Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai Tuần II PS

Bài đọc: Acts 4:23-31; Jn 3:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Kitô.

Một bằng chứng hùng hồn của việc Chúa sống lại là chúng ta chỉ cần quan sát sự thay đổi nơi các tông đồ: Điều gì đã giúp cho các tông đồ, từ những người nhát đảm sợ sệt bỏ trốn Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài, bây giờ trở thành những người can đảm làm chứng cho Chúa giữa những đe dọa và cực hình? Đó là sự hiện diện của Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với các ông trong đêm giã biệt: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).

Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu. Trong Bài Đọc I, khi các tông đồ cầu nguyện và xin ơn để có thể tiếp tục sứ vụ Chúa Giêsu đã trao phó, Thánh Thần hiện xuống trên các ông và quyền năng của Ngài bao trùm các ông, giúp các ông có can đảm và mạnh bạo làm chứng cho Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói cho Nicodemus biết: không ai có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nếu không được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.

1.1/ Con người chỉ làm theo kế họach Thiên Chúa đã hoạch định: Phêrô và Gioan được tha về sau khi đã làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt THĐ và dân chúng. Hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.

Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là David, tôi trung của Ngài, mà phán: “Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Psa 2).”

Các tông đồ hiểu lời Thánh Vịnh 2 này nói trước về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: "Đúng vậy, Herode, Pontius Pilate, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu.” Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì do ý muốn của Thiên Chúa đã hoạch định từ trước.

1.2/ Các tông đồ được ban Thánh Thần để làm chứng cho Đức Kitô: Các tông đồ xin những sức mạnh cần thiết để các ngài có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: ơn can đảm, ơn chữa lành, uy quyền làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Họ cầu nguyện: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu."

Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và thúc đẩy các ông làm chứng cho Chúa Giêsu. “Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Giờ đây, không chỉ có Phêrô và Gioan can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, mà tất cả các tông đồ. Sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần, các ông có can đảm để đi vào các ngả đường làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

2/ Phúc Âm: Phải sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí.

2.1/ Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa từ trên.

(1) Tiểu sử Nicodemus: “Trong nhóm Pharisees, có một người tên là Nicodemus, một thủ lãnh của người Do-thái.” Ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, và đã lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu cách gián tiếp khi THĐ âm mưu bắt Chúa Giêsu (Jn 7:50-51). Ông cũng là người đã cùng ông Joseph Arimathea tháo đanh và táng xác Chúa trong hang đá (Jn 19:38-39). Tại sao ông đến với Chúa Giêsu ban đêm? Có người cho rằng vì ông sợ người khác thấy. Kẻ khác cho tại vì truyền thống Do-thái có thói quen học Kinh Thánh ban đêm.

Ông để ý quan sát và nhận xét về Chúa Giêsu không giống như các người Pharisees khác: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Lời nhận xét của ông giống như lời nhận xét của người mù từ lúc mới sinh trong Jn 9: Nếu Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa, Ngài không thể nào chữa lành bệnh tật cho anh. Ông phải là người thành tâm thiện ý đi tìm sự thật; nhưng chưa có Thánh Thần để giúp ông hiểu lời Chúa nói và can đảm tin vào Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thảo luận với ông về sự hiện diện cần thiết của Thánh Thần. Có lẽ ông đã tin vào Chúa sau khi táng xác Chúa.

(2) Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với ông: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Nicodemus thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"

Trong tiếng Hy-lạp, trạng từ "anothen"có thể mang một trong 3 nghĩa sau: (1) từ trên cao; (2) một lần nữa; (3) từ ban đầu (Lk 1.3). Nicodemus hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa thứ hai.

Theo W. Barclay, Chúa Giêsu có thể ám chỉ cả 3 nghĩa: “Để có thể tái sinh hoàn toàn mới, một người cần phải trải qua một sự thay đổi lớn mà nó gần như là một sự sinh ra mới (nghĩa 2); đó là cần phải có những gì xảy ra cho linh hồn mà nó chỉ có thể mô tả là được sinh ra bắt đầu lại từ đầu (nghĩa 3); và tòan thể tiến trình này không phải do công lao con người, vì nó đến từ ơn thánh và uy quyền của Thiên Chúa (nghĩa 1).”

2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Nicodemus:

(1) Sinh ra bởi Nước và Thánh Thần: Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Các tông đồ phân biệt 2 phép rửa: phép rửa bằng nước của Gioan để tha tội, phép rửa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu.

(2) Việc làm của Thánh Thần: Chúa Giêsu so sánh Thánh Thần với gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

Trong tiếng Hy-lạp và Do-thái, họ chỉ dùng cùng một tiếng để chỉ “gió” và “thần khí:” ruah trong tiếng Do-thái và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Con người thấy hậu quả những việc làm của Thánh Thần, tuy không bao giờ thấy Ngài. Ví dụ, khi nhìn thấy các tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu hay nói tiếng lạ, chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đã biến các ông từ chỗ nhút nhát sợ sệt đến chỗ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có Thánh Thần trong linh hồn.

- Các tín hữu phải được tái sinh bởi Thánh Thần mới có thể hiểu Lời Chúa và can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP