Dân Chúa Âu Châu

Martha n JesusThánh Mácta

Thánh Mácta không nổi bật, không thi hành những việc có tính cách phô trương, không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.
Lược sử
"Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô".
Hiển nhiên, Đức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Đức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.
Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Đức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Đông và Mácta là điển hình. Đức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Đức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm.
Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Cuộc đối thoại của ngài với Đức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài.
Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ."
Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.
Suy niệm 1:. Yêu quý
"Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô".
Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Đức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ (Ga 11,3.36). Ngoài gia đình đặc biệt này, tông đồ Gioan cũng là người được Đức Giêsu yêu quý hơn hẳn các tông đồ khác (Ga 13,23;19,26;20,2).
Điều này cho thấy bản chất người của Đức Giêsu, nhưng đồng thời cũng nói lên bản tính Thiên Chúa của Ngài, vì mức độ thương yêu hơn này không gây ảnh hưởng xấu đến người khác, cách riêng nhóm các tông đồ. Không như bà Rêbêca vì thương Giacóp hơn đã khiến Êxau sinh lòng ganh ghét em và manh tâm giết em (St 27,41), hoặc cách Giacóp thương Giuse hơn cũng khiến các anh ganh ghét và bán em qua Ai Cập (St 37,4.28).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thận trọng trong việc thương riêng ai, kẻo cách vụng về của chúng con có thể gây nên hậu quả xấu.
Suy niệm 2: Khách thường xuyên
Đức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania.
Dầu chỉ đến ba lần, nhưng Đức Giêsu cũng được xem là vị khách thường xuyên của gia đình, vì có lẽ vinh dự này chưa gia đình nào được hưởng nhiều như thế. Lý do Đức Giêsu đến vì được mời (Lc 10,38), nhưng đồng thời vì Người cũng yêu quý người anh Lagiarô của thánh nữ (Ga 11,3.36).
Dầu vậy, Đức Giêsu vẫn luôn coi trọng sứ vụ rao giảng hơn hẳn mối cảm tình thiêng liêng này. Thật thế, khi hay tin Ladarô bị lâm trọng bệnh có khả năng nguy tử, Ngài không tìm đến ngay mà vẫn tiếp tục ở lại hai ngày nữa để rao giảng (Ga 11,6). Và quả thật khi xong việc, Ngài đến nơi thì Ladarô đã chết và được chôn cất bốn ngày rồi (Ga 11,17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn dành cho nhiệm vụ một địa vị ưu tiên hàng đầu.
Suy niệm 3: Hiếu khách
Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Đông và Mácta là điển hình.
Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Đức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Đức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Đức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta.
Tinh thần hiếu khách vốn tốt nên cần lưu ý để được tốt hơn lên. Đó là không chỉ lo việc bếp núc và dọn bữa, mà còn phải hầu chuyện với khách. Như thế cần biết phân chia trước phần việc cho mỗi thành viên trong gia đình cho phù hợp, để tránh những tiểu tiết nhỏ nhặt không đáng có.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực thi đường hướng làm việc của thời đại văn minh hôm nay là phân quyền và phân việc.
Suy niệm 4: Lo lắng
Đức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người.
Thái độ lo lắng của Mácta thật đáng khen thưởng vì cho thấy tâm tình của một người hiếu khách. Điều đáng tiếc là lo lắng nhiều quá về việc làm bếp mà không chú tâm đến việc tiếp chuyện. Hãy nhớ khách đến thăm không chủ để ăn mà thăm viếng. Thức ăn đồ uống luôn mang tính thứ yếu.
Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Đức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta: thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Đức Giêsu, vốn từng cảnh báo: hãy tìm kiếm Chúa trước (Mt 6,24-34).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn lo việc Chúa trước tất cả mối lo khác.
Suy niệm 5: Bài học
Mácta đã thấm nhuần bài học.
Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Đức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Đức Giêsu (Ga 11,20).
Trong cuộc đối thoại dịp này với Đức Giêsu, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Đức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Do đó Đức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.
* Lạy Chúa Giêsu, bài học ở đời không thiếu, xin giúp chúng con thấm nhuần và thể hiện trong cuộc sống.
Suy niệm 6: Hầu hạ
Mácta lo hầu hạ.
Lúc ấy, Đức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Đức Giêsu.
Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Đức Giêsu mà thôi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vui lòng làm việc gì cũng được miễn là việc phục vụ Chúa, vì nguyên việc này đủ làm nên giá trị chúng con.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ