Dân Chúa Âu Châu

Thomas apostleThánh Tôma Tông Ðồ

Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế.

Lược sử

Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Đức Giêsu: "Anh tin vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin" (Gioan 20:29).
Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng.
Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.

Suy niệm 1: Câu nói

Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ.
Thật đáng thương cho người bị câm, và thật phúc cho người nói được. Tuy nhiên lời nói cũng có thể kèm theo những hậu quả tai hại với một cái giá phải trả rất đắt, vì một khi lời nói đã thốt ra thì không thể xóa đi được. Đó chính là trường hợp của thánh Tôma tông đồ. Vì lỡ lời mà ngài phải chịu tiếng cứng tin trải qua bao thế kỷ mãi không hết.
Cũng như xưa kia vì một lời hứa bốc đồng, khi hứng khởi trong buổi tiệc sinh nhật trước vũ điệu hấp dẫn của cô gái con bà Hêrôđiađê, mà vua Hêrôđê đã hạ lệnh chém đầu Gioan Tiền Hô đang bị giam cầm trong ngục, dầu tự thâm tâm nhà vua không muốn chút nào (Mt 14,3-11).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ gìn miệng lưỡi để không bị vấp phạm trong lời nói

Suy niệm 2: Hồ Nghi

Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ.
Thánh Tôma chia sẻ số phận của Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét") Thánh Philípphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha -- thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyết điểm này, vì Đức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Đức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không cười chê khuyết điểm của người mà chủ yếu là khóc thương khiếm khuyết của mình.

Suy niệm 3: Phúc

Phúc cho những người không thấy mà tin.

Trong thực tế, chưa hẳn những gì được chứng nghiệm bằng khoa học hoặc bằng mắt thấy tai nghe thì mới có giá trị thực hữu. Đã có ai nhìn thấy khuôn mặt hoặc nghe được bằng tai giọng nói của các bậc tiền bối trong dòng tộc chưa, thế nhưng ai cũng thừa nhận đó là bậc sinh thành gốc gác của mình được biểu hiện trong các lễ nghi chạp giỗ hằng năm.
Thế mà Đức Kitô Phục Sinh đã chúc phúc cho chúng ta về những điều trong đạo thánh dầu chúng ta không thấy mà tin. Nhưng phúc lớn này sẽ trở thành mối họa không nhỏ cho những ai không sống niềm tin này.

Chúng ta tin có Chúa ở khắp mọi nơi, và Ngài thấu biết hết, cả những gì thầm kín trong tâm trí, thế sao chúng ta lại dễ dàng phạm tội. Niềm tin đâu rồi?

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống niềm tin để xứng với mối phúc Chúa ban.

Suy niệm 4: Can đảm

Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài.

Có thể điều ngài nói là do bốc đồng -- vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Đức Giêsu bị bắt bớ -- nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Đức Giêsu.
Đó là khi Đức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy" (Ga 11,16b).

* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám thực hiện điều mình nói.

Suy niệm 5: Nhắc đến

Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng.
Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Độ, đem Đức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô Hữu của Thánh Tôma."
Thật vinh dự cho ngài, khi không chỉ được nhắc tới mà còn được tôn vinh là thánh nhân, để rồi cả tập thể dân biển Malaba hãnh diện nhận làm con cái của ngài, và nhất là hậu thế sau đó nhiều người đã vinh hạnh chọn ngài làm vị quan thầy cầu bàu cho mình, cũng như học đòi bắt chước các nhân đức trổi vượt của ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp những ai mang thánh hiệu ấy cũng như mọi người chúng con luôn sống các ưu điểm của ngài.

Suy niệm 6: Đổ máu

Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình.

Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải bước đi cùng một con đường mà Đức Kitô đã đi: con đường khó nghèo và vâng lời, phục vụ và hy sinh cho đến chết...
Và vì thế các tông đồ đã bước đi trong hy vọng. Vì Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Giáo Hội, các ngài đã cung ứng những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Đức Kitô qua những thử thách và đau khổ của các ngài (x. Col 1,24)" (Sắc lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, số 5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngại hy sinh và đau khổ vì Chúa, vì đó là cách được thông phần vào Cuộc Tử Nạn của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ