Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai Tuần 22 TN1

Bài đọc: I Thes 4:13-18; Lc 4:16-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng vào cuộc sống trường sinh giúp con người diệt trừ bản ngã.

Một trong những lý do ngăn cản con người tiến tới trên đường trọn lành là bản ngã: cái tôi ích kỷ trong con người. Hầu như mọi tội lỗi đều có nguồn gốc từ bản ngã này. Trong khi Đức Kitô cố gắng dạy dỗ các môn đệ vượt qua khuynh hướng xấu xa này, thì đa số nhân loại ngày nay lại tôn thờ nó dưới mầu sắc khác nhau: khuynh hướng cá nhân chỉ nhằm đạt lợi ích cho bản thân, khuynh hướng vật chất chỉ nhằm hưởng thụ vật chất và gạt ra ngoài những giá trị luân lý, tinh thần. Làm sao con người có thể diệt trừ bản ngã này?

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta hiểu sự nguy hiểm của bản ngã này và cách để diệt trừ chúng. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô hướng lòng các tín hữu Thessalonica đến mục đích tối hậu của cuộc đời là hy vọng được sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn vạch ra tai hại của những người sống theo bản ngã này: họ từ chối và muốn tiêu diệt ngay cả Đấng đem lại cho họ niềm hy vọng được sống đời đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hy vọng của chúng ta là sẽ được cùng sống lại với Đức Kitô.

1.1/ Sự cần thiết của hy vọng: Hy vọng như thế nào, sẽ sống như thế ấy. Nếu không hy vọng vào cuộc sống mai sau, con người sẽ níu kéo những giá trị của đời tạm này. Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu hai điều chính về cuộc đời:

(1) Chết không hết, nhưng bắt đầu cuộc sống đời đời với Thiên Chúa: Ngài nói: "Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng."

(2) Đức Kitô là niềm hy vọng của các tín hữu: "Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu."

1.2/ Ngày Chúa Quang Lâm: Truyền thống Do-thái, trước khi Chúa Giêsu đến, hiểu rất mơ hồ về Ngày Chúa Đến và về cuộc sống đời đời. Đa số cho hạnh phúc của những người được ơn nghĩa với Chúa chỉ giới hạn trong cuộc đời này: được khỏe mạnh, sống lâu, con đàn cháu đống, được bình an hạnh phúc; nhưng khi chết là hết. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Thessalonica I (được viết khoảng 50-60 AD) là tài liệu đầu tiên cho chúng ta mặc khải của Đức Kitô về những gì xảy ra sau cái chết.

Thánh Phaolô nói về Ngày Chúa Đến như sau: "Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi."

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa cho mọi người có cơ hội đồng đều, nhưng không phải ai cũng biết lợi dụng cơ hội.

2.1/ Chúa Giêsu giảng giải cho người đồng hương: Trình thuật kể: Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

2.2/ Chúa Giêsu hiểu rõ thái độ của người đồng hương: Chúa Giêsu không im lặng để nhận tiếng khen, Ngài muốn họ phải đối diện với thực tế và sửa đổi hai điều.

(1) Họ muốn Ngài làm nhiều phép lạ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capernaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Làm phép lạ là để khơi dậy niềm tin, chứ không phải để điều khiển người làm phép làm điều mình muốn. Khi không thấy dấu hiệu của đức tin, Chúa Giêsu từ chối việc làm phép lạ.

(2) Họ sẽ khinh thường Ngài, vì "bụt nhà không thiêng:" Chúa Giêsu biết rõ thái độ này của họ, nên Ngài bảo: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình."

Tại sao con người có thái độ khinh thường những người trong gia đình hay trong cộng đoàn? Vì họ không muốn ai hơn mình trong cộng đoàn. Người ngoài đến rồi đi, họ không ảnh hưởng gì trong cộng đoàn. Người trong cộng đòan là người sống thường xuyên với mình: đề cao họ là làm giảm giá trị của mình; vì thế, khi khinh thường người đồng hương, là đồng thời họ đang đề cao cái tôi của mình. Đây là thái độ vẫn đang xảy ra trong gia đình và cộng đoàn: khinh thường người trong nhà, người đồng hương, người trong Dòng, người cùng một nước. Trái lại, đề cao và tôn trọng người ngoài. Lẽ ra, chúng ta phải nâng đỡ và khuyến khích anh/chị/em cùng nhà và cùng nguồn gốc, vì "khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau." Đây là thái độ giết tài năng của người trong gia đình, và ngăn cản việc cùng nhau cộng tác. Nếu vượt qua được thái độ này, gia đình và cộng đoàn sẽ tiến rất mau và mạnh.

Chúa Giêsu muốn sửa chữa thái độ của họ, nên Ngài đưa ra hai sự kiện lịch sử để chứng minh tai hại của thái độ "bụt nhà không thiêng." Ngài nói: "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zareptha miền Sidon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi."

Lịch sử tái diễn khi Chúa Giêsu vừa nói xong những lời này, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Lẽ ra họ phải biết sáng suốt chấp nhận thực tế: khen và tôn trọng những gì đáng khen; phán xét theo như sự việc là, đừng để bất cứ thành kiến nào ngăn chận để đưa đến phán đoán sai lầm; nhưng họ để cho cái bản ngã ích kỷ và thành kiến che mắt để rồi lại muốn giết luôn Đấng mong muốn mọi sự tốt lành cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Hy vọng vào cuộc sống trường sinh phải là động lực chính giúp chúng ta vượt qua cái tôi ích kỷ của mình để làm theo những gì Đức Kitô dạy dỗ.

- Khi chúng ta tháo bỏ bản ngã của mình, Thiên Chúa sẽ làm đầy chúng ta bằng tình yêu và ơn thánh của Ngài, để chúng ta ngày càng trở nên giống Ngài hơn. Ngược lại, nếu chúng ta để cho bản ngã hoành hành, chúng ta sẽ đi dần đến chỗ từ chối luôn mục đích của cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP