Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

Thưa Cha,
Trong một cuộc hội thảo, chúng con được nghe nói Giáo lý của Hội Thánh đã có thay đổi về chuyện Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất trong 7 ngày, cũng như truyện của hai ông bà nguyên tổ là ông Adong và bà Evà…
Xin cha có thể tóm tắt cho chúng con những ý chính về điều này, và đừng đi vào chi tiết khó hiểu? Xin cám ơn cha.
Người hay thắc mắc.

Câu hỏi của bạn có thể tạm tóm lại trong vấn đề Thiên Chúa sáng tạo theo sách Sáng Thế ở chương 1 và chương 2. Tôi cố gắng tóm như lời bạn yêu cầu cách phải hiểu thế nào về vấn đề đó theo Giáo Lý của Giáo Hội.
Thánh Kinh không phải là một cuốn sách khoa học trình bày cho chúng ta biết làm cách nào Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ và con người. Thánh Kinh là Lời Chúa được linh hứng qua ngòi bút của con người. Các tác giả hai chương đầu của sách Sáng thế trả lời cho câu hỏi từ muôn thuở của con người đặt ra: tại sao Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ và loài người? Đó là một kinh nghiệm về đức tin, và vì thế quan niệm này các bạn không tìm thấy được trong từ ngữ của khoa học nhưng nó thuộc thuật ngữ thần học. Cho nên, dù ngày hôm nay và trong tương lai, các nhà vật lý thiên văn, các nhà hóa học, các nhà cổ sinh vật học… có tiếp tục tìm tòi để trả lời làm cách nào và trong hoàn cảnh nào con người xuất hiện trên trái đất này, thì người tín hữu vẫn tiếp tục gọi Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cho biết lý do sự hiện hữu của con người và cho vũ trụ một ý nghĩa.
Giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo liên quan đến chính những nền tảng của cuộc sống con người. Vấn đề này đưa ra một câu trả lời dưới con mắt đức tin về câu hỏi sơ cấp mà con người ở mọi thời đều một lần nêu ra: «con người từ đâu tới?», «con người sẽ đi về đâu?» «Cứu cánh của con người là gì?»… Những câu hỏi đó được gắn liền với nhau; và nó quan trọng cho ý nghĩa và định hướng cuộc đời cũng như hành động của chúng ta (xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 282).
Các tác giả của hai chương đầu sách Sáng thế cũng đặt những câu hỏi trên. Họ không nhắm trả lời bao giờ và làm sao vũ trụ được thành hình một cách vật chất, hay con người xuất hiện bao giờ và cách nào. Họ chỉ có ý đưa chúng ta khám phá ý nghĩa của sự khởi thủy trên (xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 284).
Thánh Kinh được mở với hai chương nói về việc Sáng tạo. Hai trình thuật hoàn toàn đối chọi nhau nếu như chúng ta giải thích theo khoa học về thuở bình minh của thế giới và loài người. Chương Sáng thế thứ 1 còn gọi trình thuật Sáng tạo theo truyền thống Tư Tế, được hình thành vào thời kỳ dân Do thái bị lưu đày ở Babylone vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Trình thuật đến từ trường phái Tư Tế cho nên tác giả đã nghĩ công cuộc Thiên Chúa sáng tạo cũng giống như 1 tuần làm việc của con người. Vì thế tác giả tả ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi như con người nghỉ ngơi và để dành ngày đó cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Trình thuật cho thấy tất cả mọi sự khởi nguồn từ nước. Lúc đầu chỉ có một khối nước nguyên thủy. Thiên Chúa làm một cái vòm ngăn chia trước ở bên trên và nước ở bên dưới. Rồi Thiên Chúa chia nước bên dưới thành đại dương và đất liền xuất hiện. Đất liền là một hòn đảo giữa nước.
Ngược lại, sách Sáng thế chương 2 thuộc truyền thống Gia Vít là một trình thuật ra đời trước khi có Sáng thế chương 1. Sáng thế 2 được biên soạn dưới triều đại của Đa Vít và Salomom tức là ở thế kỷ thứ X trước công nguyên. Thuở ban đầu chỉ có đất khô cằn cõi vì không có mưa. Thiên Chúa đã làm dấy lên nguồn nước ngọt với suối và sông ngòi. Con người và thú vật lúc đó mới xuất hiện, và đất là một ốc đảo giữa sa mạc.
Cho dù, Thánh Kinh được mở ra với sách Sáng thế với hai trình thuật về việc sáng tạo; nhưng chúng ta cần biết rằng truyền thống cổ xưa nhất của dân Ítraen lại nói về một Thiên Chúa giải phóng với những khuôn mặt của Abraham và Môsê. Sau này quan niệm về việc sáng tạo mới được khai triển trong bối cảnh giải phóng. Tác giả nói lên quan niệm rõ ràng nhất về Thiên Chúa sáng tạo là Nhị Ngôn sứ Isaia (tức là tác giả của chương 40 đến chương 45 của sách Isaia). Ông loan báo dân lưu đày ở Babylone (587-538) được giải phóng, vì chính tác giả với lòng tin đã kinh nghiệm rằng Thiên Chúa cứu độ và ông có thể xưng tụng Người là Đấng sáng tạo. Và chính trong bối cảnh này mà các tác giả Tư Tế đã soạn ra trình thuật Sáng thế 1.
Tác giả trình thuật Sáng thế 2 soạn văn bản của mình với bối cảnh dân tộc Do thái đang hưởng hoa trái của sự giải thoát khỏi Ai cập. Đa Vít đang thiết lập vương quốc Ítraen tại xứ Canaan.
Qua những kinh nghiệm về giải phóng, dân tuyển chọn khám phá Thiên Chúa muốn họ được tự do và chính vì thế Người giải thoát họ ra khỏi nô lệ. Ngược lại, điều này buộc dân Ítraen dấn thân đáp lại bằng cách sống giao ước do Thiên Chúa đề nghị.
Chúng ta phải nhìn nhận các tác giả của hai chương đầu của sách Sáng thế là những thiên tài. Họ đã biết dựng lên lịch sử của một dân tộc và đặt vào lịch sử của mọi dân tộc. Nếu như Thiên Chúa có thể hành động cứu độ trong một lịch sử riêng biệt cũng vì Người là chủ của lịch sử. Người tạo dựng nhân loại để họ được tự do.
Các dân tộc vùng Cận đông như người Ai cập, Babylone cũng có những trình thuật khởi thủy viết theo thể văn thần thoại. Chúng ta cũng thấy có những chuyện kể về lụt Đại hồng thủy như trong Cựu ước. Vì vậy nét độc đáo của Thánh Kinh không phải ở trong những hình ảnh được dùng đến theo thể văn huyền thoại nhưng nằm trong ý tưởng của bản văn.
Trong Trình thuật Sáng thế 1, tác giả Tư Tế mang niềm tin độc thần đã chống lại những thần của người Babylone, vì thế mặt trời, mặt trăng không còn được coi là nhữõng thần nhưng chúng chỉ là những tạo vật thường mà thôi.
Trong trình thuật Sáng thế 2, tác giả Gia Vít cũng cho thấy sự cách biệt với sự tích anh hùng ca Atra-Hasis của người Babylone. Bản anh hùng ca này cho thấy loài người được cấu tạo để làm việc thay thế cho các thần. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa tạo dựng con người cách vô vụ lợi, và trao cho họ quyền cai quản. Con người theo Thánh Kinh được tạo dựng nên từ cát bụi, cộng vào với một yếu tố thần linh. Ngược lại trong thần thoại Babylone, con người được tạo dựng từ máu của một vị thần thua cuộc vì vậy ngay từ nguyên thủy bản chất con người đã ghi dấu ấn bị nguồn rủa. Con người trong Thánh Kinh trở nên sống động khi Thiên Chúa thở vào họ. Huyền thoại Babylone mang tính chất bi quan, ngược lại Trình thuật Sáng tạo 1 và 2 lạc quan.
Ngoài ra theo huyền thoại Babylone, các thần quyết định thiêu hủy nhân loại bằng lụt Đại hồng thủy tại vì loài người phá sự yên lặng của họ. Định mệnh con người được quyết định từ lòng ích kỷ của các thần. Theo Thánh Kinh, nếu như Thiên Chúa gây nên lụt Đại hồng thủy vì con người đã trở nên phi luân lý cần phải bị phán xét. Con người mang lấy trách nhiệm định mệnh của họ.
Theo Thánh Kinh «Sáng tạo» không có nghĩa  «làm ra, chế tạo ra», nhưng «làm cho sống, ban sự sống hay làm cho hiện hữu». Theo ý nghĩa đó con người được tạo dựng «theo hình ảnh Thiên Chúa» tức là con người có thể ban sự sống, cho người khác hiện hữu bằng cách nhìn nhận mỗi người có cá tính riêng biệt và không thể tước bỏ quyền tự do của họ…