Dân Chúa Âu Châu

Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm B

Bài đọc: Isa 35:4-7a; Jas 2:1-5; Mk 7:31-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy để Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi bệnh tật hồn và xác.

Con người bị bao vây bởi biết bao những nguy hiểm về phần hồn cũng như về phần xác. Về phần hồn, những chước cám dỗ của ma quỉ và thế gian làm con người xa lìa Thiên Chúa và sống theo những dục vọng của xác thịt. Về phần xác, con người phải đương đầu với các thiên tai bên ngoài như hạn hán, bão lụt, núi lửa, sóng gió, động đất, chiến tranh; thêm vào đó, các bệnh phần xác như mù, điếc, câm què. Khi phải đương đầu với những nguy hiểm này, con người dễ rơi vào hai thái độ:

(1) Từ chối Thiên Chúa: Tại sao một Thiên Chúa nhân lành lại để những đau khổ như thế xảy ra cho con người? Nếu không tìm được câu trả lời thích đáng, họ sẽ không tin Thiên Chúa; và tìm cách giải quyết theo cách thức trần gian.

(2) Nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc đời: Thiên Chúa để đau khổ xảy ra cho con người để họ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời họ và biết yêu thương tha nhân hơn. Tục ngữ Việt-nam có câu: "có đau mắt mới biết thương người mù;" "có mù mới biết sự quí trọng của ánh sáng." Điều này xảy ra cho Phaolô khi ông bị té ngựa trên đường đi Damacus. Sau đó ông mới nhận ra sự mù lòa của mình và bắt đầu cuộc hành trình trở về với ánh sáng, và tin vào Đức Kitô. Chỉ Thiên Chúa mới có uy quyền giải thoát con người khỏi mọi nguy hiểm. Họ cần tin và chạy đến với Ngài để được chữa lành.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào những nguy hiểm con người phải đương đầu với, và cách thức để được chữa lành. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah quả quyết với dân Do-thái khi họ sống trong cảnh lưu đày: Thiên Chúa chúng ta có thể làm được tất cả; vì thế, đừng sợ hãi và hãy trông cậy nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ đến và chữa lành tất cả. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nêu lên hai tội phần hồn cần được chữa trị là thành kiến và đối xử thiên vị. Đức Kitô là người giải phóng và chữa lành con người khỏi hai bệnh phần hồn này. Trong Phúc Âm, khi người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người vừa câm vừa điếc để xin Chúa Giêsu đặt tay trên anh, Ngài đã dẫn anh ta ra một nơi và chữa anh khỏi bệnh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chính Người sẽ đến cứu anh em.

1.1/ Lời loan báo Chúa sẽ đến để giải phóng dân Ngài: Hoàn cảnh lịch sử đàng sau lời loan báo này là cuộc lưu đày của dân Do-thái vào thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Sống trong nơi lưu đày, con cái Israel mất hết hy vọng: quê hương, Đền Thờ, và niềm tin nơi Thiên Chúa. Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ đến để cứu dân Người khỏi cảnh lưu đày, nên ông loan báo tin mừng cho dân: "Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em." Lời sấm này có thể áp dụng trong hai giai đoạn:

(1) Thiên Chúa giải phóng dân và cho hồi hương để tái thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Điều này xảy ra khi Cyrus, vua Ba-tư, phóng thích dân Do-thái, và cho họ hồi hương, bắt đầu vào năm 487 BC.

(2) Chính Đấng Thiên Sai sẽ đến để chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho dân. Điều này đã xảy ra khi Đức Kitô đến.

1.2/ Những gì sẽ xảy ra khi Thiên Chúa đến: Hình ảnh được mô tả ở đây gợi lại những gì khi Đức Kitô đến: "Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò." Và biến cố dân xuất hành của dân Do-thái ra khỏi đất nô lệ Ai-cập: "Có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra."

Những điều này xảy ra trên cả hai bình diện: thể lý khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh tật của thân xác như mù, què, câm, điếc; và tâm linh khi Ngài chữa lành các bệnh tật của linh hồn như kiêu căng, ganh tị, và giả hình.

2/ Bài đọc II: Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, thì đừng đối xử thiên tư.

2.1/ Không được có thành kiến với người nghèo và đối xử thiên tư với người giầu: Theo tiêu chuẩn của thế gian, con người có khuynh hướng "tham phú, phụ bần;" nhưng đối với các tín hữu thì không được như thế. Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư."

Ngài đưa ra một trường hợp thực tế: "Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này," còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó!" hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây!" thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?"

(1) Thành kiến: là những gì một người nghĩ về người khác mà không chịu suy xét cẩn thận xem có đúng hay không. Ví dụ, khi nhìn một người ăn mặc tồi tàn, họ vội kết luận là người đó nghèo; nhưng họ biết đâu có những người không muốn lệ thuộc vào thời trang, họ muốn ăn mặc đơn giản, và để dành tiền làm những chuyện khác hữu ích hơn. Hay khi các kinh-sư và biệt-phái đoán xét Chúa Giêsu, họ chỉ xét Ngài về nguồn gốc và gia cảnh, mà bỏ qua bao nhiêu những lời dạy dỗ khôn ngoan và uy quyền làm các phép lạ của Ngài. Thành kiến giam hãm họ trong cái nhìn thiển cận, và ngăn cản không cho họ nhận ra và tin vào Đức Kitô.

(2) Đối xử thiên tư: Tin thế nào sẽ hành động như vậy. Vì chỉ biết đoán xét theo cách thức bên ngoài; nên họ coi trọng người ăn mặc cách sang giầu và khinh thường những người ăn mặc nghèo nàn. Thực tế nhiều lần chứng minh tai hại của cách đoán xét bề ngoài; ví dụ, chọn lấy những người đẹp trai, giầu có, khỏe mạnh; để rồi khi khám phá ra tính lưu manh và phản bội thì đã quá muộn màng. Ngược lại, nhiều người tuy không có sự sang trọng bên ngoài, nhưng ẩn giấu một tâm hồn cao thượng và nhân từ, lại trở thành những người chồng hay vợ đảm đang và mang lại hạnh phúc cho gia đình.

2.2/ Thiên Chúa yêu thương kẻ khó nghèo: Để vạch ra cho các tín hữu biết sự sai lầm của những đoán xét bề ngoài, thánh Giacôbê lặp lại mối phúc đầu tiên của Bát Phúc mà Đức Kitô đã dạy: "Anh hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?"

+ Người có tinh thần nghèo khó không đặt niềm trông cậy vào bất cứ ai hay vật gì, nhưng chỉ biết trông cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thái độ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, họ được Ngài ban cho cả Nước Trời, mà tập hợp của các tài sản thế gian cũng không thể nào so sánh nổi. Chúa Giêsu đã đề cập đến điều này khi so sánh Nước Thiên Chúa như kho tàng giầu trong ruộng.

+ Chính Đức Kitô đã sống một cuộc đời khó nghèo trên dương thế: Ngài là Con Thiên Chúa, có trong tay mọi sự trên trời dưới đất; thế mà Ngài lại tự nguyện chọn sống khó nghèo: chọn sinh ra từ hai cha mẹ nghèo hèn, chọn nơi hang đá để sinh ra, chọn chết trần trụi trên Thập Giá, và để người ta chôn cất trong phần mộ không phải là của mình. Mục đích là để làm gương và cho chúng ta được trở nên giầu có, khi được hưởng ơn cứu độ.

3/ Phúc Âm: Đức Kitô làm việc gì cũng tốt đẹp cả.

3.1/ Chúa Giêsu làm trọn lời ngôn sứ Isaiah loan báo: Sau khi đã chữa lành con gái của người đàn bà dân ngoại xứ Phoenecia khỏi quỉ ám vì niềm tin vững chắc của Bà, Chúa Giêsu đi trở xuống biển hồ Galilee và vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh.

Hai bệnh điếc và ngọng thường đi đôi với nhau. Để tránh cho anh khỏi bị xấu hổ trước đám đông, Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Epphatha," nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.

Tiên tri Isaiah trong Bài Đọc I đã nói trước những gì sẽ xảy ra khi Đấng Thiên Sai tới: "Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò." Đọc Tin Mừng, tất cả những điều này đã được làm nhiều lần bởi Chúa Giêsu. Ngoài ra, chính Chúa Giêsu cũng nhắc lại những lời tiên tri Isaiah nói về Ngài khi Ngài về Nazareth và giảng dạy trong hội đường (Lk 4:16-21).

3.2/ Chúa Giêsu không thích danh vọng và tiếng khen: "Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

Thiên Chúa dựng nên con người và mọi sự đều rất tốt đẹp (Gen 1:31); nhưng tội lỗi của con người đã làm đảo lộn các trật tự của thiên nhiên và gây ra biết bao điều tai hại và sự chết. Nhưng Thiên Chúa đã có Kế Hoạch Cứu Độ cho con người qua Đức Kitô. Ngài hiện diện cùng Thiên Chúa khi tạo dựng, và chính Ngài sẽ khôi phục lại trật tự như ban đầu cho con người và cho vũ trụ, và sẽ trao lại vương quốc tốt đẹp cho Thiên Chúa.

Ngược lại với con người luôn tìm cách phá hủy và tiêu diệt, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn tìm cách bảo vệ và chữa lành. Là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta có bổn phận noi gương các Ngài để luôn bảo vệ sự sống, tìm mọi cách để chữa lành, và tôn trọng những gì Thiên Chúa đã dựng nên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người. Ngài không ngừng quan phòng mọi sự cách khôn ngoan, nhất là đã gởi Đức Kitô đến để chữa trị mọi vết thương hồn xác cho con người.

- Khi phải đương đầu với đau khổ trong thế gian, chúng ta đừng sợ hãi và ngã lòng trông cậy; nhưng hãy tin tưởng vững vàng nơi Thiên Chúa.

- Chỉ có Đức Kitô, Con Thiên Chúa, mới có thể giải thoát con người khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác. Không ai có thể thay thế vai trò của Ngài trong Kế Hoạch Cứu Độ.

- Noi gương Đức Kitô, chúng ta cũng phải trở nên những người bảo vệ sự sống, và chữa lành những vết thương phần hồn cũng như phần xác cho con người; nhất là giới thiệu họ đến với Đức Kitô, để họ cũng tin vào Ngài và được chữa lành.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP