Dân Chúa Âu Châu

Thứ Ba Tuần IV PS

Bài đọc: Acts 11:19-26; Jn 10:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa nghe tiếng Chúa Giêsu.

Có những tiếng nói hay tiếng cười đã quá quen thuộc khiến con người chẳng cần nhìn cũng nhận ra người đang nói hay đang cười là ai. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu hiện ra với Mary Magdala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng ngắn ngủi: “Mary.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!” Trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người cũng thế. Vì Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh và các đức tính của Ngài, con người theo tính tự nhiên dễ hướng chiều về sự thật, về yêu thương và tha thứ, và nhất là về Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa; không chỉ những người Do-thái, mà còn rất nhiều Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các đối phương của Ngài: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.

1.1/ Tin Mừng bắt đầu được loan truyền ra ngoài lãnh thổ của Do-thái: Sau cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Stephanô, các môn đệ phải tản mác đi đến tận miền Phoenicia, đảo Cyprius và thành Antioch. Họ không rao giảng Lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Cyprius và Cyrene; những người này, khi đến Antioch, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giêsu cho họ.

Điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự trở lại của rất nhiều người và trong nhiều trường hợp rất ly kỳ, như sự trở lại của Phaolô, của viên Thái Giám người Ethiopia, và của viên Đại Đội Trưởng người Roma. Trình thuật hôm nay cho chúng ta lý do chính xác của các cuộc trở lại: "Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa." Nói cách khác, những người này luôn khao khát sự thật, khao khát được biết về Thiên Chúa, và khao khát được sống muôn đời; nên khi họ nghe những lời các môn đệ của Chúa rao giảng Tin Mừng, họ nhận ra ngay những khao khát của họ được đáp ứng, nên họ tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa.

1.2/ Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu: Khi Hội Thánh tại Jerusalem nghe tin nhiều người trở lại tại Antioch, họ cử ông Barnabas đi Antioch để thành lập cộng đoàn tại đó. "Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnabas mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa." Tên của ông Barnabas có nghĩa "con của khuyên nhủ," vì ông được Chúa ban cho có biệt về "khuyên nhủ." Điều này cho ta thấy người mục tử phải là người sống gần gũi với Thiên Chúa, trước khi có thể dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Nếu người mục tử không nghe được tiếng Thiên Chúa, làm sao ông có thể giảng giải cho dân và khuyên nhủ họ đến với Ngài?

Sau đó, ông Barnabas trẩy đi Tarsus tìm ông Phaolô. Khi tìm được rồi, ông đưa ông Phaolô đến Antioch. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Sứ vụ của hai ông tại Antioch khởi sự cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Danh xưng này có nghĩa là những người theo Đức Kitô. Để theo Ngài, họ cần biết nghe và thực hành những gì Ngài giảng dạy, chứ không phải chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa. Nói cách khác, họ là những môn đệ của Đức Kitô, và có bổn phận phải họa lại cuộc đời của Ngài cho người khác thấy và tin vào Ngài.

2/ Phúc Âm: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.

2.1/ Người Do-thái thắc mắc về căn tính của Chúa Giêsu: "Khi ấy, ở Jerusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa Đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Solomon. Người Do-thái vây quanh Đức Giêsu và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." Ngày lễ Cung Hiến Đền Thờ cũng là ngày lễ hội ánh sáng (Hanukka) của người Do-thái. Họ cử hành lễ để tôn vinh ánh sáng vì ngày trở nên ngắn và đêm tối trở nên dài hơn (tháng 12). Ánh sáng và bóng tối có một ý nghĩa đặc biệt trong Gioan.

Tại sao cũng những lời rao giảng của Chúa Giêsu, mà có người tin vào Ngài, và có những người không tin vào Ngài? Thái độ cần phải khiêm nhường khi đi tìm sự thực là điều quan trọng, vì nếu đã hãnh diện biết rồi, còn cần gì phải đi tìm nữa! Khi người Do-thái hỏi Chúa Giêsu câu hỏi như trên, họ không có ý nhiệt thành muốn đi tìm sự thực; nhưng coi Chúa Giêsu như lý do làm họ phải nhức đầu, và họ không muốn thay đổi lề lối suy nghĩ của họ. Với một thái độ như thế, làm sao họ có thể học hỏi những gì Chúa Giêsu muốn mặc khải cho họ! Lý do khác làm họ cứng lòng vì họ muốn ở trong bóng tối (Jn 3:19-20).

2.2/ Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, và với con người:

(1) Liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người: Chúa Giêsu thẳng thắn cho họ biết lý do tại sao họ không nghe Ngài: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi." Họ không tin Chúa Giêsu không phải vì không có các lý do chắc chắn để tin; nhưng vì họ từ chối không chịu lắng nghe và suy nghĩ những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Họ muốn thấy dấu lạ, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ. Họ muốn nghe lời chân lý, Chúa Giêsu đã mặc khải bao nhiêu sự thật của Thiên Chúa. Nếu những người thiện chí muốn đi tìm sự thật, họ đã nhận ra Ngài đến từ Thiên Chúa từ lâu rồi. Nhưng họ đã nhìn và đã nghe đến độ Chúa phải dùng lời tiên tri Isaiah mà nói: "Chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành" (Jn 12:40).

(2) Liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha: Chúa nói: "Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."

Trong Kế Hoạch Cứu Độ, con người được Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu bằng cách tạo cơ hội để họ nghe Chúa Giêsu rao giảng; đồng thời ban Thánh Thần để họ nhận ra sự thật và thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô. Vì thế, cả hai: Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng cuộc sống muôn đời. Khi các tín hữu đã tin vào Đức Kitô, Ngài sẽ bảo vệ họ; nếu họ trung thành nghe tiếng Ngài hướng dẫn, không một quyền lực nào có thể động đến các tín hữu, và cuộc sống muôn đời là của họ (Jn 6:39-40).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người và cho mọi dân tộc trên thế giới; vì tất cả được Thiên Chúa dựng nên và có khả năng để đón nhận sự thật.

- Chúng ta là đoàn chiên của Đức Kitô, chúng ta phải biết lắng nghe để nhận ra tiếng của Ngài, và theo sự hướng dẫn của Ngài, thì mới mong tránh được mọi nguy hiểm trong cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP