Dân Chúa Âu Châu

Thứ Tư Tuần 8 TN1, Năm B

Bài đọc: Sir 36:1, 4-5a, 10-17; Mk 10:32-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người.

Chúng ta không thể nào so sánh tình yêu vô biên của Thiên Chúa với tình yêu ích kỷ và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa yêu thương và làm mọi sự cho con người hoàn toàn vô vị lợi, vì con người chẳng thêm thắt được cho Thiên Chúa điều gì dù nhỏ mọn. Trái lại, con người nhận được bao nhiêu hồng ân đến từ Thiên Chúa qua các biến cố tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc. Con người cần học hỏi để cảm nghiệm và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, để rồi đừng đòi hỏi bất cứ điều kiện gì nữa từ Thiên Chúa.

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nhận tình thương Thiên Chúa bằng cách so sánh tình yêu bao la của Thiên Chúa và tình yêu ích kỷ của con người. Trong bài đọc I, tuy Thiên Chúa đã chứng tỏ không biết bao lần tình yêu trung thành và tha thứ cho nhà Israel, họ vẫn có khuynh hướng xin Ngài tiếp tục tái diễn những tình yêu đó, để họ và các dân tộc nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng lên Jerusalem để chịu nộp, chịu đánh đập, và chịu chết trên Thập Giá cho con người; hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi hai bên với Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Điều này gây chia rẽ trong hàng ngũ các tông đồ, vì ai cũng muốn được như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa muôn thuở muôn đời.

1.1/ Phải nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng dủ lòng thương đến dân Ngài và đã từng làm cho các dân chung quanh phải kinh hồn sợ hãi uy danh của Ngài. Biến cố Xuất Hành và đưa dân vào Đất Hứa là một ví dụ chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Qua biến cố này, người Do-thái phải không còn nghi ngờ gì về tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Biến cố Lưu Đày Babylon và cho dân trở về xây dựng lại Đền Thờ và xứ sở là một chứng tích khác cho tình thương tha thứ và uy quyền của Thiên Chúa.

Nhìn lại quá khứ, người Do-thái phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Ngài yêu thương họ với một tình yêu vô bờ bến dù họ chẳng có gì đáng yêu cả. Họ vẫn "xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác" để các thế hệ được nhận ra tình yêu của Ngài.

1.2/ Xin tình thương Thiên Chúa chảy tràn lan trên muôn người: Dân tộc Do-thái nhớ lại tình thương Thiên Chúa đã dành cho cha ông họ. Họ luyến tiếc thời huy hoàng của triều đại David, khi 12 chi tộc đoàn kết và bờ cõi quốc gia mở mang. Họ nhớ lại cảnh huy hoàng của Đền Thờ Jerusalem và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Họ xin cho những điều này trở lại để họ lại được chứng kiến tình yêu Thiên Chúa.
Tuy thế, họ không thể cứ đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ tình mãi mãi. Họ phải biết khi Thiên Chúa làm giao ước, Thiên Chúa hoàn toàn tự nguyện và làm vì lòng thương yêu họ; dân tộc Do-thái chẳng làm thêm được gì cho Ngài. Ngược lại, họ ngang nhiên xé bỏ giao ước, để rồi Thiên Chúa lại phải ký kết với họ một giao ước mới hoàn hảo hơn, giao ước này được thực hiện qua Đức Kitô và máu của Ngài. Dân tộc Do-thái và chúng ta chẳng có quyền đòi hỏi gì hơn nữa nơi Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta phải mở mắt để nhận ra những gì Thiên Chúa đã, đang, và sẽ làm, để cảm nghiệm được tình yêu sâu xa Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sau đó, chúng ta phải biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách trung thành giữ các Luật truyền, và rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để họ cũng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.

2/ Phúc Âm: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

2.1/ Tình yêu tính toán của các tông đồ: Không giống như Matthew, người đặt lời yêu cầu nơi miệng của người mẹ; Marcô đặt lời thỉnh nguyện vào hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan. Họ đến gần Đức Giêsu và nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Chúng ta có thể nhận ra 3 điều từ cuộc đàm thoại của các ông với Chúa Giêsu và với nhau.

(1) Theo Chúa để được làm lớn: Hai ông muốn ngồi chỗ cao nhất, chỉ thua có Đức Kitô. Con người khi yêu thương ai luôn có những tính toán hơn thiệt, chứ ít có những ai muốn "mong ước điều tốt cho người khác" như định nghĩa đúng của tình yêu. Các tông đồ cũng chưa vượt qua tính ích kỷ nhỏ nhen này. Marcô không ngại phơi bày tính xấu của các tông đồ.

(2) Các ông sẵn sàng hy sinh dẫu chưa biết nguy hiểm sẽ xảy đến: Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." Đây là điểm đáng khen của hai ông, vì có những người chỉ muốn vinh quang chứ không muốn hy sinh gian khổ.

(3) Tham vọng sinh ghen tức: Trình thuật kể: "Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan." Các ông có thể nghĩ: Chỉ có hai chỗ nhất, mà hai anh em dành hết, bọn này sẽ ngồi đâu? Các ông hầu như không để ý một chút gì đến việc chia sẻ với Chúa Giêsu và biến cố trước mặt, mà chỉ để ý đến việc chia chỗ sau khi Chúa Giêsu đã chiến thắng vinh quang.

2.2/ Tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu: Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó của Ngài, và càng ngày càng chi tiết hơn (x/c Mk 8:31; 9:31; 10:33). Chúng ta có thể nhận ra 3 đặc điểm chính của tình yêu của Chúa Giêsu.

(1) Người lãnh đạo luôn dẫn đầu, chứ được sợ như những môn đệ. Người lãnh đạo phải biết chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ và căn dặn những điều cần thiết để các môn đệ biết cách ứng xử.

(2) Chúa dạy các ông bài học quan trọng của tình yêu: phục vụ. Chúa Giêsu chắc chắn cảm thấy buồn khi điều này xảy ra cho Ngài, và Ngài cũng biết nếu cứ để các ông hành xử theo tính con người, những dự tính tương lai của Ngài cho các ông sẽ tan tành mây khói. Vì thế, Ngài phải dạy cho các ông một bài học quan trọng: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người."

(3) Chúa Giêsu không chỉ dạy, Ngài làm gương cho các môn đệ. Chúa Giêsu áp dụng lời dạy vào chính Ngài: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Ngài đang cất bước đi trước, sẵn sàng chấp nhận khổ giá để làm gương cho các tông đồ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.

- Bổn phận của chúng ta là nhận ra và đáp trả, chứ không thể tiếp tục đòi Thiên Chúa phải bày tỏ tình yêu; cũng đừng bao giờ đòi điều kiện với Ngài trước khi đáp trả.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP