Dân Chúa Âu Châu

Thứ Năm Tuần I TN, Năm B

Bài đọc: Heb 3:7-14; Mk 1:40-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bất tuân lệnh Thiên Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả.

Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành những điều kiện đòi hỏi; làm ngược lại sẽ phải lãnh hậu quả xấu. Ví dụ, để có thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không khỏi bệnh. Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy là tự chuốc hậu quả xấu cho mình. Trong Bài Đọc I, Tác giả Thư Do-Thái dùng ví dụ của hai nhà lãnh đạo Moses và Aaron để răn bảo dân phải biết vâng lời Thiên Chúa mà tin vào Đức Kitô. Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô, người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!

1.1/ Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta:

(1) Biến cố trong sa mạc tại Meribah và Massah (Psa 95:7-11): Dân chúng đi trong sa mạc không có nước uống, họ kêu ca với Moses và Aaron hai lần. Lần đầu tại Marah (Exo 15:23), nước quá đắng họ không uống được, Thiên Chúa chỉ cho Moses lấy một khúc gỗ quăng xuống, nước liền hóa ngọt cho dân uống. Lần thứ hai tại Meribah (Exo 17:1-7, Num 20:1-13), dân chúng cũng kêu trách vì không có nước uống, Thiên Chúa bảo Moses và Aaron: "Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống." Ông Moses cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa, như Người đã truyền cho ông. Ông Moses và ông Aaron triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Moses nói với họ: "Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?" Ông Moses giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống” (Num 20:8-11).

Nếu một người so sánh những gì Thiên Chúa nói với những gì ông Moses làm, người đó sẽ nhận thấy ông Moses đã không vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Chúa bảo ông “các ngươi sẽ nói với tảng đá.” Ông Moses lấy gậy đập vào tảng đá, không chỉ đập một lần mà tới hai lần. Vì thế, đây là bài học muôn đời cho dân Israel và cho chúng ta: Hễ Thiên Chúa bảo gì, hãy làm đúng như vậy. Tác giả Thánh Vịnh 95 nhắc lại cho dân chúng sự kiện này để họ biết tầm quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này, Ta đã nói: Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta.”

(2) Hậu quả của việc không vâng lời: Bấy giờ Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aaron: "Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng. Đó là mạch nước Meribah - nghĩa là gây chuyện - nơi con cái Israel đã gây chuyện với Đức Chúa, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ" (Num 20:12-13). Hai ông Moses và Aaron, mặc dù có công nhiều trong việc lãnh đạo dân Do-Thái ra khỏi Ai-Cập và cuộc hành trình suốt 40 năm trong sa mạc, đã không được lãnh đạo dân vào Đất Hứa vì biến cố bất tuân tại Meribah này. Thiên Chúa cho ông Moses thấy Đất Hứa rồi qua đời (Jos 1:1-2), nhưng đã chọn ông Joshua lãnh đạo đem dân vào Đất Hứa. Tác giả của Thánh Vịnh 95 cũng nhắc lại hậu quả này: “Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!”

1.2/ Đừng chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô:

(1) Nếu chối bỏ Đức Kitô: Sau khi Tác-giả Thư Do-Thái dùng bằng chứng của Cựu Ước để chứng minh sự quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa, ông áp dụng điều này trong Tân Ước. Vì Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến để dạy dỗ và mang ơn Cứu Độ cho dân, tất cả mọi người phải tin vào Ngài và thực hành những gì Ngài dạy. Ông viết: “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt. Quả thế, chúng ta đã được thông phần Đức Kitô, miễn là chúng ta cứ giữ vững cho đến cùng căn bản của lòng tin đã có từ ban đầu.”

(2) Hậu quả của việc chối bỏ Đức Kitô: lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Theo các tác giả của Tân Ước, điều kiện để được hưởng ơn Cứu Độ là tin vào Đức Kitô. Ai không tin vào Đức Kitô, sẽ không có sự sống đời đời; và như thế, sẽ không bao giờ được chung sống với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Người phong cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.

2.1/ Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.

2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.

2.3/ Anh được chữa lành phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu Chúa Giêsu là một ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự, điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.

- Vâng lời Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP