Dân Chúa Âu Châu

Thứ Ba Tuần 31 TN A

 

Bài đọc: Phil 2:5-11; Lk 14:15-24.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tai hại của việc không biết hay biết sai

 

Con người có khuynh hướng giản lược tất cả đời sống vào các nhu cầu vật chất: công ăn việc làm, giải trí hưởng thụ, … và rất ít người chịu bỏ thời giờ để học hỏi và tìm kiếm những của ăn tinh thần. Vì thế, khi con người phải làm những quyết định quan trọng cho cuộc đời, đa số sẽ nhắm vào những giá trị vật chất hơn là những giá trị tinh thần. Bài đọc I trình bày cho con người biết đường lối Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô: Thiên Chúa cứu con người không bằng quyền năng và sức mạnh quân sự, nhưng bằng sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa. Phúc Âm dẫn chứng chân lý vì không chịu học hỏi Kinh Thánh để biết sự thật về Đấng Thiên Sai, nên đa số con người đã làm quyết định sai lầm khi từ chối lời mời dự tiệc của Thiên Chúa, và bị lọai ra ngòai vương quốc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cách Cứu Độ con người của Thiên Chúa 

Đa số các học giả Kinh Thánh đồng ý đây là một bản thánh ca có sẵn trong các cộng đồng tín hữu sơ khai, và được Thánh Phaolô dùng để khuyên các tín hữu Philipphê biết noi gương Đức Kitô để sống đức bác ái trọn hảo như ngài nói: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” Nghiên cứu cấu trúc của bài Thánh Ca này, chúng ta nhận ra 3 điểm chính:

(1) Sự khiêm nhường tự hạ của Đức Kitô: Có rất nhiều điều liên quan đến tín lý mà các Thánh Gíao Phụ và các Công Đồng đầu tiên rút ra từ 2 câu của Bài Thánh Ca này: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” Giáo Hội dùng những tín lý này để chống lại các Bè Rối thời đó: Hai bản tính của Đức Kitô: con người và Thiên Chúa (chống lại 2 bè rối: Chúa Kitô hòan tòan là Thiên Chúa hay hòan tòan là con người); sự ngang hàng bằng nhau của Cha và con (chống lại bè rối Con Nuôi); Chúa Giêsu thực sự làm người (chống lại bè rối Docetism).

(2) Sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Chúa Giêsu không bị Thiên Chúa bắt chịu cực hình, nhưng Ngài tự nguyện vâng lời để làm trọn Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đã chết thực sự (không ai khác như chủ thuyết Docetism tin).

(3) Vinh quang được ban tặng cho Đức Kitô: Chính vì sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” Những kết quả đạt được từ công việc Nhập Thể - Cuộc Thương Khó – Cái Chết – và sự Phục Sinh của Đức Kitô:

- Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi: Bằng cuộc Khổ Nạn, Chúa xóa sạch tội lỗi con người.

- Đức Kitô đã chiến thắng thần chết: Nếu Đức Kitô không sống lại, thần chết sẽ thống trị nhân lọai, và con người không có hy vọng gì đựơc sống đời đời; nhưng vì Ngài đã sống lại, nên Ngài đã chiến thắng thần chết, kẻ thù cuối cùng của con người.

- Đức Kitô đã chiến thắng ma quỉ: Trong sa mạc, ma quỉ thách thức Chúa để dùng những cách của nó để làm cho con người tin: bánh ăn, làm phép lạ, bả vinh hoa. Chúa Giêsu chứng minh cho chúng biết con người có thể tin vào Lời Chúa, tình thương hy sinh, và cuộc sống đời đời.

2/ Phúc Âm: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

2.1/ Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người Do-Thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9). Đó là lý do tại sao một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!" Họ tin chỉ có những người Do-Thái mới được dự bữa tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy họ một bài học: Nếu họ không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ cho các dân tộc khác. Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa và khách dự tiệc được mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy ra, nhưng giờ dự tiệc chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn sàng, chủ sai các đầy tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách nào đã nhận lời nhưng từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.

2.2/ Những lý do xin kiếu:

(1) Bận rộn chuyện làm ăn: Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm con người quên đi mục đích của cuộc đời.

(2) Quyến dũ của cuộc sống: Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường. 

(3) Lo toan cho gia đình: Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt 24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.

2.3/ Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:

- Chủ nhà: là Thiên Chúa.

- Các đầy tớ: là các ngôn sứ và môn đệ của Chúa.

- Các khách kiếu không dự tiệc: là những người Do-Thái.

- Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt: là những người thu thuế và gái điếm.

- Các người đến từ các đường xóm đường làng: là tất cả các Dân Ngoại. 

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai trong cuộc đời.

- Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời, nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các Bí-tích để lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai ra ngoài.

 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP