Dân Chúa Âu Châu

Thứ Năm Tuần 11 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: 2 Cor 11:1-11; Mt 6:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải đặt cùng đích của cuộc đời lên trên những lợi lộc vật chất.

Mục đích chính của cuộc đời chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ cho chính chúng ta và cho mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian, cố gắng, và sức lực để đạt được mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta đã không làm những điều đó: Có những người dành hết mọi thời gian và sức lực để kiếm tiền hưởng thụ. Có những người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang Nước Chúa. Có những người lợi dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để chuẩn bị cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp trả lợi lộc vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đặt việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa, trước khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô.

1.1/ Phaolô chú trọng đến phần linh hồn của các tín hữu Corintô.

(1) Phaolô yêu hội thánh Corintô bằng tình yêu chân thành: Mục đích của Phaolô khi nhiệt thành rao giảng Tin Mừng là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người. Nỗi lo âu của ngài là lo lắng làm sao để các tín hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, và không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Vì yêu Đức Kitô và yêu các tín hữu, Phaolô muốn liên kết cả hai trong cuộc "kết hôn " mà Isaiah, Hosea, và tác giả của Sách Diễm Tình Ca đã xử dụng: "Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết."

(2) Phaolô lo sợ các tín hữu bị đánh lừa bởi những người rao giảng giả hiệu: Phaolô chắc đã nhìn thấy những dấu hiệu phản bội nơi các tín hữu, nên ngài đã cảnh cáo các tín hữu: ''Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy.'' Phaolô nói mỉa mai các tín hữu; nhưng cũng đề phòng họ phải xác quyết ba điều chân thật: Đức Kitô, Thánh Thần, và Tin Mừng: ''Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay!''

1.2/ Lời biện hộ của Phaolô: Phaolô muốn dùng việc làm để chứng minh những gì ông đã làm cho hội-thánh ở Corintô, để vạch ra những gian trá của các "tông đồ giả hiệu." Các tín hữu có thể chứng nhận những gì ông nói.

(1) Về sự hiểu biết: ''Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia. Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.'' Sự hiểu biết của Phaolô chính là khôn ngoan của Thiên Chúa mà kiến thức của các tông đồ giả hiệu không thể so sánh được.

(2) Về sự rao giảng không công: Phaolô rao giảng cho các tín hữu Corintô không vì lý do tài chánh, nhưng ông đã tự mưu sinh bằng nghề chế lều và sự giúp đỡ của các hội-thánh khác. Ông nhắc nhở họ: ''Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa? Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các anh em từ Macedonia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy.''

(3) Về sự yêu mến của các hội-thánh khác dành cho ông: Không phải vì bị các hội-thánh khác từ bỏ mà Phaolô đến ở với hội-thánh Corintô; nhưng vì tình yêu chân thành Phaolô dành cho họ. Ông muốn họ nhận thức điều này: ''Nhân danh chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ Achaia. Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!''

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy môn đệ cách cầu nguyện.

2.1/ Thái độ phải tránh khi cầu nguyện: Chúa Giêsu dạy các môn đệ một thái độ cần phải tránh: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.''

Chúng ta đừng lấy những gì con người suy nghĩ và hành động để áp dụng cho Thiên Chúa. Nhiều người phải lải nhải nhiều lần, vì họ không biết Thiên Chúa có nghe thấy tiếng họ kêu xin hay không; nhưng Chúa Giêsu dạy: Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, Ngài biết rõ tất cả nhu cầu của từng người trước khi chúng ta mở miệng cầu xin.

Như vậy, có cần phải cầu xin vì Thiên Chúa đã biết? Chúng ta cần phân biệt giữa cầu xin và cầu nguyện. Chúa Giêsu không ngăn cấm việc cầu xin; ngược lại, Ngài luôn khuyến khích các môn đệ phải cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện không phải thuần túy chỉ cầu xin, nhưng còn để đào sâu mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa.

2.2/ Cách cầu nguyện đúng: Kinh Lạy Cha. Chúng tôi đã phân tích chi tiết Kinh Lạy Cha nhiều lần. Trong bài chia sẻ này, chúng tôi muốn chú trọng đến thứ tự ưu tiên của các lời cầu.

(1) Cầu xin cho nhu cầu của Thiên Chúa: Phần đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu chú trọng đặc biệt đến "nhu cầu" của Thiên Chúa. Ngài dạy: Anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.'' Nếu người con thực tình yêu thương Cha, người con sẽ chú tâm đến nhu cầu của Cha hơn nhu cầu của mình. Hơn nữa, những "nhu cầu" của Cha, thực sự chẳng phải cho Cha, nhưng là cho phần rỗi linh hồn của mọi người con.

(2) Cầu xin cho nhu cầu của con người: Chỉ sau khi chú tâm đến nhu cầu của Thiên Chúa, con người mới chú tâm đến nhu cầu của mình khi cầu xin: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.'' Chúa Giêsu chú trọng đến việc xin lương thực hằng ngày, chứ không xin để có tiền mua lương thực cả đời! Sau đó, Chúa trở lại với nhu cầu thiêng liêng: "Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.'' Và lời cầu nguyện sau cùng cũng hướng về ơn cứu độ: ''Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.''

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa cho chúng ta sống trong cuộc đời này không phải để kiềm tiền hưởng thụ; nhưng muốn chúng ta sống làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Ngài đã từng nhắc nhở: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, được ích chi!"

- Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú trọng và dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để mưu cầu các lợi lộc vật chất.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP