Dân Chúa Âu Châu

Lawrence BrindisiThánh Lawrence ở Brindisi (1559-1619)

Thánh Lawrence ở Brindisi là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, lòng thương người và khả năng điều hành.
Lược sử
Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng.
Ngài sinh ngày 22 tháng Bảy 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Đại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.
Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành.
Vào năm 1956, Dòng Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải.Ngài được phong thánh năm 1881 và được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1959.
Suy niệm 1: Biết nhiều thứ tiếng
Lawrence biết nhiều thứ tiếng.
Ngoài kiến thức của tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Đức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.
Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng khả năng ngôn ngữ để phục vụ Chúa và tha nhân.
Suy niệm 2:. Sinh nhật
Lawrence sinh ngày 22 tháng Bảy 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619.
Thật hiếm khi gặp trường hợp một người có ngày sinh và ngày tử trùng hợp nhau như ngài. Và nhất là số tuổi sinh sống ở đời thật tròn trịa, đúng 60 năm cuộc đời.
Sự tròn trịa này cũng hé mở cho thấy cuộc sống ngài thật trọn hảo về mọi mặt, nhất là về mặt phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Chính vì thế ngày mừng kỷ niệm lần thứ 60 ngài góp mặt trên đời cũng chính là dịp mừng ngày sinh nhật trên trời của ngài qua cái chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chào đời thế nào không quan trọng, mà chủ yếu là phải làm sao vào được trời cao với Chúa.
Suy niệm 3: Học
Lawrence học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Đại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.
Dầu có khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài cũng phải đi theo con đường tự nhiên là phải học. Trừ diện thần đồng, ai cũng học mới biết, và dĩ nhiên nhờ có năng khiếu nên việc tiếp thu dễ hơn và nhanh hơn người khác. Đồng thời văn ôn và võ luyện, nên cần phải trau dồi luôn mãi, nhất là lãnh vực ngôn ngữ, bằng không mớ kiến thức ấy khó tiến mà dễ lùi theo năm tháng.
Đặc biệt chỉ tiêu ngài theo đuổi và nhắm tới là tiến chức linh mục, nên ngoài việc tu luyện, ngài cũng phải theo học các môn học mang tính chuyên biệt là triết thần và Kinh Thánh, chứ không chỉ các ngôn ngữ. Nhưng nhờ biết nhiều thứ tiếng, ngài có thể nghiên cứu thêm ở các tài liệu không có ở tiếng mẹ đẻ để đào sâu và phát triển kiến thức của mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quý trọng lời khuyên dạy của cổ nhân: Cần cù bù thông minh.
Suy niệm 4: Nhạy cảm
Lawrence rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Đặc điểm của Thánh Lawrence là tận tụy với Kinh Thánh và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, đó là một lối sống hấp dẫn đối với Kitô Hữu của thế kỷ 20. Thánh Lawrence đã quân bình đời sống qua việc hòa hợp giữa tinh thần kỷ luật và biết để ý đến nhu cầu của những người mà ngài được mời gọi để phục vụ.
Đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Nhưng chính vì thế mà sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta. Nhưng sau đó, thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình mà còn phải biết nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Suy niệm 5: Tổng hợp
Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành.
Nhờ ưu điểm này, sau một loạt "thăng quan tiến chức", ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Rồi ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý, đặc biệt về giáo huấn như một tư tưởng nổi bật sau đây về sự Nhập Thể:
"Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Người xuất phát từ tình yêu. Một khi Người muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Người ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Đức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Người. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Đức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra nếu ngay cả Adong không phạm tội".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tìm được sự lỗi lạc về lòng thương người theo mẫu gương của Thiên Chúa Nhập Thể.
Suy niệm 6: Tuyển tập
Dòng Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài.
Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Với khả năng thông thạo các ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, dồng thời với chức vụ linh mục, ngài có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với Kinh Thánh nguyên bản hầu nắm bắt chính xác ý nghĩa từng từ từng câu.
Từ đó ngài chọn định hướng cho các bài giảng là chỉ dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Viêc làm này giúp thính giả vừa đào sâu được vấn đề, vừa dễ tiếp thu nội dung chứ không bị lạc hướng do quá nhiều tư tưởng xen lẫn vào dù chỉ trong một khoảng thời gian không quá dài. Nhất là việc làm này cũng giúp chính ngài cũng như mọi người thấy được tính cách phong phú vô cùng của kho tàng Lời Chúa đến mức khai thác mãi mãi vẫn không bao giờ hết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học tập cách khai thác Lời Chúa của thánh nhân để luôn gặp thấy sự mới mẻ đầy cuốn hút của Kinh Thánh.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ