Dân Chúa Âu Châu

crispin viterboThánh Crispin ở Viterbo (1668 -- 1750) 

Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với thầy... Thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn.

Lược sử

Thánh Crispin tên thật là Phêrô Fioretti, sinh ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Đức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Đức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên là Crispin.
Sau khi khấn trọn, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Đức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô VII phong chân phước năm 1806 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho ngài năm 1982.

Suy niệm 1: Đức Mẹ

Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai 5 tuổi là Phêrô Fioretti cho Đức Mẹ.
Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Đức Maria như mẹ ruột của mình. Như lúc còn ngoài đời, sau khi khấn trọn với tên dòng là Crispin, ngài luôn luôn sùng kính Đức Mẹ và nhờ đó được ơn chữa lành bệnh nhân:
Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispin cầu nguyện. Thầy hỏi: "Thưa ngài, ngài muốn Đức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Đức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Đức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ". Nhà quý tộc được lành bệnh, đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chứng tỏ lòng sùng kính Đức Maria bằng một đời sống luôn sám hối và lành thánh.

Suy niệm 2: Đóng giầy

Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy.
Nghề đóng giầy thời ấy chưa có sự giúp đỡ của máy móc tinh vi như bây giờ nên rất nặng về thủ công, có nghĩa là đòi hỏi sự kiên trì, nhất là sự tỉ mỉ và độ chính xác rất cao cũng như thích hợp kích cỡ của mỗi chủ nhân sử dụng.
Điều này đã giúp ngài rất nhiều trong tương lai. Chẳng những ngài hiểu được cách sâu đậm lời Chúa dạy: Rượu mới phải đổ vào bầu mới (Lc 5,38), mà sau khi nhập dòng, ngài còn thích ứng được với các công việc phức tạp mà bề trên trao phó như làm đầu bếp, y tá, làm vườn, thậm chí làm người khất thực.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cởi bỏ con người cũ với các tính hư tật xấu, để mặc lấy con người mới với ơn làm con Chúa (Ep 4,22-24).

Suy niệm 3: Chữa lành

Qua sự cầu nguyện của thầy Crispin, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn.
Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật, và đặc biệt là ơn chữa lành liên kết giữa phần xác cũng như phần hồn, như trường hợp của nhà quý tộc nêu trên.
Thật rất gần với đường hướng chữa lành của Đức Giêsu mà Ngài hằng muốn bày tỏ mỗi khi có dịp. Chẳng hạn như lúc Ngài chữa lành người bại liệt qua lời tha tội (Mc 2,5), dầu gây bất mãn nơi lòng các kinh sư (Mt 9,3), và nhất là không phải chỉ cứu sống phần xác của Maria Mácđala mà còn cả phần hồn của chị nữa (Ga 8,1-11).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu ước muốn của Chúa, để luôn quan tâm chữa bệnh phần hồn hơn phần xác.

Suy niệm 4: Khất thực

Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm.
Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây. Ngài thật sự khéo léo vận dụng nhiệm vụ của nhà dòng để phát huy tình thương Chúa đến cho tất cả những ai cần đến.
Đúng như Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã nhận định và viết: "Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống" (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng các tiến bộ của thời đại về phương tiện truyền thông để truyền bá tin mừng Chúa.

Suy niệm 5: Đến với thầy

Bất cứ ai đến với thầy Crispin đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn.
Thời hoạt dộng công khai, Đức Giêsu cũng đã mở rộng cõi lòng để đón tiếp mọi hạng người, không phân biệt người lớn cũng như trẻ con (Mc 10,14), người lành mạnh cũng như bệnh hoạn tật nguyền kể cả bệnh nhân phong cùi (Mt 4,23;Lc 17,12), người dân ngoại cũng như ngoại kiều (Mt 15,22;Lc 7,2), và cả người thu thuế tội lỗi (Lc 7,37;19,2).
Theo gương đó, Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispin đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập sống hòa mình và gần gũi với mọi người, để dễ giúp họ trở về với Chúa.

Suy niệm 6: Phục vụ

Thầy Crispin luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần.
Một mẫu gương nổi bật trong đời sống phục vụ mà Thánh Crispin để lại và mời gọi chúng ta, đó là phục vụ không phải chỉ với tinh thần hăng say mà nhất là vui vẻ. Yếu tố vui vẻ phải là yếu tố căn bản phải có để làm nên giá trị công việc (Rm 12,8).
Đức Giêsu đã nêu bật ý nghĩa ấy trong trường hợp nhắc nhở Mácta, khi thấy chị này dầu phục vụ hết mình và rất tốt nhưng thiếu yếu tố vui vẻ, vì chị đã cằn nhằn Chúa không để ý tới để bảo cô em Maria phụ giúp chị một tay, mà cứ để chị tất bật phục vụ một mình (Lc 10,40).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ thái độ vui vẻ phục vụ để làm tăng thêm giá trị công việc.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ