Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai Tuần 8 TN1, Năm Lẻ

Bài đọc: Sir 17:20-24; Mk 10:17-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy làm việc lành phúc đức để giúp đỡ mọi người.

Hầu như niềm tin của tất cả các tôn giáo lớn đều dạy “ở hiền gặp lành và ở ác gặp ác.” Giáo thuyết của Phật Giáo dạy: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người,” có nghĩa việc giúp cho một người quan trọng hơn là việc xây tháp chín tầng để kính nhớ Phật. Trong Kitô Giáo, Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước tiêu chuẩn Ngài sẽ dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế: “việc gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là làm cho Ta.”

Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của việc làm phúc. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca dẫn chứng cho chúng ta lý do phải làm lành lánh dữ là vì Thiên Chúa nhìn thấy tất cả. Ngài ghi nhớ tất cả những việc lành chúng ta làm và thưởng công xứng đáng. Trong Phúc Âm, khi một người chạy đến hỏi Chúa Giêsu về con đường nên trọn lành, Ngài bảo anh hãy về bán tài sản để giúp đỡ người nghèo, rồi trở lại theo Ngài. Khi làm như thế là anh sắm cho mình một kho tàng trên trời; nhưng anh buồn rầu bỏ đi vì quá tiếc của.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Việc từ thiện ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người.


1.1/ Thiên Chúa nhìn thấy tất cả những gì con người làm: Người Việt-nam chúng ta tin “trời cao có mắt.” Tác giả sách Huấn Ca tin không một điều gì con người làm mà Thiên Chúa không biết: “Những điều bất chính chúng làm không giấu Người được, mọi tội lỗi chúng phạm đều lộ ra trước mặt Đức Chúa. Việc từ thiện ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người, ân đức của người ta, Người giữ mãi như con ngươi trong mắt.” Nếu một người tin Thiên Chúa hay Ông Trời nhìn thấy mọi sự, họ phải cố gắng làm điều lành, tránh điều dữ; nếu không họ sẽ phải trả giá cho những điều bất chính họ làm, vì “ác giả, ác báo.”


1.2/ Thiên Chúa sẽ ân thưởng xứng đáng những ai làm phúc: Truyền thống các tôn giáo lớn đều tin “ở hiền gặp lành.” Cho dù những tôn giáo không tin có cuộc sống đời sau, họ vẫn tin ông Trời sẽ phù hộ cho những ai mạnh tay làm phúc cho người nghèo khổ. Họ sẽ được chúc lành, làm ăn nên, con đàn cháu đống, và sống lâu trăm tuổi. Tác giả sách Huấn Ca cũng dạy sự ban thưởng của Thiên Chúa cho những người giúp kẻ hoạn nạn: “Cuối cùng, Người sẽ đứng lên và ban thưởng, và phần thưởng ấy, Người sẽ đặt trên đầu chúng.” Không những thế, truyền thống Do-thái còn tin ai làm việc lành, sẽ đền bù tội lỗi của mình: “ai sám hối thì Người ban cho ơn trở về, và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an.”


2/ Phúc Âm: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.


2.1/ Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Bối cảnh quan trọng của cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên và các môn đệ là “phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời.” Anh thanh niên đã tin có cuộc sống đời đời và anh muốn biết cách làm sao để đạt được cuộc sống này. Sau khi đã hỏi anh về những giới răn quan trọng, nhưng không đòi nhiều cố gắng lắm để vượt qua, Chúa Giêsu đi vào điểm then chốt. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Chúa Giêsu đòi anh phải lựa chọn một trong hai: cuộc sống đời đời hay cuộc sống đời này. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Anh muốn bắt cá hai tay: được cả đời này và đời sau.


2.2/ Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa. Sau khi người giàu có bỏ đi, Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."


Trước tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề: Chúa Giêsu không kết tội người giàu. Ngài không bảo người giàu có không thể vào Nước Thiên Chúa; nhưng Ngài bảo "những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Tại sao giàu có làm cho con người khó vào Nước Thiên Chúa? Chúng ta có thể liệt kê 3 lý do chính sau đây:


(1) Giàu có làm con người quên đi mục đích cuộc đời, để rồi chỉ biết tập trung mọi thời gian và cố gắng để thu quét của cải và hưởng thụ.


(2) Giàu có làm con người chỉ biết đánh giá trị mọi sự trên đồng tiền, và bỏ quên tập luyện những giá trị tinh thần hay vĩnh cửu. Ví dụ, họ chỉ dành thời giờ cho những việc mang lại lợi nhuận vật chất, mà không chịu bỏ thời giờ học Kinh Thánh để biết về Thiên Chúa và những lời dạy dỗ khôn ngoan của Ngài.


(3) Giàu có làm con người kiêu căng, phách lối, và khinh thường người khác. Họ quên đi rằng “Ở đời muôn sự của chung.” Mọi người đều có quyền hưởng của cải Thiên Chúa ban như một phương tiện để sinh sống khi còn ở đời này. Họ không có quyền tích trữ của cải trong khi tha nhân đói khát, chứ chưa nói việc đánh cắp công ơn Thiên Chúa và khinh thường tha nhân.


2.3/ Tại sao các môn đệ sững sờ và sửng sốt? Hai lần trong trình thuật đề cập tới thái độ ngạc nhiên của các môn đệ về những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và các ông hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”


Lý do các ông ngạc nhiên vì truyền thống Do-thái tin giàu có là dấu hiệu Thiên Chúa chúc phúc cho những người biết kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, cùng với các ơn lành khác như con đàn cháu đống và sống lâu trăm tuổi. Nếu sự thịnh vượng là dấu hiệu của mối liên hệ tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu lại đảo ngược niềm tin truyền thống? Chúa Giêsu chắc chắn không nói tới việc giàu có do Thiên Chúa chúc lành, Ngài muốn nói tới việc con người tự vơ vét làm giàu, mà không cần biết có công bằng hay không. Ngài cũng muốn đề cập đến việc con người không biết quản lý các tài sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ.


Vì thế, con người sẽ bị Thiên Chúa phán xét về cách thâu nhận tài sản, công bằng hay bất công, và cách tiêu xài của cải, đúng hay không đúng. Vì con người chỉ là quản lý chứ không phải chủ nhân của tài sản, Thiên Chúa là chủ nhân của tài sản. Người càng giàu sẽ bị Thiên Chúa phán xét càng nhiều. Nếu họ không biết cách tiêu xài, sự giàu có sẽ sinh thiệt hại cho họ nhiều hơn làm lợi ích.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


- Chúng ta hãy cố gắng làm việc lành nhiều để đền bù tội lỗi của mình, vì đó là cơ hội Thiên Chúa ban và Ngài kể là làm cho chính Ngài.


- Chúng ta cần xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để rồi đừng mặc sức vơ vét của cải cho mình và cho gia đình. Hãy bằng lòng với những gì Thiên Chúa trao ban và học biết cách xử dụng để sinh lời cho Thiên Chúa.


- Hãy biết dành thời giờ để chú trọng vào những giá trị cao hơn vật chất: sự hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, và việc rao giảng Tin Mừng.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP