Dân Chúa Âu Châu

Thứ Tư Tuần III PS

Bài đọc: Acts 8:1-8; Jn 6:35-40.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa

Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Để mọi người có thể tin vào Đức Kitô, cần có những người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Thiên Chúa, như lời thánh Justin nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sẽ trổ sinh niềm tin Công-giáo.” Để có người làm chứng, cần có người bách hại. Vì thế, mặc dù Giáo Hội sơ khai còn non nớt, làn sóng bách hại đạo đã bắt đầu. Thiên Chúa để việc bách hại xảy ra để có người làm chứng; và nhờ việc làm chứng, nhiều người sẽ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu. Thiên Chúa là người điều khiển và cung cấp sức mạnh cho các tín hữu để họ giúp bành trướng Giáo Hội khắp nơi.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vì Hội Thánh tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội sau cái chết tử đạo của Phó-tế Stephanô, các môn đệ và các tín hữu phải tản mác về các vùng miền quê của Judah và Samaria để hoạt động. Phó-tế Philip xuống vùng Samaria và thành công trong việc rao giảng Tin Mừng tại đó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải long trọng và rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa cho con người: Ngài muốn mọi người tin vào Đức Kitô để khỏi phải chết và được sống muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giáo Hội từ Jerusalem lan rộng tới Samaria.

1.1/ Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Jerusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Judah và Samaria.”

(1) Các Tông-đồ là những người ở lại để trấn thủ: Có hai lý do tại sao các Tông-đồ ở lại Jerusalem: Thứ nhất, các ông là những người can đảm, các ông ở lại để truyền bá Tin Mừng và củng cố Giáo Hội tại Jerusalem, nơi phát sinh Kitô-giáo và giữ một vị trí quan trọng của thế giới. Thứ hai, các ông ở lại để làm gương sáng cho các tín hữu. Là những người lãnh đạo, các ông không thể bỏ đàn chiên Chúa trao để trốn chạy.

(2) Saolô, tên thánh Phaolô trước khi trở lại: Ông là một trong những người nhiệt thành bắt bớ Giáo Hội sơ khai; chẳng những ông tán thành việc giết ông Stephanô, mà ông còn đi đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.

1.2/ Giáo hội từ Jerusalem bắt đầu lan tràn ra khắp nơi: Vì vậy, các tín hữu phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa. Phó-tế Philip đi rao giảng Tin Mừng tại Samaria. Sách CVTĐ tường thuật kết quả cuộc rao giảng Tin Mừng của ông như sau: “Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philíp giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.”

Mấy điều cần lưu ý: ông không phải là một trong số 12 Tông-đồ, ông là một trong 7 Phó-tế với Stephanô. Philip cũng được ban sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ. Điều này chứng minh sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ không phải chỉ ban cho các Tông-đồ mả thôi.

Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng cho các vùng Samaria và Dân Ngoại, lý do như Chúa nói: “Thầy chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel.” Tuy những người Samaria bị ghét bỏ và không được giao thiệp với người Do-thái, nhưng họ lại được cảm tình đặc biệt của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua các trình thuật của Tin Mừng:

(1) Câu truyện đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria kết thúc bằng việc Bà loan báo cho mọi dân trong làng ra gặp Chúa (Jn 4).

(2) Trong Tin Mừng Luca, người Samaritan nhân hậu là người được Chúa Giêsu khen, vì ông đã hết lòng giúp đỡ người gặp nạn trên đường từ Jerusalem xuống Jericho (Lk 10:30-36).

(3) Một người cùi trong số 10 người được khỏi bệnh trở lại cám ơn Chúa, cũng là người Samaria (Lk 17:11).

Dân nghèo chất phác quê mùa là những người hăng hái đón nhận Tin Mừng; trong khi những người đã biết Chúa và biết Kinh Thánh lâu năm không những làm ngơ, lại còn đấu tố những người rao giảng Tin Mừng.

2/ Phúc Âm: Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.

2.1/ Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh: Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.”

Khi Chúa Giêsu nhập thể và loan báo Tin Mừng cho người Do-thái, họ bị đặt trong tình trạng buộc phải lựa chọn một trong hai điều: tin hay không tin vào Ngài. Nếu họ chọn để tin vào Ngài, họ sẽ đạt được cuộc sống muôn đời. Nếu họ chọn không tin vào Ngài, họ sẽ không đạt được cuộc sống muôn đời.

Bằng sự tự do lựa chọn tin hay không tin nơi Chúa Giêsu, con người tự phán xét lấy mình; vì Thiên Chúa không sai Người Con của Ngài đến luận phạt thế gian, nhưng là để cứu thế gian (Jn 3:16-21). Chúa Giêsu mở rộng vòng tay để đón mọi người: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” Không có sự tiền định cho ai phải lên thiên đàng hay phải xuống hỏa ngục trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

2.2/ Chúa Giêsu mặc khải thánh ý của Thiên Chúa cho mọi người: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Theo Kế Họach của Thiên Chúa, Ngài muốn cho mọi người được cứu độ, và Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra là cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nói như thánh Augustinô, để cứu độ con người, Chúa cần sự cộng tác của cá nhân đó bằng cách đòi họ phải tin vào Đức Kitô.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đã chết và sống lại để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, mọi người đều có thể được cứu độ nếu họ tin vào Chúa Giêsu.

- Để mọi người tin vào Chúa Giêsu, cần có những người đi rao giảng Tin Mừng và dám làm chứng cho Ngài.

- Tất cả chúng ta có đức tin vì đã được nghe những nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng và hưởng ơn phúc của những chứng nhân đã đổ máu làm chứng cho Chúa. Chúng ta có bổn phận phải tiếp tục loan truyền Tin Mừng và trở thành những chứng nhân, để mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP