Dân Chúa Âu Châu

Peter ChrysologusThánh Phêrô Chrysologus (406-450?)

Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng. Ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài.
Lược sử
Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Đức Cornelius, là Giám Mục của Imola. Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Đức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét: "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Đức Kitô." Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.
Suy niệm 1:. Giáo dục
Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Đức Cornelius.
Hơn lúc nào hết, ngày nay ai cũng nhận ra được vai trò tối quan trọng của việc giáo dục. Nhìn vào các gánh xiếc, chúng ta phải trầm trồ khen ngợi và khâm phục các cách nhào lộn không tưởng được ngay cả đám thiếu nhi bé nhỏ. Đặc biệt các thú dữ cũng biểu diễn nhiều trò hấp dẫn theo sự điều khiển của người phụ trách. Nhờ đâu, tất cả đều đã được dày công khổ luyện.
Nhất là trong lãnh vực tinh thần và đạo đức, thân mẫu Môsê đã đạo diễn một tình huống tuyệt vời, để có thể trở thành một vú nuôi hợp pháp sống bên cạnh Môsê, nhờ đó giáo dục mặt gốc gác và tâm linh cho Môsê, trước khi vào hoàng cung được tiếp tục giáo dục về các mặt nhân bản khác, thích ứng được với sứ vụ Chúa trao (Xh 2,1-10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con các nhà đảm trách việc giáo dục luôn ý thức trọng trách cao cả của mình, cũng như các thụ nhân phải biết tận hưởng hết mức.
Suy niệm 2: Biệt danh
Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài.
Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo.
Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức, dù kiến thức đạo hay đời, theo khả năng và cơ hội của mỗi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm học hành không để đạt được hồng ân hùng biện, nhưng chủ yếu có những lời vàng ngọc hữu ích cho đời và cho người.
Suy niệm 3: Bác ái
Phêrô thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần.
Một khía cạnh bác ái ngài quan tâm. Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét: "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Đức Kitô".
Sau này, Cha Thánh Gioan Maria Vianê cũng đồng tình với đường lối sống bác ái ấy, khi về nhận một giáo xứ hẻo lánh mang tên Ars với chỉ 40 gia đình mà có tới 4 quán rượu cũng có sinh hoạt khiêu vũ thu hút khách cùng một số tệ đoan khác. Ngài nỗ lực đã phá và thâu lượm được kết quả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực sống đức ái bằng việc tẩy chay các sinh hoạt vui chơi thiếu lành mạnh.
Suy niệm 4:. Cần cù
Đức Phêrô chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Để diễn tả phần nào bao khó khăn vị chủ chăn gặp phải trong việc chăn dắt đàn chiên năm người mười ý, thường có câu "làm dâu trăm họ". Chính các Vị Tông Đồ trụ cột của Giáo Hội tiên khởi như một Phêrô và Phaolô cũng không tránh được tình huống này khi phải đương đầu với các vụ tranh chấp tôn giáo.
Ngài đã chọn một đức tính để làm việc, đó là sự cần cù. Ngài hiểu rằng người lười biếng thì ước gì cũng chẳng được, nhưng người cần cù thì muốn chi cũng được thỏa mãn (Cn 13,4). Hình ảnh con ve và con kiến trong chuyện ngụ ngôn quả là một bài học để đời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học lấy đức tính cần cù để dễ hoàn thành mọi công việc.
Suy niệm 5: Thận trọng
Đức Phêrô chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Để nói lên đức tính thận trọng của ngài trong cách làm việc, người ta thuật chuyện: Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Đức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus.
Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con giữ lấy lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô: Hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và cả trong mọi sự (1Tm 4,16;2Tm 4,5).
Suy niệm 6: Bài giảng
Đức Phêrô được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.
Ngài là một con người thông thái và lại có tài hùng biện, nhưng các bài giảng của ngài luôn mang tính đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng, chứ không cầu kỳ, không nặng phần giáo thuyết cao siêu như một lớp học, khiến đầu óc căng thẳng và khó nắm bắt.
Phải nói ngài thật khéo trình bày và dọn các món ăn lời Chúa thật khoái khẩu và hấp dẫn. Ngài nhận định rõ bài dạy ở lớp học thì khác với một bài giảng. Tinh thần đón nhận của sinh viên học sinh thì khác với người tín hữu tham dự buổi cử hành phụng vụ. Trình độ tiếp thu cũng không đồng đều như trong một lớp học. Chủ đích trực tiếp của bài giảng là giúp sống, vì thế chỉ cần trình bày đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng để họ ghi nhận và sống là đủ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị hữu trách phân biệt rõ bài giảng không là diễn đàng để trình bày kiến thức mình mà là dịp giúp người sống.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ