Dân Chúa Âu Châu

Mary Magdalene crucifixionThánh Maria Mađalêna

Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ, và là một trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh.

Lược sử

Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Đức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, ngài rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng.
Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm.
Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các ngài (Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ." Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu với Đức Mẹ. Và, trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được ưu tiên đó.

Suy niệm 1: Vinh dự

Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Đức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna.
Một vinh dự trổi vượt mà ngài được tận hưởng, đó là trong số những người theo Chúa, ngay cả Đức Maria và các tông đồ, ngài là người đầu tiên được diện kiến Đức Kitô Phục Sinh dịp ra viếng mồ Chúa, để rồi được nhận lãnh sứ mạng loan báo tin mừng này cho những người khác (Ga 20,15-18).
Ngài thật xứng hưởng được vinh dự này, vì ngài đã sống trọn vẹn lòng sám hối tội lỗi đến mức không bao giờ tái phạm và dùng cả quảng đời còn lại để bù đắp bằng việc hết mình theo Chúa. Ngài giúp đỡ Chúa trên bước đường truyền giáo theo điều kiện của mình (Mt 27,55-56), ngài đứng dưới chân thập giá cùng với Mẹ Chúa (Ga 19,25), ngài mua dầu thơm xức xác Chúa (Mc 16,1) và nhất là đóng vai làm sứ giả loan báo tin mừng Đức Kitô Phục Sinh (Mt 28,7;Ga 20,2).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhận ra niềm vinh dự cao cả mà chúng con cũng hằng nhận được là được làm con Chúa dầu thật bất xứng, để hết mình chừa bỏ tội lỗi và sống hết mình cho Chúa.

Suy niệm 2: Phỉ báng

Mađalêna rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng.

Vì sao thế? Vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng ngài là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Đức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7,36-50 và được Người chữa khỏi "bảy quỷ" (Lc 8,2).
Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị "nhận diện sai lầm" trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngài không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng "bán chính thức" của sự Phục Sinh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mang tâm tình của người trộm bên hữu Chúa mỗi khi bị phỉ báng dầu bị hiểu lầm: Thật là đích đáng xứng với bao tội đã và sẽ phạm (Lc 23,41).

Suy niệm 3: Lẫn lộn

Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm.

Maria Mađalêna, chính là "Maria Mácđala", người được Đức Kitô chữa khỏi "bảy quỷ" (Luca 8,2) -- đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.
Cha W.J. Harrington, dòng Đa Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), ngài viết "bảy quỷ" "không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7,36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna "không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7,37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho ngài".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra sự nhầm lẫn thậm chí sai lầm, điều quan trọng là thấy được sự bất toàn của thân phận làm người để rồi khắc phục, sửa sai và tiến lên.

Suy niệm 4: Giúp đỡ

Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các ngài (Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ".
Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa Ngôi Hai tràn đầy mọi sự, thế nhưng khi xuống trần mang thân phận làm người thì Ngài chấp nhận số phận vô sản tuyệt đối, dến mức bằng lòng hạ sinh trong một máng cỏ (Lc 2,7), sống lang thang không nhà không có nơi tựa đầu (Mt 8,20), chết với chỉ một mảnh vải che thân và được chôn nhờ vào ngôi mộ của một người hảo tâm (Mt 27,60).
Đức Giêsu vốn giàu sang nhưng tự ý trở nên vô sản (2Cr 8,9) để tạo điều kiện cho người người có cơ hội giúp đỡ Người bằng các phương tiện và điều kiện của họ. Thú vật bò lừa trú trong hang có thể hà hơi sưởi ấm Người cũng như cho Người mượn máng ăn làm nơi sinh hạ. Một trẻ bé có thể đóng góp 5 chiếc bánh và 2 con cá để giúp Người làm phép lạ nuôi sống đoàn dân đông đảo (Ga 6,9). Gia đình 3 chị em Mácta nghèo của nhưng giàu lòng ở Bêtania cũng làm nơi Chúa dừng chân nghỉ ngơi (Lc 10,38).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con rộng lòng để giúp người cũng như tạo điều kiện cho người giúp mình.

Suy niệm 5: Đứng

Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu với Đức Mẹ.
Kể từ ngày ngài được Đức Giêsu cứu sống cả phần xác lẫn phần hồn (Ga 8,11), ngài đã canh tân đời sống và khéo léo đi theo giúp đỡ Chúa. Đến giây phút cuối đời của Chúa trên thập giá, ngài cũng hiện diện bất chấp mọi hiễm nguy do tội đồng lõa, vốn làm các tông đồ hãi sợ bỏ trốn (Mt 26,56) cho đến lúc này vẫn không có mặt đầy đủ.
Phải nói thêm rằng không kể những phụ nữ đứng từ xa mà nhìn (Mc 15,40), ngài là người duy nhất trong số những người hiện diện ngay dưới chân thập giá mà không có liên quan gia tộc huyết thống với Đức Giêsu (Ga 19,25): Đức Maria là thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát là dì vì là chị của mẹ, còn Gioan là anh em họ của Chúa. Nhưng ngài mang một huyết thống thiêng liêng khi theo Chúa, sống Thiên Ý (Mt 12,48-49) và nghe cũng như thực hành lời Chúa (Lc 8,21).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống xứng với ân huệ được làm con cái Chúa (Rm 8,16;9,26;Gl 3,26).

Suy niệm 6: Nhân chứng

Trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được ưu tiên đó.
Với một quá khứ lầm lỗi đến mức người Do thái đã dành cho ngài một bản án là ném đá chết dựa theo luật Môsê, thế nhưng tình thương cứu độ của Chúa thật độc đáo. Người không xử trí theo cách thông thường của xã hội loài người là giết chết hoặc loại bỏ, mà tha thứ, vực dậy và tin dùng, như ngài đối xử với một Phêrô chối Chúa hoặc một Phaolô bắt đạo Chúa.
Ngài thật xứng đáng được chọn làm chứng nhân. Vì dầu quá khứ tội lỗi, nhưng ngài đã bù đắp bằng một hiện tại đạo đức hết mình canh tân, và nhất là một tương lai lành thánh luôn giúp Chúa và mạnh dạn hầu kề thập giá Chúa cũng như sống đời chứng nhân đến chết.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín rằng là tội nhân trong quá khứ nhưng ai cũng có thể là thánh nhân trong tương lai.


Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ