Dân Chúa Âu Châu

KhoGiaTheo chiều hướng từ tối Thứ Năm Tuần Thánh: "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng", hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh ký Gioan, qua bài phúc âm của mình về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, một cuốn phúc âm đặc biệt liên quan đến thần tính của Chúa Kitô cũng như đến Giáo Hội Nhiệm thể của Người, ngài vẫn cho thấy một Giáo Hội, như tân Evà, xuất phát từ cạnh sườn bị đâm của Chúa Kitô Tử Giá (xem Gioan 19:34), một Giáo Hội Người "đã tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19).  

Và đó là lý do, trong cả 3 Phúc Âm Nhất Lãm và Phúc Âm Thánh Gioan, khi được hỏi "ngươi có phải là vua dân Do Thái hay chăng?" (Mathêu 27:11; Marco 15:2; Luca 23:3; Gioan 18:33), một câu hỏi có lẽ liên quan đến việc Người mới vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem với tiếng hoan hô chúc tụng vang trời của đám đông dân chúng bấy giờ "Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Hoan hô trên chốn cao sang" (Mathêu 21:9), Chúa Giêsu chỉ trả lời một cách gẫy gọn như gián tiếp chấp nhận câu hỏi của vị tổng trấn này là đúng, ở trong 3 Phúc Âm Nhất Lãm. 

Thế nhưng chỉ ở trong Phúc Âm Thánh Gioan, câu trả lời dài hơn của Chúa Kitô mới cho thấy hình ảnh về một Giáo Hội tương lai đã được Người thiết lập (xem Mathêu 16:18) và sắp sửa được hạ sinh trên Đồi Canvê, và câu trả lời của Chúa Giêsu cho vấn nạn được tổng trấn đế quốc Rôma đặt ra xem Người có phải là vua dân Do Thái hay chăng, đó là: "Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này... Thực sự là Vương Quốc của Tôi không phải là ở nơi đây" (Gioan 18:36), một câu khẳng định phản ảnh trung thực những gì Người đã xin Cha ở vào cuối Bữa Tiệc Lý cho các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội sau này: "Họ không thuộc về thế gian như Con không thuộc về thế gian" (Gioan 17:14,16). 

Bởi vậy, chiều hướng của toàn bộ phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Sáu Tuần Thánh này dường như chỉ hướng về nội bộ Giáo Hội mà thôi. Chẳng hạn ở bài đọc 2, trích từ Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái (4, 14-16; 5, 7-9) và bài đọc 1, trích từ Sách Tiên Tri Isaia (52:13 - 53:12), đều chất chứa những ý hướng một chiều này.

Trước hết, trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã nói đến vai trò thượng tế của Chúa Kitô (với vai trò thánh hóa trong nội bộ Giáo Hội) cũng như đến thành phần được cứu độ bởi tin vào Người (phần tử thuộc về Giáo Hội):

"Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi". 

"Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người".

Sau nữa, trong Sách Tiên Tri Isaia, vị tiên tri này nói đến đàn chiên (ám chỉ Dân Do Thái Cựu Ước và hướng đến Giáo Hội Tân Ước), theo chiều hướng sẵn sàng chấp nhận mọi sự vì chiên "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19):

"Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta".

"Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân".

Trong bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan còn một chi tiết nữa liên quan đến Giáo Hội, đó là việc Chúa Giêsu trăn trối Tông Đồ Gioan cho Mẹ của Người, như xác nhận Mẹ là Mẹ của Giáo Hội, và trao Mẹ của Người cho Tông Đồ Gioan, như mẫu gương Trinh Mẫu của Giáo Hội. Đó là lý do Thánh ký Gioan, tiêu biểu cho Giáo Hội đứng dưới chân thập giá của Chúa Kitô với Mẹ Maria và như Mẹ Maria, đã viết ngay sau khi được Thày trao Mẹ của Người cho rằng: "Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình", ám chỉ vào chính tâm hồn của vị tông đồ này nói riêng và vào nhà Chúa là Giáo Hội nói chung. 

Tông Đồ Gioan quả thực là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26; 20:2; 21:7), người môn đệ đã có được cảm nghiệm thần linh tuyệt với siêu việt về Thiên Chúa qua câu định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), và là người môn đệ nhấn mạnh đến giới răn mới rất nhiều, và có thể nhờ vậy mà ngài đã không cần phải tử đạo bằng máu như các tông đồ khác, bởi vì một mình ngài trong số 12 tông đồ và là tông đồ duy nhất trung thành theo Thày tới cùng đã tử đạo bằng lửa khi chứng kiến thấy cảnh Thày mình bị khổ nhục vô cùng bất tận, như chính Mẹ Maria không tử đạo về thể lý nhưng đã được chính Giáo Hội tôn vinh là "Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo". 

Tông Đồ Gioan, tiêu biểu cho Giáo Hội và đại diện của Giáo Hội bấy giờ đã được chịu khổ với Thày và như Thày, như đã được Người báo trước cho các tông đồ vào cuối biến cố rửa chân: "không nô lệ nào hơn được chủ của mình; không sứ giả nào hơn được vị đã sai mình" (Gioan 13:16). Tức là Chúa Kitô đã "yêu đến cùng" thế nào thì Giáo Hội cũng phải "yêu cho đến" cùng như vậy, như Tông Đồ Gioan đã "theo Con Chiên tới bất cứ nơi nào Con Chiên tới" (Khải Huyền 14:4) là thập giá của Người trên Đồi Canvê Thứ Sáu Tuần Thánh vậy. đã tử đạo bằng lửa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL