Dân Chúa Âu Châu

Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh

Bài đọc: I Jn 4:19-5:4; Lk 4:14-22.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu Chúa là thi hành thánh ý của Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề: phải bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa bằng các hành động cụ thể. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan dạy: Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nên chúng ta phải bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho tha nhân. Ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Ngài trong các hội đường để người ta biết đến Ngài. Khi trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng, Ngài cũng vào hội đường và đọc Sách Tiên-tri Isaiah, chương 61, nói về Năm Hồng Ân. Ngài nói cho mọi người trong hội đường biết, Ngài chính là Người mà Tiên-tri nói tới. Ngài đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa và giải thóat nhân lọai khỏi mù lòa và xiềng xích của tội lỗi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Yêu Chúa là giữ các giới răn của Ngài.

Hai tư tưởng chính của Thư Gioan I là: (1) tin Đức Kitô đến từ Chúa Cha; và (2) giữ điều răn yêu thương. Chúng ta đã nói tới 2 tư tưởng này trong các bài chia sẻ trước. Hôm nay, chúng ta chỉ để ý tới những khía cạnh mới lạ của 2 tư tưởng chính này.

1.1/ Yêu Thiên Chúa là yêu Đức Kitô: Thánh Gioan cắt nghĩa: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.” Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nói rõ hơn: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người tín hữu trở nên con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Nếu họ yêu mến Cha, Đấng Sinh Thành, họ cũng phải yêu mến Con là Đức Kitô, Người được Đấng ấy sinh ra. Điều mới lạ ở đây là Gioan đi từ “tin” đến “yêu” Đức Kitô.

1.2/ Yêu Thiên Chúa là giữ các giới răn Ngài truyền: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người.”
(1) Yêu mến Chúa là phải yêu thương anh em: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” Như đã nói ở trên, khi một người tin vào Đức Kitô là người đó cũng yêu Đức Kitô. Tình yêu của người đó dành cho Đức Kitô sẽ thúc đẩy người đó giữ các điều răn Đức Kitô truyền, như Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ những điều Thầy truyền” (Jn 14:15). Mà điều quan trọng nhất Đức Kitô truyền là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu mến anh em” (Jn 13:34).

(2) Yêu mến Chúa mà ghét anh em là kẻ nói dối: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” Câu này là phản đề của câu trên: Yêu mến Thiên Chúa là có tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mình. Khi có tình yêu Thiên Chúa là phải giữ điều răn yêu thương. Vì thế, nếu một người nói mình yêu mến Thiên Chúa, mà không giữ điều răn yêu thương (ghét anh em mình), người đó là kẻ nói dối; vì không có tình yêu Thiên Chúa trong mình mà dám nói có. Nói tóm lại: Phải có tình yêu Chúa mới có thể yêu anh em; và yêu anh em là bằng chứng mình có tình yêu Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chu tòan sứ vụ Chúa Cha trao phó.

2.1/ Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội đường: Trình thuật của Luca hôm nay ngay sau biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, và bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu chọn Galilee là địa điểm để bắt đầu sứ vụ rao giảng vì Galilee là vùng rất đông dân cư, và dân chúng mở lòng cho những dạy dỗ mới, chứ không bảo thủ như ở vùng Judah. Người Do-Thái chỉ có một Đền Thờ duy nhất tại Jerusalem, nhưng hội đường mới là các trung tâm tôn giáo của dân địa phương. Theo Lề Luật, chỗ nào có từ 10 gia đình trở lên, chỗ đó phải có một hội đường. Vì thế, hầu như mỗi làng mạc hay thành phố, đều có ít nhất một hội đường cho dân học hỏi và làm việc thờ phượng. Phụng vụ của người Do-Thái gồm 3 phần chính:

(1) Phần phụng vụ của các lời cầu nguyện;

(2) Phần đọc Kinh Thánh: Có tất cả 7 người trong cộng đòan đọc. Họ đọc bằng tiếng Do-Thái, nhưng được phiên dịch ra tiếng Aramaic hay Hy-Lạp, vì thời của Chúa Giêsu, ít người hiểu tiếng Do-Thái. Nếu là Sách Luật, họ đọc một câu một lần; nếu là Sách Tiên-tri, họ đọc 3 câu một lần.

(3) Phần dạy dỗ: Không có nhất định một Rabbi. Người trưởng hội đường có thể mời bất cứ một người nào có thế giá trong dân để chia sẻ, và để điều khiển cuộc đối thọai sau đó. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có cơ hội giảng dạy để người ta biết tới và tôn vinh.

2.2/ Chúa Giêsu giảng dạy tại Nazareth, nơi Ngài lớn lên: Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người Sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đây là đọan văn trong Chương 61 của Isaiah, nói về Năm Hồng Ân, xảy ra mỗi 50 năm một lần. Trong năm này, tất cả nợ nần được tha, tất cả đất đai đã bán được trả về cho chủ cũ, tù nhân được phóng thích hay giảm án. Nói tóm, mọi người đếu có cơ hội làm lại cuộc đời (Lev 25).

Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Chúa Giêsu nói với dân chúng Người chính là Đấng mà Tiên-tri Isaiah đã loan báo. Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và tấn phong khi chịu Phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan Tẩy Giả, và hôm nay Người bắt đầu sứ vụ đã được trao phó. Chắc chắn Chúa Giêsu không quan tâm đến việc giải phóng người nghèo phần xác cho bằng người nghèo về tâm linh: bị mù lòa và bị xiềng xích bởi tội lỗi, và năm hồng ân của Chúa chính là ơn cứu độ Ngài mang tới cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


- Nếu chúng ta yêu Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành những gì Chúa truyền, vì những giới răn này giúp chúng ta ở lại trong Chúa, và không lạc xa tình yêu của Ngài.

- Yêu Thiên Chúa là biết lo chung với những lo âu của Thiên Chúa: Làm sao cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa để tất cả đều được hưởng hồng ân cứu độ của Ngài.

- Mỗi người chúng ta đều có bổn phận cùng chung với Giáo-Hội lo việc truyền giáo: làm sao cho càng ngày càng tăng số người nhận biết và tin vào Thiên Chúa.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế