Dân Chúa Âu Châu

Lời Chúa: Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

 

Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

 

Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?

 

Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

 

Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

 

Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

 

Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.

 

GỢI Ý CHIA SẺ

1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?

2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?

3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?