Dân Chúa Âu Châu

bernadino realinoThánh Bernardino Realino (1530-1616)

Thánh Bernardino Realino là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Ðức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn.

Lược sử

Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý. Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên ngài theo học y khoa và học luật ở Đại Học Bologna.
Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Ở đây ngài tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi.
Ngài làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giơi trẻ. Sau đó, ngài được sai đến Lecce là nơi ngài sống bốn mươi năm cuối cùng của cuộc đời.
Ngài nổi tiếng vì công cuộc tông đồ không ngừng nghỉ.. Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Đức Giêsu và Đức Maria.

Suy niệm 1: Quyền quý

Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý.

Xuất thân từ một gia đình quyền quý, ngài có đủ điều kiện để tiến thân và nhanh chóng thành đạt. Khi mới 26 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ luật và làm thị trưởng Felizzano. Ngài còn là chánh án của thành phố. Sau hai nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm chức vụ trưởng ty quan thuế ở Alesandria, và sau đó làm thị trưởng của Cassine, và Castelleone. Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Không chỉ về mặt đời mà còn trong lãnh vực đạo, khi 34 tuổi ngài xin gia nhập dòng Tên. Ba năm sau, ngài được chỉ định làm Giám Đốc Đệ Tử Viện ở Naples. Và nhất là sau khi từ trần, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lãng phí nhưng luôn biết vận dụng các điều kiện có sẵn trong tầm tay để vững bước tiến lên.

Suy niệm 2: Mẹ

Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên Bernardino Realino theo học y khoa và học luật ở Đại Học Bologna.
Một câu nói khá quen thuộc có liên quan đến đời sống hôn nhân, đó là: đàng sau một người chồng thành đạt thường xuất hiện một người vợ trợ lực. Nhưng với trường hợp của Bernardino Realino thì khác, dầu thành đạt cả mặt đời lẫn mặt đạo, vì sau lưng ngài không ai khác mà chính là thân mẫu của ngài.
Thật thế với điều kiện kinh tế của một gia đình quyền quý, mẹ ngài đã chăm sóc ngài chu đáo để ngài không lạm dụng mà chơi bời lêu lõng nhưng theo đuổi hai môn y khoa và luật, nhờ đó nắm giữ được những chức vụ đáng kể về mặt đời. Nhất là bà cũng quan tâm dạy bảo kỹ lưỡng về mặt đạo, nhờ thế ngài không bị cuốn hút theo danh vọng trần thế mà tìm phục vụ trong lãnh vực tôn giáo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết vâng nghe những lời dạy bảo lành thánh của cha mẹ như một cách báo hiếu cho các ngài.

Suy niệm 3: Tĩnh tâm

Bernardino Realino tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi.
Thời gian ẩn dật trong vòng ba mươi năm của Đức Giêsu với chỉ ba năm hoạt động công khai là một hình ảnh dậm nét cho thấy tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa Cha trong thinh lặng tức một cuộc tĩnh tâm. Cuộc diện kiến của tiên tri Êlia với Thiên Chúa trên núi Khôrếp càng làm nổi bật giá trị của sự thinh lặng nội tâm tức tĩnh tâm, khi Người không đến trong sự ồn ào của cơn gió bão hoặc trận động đất hay đám lửa cháy mà trong sự thinh lặng của tiếng gió hiu hiu (1V 19,11-12).
Cũng nhờ tĩnh tâm mà Bernardino Realino thoát ra được nếp sống bận rộn náo nhiệt thường ngày do chức vụ xã hội tạo nên, để tìm về gặp gỡ Thiên Chúa trong bầu khí tĩnh lặng nội tâm với quãng thời gian 8 ngày.
Với kiến thức và với lòng đạo đức vốn có, ngài đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi, đã được Chúa chinh phục và từ đó quyết định chuyển hướng cuộc đời, là thay vì bon chen giũa đời thì nhiệt thành phụng sự Chúa theo linh đạo của Dòng Tên.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tĩnh tâm đù tự tạo hay được tổ chức để dễ lớn lên trên đường nhân đức.

Suy niệm 4: Phục vụ

Bernardino Realino làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giới trẻ.

Đối tượng ngài lưu tâm phục vụ cách đặc biệt với tinh thần tận tụy, đó là người nghèo và giới trẻ. Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu dường như vô bờ bến, đến mức thì giờ của ngài không còn là của ngài nữa mà là của giới bất hạnh. Bất kỳ ai đến bất cứ lúc nào đều được ngài ân cần và tiếp đón cách niềm nở, không ai ra về mà không thỏa mãn.
Với giới trẻ, ngài để lộ hẳn sự nhân hậu của ngài khiến sự ngại ngùng không còn. Ngay cả những trẻ đầy khuyết điểm cũng thoải mái đến với ngài để tâm sự và thành tâm tiếp nhận các lời chỉ bảo hữu ích của ngài để được canh tân đời sống. Không riêng gì giới trẻ mà lòng nhân hậu của ngài cũng đã giúp chấm dứt các mối thù truyền kiếp của nhiều người trong thành phố.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học lấy bài học hiền lành của Chúa để gặt hái được thành quả trong việc xử sự với tha nhân, đặc biệt đối với người nghèo cũng như giới trẻ.

Suy niệm 5: Nổi tiếng

Cha Bernardino Realino nổi tiếng vì công cuộc tông đồ.

Tiếng tăm ngài vang dội đặc biệt về công cuộc tông đồ. Ngài là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Đức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn, cũng như là Giám Đốc trường Dòng Tên ở Lecce và là cha sở ở đây.
Sự trân quý của người dân Lecce đối với ngài quá lớn lao đến độ vào năm 1616, khi ngài đang hấp hối trên giường thì vị đại diện thành phố đã chính thức xin ngài bảo vệ cho người dân sau khi ngài từ trần. Không thể nói nên lời, Thánh Bernardino chỉ gật đầu chấp thuận.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ăn quả thì phải biết nhớ kẻ trồng cây, đặc biệt những hoa trái thiêng liêng nhận được từ các ân nhân.

Suy niệm 6: Danh thánh

Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Đức Giêsu và Đức Maria.

Kêu cầu thánh danh Chúa Gie6su là con đường đơn giản nhất để cầu nguyện liên tục. Khi chăm chú và khiêm tốn kêu cầu liên tục như vậy, chúng ta không "lải nhải nói nhiều" (Mt 6,7), nhưng "nắm giữ Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả" (Lc 8,15). Lời nguyện này có thể thực hiện mọi lúc", vì đây không phải là một việc khác bên cạnh công việc ta đang làm, nhưng là công việc duy nhất: yêu mến Thiên Chúa; nhờ đó mọi hoạt động của ta được sinh động và có giá trị trong Đức Giêsu (Sách Giáo Lý số 2668).
Đức Maria là Người Cầu Nguyện trọn hảo, là hình ảnh của Hội Thánh. Khi cầu cùng Mẹ, chúng ta cùng với Mê liên kết vào ý định của Chúa Cha, Đấng cử Con Một Người đến để cứu độ toàn thể nhân loại. Mẹ của Đức Giêsu trở thành Mẹ của toàn thể chúng sinh (Ga 19,27). Chúng ta có thể cầu nguyện cùng với Mẹ và kêu cầu Mẹ. Kinh nguyện của Hội Thánh được lời cầu nguyện của Đức Maria nâng đỡ và được kết hiệp với kinh nguyện của Mẹ trong niềm cậy trông (Sách Giáo Lý số 2679).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập có thói quen đạo đức là kêu cầu thánh danh Chúa và Mẹ, đặc biệt trong giờ lâm tử.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ