Dân Chúa Âu Châu

Thứ Bảy Tuần V PS

Bài đọc: Acts 16:1-10; Jn 15:18-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.

Trong cuộc sống của các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ: nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện; nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những trở ngại khó khăn.

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp, khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn đệ không thuộc về thế gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ hai.

1.1/ Trở lại thăm các giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi đến Lystra.

(1) Tuyển thêm môn đệ: Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là tốt.

Tại sao Phaolô cắt bì cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả. Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì "Phaolô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy."

(2) Trao sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem: "Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân giữ.

Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số."

1.2/ Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:

(1) Không muốn cho rao giảng Tin Mừng: "Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa." Trong trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc "Thánh Thần ngăn cản" và "Thần Khí Đức Giêsu không cho phép" vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ phía địa phương.

(2) Muốn cho rao giảng Tin Mừng ở Macedonia: "Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!"

Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ." Thánh Thần muốn mở rộng biên giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố Hy-lạp.

2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.

2.1/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau về chữ "thế gian" trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây "thế gian" được hiểu là những quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói: "Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em."

2.2/ Nếu thế gian đã bắt bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: "Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em." Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố, luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.

Nói tóm, thế gian chống các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.

- Có lúc chúng ta cần bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.

- Trở thành môn đệ của Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu chuẩn của Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP