Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai Tuần 16 TN1, Năm B

Bài đọc: Exo 14:5-18; Mt 10:38-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng thử thách Thiên Chúa.

Thiên Chúa không mắc nợ gì con người; trái lại, con người mắc nợ tất cả với Thiên Chúa. Để khơi niềm tin, Thiên Chúa sẽ cho con người cơ hội để nghe những lời khôn ngoan và chứng kiến các phép lạ. Con người phải biết nắm lấy những cơ hội này để phát triển niềm tin. Con người không thể tiếp tục đòi những dấu lạ xảy ra theo ý mình muốn, và càng không thể thử thách sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trước khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người thử thách Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Pharao và người Ai-cập tiếp tục thử thách Thiên Chúa, mặc dù đã được nghe lời yêu cầu của Moses phóng thích dân Israel khỏi Ai-cập và đã chứng kiến những thiên tai khủng khiếp của Thiên Chúa đổ xuống trên nước ông. Nhà vua tiếc vì khối nô lệ khổng lồ dân Israel cung cấp cho Ai-cập; nên đã huy động toàn thể quân đội đuổi theo dân Israel để bắt họ về. Ngay cả dân Israel, dù đã được dạy dỗ và chứng kiến bao quyền năng của Thiên Chúa; vẫn run sợ và ta thán khi thấy quân đội của vua Pharao đuổi theo mình. Trong Phúc Âm, khi một số kinh-sư và luật sĩ đòi Chúa Giêsu làm phép lạ trước mặt họ để họ có thể tin nơi Ngài; Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của họ, nhưng hứa sẽ cho họ thấy phép lạ Con Người sống lại sau ba ngày trong huyệt mộ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.

1.1/ Phản ứng của người Ai-cập: Sau thiên tai cuối cùng, các thiên thần đi khắp xứ để giết các con đầu lòng của người Ai-cập; vua Pharao đã đồng ý để Moses đưa dân ra khỏi Ai-cập, vì nhà vua không thể chịu nổi hậu quả của thiên tai.

(1) Sợ không còn người làm nô lệ: Nhưng khi dân Israel xuất hành khỏi Ai-cập, "vua Pharao và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: "Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Israel đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta! Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo.

Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh." Lý do nhà vua và người Ai-cập đuổi theo là họ sợ mất mối lợi nô lệ mà dân Israel phục vụ họ. Điều này cho ta thấy lý do chính đáng Thiên Chúa muốn giải phóng dân. Con người không có quyền đối xử với người khác như những nô lệ.

(2) Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá? Có nhiều người thắc mắc về tình thương của Thiên Chúa trong câu này: "Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel đi ra, giơ tay đắc thắng." Tại sao Thiên Chúa thương dân Israel và trừng trị người Ai-cập? Tại sao Thiên Chúa không làm cho nhà vua nhận ra lẽ ngay để đừng chai đá mà tiếp tục lãnh hình phạt?

Chúng ta biết đây chỉ là lối diễn tả của người Do-thái, vì họ tin mọi việc xảy ra đều là do thánh ý của Thiên Chúa, chứ họ không quan tâm đến việc giải thích hợp lý cách thần học như thời đại chúng ta. Theo quan điểm thần học, Thiên Chúa ban cho con người có trí tuệ để nhận ra điều phải hay trái, và có tự do để thi hành. Thiên Chúa đã bảo Moses và các kỳ-mục vào xin phép nhà vua để phóng thích dân Israel. Khi vua không chịu, Thiên Chúa mới gởi các thiên tai tới, không chỉ một vài lần, mà tới bảy lần. Vì thế, lỗi không phải là ở Thiên Chúa, mà tại sự cứng lòng và lối cư xử bất công của nhà vua và dân Ai-cập với đồng loại của mình.

1.2/ Phản ứng của con cái Israel:

(1) Yếu lòng tin dù đã thấy những việc Thiên Chúa làm qua 7 thiên tai: Khi con cái Israel nhìn thấy quân đội Ai-cập tiến đến sau lưng họ, con cái Israel kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa. Họ nói với ông Moses: "Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!"

Người anh hùng thà chết vinh hơn sống nhục; con cái Israel thà sống nhục hơn chết vinh. Hai tội của con cái Israel chúng ta có thể nhận ra ở đây: (1) Họ không có niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa dù đã thấy quá nhiều các uy quyền của Ngài qua việc chọn Moses và 7 thiên tai. (2) Họ chọn làm nô lệ cho người Ai-cập để có của ăn dư thừa, hơn là tự do mà phải sống thiếu thốn! Khi đức tin bị thử thách, con người phải chứng minh cho Thiên Chúa biết niềm tin của họ.

(2) Đức tin của nhà lãnh đạo Moses: Ông Moses nói với dân: "Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên." Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực thi. Ông Moses bày tỏ đức tin vững vàng của ông vào Thiên Chúa cho dân Israel thấy, ông làm tất cả những gì Ngài truyền.

2/ Phúc Âm: Chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah.

2.1/ Niềm tin cần thiết để có dấu lạ: Trong hầu như tất cả phép lạ Chúa Giêsu làm, Ngài đòi con người phải chứng tỏ niềm tin của mình trước. Khi không có dấu chỉ của niềm tin, Chúa không làm phép lạ như trình thuật Chúa về quê hương Nazareth trong Tin Mừng của Chủ Nhật vừa qua.

(1) Đòi hỏi của các luật sĩ và kinh sư: "Bấy giờ có mấy luật sĩ kinh sư và mấy người kinh-sư nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."" Họ đã từng được nghe hay chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Điều họ yêu cầu hôm nay chỉ là một thử thách. Chúa biết đối với những người cứng lòng như họ, có làm bao nhiêu phép lạ nữa cũng không lay chuyển được sự ngoan cố của họ.

(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah. Quả thật, ông Jonah đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy." Tuy Chúa không thỏa mãn lời yêu cầu của họ, nhưng Chúa hứa sẽ cho họ thấy sự kiện Chúa chết ba ngày trong phần mộ và sẽ phục sinh khải hoàn.

2.2/ Kẻ có cơ hội đến nhiều, sẽ bị phán xét nặng hơn:

(1) Dân thành Nineveh: Tiên tri Jonah sau khi đã nhận ra uy quyền của Thiên Chúa qua biến cố sống trong bụng cá 3 ngày, đã vâng lời đi rao giảng tại Nineveh. Khi ông mới chỉ rao giảng có một ngày, toàn thể dân thành, từ nhà vua đến dân chúng, từ con người đến thú vật, đều ăn năn xám hối, xức tro trên đầu, và mặc áo nhặm đền tội. Vì thế, Chúa nói: "Trong cuộc phán xét, dân thành Nineveh sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa." Những luật sĩ và kinh sư sẽ bị kết án nặng nề hơn dân thành Nineveh, vì họ đã được nghe chính Chúa dạy dỗ và tỏ uy quyền.

(2) Nữ hoàng Phương Nam: là người đã từ phương xa mang theo bao lễ vật lặn lội tới để được nghe những lời khôn ngoan của vua Solomon. Vì thế, "trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không bao giờ được quyền đòi Thiên Chúa phải tỏ khôn ngoan và uy quyền. Chúng ta phải khiêm nhường học hỏi và nhìn ra những điều này trong trời đất.

- Chúng ta phải chứng minh niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, khi đức tin của chúng ta bị thử thách. Đừng bao giờ chọn những lợi lộc vật chất thay vì chọn Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP