Dân Chúa Âu Châu

Fidelis SigmaringenThánh Fidelis Sigmaringen (1578-1622)

Lược sử

Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Đại Học Freeburg, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.

Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.
Sau đó Cha Fidelis làm Giám Đốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.

Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Đức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.
Trong ba năm, ngài được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Đức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.

Suy niệm 1: Bác ái

Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Tinh thần độ lượng của Thánh Fidelis được biểu lộ trong nhiều việc, cụ thể nếu có người nghèo cần đến quần áo, ngài thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ.
Vì độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân, nên dầu là đang là tân tòng, thánh Martinô thành Turinô đã chia cắt phân nửa áo choàng đang mặc của mình cho người hành khất đang nằm rét run bên vệ đường giữa đêm đông giá lạnh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có một đức tin mạnh mẽ để nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân hầu dễ dàng thực thi đức ái yêu người.

Suy niệm 2: Luật sư

Thánh Fidelis hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài.
Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis.
Ngài quyết định rời bỏ nghề luật sư vì không phù hợp với đường hướng của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 nhắc lại: "Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức" ("Sự Công Bằng Trong Thế Giới," Thượng Hội Đồng Giám Mục, 1971).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn noi gương người "luật sư của người nghèo" này bằng cách chia sẻ tài năng chúng con với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.

Suy niệm 3: Cầu nguyện

Thánh Fidelis chuẩn bị cho sứ vụ truyền giáo cho người Tin Lành bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình.
Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói: "Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai."
Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã trở về với đức tin Công Giáo, nhờ đó thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng lợi khí cầu nguyện để đứng vững trong đức tin và giúp người sai lạc trở về ràn chiên Chúa.

Suy niệm 4: Lạc thuyết Zwingli

Với những lời đầy nhiệt huyết Thánh Fidelis bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli.
Zwingli chủ trương công chính hóa bằng nguyên đức tin nhưng dựa trên Thánh Ý Thiên Chúa. Ý Chúa được biểu hiện trong Thánh Kinh và được tự do giải thích dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Ngoài ra Zwingli còn từ chối Thánh Truyền và các luật lệ Giáo Hội cũng như đánh giá Tiệc Ly chỉ là một kỷ niệm, bánh thánh chỉ là tượng trưng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô là Hội Thánh Công Giáo do vị kế nhiệm Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển (Sách Giáo Lý số 816).

Suy niệm 5: Ước nguyện

Có lần Thánh Fidelis nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Đức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.
Liên quan đến việc phạm tội, thân mẫu của thánh Louis IX vua nước Pháp cũng có một ước nguyện được thể hiện trong việc thường nhắc nhở con mình: Mẹ thà thấy con chết trườc mặt mẹ còn hơn thấy con phạm tội.
Còn thánh trẻ Đaminh Saviô thì nuôi sống chí nguyện được bày tỏ trong quyết tâm: Thà chết chứ không thà phạm tội. Và dĩ nhiên quyết tâm này đã được hiện thực nơi bao vị anh hùng tử đạo dầu có thể các ngài đã chưa một lần nói ra thành lời.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không nói nhưng sống mãi chí nguyện thà chết chứ không thà phạm tội.

Suy niệm 6: Chết khi hành sự

Khi Thánh Fidelis vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Đức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.
Một trong hai ước nguyện của Thánh Fidelis là được chết vì đức tin, và ngài đã được nhận lời, trong khi thi hành sứ mạng rao truyền các chân lý đức tin trên tòa giảng.
Các giáo sĩ theo phái Calvin xách động dân chúng và đám đông la ó phản đối và giết chết ngài. Một tình cảnh tái diễn tương tự như Đức Giêsu cũng bị các đầu mục Dothái xúi giục quần chúng và họ đồng thanh xin quan Philatô tha Baraba và giết chết Ngài bằng bản án tử hình thập giá (Mt 27,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên tâm thi hành bổn phận để cũng được chết khi hành sự.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ