, có một vẻ đẹp đang lôi kéo chú ý của tôi một cách đặc biệt. Bởi vì nó đang gây nhiều ảnh hưởng tốt đến nền đạo đức con người chúng ta.
Vẻ đẹp mới mà tôi muốn nói ở đây, đó là sự nhạy bén của trái tim nơi nhiều người.
Thực vậy, bao người chúng ta đã bén nhạy nhận ra những ơn Chúa ban cho mình. Trong một vòng quay trái đất, ta đã lãnh nhận vô số ơn lành. Mỗi ơn lành được coi như một nén bạc, Chúa trao cho ta để sinh lời (Mt 25,14-17). Nén bạc mà Phúc Âm ám chỉ, không những là những may mắn, mà còn là những rủi ro. Đối với người nhạy bén, may mắn trở nên dịp để thành công, và rủi ro trở nên dịp để thành nhân.
Hôm nay, ta đặt những kết quả ấy trên bàn thờ lòng ta, như một mâm trái đầu xuân nhiều màu sắc, nhiều hương vị, biểu tượng cho sự xum xuê kết tụ, để dâng lên Chúa nhân lành.
Rồi bao người chúng ta cũng đã nhạy bén nhận ra tiếng Đức Kitô giữa cuộc sống xô bồ. Ngài gọi ta từ lương tâm ta, từ những biến cố vui buồn, từ những người xung quanh, từ Giáo Hội, từ các lời Kinh Thánh. Trong suốt 12 tháng qua, hầu như mỗi ngày, Đức Kitô không ngừng nhắc nhở ta nhớ “Ngài là Đàng, là Sự Thực và là Sự Sống” (Ga 14,6). Qua những nhắc nhở như thế, ta đã nhận ra “Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót” (Lc 6,36) là Đấng chăn chiên tốt lành luôn chăm sóc các con chiên (Ga 10,11-16).
Trước tình thương bao la ấy, hôm nay ta đặt tâm tình dâng hiến và hy sinh của ta vào lửa mến trái tim ta, như những bó hương cháy toả ngày xuân, biểu tượng cho sự từ bỏ mình, để gắn bó với Chúa là suối nguồn cứu độ.
Rồi, bao người chúng ta cũng đã bén nhạy nhận ra công ơn của các ân nhân xa gần. Ta sống với người khác và nhờ người khác. Người khác là tổ tiên, cha mẹ gia đình, là bạn bè lối xóm, là đồng bào quê hương. Ân nhân vô danh nhiều không kém ân nhân ta biết. Nếu không có họ phục vụ, đỡ nâng, ta sẽ không có mùa xuân hôm nay. Nếu ta là mùa xuân của họ, thì chính họ cũng đã là mùa xuân của ta.
Họ là những người Chúa gởi đến đời ta để làm chứng rằng họ đã thực hiện lời Chúa dạy: “Thầy cho các con một điều răn mới, là các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Gioan 15,12).
Trước công ơn của họ, hôm nay ta gởi về họ những bông hoa thiêng liêng, cạnh những chậu hoa xuân, biểu tượng cho tâm tình biết ơn, mến yêu và trân trọng.
Tết này, người ta đang nói nhiều đến sự nhạy bén. Phải nhạy bén trong kinh tế thị trường. Phải nhạy bén trước cảnh làm ăn cạnh tranh thời hậu-cấm-vận. Phải nhạy bén, để không bị hụt hẫng, thua thiệt. Phải nhạy bén, để kịp đà thăng tiến.
Riêng tôi, nhìn về phạm vi đạo đức, tôi cũng thấy rằng: Sang năm mới, phải nhạy bén để bảo vệ đức tin và nền đạo đức. Phải nhạy bén để nắm bắt cơ hội truyền giáo.
Trong thông điệp “Chân lý sáng ngời” (6/8/1993), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho biết: Nhiều dân tộc trước đây có một đời sống đức tin phong phú, nay đang bỏ đạo. Không những họ mất đức tin, mà họ cũng đang đi xuống trên con đường luân lý (số 106). Sự kiện trên đây do Đức Thánh Cha thông báo, nên được chúng ta đón nhận như một lời báo động, để chúng ta biết nhạy bén hơn trong các vấn đề đức tin và luân lý.
Đó là mong ước của tôi ngày đầu xuân mới. Đó là điều tôi nguyện cầu những ngày đầu năm. Với tâm tình trên đây, tôi xin thân ái chúc anh chị em một năm mới tốt đẹp.

1. ĐẦU NĂM HÁI LỘC
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Ngày Tết Nguyên Đán là thời gian quan trọng nhất trong năm, được coi như ngày thánh, con cái dù ở nơi xa cũng cố gắng trở về sum họp dưới mái gia đình để ăn Tết. Giao thừa là lúc mọi người phải có mặt đầy đủ để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ được mọi sự lành trong cả năm mới.

Ngoài ra, người ta còn kiêng cữ trong cách sống, không dám nói hoặc làm một điều gì sai trái để tạo ra xúi quảy cho cả năm.

I. LỜI CHÚC TẾT ĐẦU NĂM

Trong những ngày đầu năm, người ta cầu chúc nhau rất nhiều điều cao quí, rất đa dạng, tùy theo từng hoàn cảnh. Thường người ta chúc nhau : phát tài phát lộc, bách niên giai lão, buôn may bán đắt, thăng quan tiến chức, vạn sự như ý; hay nói một cách tổng quát người ta chúc nhau được ngũ phúc : Phú, Quí, Thọ, Khanh, Ninh.

Ngoài ra, cũng có những câu chúc có vẻ văn hoa như :

Trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc,

Vạn sự cát tường, toàn gia hạnh phúc,

Vui trong sức khỏe, trẻ trong tâm hồn, khôn trong công việc, tuyệt vời trong tình yêu.

Có những câu dài hơi hơn như :

Vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, cuộc đời như thơ, tình yêu như nhạc, coi tiền như rác, xem bạc như rơm, chung thủy với cơm, không màng chi phở.

Hoặc chúc mọi người một cách rộng rãi hơn :

Chúc mọi người một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, lời cầu chúc tốt đẹp và đầy đủ nhất vẫn là lời chúc “ Phúc. Lộc, Thọ. Phúc là mong được nhiều hạnh phúc,

Lộc là mong được nhiều của cải lợi lộc,

Thọ là mong được sống lâu mạnh khỏe.

Để tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, người ta dùng hình ảnh ba ông già.

Ông Phúc được thể hiện dưới dạng một người giầu có, nét mặt viên mãn hiền hậu, với những chi tiết về hình thể biểu lộ quí tướng như khối hình đầy đặn, tai to, mũi thẳng, hàm nở… mình mặc áo chùng, tay bồng một đứa trẻ mũm mĩm tượng trưng cho con cháu ngoan hiền.

Ông Lộc được thể hiện dưới dạng một viên quan đầu đội mũ phốc hay mũ cánh chuồn, mình khoác áo vân cẩm, dáng đứng nghiêm trang, khuôn mặt uy nghi quắc thước, bởi vì người xưa quan niệm rằng sự thành đạt của con người được thể hiện trên con đường công danh chức tước nhiều bổng lộc.

Ông Thọ được thể hiện dưới dạng một ông già hói đầu, râu tóc bạc phơ, mình mặc áo chùng, tay cầm gậy trúc, trên đầu gậy có treo mấy quả đào tiên, một biểu tượng nói lên sự trường thọ.

Hôm nay, chúng ta đặc biệt chúc nhau chữ LỘC, từ lộc vật chất đến lộc thiêng liêng, đó làLỘC THÁNH do Thiên Chúa ban cho : “Đó là Phúc Lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128,4) hoặc câu khác : “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng. Bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).

II. TỤC HÁI LỘC TRONG NGÀY TẾT

1. Tục hái lộc nơi chùa miếu

Theo tài liệu của ông Phan Kế Bính, ông Toan Ánh và ông Nhất Thanh thì sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta đi lễ chùa miếu để xin Thần Phật gia ơn độ trì cho năm mới.

Thường ai cũng mua vài nén hương để khấn vái trước bàn thờ, hoặc đông người quá thì dâng hương ở ngoài sân. Có người mua về vài ba nén hương gọi là “hương lộc” đem về cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban biểu tượng cho sự thịnh vượng.

Cũng có nhiều người không xin hương lộc, thì lễ xong ra sân vườn chùa miếu bẻ lấy một cành cây, tục gọi là “HÁI LỘC” đem về gọi là Lộc Thánh.

Tục hái lộc ở các chùa miếu ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần Phật ban cho năm mới. Cành lộc thường là một cành đa nhỏ, cành đề, cành si là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Năm mới lúc trở về có tài lộc mang theo vừa chỉ sự may lành, vừa chỉ sự vui sướng.

2. Tục hái lộc nơi thánh đường

Ngày Mồng Một Tết, ngày linh thiêng nhất trong năm, ngày cầu bình an cho năm mới. Nhiều giáo xứ tổ chức hái lộc đầu xuân.

Lộc thánh là những câu Lời Chúa được tuyển chọn trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên những cành mai vàng rực rỡ đặt trên cung thánh. Sau bài giảng, Cha chủ tế hái lộc thánh đầu xuân, rồi đến các tu sĩ nam nữ, đến đại diện các hội đoàn và đại diện các gia đình lên hái lộc.

Sau Thánh lễ, mọi người ra về mang theo niềm vui và hạnh phúc, bình an và Ơn thánh. Gia đình sum họp trước bàn thờ đọc kinh nguyện, dâng một năm mới lên Chúa và Đức Mẹ. Người cha hoặc người mẹ trịnh trọng mở lộc thánh đọc cho cả nhà nghe. Mỗi lộc thánh hợp với từng gia đình. Lộc thánh được đặt trang trọng trên bàn thờ, dưới chân thánh giá. Câu chuyện ngày Tết đi thăm nhau thường hàn huyên về lộc thánh Lời Chúa mỗi nhà.

Lời Thánh vịnh 27 nói lên niềm cậy trông : “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào, hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27).

Vững vàng tin tưởng và trông cậy vì người Kitô hữu xác tín vào lời Chúa Giêsu dạy : “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).

Không phải bây giờ người ta mới hái lộc. Từ ngàn xưa, thuở địa đàng đã có truyện con gái đi hái lộc đầu xuân rồi.

Đọc chương 3 sách Sáng thế, chúng ta thấy rõ có một cô gái đẹp ở Vườn Diệu quang, cô được hái lộc ở mọi cây, trừ cây biết lành biết dữ ỡ giữa vườn. Lộc cây ấy không phải lộc tốt mà có hại. Nhưng cô đã liều lĩnh hái lộc cây ấy và lập tức cái lộc cây ấy quật ngã cố. Đó là cô EVÀ đã hái lộc cây trái cấm. Cô đã không hái được lộc thánh mà chỉ hái được lộc của tội lỗi, độc hại. Cô đã đánh mất hạnh phúc trong ngày đầu xuân.

Nhưng bù vào đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế cứu chuộc loài người bằng Cây Thập Giá mà lộc của cây này lại đem phúc trường sinh. Lộc đây là lộc thánh ban muôn vàn ơn phúc. Cũng từ đó, Chúa lại còn ban cho chúng ta một thứ lộc quí giá nữa, đó là “Bí tích Thánh Thể”. Chúa phán : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời”.

III. HÃY TẬN HƯỞNG LỘC THÁNH CHÚA BAN

Hôm nay chúng ta không đến chùa miếu để khấn Thần Phật như người ta thường làm, mà đến nhà thờ để ca tụng Chúa là Chúa của Mùa Xuân và xin Người ban cho ta được nhiều ơn lành hồn xác. Chúng ta hãy hái lộc thánh đem về để cho cả năm Quý Tỵ này được may mắn.

Tờ Lộc thánh mà chúng tôi tặng anh chị em hôm nay là lời Chúa Giêsu đã chào thăm các môn đệ sau khi Người sống lại : “Bình anh cho các con” (Ga 20,19.26).

Cùng với tờ Lộc thánh, chúng tôi chúc anh chị em một câu thơ mà ngươi ta chúc nhau trong ngày đấu xuân, coi như món quà tặng cho nhau :

Mai vàng nở khắp quê nhà

An khang thịnh vương món quà đầu năm

“An khang thịnh vượng” cũng là một trong 5 lời chúc căn bản nhất : Phú, Quý, Thọ, Khang. Ninh. “An khang thịnh vượng” là một lời chúc từ chữ Hán, dùng để chúc nhau vào những dịp Tết hay ăn mừng tân gia..

Chữ “An” diễn tả sự bình an, yên ổn, an vui, an bình.

Chữ “Khang” diễn tả sự mạnh khỏe, tươi tốt.

Vậy chúc cho nhau “an khang thịnh vượng” là chúc cho người ta được sống trong bình an, thư thái, mạnh khỏe và phát đạt. Do đó, chúng tôi chúc anh chị em được anh bình cả hồn lẫn xác trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Sự an bình chúng tôi muốn chúc cho anh chị em không phải là anh bình nhất thời, tạm bợ mà là thứ an bình mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chúc cho loài người trong đêm Người giáng sinh :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

(Lc 2,14)

Sự bình an Thiên Chúa ban cho gồm cả hai phương diện :

– Về thể xác : an lành, may mắn, không tai họa, không chiến tranh.

– Về tâm hồn : được ơn nghĩa cùng Chúa, sống kết hợp thân mật với Người.

Điều chúng tôi cầu chúc hôm nay đặc biệt là an bình trong tâm hồn, một thứ an bình tròn đầy và vĩnh cửu. Xã hội có an bình mà lòng không có thì kể là không có an bình thực sự, và ngược lại, xã hội tuy đầy chiến tranh loạn lạc nhưng lòng vẫn được an bình thư thái.

Điều kiện muốn có an bình trong tâm hồn là phải có một tâm hồn trong sạch : “Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được xem thấy mặt Đức Chúa Trời vậy”. Ai phạm tội là chống lại Chúa, chống lại Chúa là thù nghịch với Chúa, gây chiến với Chúa, như thế làm sao có sự bình an trong tâm hồn được ?

Để kết thúc, xin chúc anh chị em được hưởng sự bình an trường cửu ngay ở đời này nếu anh chị em thực hiện Lời Chúa trong bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay : “Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,34).

Tân niên thánh đức bao ân phúc

Xuân nhật an hòa mãi phúc vinh

2. XUÂN XƯA VÀ NAY
Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Ngày đầu xuân, chúng ta cám ơn Thiên Chúa đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm.

Mùa xuân, là mùa của hội hè, của đoàn tụ, của vui chơi. Mùa xuân với không gian rộng mở để đón ánh nắng xuân, để hòa nhịp với gió xuân. Mùa xuân ai cũng muốn trải lòng mình với không gian. Ai cũng muốn hòa chung nhịp với vạn vật để trẩy hội mùa xuân. Thế nên, Mùa xuân ở đâu cũng có đám có hội. Nơi nơi đều có những hội hè, ca hát như câu thơ xưa đã diễn tả:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”

Mùa xuân còn gợi cho chúng ta những phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Xuân về những phong tục tập quán của phong bao giấy đỏ, của chợ tết, của hội hè mừng xuân dường như luôn được hiện tại hóa trong mỗi dịp xuân về. Bầu khí ngày xuân thật ấm cúng linh thiêng như bài thơ “Tết của mẹ tôi” đã diễn tả:

“… Mẹ tôi gọi cả các em tôi

đến bên mà dặn :” sáng ngày mai

các con phải dạy cho thật sớm

đầu năm năm mới phải lanh trai

mặc quần mặc áo lên trên nhà

thắp hương thắp nến lễ ông bà

chớ có cãi nhau chớ có quấy đánh đổ,

đánh vỡ như người ta

Sáng ngày mồng một sáng tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Ngày xuân người ta cũng dũ mọi lo toan thường ngày để sống thật hoan hỉ, thật vui tươi trong ngày xuân như Nguyễn Bính đã từng nói:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua

Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta.

Chín sào tư thổ là nơi ở,

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.

Trước cửa khói dày non khuất bóng,

Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa.

Các con nối chí cha nên biết:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

Mùa xuân không chỉ hướng lòng con người đến với nhau trong hội hè, đoàn tụ gia đình hay dòng tộc. Mùa Xuân còn hướng chúng ta đến Đấng tạo thành. Chính Ngài đã làm cho con tạo xoay vần có Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chính Ngài đã tô điểm cho mùa xuân thêm rạng ngời với ánh nắng lunh linh, với gió nhè nhẹ lượn quanh người. Ngài là chủ mùa Xuân. Ngài đã ban mùa xuân đến cho nhân trần. Ngài đã chúc phúc cho mùa xuân với biết bao niềm vui của hội hè đình đám. Chính Ngài đã tạo dựng mùa xuân đầu tiên nơi vườn địa đàng để Adam – Eva ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Đó là một mùa xuân bất tận. Một mùa xuân trường sinh. Mùa xuân ấy đã kết thúc khi Adam – Eva quay lưng lại với Đấng tạo thành. Vườn xuân cũng khép lại. Cỏ dại và sự dữ đã đi vào trần gian.

Thế nên, hướng về mùa xuân con người được mời gọi giữ mãi mùa xuân trong lòng mình. Một mùa xuân ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi con người sống trong ân nghĩa với Đấng tạo thành. Một mùa xuân ngập tràn yêu thương khi con người sống hòa thuận với nhau, tránh xa những đố kỵ ghen tương và cùng nhau xây dựng hòa bình. Đó chính là cách chúng ta gìn giữ mùa xuân trong cuộc đời chúng ta. Đừng như Adam đã đánh mất mùa xuân khi phạm tội quay lưng lại với Đấng tạo thành.

Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta cũng cám ơn Ngài đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm. Cám ơn Ngài đã dẵn dắt cuộc đời chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời. Một giòng đời có xen lẫn buồn vui sướng khổ. Có nước mắt và nụ cười nhưng bàn tay quan phòng của Đấng tạo hóa luôn làm chủ mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Đồng thời cũng phó dâng lên Ngài một năm mới vừa mới bắt đầu. Xin Ngài lì xì cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Một năm mới “mã đáo thành công” với bao hạnh phúc trong cuộc đời. Xin Ngài làm chủ cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Ước gì mùa xuân mãi ở lại đây trong tâm hồn chúng ta khi có Chúa đồng hành, khi trung thành với giáo huấn của Chúa. Ước gì cuộc đời chúng ta luôn tươi trẻ vì có Chúa Xuân hiện diện chúc phúc cho cuộc đời chúng ta. Amen

3. NĂM MỚI CẦU GÌ?

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Năm mới, mọi người thường trao tặng nhau những lời cầu chúc thật tốt đẹp. Một trong những lời chúc được ưa chuộng nhất đó là lời chúc: Phúc – Lộc – Thọ. Lời chúc này được tạo nên bởi một hình tượng khá rõ nét với bộ Tam Đa: ông Phúc bế đứa trẻ; ông Lộc mặc phẩm phục đeo đai, trên đầu đội mão cánh chuồn; ông Thọ, người lùn thấp, đầu nhẵn bóng trán dô lên, một tay chống gậy, một tay cầm quả đào. Cả ba ông đều có chòm râu dài bạc trắng, nét mặt hồng hào, cười tươi rạng rỡ.

Vậy, Phúc- Lộc- Thọ: Các ông là ai?

Ông Phúc là Quách Tử Nghi – Thừa tướng thời nhà Đường. Ông là một vị quan thanh liêm nên cũng nghèo. Đổi lại nhà ông ngũ đại đồng đường, con cháu đề huề. Lúc ông mất, con cháu năm đời đều có đủ.

Ông Lộc là Đậu Tử Quân, làm Thừa tướng thời nhà Tấn. Trái ngược với Quách, Đậu là quan tham, tiền của như núi nhưng khi trăm tuổi không có người nối dõi.

Ông Thọ là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng thời nhà Hán. Ông này giỏi xu nịnh, được lòng vua nên hưởng nhiều bổng lộc. Ông mang lộc vua ban mua nhiều gái đẹp làm thê thiếp, mục đích dưỡng sinh. Và cũng sống dai, trên trăm tuổi. Khi chết thì chỉ có đứa chút bốn đời lo tang ma, còn cháu chắt chết hết cả.

Ba vị đó được người Trung Quốc dựng lên ba hình tượng, không phải để thờ mà để người đời nhìn gương đó mà lựa chọn cách sống cho phù hợp. Phúc –Lộc – Thọ có lối sống khác nhau. Phúc thì tử tế, còn cầu như Lộc Thọ là cầu cái vô phúc, liệu có ai muốn không?

Xem ra lời cầu chúc “Phúc – Lộc – Thọ” đã được hiểu sang một ý khác không còn mang ý nghĩa ban đầu của hình tượng Tam Đa. Nhưng thực tế, có lộc mà không có an bình, có Thọ mà không có niềm vui cũng là điều bất hạnh cho con người. Thế nên, không cần cầu cho có nhiều tiền, không cần cầu cho sống dai mà là cầu cho có phúc được hưởng niềm vui trong cuộc sống mới là quan yếu.

Có ai đó đã nói rằng: “Ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao. Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao”. Có được niềm vui thanh cao là hạnh phúc. Đây mới là mục đích tìm kiếm của đời người. Con người sinh ra để đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là điều ai cũng khao khát, tìm kiếm suốt cả cuộc đời.

Tóm lại, Phúc – Lộc – Thọ là ước nguyện lớn nhất của mọi người. Thế nhưng, trong ba điều ước Phúc – Lộc – Thọ thì Phúc mới là điều chính yếu mà chúng ta cần cầu mong. Vì được đông con, có tiền, sống dai mà không có hạnh phúc thì cũng là những tháng ngày bất hạnh cho cuộc đời chúng ta.

Chúa Giê-su ngay trong bài giảng đầu tiên Ngài cũng nhắc đến cái Phúc của con người. Cái phúc của Chúa Giê-su không phải là con cháu đầy nhà. Cũng không phải là nhiều tiền nhiều của. Cũng không phải là sống lâu đến độ “bách niên giai lão”. Cái phúc mà Chúa mời gọi chúng ta ao ước, tìm kiếm là có Chúa ở cùng. Có Chúa làm gia nghiệp. Hay được Chúa xót thương…

Những mối phúc này hoàn toàn lệ thuộc vào sự tự do chọn lựa của chúng ta. Chọn Chúa để sống khó nghèo, thanh sạch, hiền lành, nhẫn nại, hy sinh…; Đổi lại người ấy được nhìn xem Thiên Chúa và có Chúa làm gia nghiệp đời đời.

Nhưng ở đời hôm nay người ta ít chọn Chúa khi mà nhu cầu hưởng thụ mỗi ngày một cao hơn. Người ta cần tiền để thoả mãn nhu cầu vật chất của mình lên không chịu sống khó nghèo. Có tiền người ta rải tiền trong các cuộc truy hoan trụỵ lạc. Thế nên, người ta ít sống thanh sạch. Cuộc sống luôn tất bật, bon chen, xô đẩy con người, khiến có mấy ai hiền lành, nhẫn nại, hy sinh…?

Hôm nay ngày đầu năm, chúng ta cầu chúc cho nhau một năm mới chứa chan ơn Phúc từ Trời. Xin cho chúng ta luôn là người có Phúc khi chọn Chúa làm gia nghiệp, khi chọn Chúa hơn những của cải mau qua trần gian. Xin cho chúng ta luôn tìm được niềm vui có Chúa ở cùng khi biết sống phụng sự Chúa với hết cả tấm lòng. Amen.

CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

Trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc đón mừng năm mới, chúng ta quy tụ nhau nơi ngôi nhà thờ thân thương này, để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì thật là ý nghĩa và hợp lý biết chừng nào!
Khi niềm vui của chúng ta được quyện vào tình thương của Chúa, thì niềm vui của mỗi người được trở nên trọn vẹn. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc các tín hữu của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4).
Không vui sao được, vì đối với người Công Giáo, niềm vui không chỉ dừng lại ở mùa xuân tự nhiên, mùa xuân của đất trời, hay mùa xuân của lòng người, mà niềm vui ấy còn được dâng cao để hòa quyện vào niềm vui Ơn Thánh, niềm vui của Màu Xuân Vĩnh Cửu.
1. Niềm vui khi mùa xuân tự nhiên đến
Một quy luật tuần hoàn, sau 365 ngày, đất trời lại có mùa xuân mới. Cứ thế, nó đã đi vào quy luật tự nhiên. Quả thật:“Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Xuân đến, xuân đi, xuân lại về”. Có mùa xuân, bởi vì trái đất vần xoay, nên hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông và hết đông lại sang xuân.
Đây là quy luật của Tạo Hóa, Đấng đã cho tứ thời bát tiết chuyển xoay... khi mùa xuân đến, mọi người, mọi nhà, đều được hưởng niềm vui!
Vì thế, trên khuôn mặt mỗi người đều nở những nụ cười tươi vui, hạnh phúc, vì ai ai cũng được tận hưởng mùa xuân. Niềm vui ấy không thể giữ lại cho riêng mình, vì thế, chúng ta thường trao tặng cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp. Mong cho mọi người phúc ấm bền lâu, khang an thịnh đạt, phúc, lộc, thọ...
Thật là ý nghĩa khi mỗi người đều mong cho mình và cho tha nhân được: “Tân niên thánh đức bao ân phúc, xuân nhật an hòa mãi phú vinh”.
Tại sao có được niềm vui dạt dào nơi mọi người như vậy, thưa, bởi vì tự đáy lòng, con người cũng nở rộ mùa xuân.
2. Mùa Xuân của lòng người
Nếu xuân tự nhiên nơi đất trời là do quy luật tuần hoàn, thì xuân của lòng người hoàn toàn khác, bởi nó không tự đến rồi lại tự đi, mà phải do dày công vun đắp màu xuân mới có.
Vì thế, mùa xuân nơi lòng người, mỗi người cảm nghiệm mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì vui, có kẻ lại buồn. Có người hạnh phúc, có người bất an. Có người được quây quần, có người chia ly. Có người được đoàn tụ, có kẻ bị cô đơn. Có người ấm lòng, có người lạnh tanh...
Như vậy, mùa xuân năm nay, có lẽ phải đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi mà có nhiều người xem ra thật vớ vẩn, ngẩn ngơ, đó là: tết năm nay, xuân năm nay, bạn buồn hay vui???
Nhưng nghĩ suy một chút thì phải chăng câu hỏi đó không đến nỗi hẩm hiu, nhưng nó gợi lại cho chúng ta về niềm vui, hạnh phúc có hay không trong năm mới, trong mùa xuân này!
Thật ra thì năm hết, tết đến, có người vui vì thu được nhiều tiền, buôn may bán đắt, gia đình xum họp, thêm con dâu, có con dể, đầy đủ ấm êm...
Nhưng cũng có biết bao nhiêu cảnh đời éo le! Năm mới mà nhà nghèo hơn ngày thường! Không có tiền, không có tình yêu! Cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ...!
Hay nhìn rộng ra, mùa xuân là mùa của niềm vui, của hy vọng, nhưng niềm vui đâu chẳng thấy, hy vọng có lẽ là thứ xa xỉ phẩm khi thấy quá nhiều bất công, áp bức, bóc lột, đâm chém, xì ke ma túy; đạo đức giáo dục xuống cấp, học sinh như người vô học, con cái lếu láo với cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, bạn bè phản bội nhau...
Khi suy nghĩ như thế, chúng ta thấy, niềm vui của lòng người bị giới hạn vào tâm trạng nội tâm, vì thế cảm xúc hoàn toàn khác nhau!
Tuy nhiên, với người Công Giáo, chúng ta gặp nhau ở một điểm, đó là mùa xuân tự nhiên, kết hợp với lòng người và vươn tới Mùa Xuân Ơn Thánh.
3. Màu Xuân Ơn Thánh
Nếu mùa xuân tự nhiên cứ đều đặn tuần hoàn nối tiếp: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, hay mùa xuân của lòng người phụ thuộc vào thành quả hay tâm trạng chủ quan, thì Mùa Xuân Ơn Thánh là một mùa xuân bất diệt, toàn diện và được trao tặng cho hết mọi người...
Tuy nhiên, Mùa Xuân Ơn Thánh này lại phụ thuộc vào mỗi người, nếu đón nhận thì được dồi dào, phong phú, nhưng không đón nhận thì trơ trụi, cằn khô.
Một trong những nguyên nhân khiến con người không có Mùa Xuân Ơn Thánh, đó là: tâm hồn tràn ngập tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, bất công... Những người như thế, họ luôn mang trong tâm hồn mình một trạng thái bất an, tù túng, và không chừng, linh hồn sẽ bị chết chóc, sầu thương ảm đạm!
Chỉ khi nào con người biết khôn ngoan quay trở về với Chúa, rộng tay làm phúc cho kẻ túng nghèo và lo sống một cuộc đời thánh thiện, thì sẽ được Thiên Chúa ân chúc phúc. Lúc đó, con người mới hưởng được Mùa Xuân Ơn Thánh, nói cách khác, lúc đó Mùa Xuân Vĩnh Cửu mới hiện về trong tâm hồn của con người.
Nói cách cụ thể hơn, nếu muốn cho mùa xuân trở về trong trái tim chúng ta, thì chúng ta phải thực sự trở nên giống trẻ thơ để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì Mùa Xuân Ơn Thánh chỉ đến với tâm hồn đơn sơ trong trắng mà thôi.
Khi có tâm hồn đơn sơ trong trắng, chúng ta phó thác đường đời cho Chúa, và phần còn lại, đó là chúng ta đi trong đường lối của Ngài để được dồi dào ân lộc: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Vì “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”.
Hôm nay, ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới không chỉ dừng lại ở niềm vui của mùa xuân đất trời, cũng không hệ tại lòng người, nhưng chúng ta luôn hướng lòng về Mùa Xuân Ơn Thánh – Vĩnh Cửu.
Ước mong Mùa Xuân Ơn Thánh – Màu Xuân Vĩnh Cửu luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chan chứa ân sủng và bình an trong năm mới này.
Kính chúc cộng đoàn một năm mới luôn luôn dạt dào ơn thánh, để:
“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc. Tết về cây đức trổ thêm hoa”. Amen.

NGÀY NÀO CÓ CÁI KHỔ CỦA NGÀY ẤY

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).

2. CÂU CHUYỆN: TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC

Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau:

Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt cho tôi.

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.

Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, con ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị té gãy một xương đùi thành ra què chân chịu cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà lại được phúc đó.

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân khỏi phải đi lính, nên còn sống sót.

3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện "Tái ông thất mã, an tri họa phúc" nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn? 2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?

4. SUY NIỆM:

1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới:

Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:

Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống.

Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!

Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp hơn vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.

Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng giá bao nhiêu, và loài hoa đồng nội sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc như thế, phương chi con cái loài người đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Và Đức Giê-su kết luận: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

2) Về sự quan phòng của Thiên Chúa:

Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chính đáng: Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái học hành tử tế, lo cho người nhà mắc bệnh được có tiền để khám bệnh uống thuốc, lo giá cả tiêu dùng không bị tăng vọt, lo mùa màng ngoài đồng không bị thất bát do nắng hạn, sâu rầy hay lũ lụt... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người chúng ta và đều chính đáng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:

Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).

Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường ta đang sống, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không phải đem đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.

4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:

Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Thường người ta coi tiền bạc vật chất là ưu tiên số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: "Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc". Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ biến thành ông chủ lúc nào không biết. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.

Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó chúng ta tránh thái độ thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần theo lời người xưa dạy: "Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp", hoặc : "Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối".

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: "Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu". Nhờ biết sử dụng đồng tiền phục vụ cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có sự bình an trong tâm hồn và sẽ nên chứng nhân trước mặt người đời, xây dựng một thế giới mới tốt đẹp là Nước Trời đời sau.- AMEN.

MÙNG MỘT TẾT - THÁNH LỄ TÂN NIÊN

Thưa cộng đoàn rất thân mến!
Nói đến mùa xuân là nói đến sức sống và sự sinh sôi nảy nở, nói đến niềm vui, hạnh phúc và sự an bình. Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Mùng Một Tết hôm nay đều qui hướng và làm nổi bậc lên những ý nghĩa này.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã viết: “ Từ gốc tổ Giê-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ; từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”. Mầm Non này chính là Đấng Messia, Đấng tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Ngài sẽ mang lại cảnh hạnh phúc và an bình: “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau”.
Thánh vịnh đáp ca cũng tô điểm thêm: “Triều đại Người đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời”.
Ở bài đọc thứ hai, trong thư gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô đã tiếp nối ý tưởng này qua lời khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại…Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em; vì trong một thân thể duy nhất, anh em được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó”.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cô đọng tất cả những ý tưởng trên qua lời trối hứa của Ngài, là ban Chúa Thánh Thần và ban sự bình an.
Lời Hứa Ban Chúa Thánh Thần:
Nếu đọc lại sách Sáng Thế chương 1, chúng ta sẽ thấy rằng Chúa Thánh Thần đã xuất hiện ngay từ thuở tạo thiên lập địa: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”. Thần Khí tượng trưng cho sự sống. Nhưng từ khi Adam sa ngã phạm tội thì cửa trời đã bị đóng lại, mối tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người đã bị gãy đổ. Giờ đây, khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài thiết lập lại mối tương giao này và Thánh Thần lại được tuôn đổ trên các tông đồ. Thánh Thần sẽ khai sáng mọi điều bí ẩn mà lâu nay các tông đồ chưa hiểu được. Quả thật, có Chúa Thánh Thần là có sự đổi mới trong tâm hồn. Có Chúa Thánh Thần là có sự triển nở nơi đời sống đức tin. Có Chúa Thánh Thần là có bình an và sự đơm hoa kết trái trong mọi hoạt động của người Kitô hữu.
Lời Hứa Ban Sự Bình An:
“Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến và sợ hãi”. Bình an ở đây không phải là cảm giác an toàn tạm bợ của những người đang sống một cuộc sống trưởng giả, đầy đủ sung túc về vật chất; cũng không phải là niềm vui nhất thời của những người vừa thăng quan tiến chức hay vừa đạt được thành công nào đó. Bình an mà Chúa hứa ban không phải là bình an tạm bợ và nhuốm màu của phàm trần. Bình an của Chúa là bình an đích thực, trường tồn và có giá trị cứu độ con người, tức là niềm an bình vì có ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Sự bình an kiên vững đến nỗi cho dù bước đi giữa những khó khăn và lo lắng của cuộc đời, chúng ta vẫn an tâm, vì xác tín rằng: có Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta.
Lời hứa ban Chúa Thánh Thần và bình an mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta trong ngày đầu năm mới này thật ý nghĩa biết bao. Chúng ta hãy gác lại sau lưng những lo lắng để mở rộng cõi lòng mà đón nhận bình an của Thiên Chúa.
Một năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta với bao nhiêu dự định tốt đẹp cho tương lai. Hãy trao phó tất cả cho tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy xác tín rằng, một khi chúng ta biết kính mến và tuân giữa Lời Chúa, biết đặt hết hy vọng vào Chúa, thì Thánh Thần sẽ hoạt động và làm trổ sinh dồi dào ân sủng nơi những công việc của chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa là Chúa Tể trời đất, là Chúa Tể của thời gian và là Chúa của mùa xuân, xin hãy chúc lành cho chúng con trong ngày đầu xuân và trong suốt cả năm mới này. Amen.

CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI
Xuân về muôn tiếng hoan ca
Trăm hoa đua nở ngàn nhà đều vui.
Đúng thế, vui chứ sao không vui? Người ta bảo: “Vui như ngày tết”. Ngày tết vừa vui, vừa đẹp: đẹp ở mâm cơm, đẹp ở quần áo mới, nhất là đẹp ở những bông hoa. Ngày đầu xuân, nhà nào cũng trưng bầy vài chậu kiểng, vài bình hoa.
1. Nhìn những bông hoa đẹp, ước mong mỗi người trong chúng ta hãy là bông hoa tươi, bông hoa đẹp, đừng là bông hoa xấu hay bông hoa héo. Hãy tươi ở gương mặt, tươi ở ánh mắt, tươi ở nụ cười. Nói như Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên, vui lên trong Chúa Kitô”. Đừng u buồn, bởi ông thánh buồn là ông thánh đáng buồn.
2. Và mỗi người hãy là bông hoa thật, hoa thật bao giờ cũng đẹp, cũng quý: Thật ở lời nói, thật ở việc làm. Chúa Giêsu dạy: “Có thì nói rằng có, không thì nói rằng không. Quanh co, gian dối đều bởi ma quỷ mà ra”.
3. Rồi mỗi người hãy là một bông hoa thơm, bông hoa thơm đẹp như người đời nhận xét:
“Hoa chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm cây thơm rễ, người trồng cũng thơm”
Tuổi thơ như bông hoa đẹp, bông hoa thơm, không biết giả dối. Chính vì thế, Chúa Giêsu đưa trẻ nhỏ làm mô hình, làm mẫu cho người lớn bắt chước. Ngài dạy: “Nếu chúng con không hóa nên như trẻ nhỏ, chúng con chẳng được vào nước trời”.
4. Và mỗi người trong chúng ta hãy là bông hoa cho kẻ khác. Bông hoa trên bàn thờl à để đẹp cho bàn thờ, chú không đẹp cho chính bông hoa. Con người cũng phải như bông hoa, đừng chỉ sống cho mình, nhưng hãy sống cho kẻ khác. Hãy theo gương Chúa Giêsu để biết sống cho kẻ khác. Ngài phán: “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người”.
5. Sau cùng, mỗi người hãy là bông hoa cho mùa xuân vĩnh cửu. Hoa nở rồi hoa tàn, loài hoa là thế, vì chúng là vật chất. Nhưng con người sinh ra cho mùa xuân trường tồn, là hạnh phúc thiên đàng. Hôm nay, chúng ta đang hưởng mùa xuân dưới đất, hướng về mùa xuân trên trời. Muốn hưởng mùa xuân trên trời, chúng ta phải là bông hoa đẹp, bông hoa thơm, bông hoa thật, bông hoa cho kẻ khác, bông hoa vĩnh cửu.
Vào một buổi hoàng hôn, một đoàn kỵ mã tới dòng suối, có tiếng hô: “Các ngươi hãy xuống ngựa, hãy lội xuống dòng suối, hãy cúi xuống nhặt cho nhiều sỏi đá,…”Sáng hôm sau, mọi người móc đá từ túi bỏ đi nhưng sỏi đá chính là hòn vàng. Kẻ nhặt ít hối tiếc, kẻ nhặt nhiều vinh quang. Vậy trong đời bạn, hãy tích tũy kho báu trên trời, vì Thiên Chúa sẽ trả công cho mỗi người, tùy theo việc họ làm. Kẻ gieo ít gặt ít, kẻ gieo nhiều gặt nhiều.

Lm Tôma Nguyễn Hoàng Phượng