Dân Chúa Âu Châu

thumb4

 

HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 12

Ngày 3 tháng 12THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê

Ngày 4 tháng 12THÁNH GIOAN ĐA-MÁT

Ngày 6 tháng 12THÁNH NI-CÔ-LATHÁNH GIU-SE NGUYỄN DUY KHANG

Ngày 7 tháng 12: THÁNH AM-RÔ-XI-Ô

Ngày 8 tháng 12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Ngày 10 tháng 12: THÁNH SI-MON PHAN ĐẮC HÒA

Ngày 11 tháng 12: THÁNH ĐA-MA-SÔ I

Ngày 12 tháng 12: THÁNH GIO-AN-NA PHAN-XI-CA SĂNG-TAN

Ngày 13 tháng 12: THÁNH LU-XI-A

Ngày 14 tháng 12: THÁNH GIO-AN THÁNH GIÁ

Ngày 18 tháng 12: THÁNH PHAO-LÔ MỸ, PHÊ-RÔ ĐƯỜNG VÀ PHÊ-RÔ VŨ TRUẬT

Ngày 19 tháng 12: THÁNH PHAN-XI-CÔ MẬU, ĐA-MINH ÚY, AU-GU-TI-NÔ MỚI, TÔ-MA ĐỆ VÀ TÊ-PHA-NÔ VINH

Ngày 21 tháng 12: THÁNH PHÊ-RÔ CA-NI-XI-Ô, THÁNH PHÊ-RÔ THI VÀ AN-RÊ DŨNG LẠC

Ngày 23 tháng 12: THÁNH GIOAN KEN-TY

Ngày 26 tháng 12: THÁNH TÊ-PHA-NÔ

Ngày 27 tháng 12: THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

Ngày 28 tháng 12: CÁC THÁNH ANH HÀI

Ngày 29 tháng 12: THÁNH TÔ-MA BÉC-KẾT

Ngày 31 tháng 12: THÁNH XIN-VẾT-TE I

 

Ngày 3 tháng 12

THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê

Linh Mục

* Gương Thánh nhân

Thánh Phan-xi-cô sinh ngày 7 tháng 4 năm 1506, tại lâu đài Xa-vi-ê, thuộc vương quốc Na-va. Vì ham thích học hành, nên khi lên 15 tuổi, cha mẹ đã gởi ngài đến học ở học viện thánh Bát-bơ tại Pa-ri, nước Pháp. Đây là học viện danh tiếng nhất thời đó. Trong thời gian học ở đây, thánh nhân kết bạn với Phê-rô Pha-rơ là người sau nầy gia nhập Dòng Tên và được phong Chân Phước. Ít năm sau, ngài còn được phước làm bạn với I-nha-xi-ô Lô-yô-la, là vị sáng lập Dòng Tên và đã nên thánh. I-nha-xi-ô cố ý đến Pa-ri để trau dồi thêm kiến thức, đồng thời chiêu mộ bạn hữu làm nền tảng cho Hội Dòng ngài định sáng lập.

Sau khi học hết chương trình và đỗ đạt, Phan-xi-cô được ban giám đốc học viện chọn làm giáo sư của trường. Ngài dạy môn triết học. Nhờ tài cán và trí thông minh sẵn có, ngài dạy rất kết quả, khiến ngài hăng say tự đắc, và đem lòng ham mê danh vọng giàu sang chức tước ở đời.

I-nha-xi-ô thấy ngài tài giỏi, có thể làm sáng danh Chúa sau nầy, nên khuyên bảo ngài đem tài năng sức lực phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Nhưng ngài từ chối và bỏ ngoài tai hết các lời khuyên. Chẳng những thế, ngài còn châm biếm khinh dễ đời sống đạo đức tu trì. Dù vậy, I-nha-xi-ô không ngã lòng, ngày ngày cứ nhắc đi nhắc lại với Phan-xi-cô:

- Lời lãi cả thế gian, mất linh hồn nào có ích gì!…

Lần lần Phan-xi-cô để ý suy nghĩ, và sau cùng nhờ ơn Chúa giúp, ngài thấu hiểu mọi sự ở đời đều giả trá hư ảo, và đem lòng mộ mến những kho tàng vĩnh cửu trên trời. Thế là ngày lễ Mông Triệu năm 1543, ngài cùng I-nha-xi-ô và 5 người bạn khác đã tuyên khấn dâng mình cho Chúa, sống khó nghèo, khiết tịnh, và chuyên chăm làm việc tông đồ, trong một nhà nguyện ở Mong-mạt. Như thế là Dòng Tên đã ra đời.

Từ đó, Phan-xi-cô chuyên cần học hỏi Kinh Thánh, thần học, và tập rèn nhân đức, đặc biệt ngài tập sống khắc khổ khó nghèo. Năm 31 tuổi, ngài được thụ phong Linh mục tại Vê-nê-xi, nước Ý, và nguyện suốt đời phụ giúp Chúa cứu rỗi các linh hồn.

Thánh nhân đã được toại nguyện, vì năm 1541, khi vua nước Bồ-đào-nha xin Đức Thánh Cha gởi Linh mục đến Ấn-độ giảng đạo, ngài được Bề trên chọn gởi đi.

Hết sức phấn khởi vui mầng, thánh nhân lên đường sang Ấn-độ với tất cả nguyện ước đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Cuộc hành trình bằng đường thủy rất gian khổ và nguy biến, vì thiếu lương thực và sóng gió, nhưng chẳng những ngài không sợ hãi mà còn tạo dịp gần gũi thân thiện với các thủy thủ và dạy đạo cho họ. Chính các thủy thủ và gia đình họ là đoàn chiên ngài dẫn dắt về cho Chúa trước hết.

Khi đến Goa là thủ đô nước Ấn-độ, thánh nhân hân hoan chào mừng trong nước mắt: vui mầng vì được đến nơi phục vụ Chúa, đau buồn vì thấy biết bao linh hồn chưa biết Chúa, còn sống trong bóng tối sự chết !…

Và thánh nhân bắt đầu ngay việc rao giảng Tin mừng cho dân nước nầy. Hằng ngày ngài rảo khắp các thành phố làng mạc, nói Chúa cho mọi người nghe, dạy giáo lý và rửa tội cho họ. Số người tin theo Chúa ngày càng đông, thánh nhân phải làm việc suốt ngày mệt nhọc, đêm đến cũng chẳng nghỉ ngơi được bao nhiêu. Trong 11 năm giảng đạo ở đây, ngài đã đi cả trăm ngàn cây số, rửa tội hơn mười vạn tân tòng, thành lập cộng đoàn tín hữu khắp cả nước. Nhưng ngài chưa lấy làm đủ; lòng mộ mến cứu vớt các linh hồn luôn nồng cháy trong tâm hồn ngài…

Thánh nhân còn muốn dấn thân cho Nước Chúa nhiều hơn nữa, nhất là mong ước có nhiều người cộng tác. Trong một bức thư gởi cho thánh I-nha-xi-ô, ngài nói: “Có rất nhiều người tại những nơi nầy hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên Châu Âu, nhất là ở Pa-ri, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây, và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng: “Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục”.

Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ nầy, như họ đã chuyên chú vào văn chương, để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và về những nén bạc đã ủy thác cho họ”.

Thánh nhân còn đến giảng đạo tại Nhật-bản, đem nhiều người trở lại với Chúa. Ngài còn muốn sang giảng Tin mừng cho dân nước Trung Hoa, nhưng ngài lại ngã bệnh và qua đời ngày 3 tháng 12 năm 1552.

Và ngày 12 tháng 3 năm 1622, Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 15 đã phong thánh cho ngài cùng với thánh I-nha-xi-ô. Ngài được Hội thánh chọn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo.

* Quyết tâm

Hằng ngày tận tâm tận lực lo giúp việc giảng đạo Chúa, bằng lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh hãm mình và bằng gương sáng đời sống, theo gương thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Phan-xi-cô đi rao giảng, để kêu gọi các dân tộc Á-châu đón nhận Tin mừng. Xin cho các tín hữu được nhiệt thành truyền giáo như thánh nhân, và cho Giáo hội được hân hoan đón nhận nhiều con cái. Chúng con cầu xin…

Muc luc

Ngày 4 tháng 12

THÁNH GIOAN ĐA-MÁT

Linh Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Gioan sinh năm 776 tại Đa-mát, nước Xy-ri, là nhà viết sách trứ danh thế kỷ thứ tám và là vị thánh có lòng tôn sùng Đức Mẹ đặc biệt.

Sẹt-gi-ô, cha ngài là người Công giáo ngoan đạo, nhưng được vương quốc Hồi giáo tín nhiệm, nên đặt làm nhân viên phục vụ triều đình. Chính nhờ chức vụ nầy mà ông cứu giúp được nhiều người tín hữu khỏi bị vua quan Hồi giáo áp bức bách hại, như trường hợp của tu sĩ Cốt-ma. Vị tu sĩ nầy bị nhóm Hồi giáo bắt và định giết. Ông Sẹt-gi-ô hay tin, liền đến xin vua cho lãnh về để làm thầy dạy cho con là Gio-an.

Gio-an nhờ được sự dạy dỗ nhiệt tình của tu sĩ Cốt-ma mà trở nên khôn ngoan đạo đức. Nhưng lúc đó cha ngài qua đời, ngài phải nối nghiệp cha phục vụ vương quốc Hồi giáo. Đây cũng là ý Chúa quan phòng muốn dùng ngài để cải hóa những người ngoại giáo cuồng tín. Một mặt ngài khuyên bảo họ đối xử công bình nhân ái đối với các tín hữu Công giáo, mặt khác ngài viết thư kêu gọi các Ki-tô hữu can đảm giữ vững đức tin. Nhưng việc ngài làm bị bại lộ. Một nhóm Hồi giáo thấy ngài được nhà vua trọng dụng thì ghen tương, tố cáo ngài xúi giục người Công giáo phản loạn. Nhà vua đòi ngài đến. Và mặc dầu ngài hết lời biện minh cho sự vô tội của mình, nhà vua cũng không chịu tin; ông ta ra lệnh chặt tay phải ngài, để cảnh cáo không cho ngài viết thư từ phản động nữa.

Hết sức đau đớn tủi nhục, thánh nhân trở về nhà, thành khẩn kêu xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngài hứa; Nếu Đức Mẹ thuơng cho cánh tay bị chặt được nối liền lại thì suốt đời sẽ viết sách ca tụng Mẹ và Chúa Giê-su Con Mẹ. Tương truyền Đức Mẹ đã nhậm lời Người, cho cánh tay bị chặt được nối liền lại như cũ.

Khi nghe tin đó, vương quốc Hồi giáo không còn nghi ngờ vì sự vô tội của thánh nhân, nên cho đòi ngài đến, và ban lại chức tước quyền hành như trước. Nhưng ngài khước từ mọi chức tước danh vọng thế gian.

Ngài phân phát hết của cải cho người nghèo, rồi xin vào tu viện thánh Sa-ba, sống khắc khổ nghèo hèn, triệt để vâng lời Bề trên.

Lúc đầu, bề trên chưa tin tưởng, giao ngài cho một tu sĩ cao niên chăm sóc. Vị tu sĩ nầy rất khắc khe nghiêm nhặt, cấm không cho ngài viết lách gì, và bắt làm những việc nặng nề hèn hạ, cố ý thử thách ngài. Nhưng ngài vẫn âm thầm vâng phục chịu lụy, sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa.

Sau khi thấy thánh nhân thực lòng yêu mến Chúa và tuân phục hoàn toàn, Bề trên cho ngài học thần học Thánh Kinh, và phong chức Linh mục cho ngài. Từ đó, ngài dùng hết thời giờ, và sự hiểu biết để viết sách và sáng tác thánh thi, ca ngợi Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, như lời ngài đã hứa. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn “Nguồn gốc sự hiểu biết”.

Một việc thánh nhân làm đặc biệt lúc đó là bênh vực việc sùng kính ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Ngài tranh luận hùng hồn với những kẻ chủ trương đập phá các ảnh tượng. Và mặc dầu bị nhiều người đe dọa, trong số đó có cả hoàng đế Hy-lạp, ngài cũng không sợ và vẫn giữ vững lập trường.

Thánh nhân qua đời năm 880, hưởng thọ 104 tuổi. Và năm 1890, Đức Giáo Hoàng Lê-ô thứ 13 đã tôn phong ngài lên hàng Tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Gioan Đa-mát, tôi sẵn sàng hy sinh của cải chức tước thế gian mà theo Chúa, giúp việc Chúa, để giữ vững và củng cố niềm tin nơi Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Linh mục Gioan Đa-mát được biệt tài trình bày đức tin chân chính của Giáo hội. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin làm cho đức tin hằng trở nên ánh sáng soi đường, và sức mạnh thúc đẩy chúng con tiến bước. Chúng con cầu xin…

Muc luc

Ngày 6 tháng 12

THÁNH NI-CÔ-LA

Giám Mục

* Gương Thánh nhân

Thánh Ni-cô-la Giám mục thành My-ra là một vị thánh bình dân, được nhiều người ngưỡng mộ cả bên phương Đông lẫn phương Tây.

Vì không có sử liệu chắc chắn về cuộc đời của thánh nhân, chúng ta chỉ biết tiểu sử của ngài qua các mẫu chuyện huyền thoại.

Chuyện kể ở Pa-ta-ra, thuộc tỉnh Ly-ci-a, có hai vợ chồng giàu có mà không con nối dòng. Hai ông bà cầu nguyện với Chúa, và dùng của cải bố thí cho kẻ nghèo, cốt để xin Chúa cho được sinh con. Và Chúa đã nhậm lời, cho ông bà sinh được một con trai, đặt tên là Ni-cô-la, là vị thánh chúng ta mầng lễ hôm nay.

Ngay từ nhỏ, Ni-cô-la đã có lòng nhân đức đặc biệt, khác hơn mọi trẻ nhỏ thông thường. Khi bắt đầu biết ăn là cậu đã biết ăn chay hãm mình. Mỗi thứ sáu, cậu đều giữ chay kiêng thịt.

Ni-cô-la có người cậu làm Giám mục, nên khi lớn lên, được cậu đem về dạy dỗ đào luyện. Vị Giám mục thấy cậu khôn ngoan nhân đức thì tiên báo:

- Ni-cô-la sau nầy sẽ là nguồn an ủi cho kẻ khốn khó, là cứu tinh của các linh hồn, là mục tử nhân lành dẫn dắt chiên lạc về cho Chúa.

Và sau khi dạy dỗ đầy đủ, vị Giám mục đã phong chức Linh mục cho Ni-cô-la. Từ đó ngài dồn hết sức lực vào công cuộc từ thiện bác ái.

Sau khi cha mẹ qua đời, thánh nhân đem hết gia tài giúp đỡ kẻ bệnh tật, phân phát cho người nghèo, như người kia có 3 đứa con gái đã đến tuổi lấy chồng mà vì nghèo không có của hồi môn, nên ông định cho chúng làm nghề bất lương kiếm tiền. Thánh nhân biết thế thì đang đêm lẻn đến nhà, ném tiền vào cửa sổ cho ông ta. Không ngờ ông ta biết, nên chạy theo cám ơn ngài. Nhưng ngài bảo ông ta về và cấm không được nói cho ai biết việc đó. Dù vậy, ông ta đã khoe cử chỉ bác ái đó với mọi người, làm cho ai nấy đều biết ngài đã cứu vớt ba cô gái đó thoát khỏi bất lương tội lỗi.

Thánh nhân ước ao được kính viếng Thánh Địa và cầu nguyện tại nơi nầy. Ngài đã trẩy đi Giê-ru-sa-lem, và ở lại đó một thời gian rồi mới trở lại My-ra. Lúc đó Đức Giám Mục giáo phận My-ra qua đời. Các Giám mục vùng Ly-ci-a cần chọn người thay thế. Các ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện, và sau cùng đã chọn ngài.

Từ ngày lên làm Giám mục, thánh nhân luôn tỏ ra là một vị mục tử nhân lành, hoàn toàn hy sinh vì đoàn chiên Chúa phú giao. Ngài thương yêu, chăm sóc, dạy bảo, giúp đỡ từng con chiên, đặc biệt ngài chăm nom những chiên bệnh hoạn, tù tội, nghèo khổ phần hồn cũng như phần xác. Ngài dâng việc ăn chay hãm mình và những lao nhọc hằng ngày, để cầu nguyện cho đoàn chiên được sống an lành thánh thiện. Ngài là vị mục tử đúng theo mẫu thánh Au-tinh diễn tả: “Hãy chăn dắt chiên Ta có nghĩa là gì nếu không là muốn nói: Nếu ngươi mến Ta thì đừng nghĩ đến việc nuôi dưỡng ngươi, nhưng hãy chăn nuôi các chiên của Ta; hãy nuôi chúng như những con chiên của Ta chứ không phải của ngươi; hãy tìm vinh quang của Ta nơi chúng chứ không phải vinh quang ngươi; tìm chủ quyền Ta chứ không phải chủ quyền ngươi, tìm quyền lợi Ta chứ không phải tư lợi ngươi. Nếu ngươi mến Ta thì đừng nhập bọn với những kẻ gặp lúc biến loạn thì chỉ biết yêu mình và những gì gắn liền với sự yêu mình ấy, là đầu mối của mọi sự dữ ”.

Thánh nhân qua đời năm 324 tại My-ra giáo phận của ngài.

* Quyết tâm

Hằng ngày thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, và cứu vớt những kẻ gặp cơn nguy khó phần hồn phần xác, theo gương thánh Giám mục Ni-cô-la

* Lời nguyện

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con, và vì lời chuyển cầu của thánh Ni-cô-la Giám mục, xin gìn giữ chúng con khỏi mọi cơn hiểm nghèo, để chúng con được thảnh thơi tiến bước trên con đường cứu độ. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

THÁNH GIU-SE NGUYỄN DUY KHANG

Thầy Giảng Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Danh ngôn Việt Nam có câu:

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình .

Chính thánh Giu-se Khang đã nêu cao tấm gương trung hiếu đó. Có thể nói suốt cuộc đời 29 năm của ngài là luôn trung thành phụng sự Chúa và hiếu thảo với các vị Mục tử, đặc biệt với Đức Cha Liêm, Giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ngài đã theo phục vụ Đức Cha đến giờ phút cuối cùng, để lãnh nhận triều thiên tử đạo quang vinh !…

Giu-se Nguyễn Duy Khang sinh năm 1832, tại Cao Mại tỉnh Thái Bình, trong một gia đình Công giáo đạo đức.

Ngay từ nhỏ, cậu đã được cha mẹ hướng dẫn sống đạo đức sốt sắng. Nhờ đó khi lớn lên, cậu đã xin dâng mình cho Chúa. Lúc đầu, cậu đến ở với cha già Năng, một Linh mục thánh thiện gương mẫu thuộc dòng Đa-minh, để nhờ ngài huấn luyện đàng nhân đức. Sau 10 năm cha gởi cậu vào chủng viện Kẻ Mốt. Lúc đó cậu đã 24 tuổi. Trong thời gian ở đây, cậu xin gia nhập Dòng Đa-minh, và khấn dòng làm thầy giảng.

Thấy thầy siêng năng đạo đức, Đức Cha Liêm chọn làm phụ tá riêng cho ngài. Từ đó, thầy tận tình phục vụ Đức Cha, từ việc ghi chép lưu trữ hồ sơ giấy tờ, đến việc cơm nước giặt giũ hằng ngày. Việc nào thầy làm cũng chu đáo ân cần, khiến Đức Cha phải tấm tắc khen ngợi:

- Tôi chưa thấy một người nào làm việc tận tình siêng năng chu đáo như thầy Khang. Chắc chắn thầy phải có tinh thần hy sinh chịu khó cao độ mới làm được như thế.

Nhưng chưa được bao lâu thì ngày 05 tháng 08 năm 1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân sáp, bắt đạo gắt gao trên toàn quốc. Theo chiếu chỉ đó, tất cả các tín hữu phải bị khắc hai chữ “tả đạo”lên má, phải phân tán vào các làng mạc ngoại giáo, để những người nầy quản thúc theo dõi; các chủng viện phải đóng cửa, các thánh đường bị phá hủy, tài sản Giáo hội bị tịch thu, các Linh mục tu sĩ bị lùng bắt khắp nơi. Thật là một thảm cảnh vô cùng bi đát: vợ chồng phân ly, con cái xa lìa cha mẹ, đàn chiên vắng bóng chủ chăn bơ vơ tất tưởi !…

Đức Cha Liêm phải tìm nơi trú ẩn, để có thể lèo lái con thuyền giáo phận trong cơn phong ba bão táp. Thầy Khang nhất quyết xin theo hộ tống Đức Cha. Thầy nói:

- Dù Đức Cha đi đâu, cực khổ thế nào, con cũng nguyện suốt đời phục vụ Đức Cha. Nếu Đức Cha được chết vì Chúa, con cũng xin chết theo.

Lúc đầu, thầy với Đức Cha ẩn trốn trong một cái hầm ở Thọ Ninh. Nhưng vì bị quân lính phát giác, hai cha con phải chạy sang thị xã Hải Dương, trú ẩn trong thuyền của một giáo hữu tên là Trương Bích. Chẳng may một hôm, đứa con trai có chuyện gây gỗ với ông. Nó đi tố cáo ông chứa chấp Đạo trưởng. Quan liền sai quân đến vây bắt. Thấy quân lính kéo tới, thầy Khang nhanh bước ra mũi ghe, nhổ cây sào hăm dọa:

- Nếu muốn bắt Đức Cha, hãy bước qua xác tôi trước.

Vì thương mến Đức Cha, thầy quyết định chống lại họ, dù có chết cũng cam lòng. Thật là một gương trung hiếu tuyệt vời. Nhưng Đức Cha gọi thầy lại và bảo:

- Con chớ chống lại họ. Chúng ta hãy vâng theo thánh ý Chúa. Nếu Chúa muốn chúng ta chịu chết để làm chứng cho Chúa, chúng ta xin vâng lời Người.

Thế là quân lính áp tới bắt thầy và Đức Cha dẫn về Hải Dương, tống vào ngục, ngày 20 tháng 10 năm 1861.

Ở trong ngục, mặc dầu bị gông cùm xiềng xích đau khổ, thầy vẫn vui lòng chấp nhận, và hằng ngày kêu xin Chúa giúp sức cho được trung thành với Chúa đến cùng. Lúc đó có số giáo hữu bị bắt giam chung với thầy, thầy tổ chức họ đọc kinh chung. Mọi người đều sốt sắng cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ đó mà Chúa thương ban cho tất cả được can đảm làm chứng cho Chúa.

Trong hơn một tháng rưỡi bị giam ở đây, thầy Khang bị đem ra tra tấn ba lần, lần nào cũng bị đánh đòn nhừ tử, buộc đạp lên Thánh giá chối đạo. Mặc dầu đau đớn, thầy vẫn can trường bền đỗ theo Chúa, luôn can đảm tuyên xưng đức tin. Cuối cùng, thấy không thể lung lay nổi lòng trung hiếu của vị chứng nhân Chúa, quan buộc lòng kết án trảm quyết. Ngày 06 tháng 12 năm 1861, quân lính điệu thầy ra pháp trường Năm Mẫu. Dọc đường thầy luôn dâng lời tạ ơn Chúa, vì Người đã thương ban cho thầy được trung thành hiếu thảo với Chúa và cấp trên đến trọn đời. Đến nơi, sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình vung gươm lên, đầu vị anh hùng đức tin rơi xuống, lãnh nhận triều thiên tử đạo muôn đời vinh hiển.

Ngày 20 tháng 05 năm 1906, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong thầy lên Chân phước và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô 2 đã suy tôn ngài lên Hiển Thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Giu-se Khang tử đạo, luôn sẵn sàng cộng tác giúp đỡ những người rao giảng đạo Chúa, suốt đời trung thành hiếu thảo với Chúa và cấp trên, dù có phải đau khổ chết chóc cũng vui lòng chấp nhận.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

 Muc luc

Ngày 7 tháng 12

THÁNH AM-RÔ-XI-Ô

Giám Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Am-rô-xi-ô là con của tổng trấn An-rê-li-ô, sinh năm 333, tại Tri-ê, nước Đức.

Cha mất sớm, mẹ ngài đưa cả gia đình về Rô-ma.

Một hôm nhân thấy mẹ và em hôn nhẫn Đức Giám mục, ngài nói cách ngây thơ như tiên báo:

- Mẹ hãy hôn tay con đi, vì con cũng sẽ làm Giám mục.

Lớn lên, thánh nhân theo học khoa hùng biện và luật. Ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, chẳng bao lâu đã đỗ đạt nổi tiếng, và được triều đình đặt làm tổng trấn hai tỉnh Ê-mi-li-a, Li-gu-ri-a với thị trấn Mi-lăn.

Với tài học cao hiểu rộng, thánh nhân làm việc rất hiệu quả, được dân chúng thán phục và triều đình kính nể. Xảy ra lúc đó, Đức Giám mục Mi-lăn qua đời. Vị Giám mục nầy theo phái A-ri-ô, nên khi chọn người kế vị, hàng giáo sĩ và giáo dân chia làm hai phe, một phe quyết chọn người hoàn toàn Công giáo, còn phe kia định đưa người theo phái A-ri-ô lên. Hai phe kình chống nhau quyết liệt, nếu không dàn xếp kịp thời có thể đưa đến đổ máu.

Thế là Am-rô-xi-ô với tư cách là tổng đốc, đại diện triều đình đến can thiệp. Ngài khuyên mọi người bình tĩnh sáng suốt lựa chọn, và kêu gọi họ hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ, nhất là vì lợi ích chung cho giáo phận cũng như cho Hội thánh. Lời ngài nói làm cho tất cả những người có mặt trong nhà thờ hôm đó đều kính nể thán phục. Và từ trong đám đông có tiếng hô to:

- Am-rô-xi-ô Giám mục.

Thế là tất cả mọi người đồng thanh:

- Am-rô-xi-ô sẽ là Giám mục của chúng ta… Am-rô-xi-ô Giám mục !…

Sở dĩ họ đồng ý chọn ngài lên Giám mục, vì thấy ngài là người có đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ quan trọng đó. Và họ đã đề nghị lên hoàng đế. Hoàng đế Va-len-ti-nô đã chấp thuận việc tuyển chọn của họ, vì chính ông ta cũng nhìn nhận ngài là người tài đức.

Nhưng lúc đó Am-rô-xi-ô còn là dự tòng; ngài chưa lãnh Bí tích Rửa tội. Vì thời đó người ta có thói quen chịu phép Rửa rất muộn, sợ lúc nhỏ còn bồng bột, khó sống đúng với đòi hỏi của Bí tích. Thánh nhân cảm thấy mình bất xứng, nên một mực chối từ. Ngài đệ đơn lên các Giám mục và hoàng đế để xin rút lui. Nhưng không được ai chấp thuận, buộc lòng ngài phải vâng lời.

Từ đó thánh nhân lo ráo riết chuẩn bị tâm hồn, học hỏi các chức thánh. Ngày 24 tháng 11 năm 374, ngài lãnh Bí tích Rửa tội, và ngày 7 tháng 12 thì thụ phong Linh mục và Giám mục, sau lễ tấn phong, ngài cảm động nói với những người tham dự:

- Thật khốn khổ cho tôi, vì từ nay tôi phải dạy dỗ những điều mà tôi chưa được học biết.

Và thánh nhân xin mọi người cầu nguyện để ngài chu toàn sứ mạng Chúa phú giao. Ngài tự nghĩ mình sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa, phải đem hết cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Ngài bán hết gia tài phân phát cho kẻ nghèo, và dâng cho Hội thánh tất cả những đất đai còn lại, để được an lòng an trí lo học hỏi Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng và cầu nguyện. Ngài vừa học vừa dạy, vừa làm các Bí tích theo chức vụ.

Việc ngài phải lo làm trước hết là củng cố lại đức tin cho các tín hữu và thánh hóa hàng giáo sĩ, vì từ lâu giáo phận bị phái A-ri-ô làm xáo trộn. Mặt khác thánh nhân phải đương đầu với triều đình, vì lúc đó nữ hoàng theo phái A-ri-ô, muốn chiếm đoạt Thánh đường Mi-lăn. Ngài cương quyết chống đối và bảo vệ nhà Chúa. Dù bị nữ hoàng hăm dọa và làm khó dễ đủ cách, ngài vẫn can đảm kiên trì giữ vững lập trường.

Lòng can đảm bảo vệ đức tin, chí khí bất khuất trước mọi thử thách, đó là đặc điểm của thánh nhân. Ngài là một giáo phụ biệt tài, một nhà giảng thuyết lừng danh, một vị Giám mục thánh thiện.

Thánh nhân qua đời ngày 4 tháng 4 năm 397 tại Mi-lăn.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Giám mục Am-rô-xi-ô, hằng ngày lo sống đạo đức thánh thiện, can đảm bảo vệ đức tin và bênh vực quyền lợi của Hội thánh

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Am-rô-xi-ô Giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công giáo, và một tông đồ trung kiên mẫu mực. Xin cho Hội thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Chúng con cầu xin…

Muc luc

Ngày 8 tháng 12

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lòng tin kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội đã có từ lâu đời trong Giáo hội. Nhưng mãi đến ngày 8 tháng 12 năm 1854, tín điều nầy mới được Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 9 long trọng công khai tuyên bố cho toàn thể Hội thánh tin theo. Tín hữu khắp thế giới đều vui mầng phấn khởi trước lời công bố của Đức Giáo Hoàng, và 4 năm sau từ trời hiện xuống tại Lộ-đức, Đức Mẹ cũng đã long trọng công khai xác minh với thánh nữ Bê-na-đết: “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tôi”

Thánh lễ hôm nay mầng kính đặc ân vô cùng cao quý đó của Mẹ Ma-ri-a. Mẹ được Chúa cho thụ thai trong lòng Bà thánh An-na cách tinh tuyền vẹn sạch, không vướng mắc một vết nhơ nào do tội của tổ tông A-dong E-va gây ra, tội mà mọi người khi sinh ra làm người đều mắc phải, vì thuộc dòng giống A-dong. Vì thế, Mẹ luôn đẹp lòng Chúa, Mẹ xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ xứng đáng cưu mang Đấng Cứu độ duy nhất của loài người.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ đã đạp đầu con rắn, vì nó đã đem tội nguyên tổ vào thế gian.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ trở nên hoa huệ trắng tinh giữa gai gốc xấu xa.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ xứng đáng là cung lòng cưu mang Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, như lời thánh An-sen-mô ca tụng Mẹ:

“Thiên Chúa đã phó chính Con mình, Người Con duy nhất lòng Người đã sinh ra ngang hàng với mình, Người Con mà Người yêu mến như chính mình Người, đã phó chính Người Con đó cho Đức Ma-ri-a. Và nhờ Đức Ma-ri-a, Thiên Chúa làm ra cho mình một Người Con, không phải người con nào khác mà là chính Người Con đó, để theo bản tính, Người Con của Thiên Chúa và của Mẹ Ma-ri-a cũng chỉ là một”.

“Mọi vật đều do Thiên Chúa dựng nên, thế mà Thiên Chúa lại được Đức Ma-ri-a sinh ra. Thiên Chúa, Đấng làm mọi sự, chính Người lại muốn thành hình nhờ Đức Ma-ri-a, để như thế Người tái tạo mọi sự Người đã tác tạo. Đấng có thể làm nên mọi vật từ hư vô, không muốn tái tạo những vật đã hư đó mà không nhờ Đức Ma-ri-a”.

Vì thế, Thiên Chúa là Cha các vật được tác tạo và Đức Ma-ri-a là Mẹ các vật được tái tạo, Thiên Chúa là Cha cấu tạo mọi vật và Đức Ma-ri-a là Mẹ tái thiết muôn loài. Thiên Chúa sinh Đấng mà nhờ Người mọi vật được tạo thành, và Đức Ma-ri-a sinh nở Đấng mà nhờ Người muôn loài được cứu rỗi. Thiên Chúa sinh ra Đấng mà nếu không có Người thì không có vật gì hiện hữu, và Đức Ma-ri-a sinh nở Đấng mà không có Người thì không loài nào tất cả”.

“Ôi, thực là Chúa ở cùng Bà ! Chúa đã làm cho Bà ơn làm cho mọi vật phải lệ thuộc cả thể vào Bà đồng thời cũng lệ thuộc vào Người”.

Nhưng thử hỏi: làm sao mà Mẹ Ma-ri-a cũng là người phàm như chúng ta mà lại được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tái tạo nhân loại?… Vì ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su đã cứu loài người khỏi tội nguyên tổ thì cũng gìn giữ Mẹ khỏi tội tổ tông. Và vì Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ thoát khỏi mọi hậu quả về hình phạt do tội gây ra.

Mẹ Ma-ri-a không thể vướng mắc tội tổ tông, vì là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ phải là nơi cư ngụ hoàn toàn thanh sạch, là đền thờ không tỳ ố của Con Thiên Chúa. Nếu Mẹ mắc tội nguyên tổ như mọi người, thì Chúa Giê-su làm sao khỏi vướng mắc vì mẹ nào con nấy. Điều đó không thể có được nơi Con Thiên Chúa, vì Người là Đấng hoàn toàn thánh thiện, là Đấng thánh trên hết các thánh. Vô nhiễm Nguyên tội mới xứng với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.

Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới xứng đáng làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới được Chúa trối làm Mẹ chúng ta. Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới cầu bàu đắc lực cho Hội thánh.

Chính vì thế mà thánh An-xen-mô đã nói: “Trời, sao, đất, sông, ngày, đêm và bất cứ những gì thuộc quyền quản trị và sử dụng của loài người đều vui mừng vì lấy lại được vẻ đẹp đã mất, khi mà, thưa lệnh Bà, nhờ lệnh Bà mà chúng như được sống lại, và được hưởng một ơn mới khôn tả. Tất cả đều tưởng như đã chết khi đánh mất phẩm giá bẩm sinh của chúng, vì chúng được dựng nên là để những kẻ ngợi khen Thiên Chúa là chủ và sử dụng. Nhưng chúng lại bị áp bức và lạm dụng xấu xa bởi những kẻ thờ tà thần, khác hẳn với mục đích mà chúng được dựng nên. Ngày nay chúng vui mầng như được sống lại, vì được những kẻ thờ Chúa điều khiển và dùng vào những việc tốt đẹp”.

* Quyết tâm

Hằng ngày kêu xin Đức Mẹ là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta lướt thắng mọi chước cám dỗ của ma quỷ xác thịt thế gian, để xứng đáng làm con Mẹ và được hưởng nhờ ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần, khi làm cho Đức Trinh nữ Ma-ri-a khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng Mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp của Con Chúa sẽ chịu chết sau nầy. Vì lời Đức Trinh nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa.

Muc luc 

Ngày 10 tháng 12

THÁNH SI-MON PHAN ĐẮC HÒA

Y Sĩ Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Nếu xét về phương diện bền lòng chịu khổ vì Chúa, có thể công nhận Thánh Si-mon Hòa là một trong số các Thánh Tử đạo Việt Nam . Trong thời gian 08 tháng bị giam ở Quảng Trị, thánh nhân phải chịu tra tấn trên 20 lần, khi thì bị đánh đòn, lúc chịu kềm kẹp, lúc bị những thanh sắt nung đỏ dí vào da thịt cháy khét, đau đớn dữ dội, nhưng ngài vẫn cố sức chịu đựng, trung thành bền đỗ tin theo Chúa. Nhờ đó mà Chúa thương ban cho ngài phúc tử đạo trường sinh, đúng như lời Chúa phán:

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét bách hại. Nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt. 10,23).

* * *

Phan Đắc Hòa sinh năm 1774, tại làng Mai Vĩnh tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình ngoại giáo, nhưng hiền lương chất phác. Chẳng may người cha mất sớm, bà mẹ phải đùm bọc chị em cậu đến giúp việc cho một gia đình Công giáo ở xứ Như Lý, tỉnh Quảng Trị. Nhờ gương sáng đạo đức của gia đình nầy, cậu cảm thấy mến mộ đạo. Khi mọi người trong nhà đọc kinh sáng tối, cậu thường lắng nghe, học hỏi, và cuối cùng xin mẹ cho gia nhập đạo. Sau một thời gian học giáo lý, cậu được lãnh Bí tích Rửa tội, chọn thánh Si-mon làm bổn mạng.

Từ đó được gần gũi tiếp xúc với các cha trong họ đạo, cậu ước muốn đi tu giúp việc Chúa. Cậu đến xin cha sở, và được ngài hướng dẫn một thời gian rồi gởi vào chủng viện. Nhưng trong lúc tu học ở đây, cậu nhận thấy ý Chúa muốn cậu làm chứng nhân cho Chúa ở giữa đời hơn, nên sau khi bàn hỏi cha linh hướng, cậu xin trở lại gia đình, theo học nghề thuốc với một danh y trong vùng. Nhờ có năng khiếu nhất là nhờ Chúa thuơng, cậu học hành giỏi giắn; và khi ra hành nghề lương y, Si-mon Hòa chữa bệnh thật kết quả. Bệnh nhân khắp nơi tuôn đến nhờ ông chữa trị, và ông chữa được hết. Do đó, danh tiếng ông ngày càng lan rộng, ông được dịp giúp đỡ nhiều người, nhất là những người nghèo khó, già yếu cô thân.

Lúc đó, ông thấy cần có người trợ lực, để vừa làm bạn đời vừa phục vụ bệnh nhân. Ông lập gia đình, sinh được 12 người con. Ông bà tận tụy lo giáo dục con cái, trong khi vẫn nhiệt thành chăm sóc những người bệnh. Dù bận bịu với bao nhiêu công việc như thế, ông bà luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, sống đời đạo đức, kính mến thờ phượng Chúa hết lòng. Giáo dân thấy vậy thì chọn ông làm trùm họ, để cộng tác với cha sở, phục vụ các linh hồn.

Từ ngày nhận chức trùm trong họ, ông càng cố gắng sống đạo đức sốt sắng hơn, để làm gương cho mọi người. Thấy ai nguội lạnh bê tha, ông khuyên lơn an ủi. Những người nghèo khó bệnh tật, ông tận tình giúp đỡ chăm sóc. Đối với việc nhà chung, ông nhiệt thành lo lắng. Trong thời buổi cấm đạo, nhà ông là nơi trú ẩn an toàn cho các Linh mục. Năm 1839, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bách hại Công giáo ác liệt. Mặc dầu biết việc chứa chấp các Đạo trưởng là nguy hiểm đến tính mạng, ông vẫn can đảm cho các ngài ẩn náu trong nhà. Khi thấy nhà mình không được an toàn, ông tìm cách đưa các ngài đến chỗ ở bảo đảm hơn. Đêm 13 tháng tư năm 1840, ông dùng thuyền chở Đức Cha Y đến làng Hòa Ninh ẩn trốn. Thuyền ông bị phát hiện, quân lính đuổi theo bắt ông và Đức Cha, giải nộp về Huế.

Trong thời gian tám tháng bị giam ở đây, quân lính điệu ông ra tra tấn trên 20 lần, bằng đủ mọi cực hình đau đớn ghê tởm. Nào là đòn vọt, kềm kẹp, nung lửa. Nhiều lần ông kiệt sức ngã gục, nhưng đức tin ông không gục ngã. Ông vẫn cương quyết trung thành bền đỗ theo Chúa, dù phải khổ đến đâu, phải chết cách nào ông cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn là làm chứng Chúa là Chúa Cả trời đất và đạo Chúa là đạo thật.

Và Chúa đã thưởng lòng bền đỗ chịu khổ của ông . Ngày 20 tháng 12 năm 1840, quân lính dẫn ông ra pháp trường An Hòa tại Huế. Đến nơi quan còn cố bảo ông quá khóa, đạp lên thánh giá bỏ đạo. Ông đáp:

- Tôiđã cố gắng tin Chúa đến giờ nầy, đã hơn 20 lần bị tra tấn hành khổ, lẽ nào đến giây phút sắp được chết vì Chúa mà tôi lại chối Chúa bỏ đạo. Xin quan cứ y án thi hành.

Thế là sau hồi chiêng trống báo hiệu, đầu vị anh hùng đức tin rơi xuống, linh hồn về nơi cực lạc muôn đời.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho ngài và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

* Quyết tâm

Hết lòng kính mến thờ phượng Chúa, yêu thương giúp đỡ mọi người, và bền lòng chịu khổ chịu cực làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng, theo gương thánh Si-mon Hòa tử đạo!

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Muc luc 

Ngày 11 tháng 12

THÁNH ĐA-MA-SÔ I

Giáo Hoàng

* Gương Thánh nhân

Thánh Đa-ma-sô sinh năm 305, ngài là vị Giáo Hoàng nổi tiếng trong việc phục hưng đạo lý và sùng mộ các thánh tử đạo. Triều đại Giáo Hoàng của Người bắt đầu vào năm 366.

Theo sử liệu, thánh nhân là một Linh mục gốc Tây-ban-nha, đã được Đức Giáo Hoàng Li-bê-ri-ô chọn làm Tổng phó tế cai quản tài sản Giáo hội. Ngài tận tâm lo chu toàn bổn phận, đồng thời sống đạo đức thánh thiện và nhiệt tâm giúp đỡ kẻ nghèo khó.

Đang lúc đó, lạc giáo A-ri-ô bành trướng mạnh mẽ. Hoàng đế Công-tăn ủng hộ những người theo phái nầy, bắt Đức Giáo Hoàng đi đày, thánh nhân tình nguyện đi theo giúp đỡ ngài. Nhưng vì ý Đức Giáo Hoàng muốn cho Đa-ma-sô điều hành công việc thay thế ngài trong thời gian ngài vắng mặt, nên thánh nhân vâng lời, trở lại Rô-ma. Và sau khi Đức Li-bê-ri-ô qua đời, ngài được bầu lên kế vị năm 366.

Trong thời gian 18 năm trên ngôi Giáo Hoàng, ngoài ra việc điều khiển Giáo hội, củng cố hàng giáo sĩ, chống lại lạc thuyết A-ri-ô, thánh nhân còn cho hiệu đính bản dịch Kinh Thánh và sửa sang phần mộ các thánh tử đạo.

Năm 382, thánh nhân thấy Hi-ê-rô-ni-mô là người tài đức, lại chuyên cần học hỏi Thánh Kinh, nên giao cho san định lại bản dịch phổ thông Kinh Thánh, để phổ biến rộng rãi trong Giáo hội.

Ngoài ra vì lòng sùng kính các thánh tử đạo, ngài cho sửa sang lại phần mộ của các thánh, nới rộng các hang toại đạo, và chính tay ngài viết ra nhiều vần thơ cho các mộ bia. Ngài cũng đề mộ bia cho chính ngài và đặt ở nghĩa trang thánh Can-lít-tô. Trong mộ bia nầy, ngài nói lên niềm tin của mình vào Đức Ki-tô phục sinh và hy vọng cũng được phục sinh với Người.

Thánh nhân đặc biệt tôn kính các thánh tử đạo, “để giục mình bắt chước các ngài, hiệp thông với công trạng các ngài và xin các ngài cầu nguyện trợ giúp cho…

“Thế nên ta tôn kính các thánh tử đạo cũng như ở đời nầy ta vẫn có lòng yêu mến và thông hiệp với các người thánh của Thiên Chúa mà ta biết họ luôn sẵn lòng chịu đau khổ như thế vì chân lý Tin mừng. Tuy nhiên ta tôn kính các thánh tử đạo sốt sắng hơn, vì được chắc chắn hơn, bởi là các ngài đã thắng vượt mọi cuộc chiến đấu, các đấng đã khải hoàn hiển trị nơi vĩnh phúc, thì ta tán tụng tin tưởng hơn là đối với các người đang còn chiến đấu ở đời nầy”

Thánh nhân qua đời năm 384, tại Rô-ma, hưởng thọ 79 tuổi.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Đa-ma-sô Giáo Hoàng, hằng ngày lo tôn sùng các thánh tử đạo, để được thông phần công nghiệp với các ngài, nhờ các ngài cầu bàu cho biết noi gương các ngài, sẵn lòng chịu mọi sự khổ cực hy sinh vì Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, thánh Đa-ma-sô Giáo Hoàng đã phục hưng và cổ võ lòng tôn sùng các thánh tử đạo. Xin cho chúng con cũng biết noi gương người mà luôn luôn tưởng nhớ công ơn của các chứng nhân anh dũng đã đổ máu mình vì đức tin. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 12 tháng 12

THÁNH GIO-AN-NA PHAN-XI-CA SĂNG-TAN

Nữ Tu

* Gương Thánh nhân

Thánh nữ Gio-an-na Săng-tan sinh năm 1572 tại Đi-rông, trong một gia đình giàu có đạo đức. Mẹ mất sớm, ngài được người cha chăm sóc dạy dỗ đức hạnh đầy đủ, đặc biệt ngài có lòng mến Chúa yêu người sâu xa.

Năm lên 20 tuổi, ngài được bá tước Săng-tan quý mến và cưới làm vợ. Cuộc sống hôn nhân hoàn toàn hạnh phúc. Trong vòng 8 năm, hai ông bà sinh được 6 con, nhưng chết 2, còn lại 4. Vì bá tước chồng ngài làm việc trong triều đình, nên thường vắng nhà. Một mình ngài phải trông nom mọi việc trong ngoài, chăm sóc con cái. Dù vậy ngài cũng không quên để dành thời giờ cho việc đọc kinh cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật. Mỗi ngày đều có giờ cầu nguyện nhất định và ngài không bao giờ bỏ sót giờ nào. Ngoài ra còn thời giờ nào rảnh rỗi là ngài chạy đến với người cùng khổ, an ủi, chăm sóc, giúp đỡ. Ngài giúp đỡ họ tận tình chí thiết đến nổi mọi người tặng cho ngài danh hiệu là “bà phúc hậu”.

Nhưng Chúa thường thươhg cho những kẻ yêu mến Người được vác khổ giá với Người. Giữa lúc thánh nữ đang sống hạnh phúc êm đềm như thế thì năm 1600, chồng ngài bị tử nạn trong một cuộc đi săn !..

Hết sức đau buồn, nhưng thánh nữ đã dằn lòng vâng theo thánh ý. Ngài tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa và khấn giữ mình độc thân cho đến chết, để theo đàng nhân đức trọn lành và nuôi dưỡng giáo dục con cái.

Ý cha mẹ chồng muốn thánh nữ về ở gần gũi, nên ngài phải dọn về sống bên họ. Nhưng ở đây ngài lại nhận thêm một thánh giá nữa. Cha mẹ chồng đối xử với ngài hết sức khắc nghiệt, mắc mỏ khó khăn với ngài từng chút. Dù vậy, ngài vẫn vui lòng chấp nhận, và cho rằng mình còn vác thánh giá nhẹ hơn Chúa.

Năm 1604, Chúa giúp ngài gặp được thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô. Vị thánh nầy đã giúp ngài quyết định cho tương lai đời ngài, bằng cách sống thánh thiện không phải trong khổ hạnh nghiêm khắc, nhưng trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày.

Khi con cái đã khôn lớn trưởng thành, thánh nữ từ giã chúng, dâng mình cho Chúa. Nhưng hôm ngài bước chân ra khỏi gia đình, cũng là cả một sự hy sinh can đảm lớn lao. Đứa con trai lớn của ngài không muốn ngài ra đi, nên khóc lóc kêu la thảm thiết, và nằm lăn lốc ngay cửa không cho ngài bước qua. Song thánh nữ quyết nghe theo tiếng gọi tình yêu của Chúa, ngài bước qua mình đứa con trai mà đi. Nhưng trước đó, ngài đã gửi gắm các con cho cha mẹ chồng coi sóc thay thế ngài.

Và năm 1610, thánh nữ đã thành lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng tại En-nơ-xi, khấn giữ đức khó nghèo và bác ái, chuyên tâm phục vụ người nghèo khổ bệnh tật và huấn luyện các thiếu nữ. Hội dòng của ngài đã được Tòa Thánh công nhận vào năm 1618. Từ đó, hội dòng phát triển mạnh mẽ và hằng ngày thánh nữ tận tình hướng dẫn chị em trong dòng trên đàng trọn lành, như nữ tu bí thư của ngài ghi lại:

“Một ngày kia, thánh Gio-an-na nói lên những lời sốt sắng như lửa, mà lập tức chúng tôi đã ghi lên một cách trung thực như sau:

“Các con thân mến, trong các thánh tổ phụ và các vị rường cột Hội thánh, có rất nhiều đấng đã không phải chết vì đạo. Các con nghĩ xem tại sao thế? Sau khi mỗi nữ tu đã trả lời thì thánh nữ tiếp: “Phần mẹ, mẹ nghĩ rằng như vậy là vì có một thứ tử đạo khác gọi là tử đạo bằng tình yêu: đó là trong lúc Thiên Chúa gìn giữ đời sống của các tôi nam tớ nữ Người để họ làm vinh danh Người, thì Người cũng làm cho họ trở nên một trật các người tử đạo và truyền đạo. “Rồi thánh nữ nói tiếp: “Mẹ biết rằng, nhờ ơn Chúa xếp đặt, số phận các nữ tu “Dòng đi Viếng” là để chịu thứ tử đạo đó, và ai trong chị em sung sướng khát khao thì Chúa sẽ sắp đặt cho”.

“Khi một chị hỏi việc tử đạo đó có thể thực hiện như thế nào, thì thánh nữ trả lời:

“Hãy hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa thì sẽ cảm thấy. Bởi lẽ tình yêu của Thiên Chúa sẽ đâm mũi gươm vào những phần bí ẩn và thâm sâu nhất của linh hồn chúng ta, và phân ly chúng ta với chính chúng ta. Mẹ có biết linh hồn kia đã bị tình yêu Chúa tách khỏi những sự vật yêu quý nhất, đau đớn không kém việc các bạo chúa dùng gươm phân tách hồn ra khỏi xác”.

“Chúng tôi biết bà nói như thế vì chính bà. Vì khi có một chị khác hỏi việc tử đạo đó kéo dài bao lâu thì bà thưa: “Từ lúc chúng ta hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, không bớt xén chút nào, cho tới khi lìa đời…”

Thánh nữ qua đời năm 1641, và năm 1767 thì được Đức Thánh Cha Clê-men-tê thứ 8 tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm

Hằng ngày lo làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội và Giáo hội, sẵn lòng chịu mọi khổ cực trong đời sống và thương yêu giúp đỡ mọi người, theo gương thánh nữ Gio-an-na Phan-xi-ca.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã làm rạng danh Thánh nữ Gio-an-na Phan-xi-ca vì những công nghiệp rực rỡ của người, trong đời sống gia đình cũng như đời sống tu viện. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với ơn Chúa kêu gọi, để mọi người nhìn thấy ánh sáng của Chúa trong những việc chúng con làm. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 13 tháng 12

THÁNH LU-XI-A

Trinh Nữ Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Trong hang toại đạo tại Sy-ra-cu-sa, có mộ của thánh Lu-xi-a trinh nữ tử đạo. Nhưng đời sống và cuộc tử đạo của ngài không được sách sử ghi chép rõ rệt, chúng ta chỉ biết ngài qua các câu chuyện huyền thoại.

Tương truyền thánh nữ là con một gia đình quý tộc ở Sy-ra-cu-sa. Cha mất sớm, ngài được mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ ân cần chu đáo, cốt sau nầy ngài có thể trở nên một tín hữu đạo đức thánh thiện, làm sáng danh Chúa. Hằng ngày bà tập luyện thánh nữ đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình, sống khiêm nhường bác ái, nhất là giữ mình thanh sạch trinh khiết.

Để nêu gương khiết tịnh và can đảm hy sinh vì Chúa cho thánh nữ, bà thường kể chuyện các thánh tử đạo, các thánh trinh nữ cho ngài nghe, trong số đó có hạnh thánh nữ A-ga-ta. Mẫu gương sáng ngời của vị trinh nữ tử đạo nầy ảnh hưởng hơn hết trong tâm hồn ngài. Ngài hết sức cảm kích trước tấm gương can đảm, hy sinh từ bỏ tất cả vì lòng yêu mến Chúa của thánh A-ga-ta. Từ đó, hằng ngày thánh nữ kêu xin Chúa ban cho ngài được yêu mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự như thế.

Giữa lúc đó, một thanh niên quý phái giàu có mê say sắc đẹp của Lu-xi-a, chàng đến cầu hôn, nhưng thánh nữ từ chối, lấy cớ mẹ ngài đang bệnh phải lo chữa trị chăm sóc. Và ngài đã đưa mẹ sang Ca-ta-na, đến mộ thánh A-ga-ta, và cầu xin thánh nữ cho mẹ ngài khỏi cơn bệnh hoạn. Ngài nghe như có tiếng thánh A-ga-ta bảo:

- Lu-xi-a, sao em xin tôi điều mà chính niềm tin của em có thể đạt được? Mẹ em sẽ khỏi bệnh, và em sẽ được vinh hiển ở Sy-ra-cu-sa, như tôi đã làm hiển vinh cho Ca-ta-na nầy.

Để tỏ lòng biết ơn, Lu-xi-a nguyện noi gương thánh A-ga-ta, giữ mình đồng trinh, hiến trọn tình yêu cho Chúa. Và sau đó mẹ con trở lại quê nhà.

Về đến Sy-ra-cu-sa, thánh nữ bán hết nữ trang, phân phát tiền của cho kẻ nghèo, sống khổ hạnh nghèo khó. Người thanh niên từ lâu theo đuổi người nghe tin đó thì tức giận, tố cáo ngài là Ki-tô hữu.

Đây là lúc hoàng đế Đi-ô-lê-si-en bắt đạo dữ dằn. Được biết Lu-xi-a có đạo, nhà cầm quyền ở Sy-ra-cu-sa liền ra lệnh bắt ngài tống ngục. Hôm sau, quân lính dẫn ngài ra trước tòa án, quan tổng đốc bảo ngài dâng hương tế thần rồi tha về, nhưng ngài một mực từ chối. Dù hăm dọa ngăm đe, dù gông cùm roi vọt, ngài cũng chẳng sợ. Quan tổng đốc nổi giận cho lý hình lôi ngài đi cho bọn dâm đảng hãm hại. Song họ không lôi kéo ngài nổi, thân xác ngài nặng hơn tượng đá, không sức mạnh nào kéo đi cho được. Viên tổng đốc giận dữ thét lớn:

- Con nhỏ nầy có bùa mạnh thế sao?

Thánh nữ đáp:

- Tôi chẳng có bùa chú gì cả. Đó là sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa, Người cứu vớt tôi, vì tôi thuộc trọn về Người.

Viên tổng đốc truyền lấy lửa thiêu đốt ngài, nhưng lửa cũng chẳng chạm đến thân ngài. Cuối cùng ông ta phải dùng gươm đâm cổ ngài…

Thánh nữ đã chết vì đạo khoảng năm 303.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Lu-xi-a đồng trinh tử đạo, hằng ngày hết lòng trông cậy vào quyền năng vô cùng của Chúa, để Người giúp lướt thắng mọi chước cám dỗ và mọi gian nan thử thách ở đời.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mầng kỷ niệm ngày thánh nữ Lu-xi-a đồng trinh tử đạo, vinh hiển bước vào trời. Xin Chúa nhậm lời người cầu thay nguyện giúp, mà khêu lửa yêu mến trong lòng chúng con, để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 14 tháng 12

THÁNH GIO-AN THÁNH GIÁ

Linh Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Gio-an sinh năm 1542, tại Phon-ti-vê-rô, nước Tây-ban-nha. Cha mất sớm, mẹ ngài phải tảo tần làm thuê làm mướn nuôi ngài ăn học. Lúc nhỏ, ngài học với các nữ tu ở Mê-đi-na. Ở đây, chẳng những ngài được các nữ tu dạy chữ nghĩa, mà còn đào tạo đầy đủ về đức hạnh. Đặc biệt ngài thích sống khó nghèo và có lòng thương mến người nghèo. Ngài thường theo các nữ tu đến bệnh viện, săn sóc các bệnh nhân nghèo khổ, không ai nuôi nấng giúp đỡ.

Lớn lên, thánh nhân được gởi đến trường các Cha Dòng Tên học môn triết. Trong thời gian ở đây, ngài cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa, và ước ao gia nhập dòng khổ tu. Ngài hằng cầu xin Chúa soi sáng cho ngài biết rõ ý Chúa định đoạt cho ngài.

Năm 1563, thánh nhân xin gia nhập Dòng Cát-mê-lô, và được gởi đi học thần học ở Sa-la-măn-ca. Năm 1567, ngài được thụ phong Linh mục, và ít lâu sau được dịp gặp thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la. Thánh nữ mời ngài cộng tác trong việc canh tân dòng Cát-mê-lô. Và ngài đã sẵn sàng trợ giúp thánh nữ.

Thế là thánh nhân bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian lao đau khổ, do công cuộc canh tân đem lại cho ngài. Ngài muốn giúp các đan sĩ sống theo luật nguyên thủy của thánh An-bê-tô trong tinh thần khó nghèo khổ hạnh, nhưng nhiều người không chịu tuân theo, và tìm đủ cách chống đối bách hại ngài. Như năm 1577, các đan sĩ chủ trương chước giảm là nhóm “mang giầy” tấn công nhóm “đi chân không” của ngài. Họ bắt giam ngài trong phòng tối và bỏ đói ngài. Ngài phải chịu cảnh đau khổ sỉ nhục, nhưng nhờ đó mà ngài củng cố được lòng tin, tăng cường đức mến và đời sống thần bí của ngài. Và chính vì được chịu đau khổ sỉ nhục vì Chúa như thế, ngài lấy làm vui mầng và hãnh diện tự đặt cho mình tên “Gio-an Thánh giá”. Nhưng ít hôm sau, ngài đã trốn thoát qua cửa sổ, và đến trú ngụ tại đan viện ở Bê-a. Trong thời gian ở đây, ngài đã viết quyển sách “Đường lên núi Ca-mê-lô” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài. Ngoài ra ngài còn viết nhiều sách dẫn đường thiêng liêng, với những ý tưởng thật sâu sắc uyên thâm. Chẳng hạn trong quyển “Bài ca thiêng liêng”, thánh nhân viết:

“Ôi, chớ gì sau cùng mọi người hiểu biết rằng họ không thể nào đạt tới chiều sâu của các kho tàng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nếu trước đó đã không đi vào chiều sâu của lao nhọc, chịu đựng khổ sở nhiều cách, thậm chí phải từ bỏ cả những yên ủi và ước muốn riêng. Linh hồn nào mơ ước sự khôn ngoan đó của Thiên Chúa, thì trước hết phải ao ước đi vào con đường thập giá”.

“Vì thế Thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Ê-phê-sô: đừng ngã lòng trong khi bị thử thách để trở nên dũng mạnh, được đâm rễ và mọc sâu trong đức mến, hầu có thể hiểu được cùng các thánh thế nào là chiều rộng, chiều cao, chiều dài, chiều sâu, và biết được đức mến của Đức Ki-tô siêu vời cao vượt, để được no đầy trong sự viên mãn của Thiên Chúa”.

“Bởi vì cửa dẫn vào kho tàng sung túc khôn ngoan của Thiên Chúa là thập giá, và cửa đó rất hẹp, nhiều người muốn hưởng những hoan lạc mà cửa đó có thể dẫn tới, nhưng rất ít người muốn đi qua cửa đó”

Thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1591. Năm 1726, ngài được tôn phong Hiển thánh và Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 11 đã tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh năm 1926.

* Quyết tâm

Hết lòng mến mộ thánh giá, là sẵn lòng chịu mọi sự gian nan khốn khó vì Chúa, theo gương thánh Gioan thánh giá, để được thêm lòng tin cậy mến Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan Linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin ban cho chúng con hằng biết noi gương sáng của Người, để mai sau được chiêm ngưỡng thánh nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 18 tháng 12

THÁNH PHAO-LÔ MỸ, PHÊ-RÔ ĐƯỜNG VÀ PHÊ-RÔ VŨ TRUẬT

Thầy Giảng Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Dưới thời vua Minh Mạng bắt đạo, có ba thầy giảng cùng bị bắt một ngày, giam chung một ngục, bị xử giảo cùng một giờ, được phong Chân phước và Hiển thánh một lượt. Đó là các thầy Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ, Phê-rô Trương Văn Đường và Phê-rô Vũ Truật tử đạo hôm nay.

Các thầy bị bắt tại giáo xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây, ngày 20 tháng 06 năm 1837, giải về giam chung tại ngục Sơn Tây. Và sau một năm rưỡi bị tra tấn hành hạ mà vẫn kiên trì giữ vững đức tin, các ngài cùng bị xử tại pháp trường Gò Vôi ngày 18 tháng 12 năm 1838. Ngày 27 tháng 05 năm 1900. Đức Thánh Cha Lê-ô 12 tôn phong Chân phước, và Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798, tại xứ Kẻ Non tỉnh Hà Nam . Năm lên 13 tuổi, cậu được cha mẹ cho đến ở với Đức Cha Gia, vừa giúp việc vừa dọn mình đi tu. Sau sáu năm chuẩn bị, cậu được gởi vào chủng viện Kẻ Vĩnh ở Vĩnh Trị tiếp tục học hành và tu luyện, và được chọn làm thầy giảng giúp việc giảng đạo.

Đức Cha sai thầy đến giúp cha Tân ở giáo xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Thầy hết sức tận tâm giúp cha xứ, hằng ngày chuyên cần dạy giáo lý cho tân tòng, thăm viếng bệnh nhân và giúp họ dọn mình lãnh các Bí tích, nhất là an ủi khích lệ giáo hữu trong cơn thử thách. Ngoài ra các bổn phận chính yếu đó, thầy còn giúp việc nhà xứ, trang hoàng thánh đường, đặc biệt trong các dịp lễ trọng.

Khi quân lính tìm đến bắt cha Tân là Tây dương Đạo trưởng, họ lục soát từ sáng tới trưa mà chưa gặp được ngài, nên họ bắt thầy với hai thầy Đường và Truật đang giúp ở đó, để điều tra nơi ngài trú ẩn.

Phê-rô Trương Văn Đường sinh năm 1808, tại Kẻ Sở tỉnh Hà Nam , trong một gia đình nghèo, nhưng rất đạo đức thánh thiện. Nhờ cha Thi là cậu đỡ đầu cho ăn học, cậu học hành giỏi giắn lại ngoan ngoãn hiền lành, nên mới lên 09 tuổi đã được nhận vào Nhà Chúa ở Yên Tập, để tiếp tục học văn hóa và tập rèn đức hạnh.

Sau 07 năm tu học, Đức Cha Du thấy cậu đã đủ khả năng và đạo đức để đi giảng đạo. Ngài chọn cậu làm thầy giảng, mặc dầu lúc đó cậu mới lên 16 tuổi, một thầy giảng trẻ tuổi chưa từng có. Điều đó chứng tỏ tài đức đặc biệt của thầy.

Thầy được sai đi giúp xứ Bầu Nọ, do cha Tân là Linh mục thừa sai Pa-ri làm chánh xứ. Tánh tình vui vẻ hiền lành, thầy được mọi người cả lương lẫn giáo mến chuộng. Nhờ đó, thầy làm việc tông đồ rất đắc lực. Ai ai cũng sẵn sàng nghe lời thầy khuyên bảo dạy dỗ, mặc dầu thầy mới đáng tuổi em cháu của họ. Năm 1837, lúc quân lính đến bắt cha Tân, họ bắt luôn cả thầy với thầy Mỹ và thầy Truật, dẫn về giam ở Sơn Tây.

Phê-rô Vũ Truật sinh năm 1817, tại họ Kẻ Thiếc tỉnh Sơn Tây. Gia đình nghèo, cha chết sớm, bà mẹ phải tần tảo làm thuê ở mướn nuôi ba đứa con. Cơm không đủ ăn, quần áo chưa đủ mặc, bà không thể lo cho con học nổi, vì thế cậu Phê-rô Truật dốt chữ lại gầy ốm xanh xao. Nhưng bù lại cậu rất thuộc kinh và siêng năng đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ. Cha sở thấy vậy thì nhờ cậu dạy cho các em nhỏ đọc kinh hằng ngày. Cậu hết sức vui mầng, vì được cha sở giao cho công tác đó. Mỗi sáng cậu quy tụ các em, lần lượt đọc hết kinh nầy đến kinh khác cho chúng đọc theo. Có lần các em đòi cậu viết kinh cho các em về nhà học thêm. Cậu lúng túng không biết tính sao, vì biết mình dốt không biết một chữ, làm sao viết được. Cậu đành phải năn nỉ các em học thuộc lòng thôi. Dù vậy lần hồi cậu cũng dạy các em học thuộc các kinh cần thiết. Đúng là dù dốt nát mà có thiện chí thì cũng giúp đuợc việc Chúa và làm ích lợi cho người khác hơn là thông thái tài giỏi mà lười biếng ích kỷ. Đến lúc anh bị bắt giam ở ngục Sơn Tây, Đức Cha mới nhận anh làm thầy giảng để thưởng công anh. Ở trong ngục, anh không giảng đạo được bằng lời nói, nhưng anh làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống.

Sau khi bị bắt ngày 20 tháng 06 năm 1837, cả ba thầy Phao-lô Mỹ, Phê-rô Đường và Phê-rô Truật đều bị nhốt chung ở ngục Sơn Tây. Nhiều lần quân lính dẫn các thầy ra tra tấn đánh đập, bắt ép đạp lên Thánh giá bỏ đạo. Mỗi lần bị tra tấn, cả ba người đều đau đớn ngã gục, đến nỗi quân lính phải khiêng trở về ngục. Nhưng cả ba đều can đảm chịu khổ chịu cực vì Chúa, nhất quyết giữ vững đức tin, không chịu quá khóa chối đạo.

Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin bất khuất của các thầy, quan buộc lòng phải làm án xử giảo gởi về kinh. Tháng 10 năm 1837, bản án vua Minh Mạng châu phê đã chuyển đến Sơn Tây, nhưng chưa thi hành ngay. Các thầy phải chờ đợi suốt 14 tháng trời. Trong thời gian dài đăng đẳng nầy, các thầy sợ bị lung lạc niềm tin, nên hằng ngày hiệp nhau đọc kinh cầu nguyện, lần chuỗi Môi Khôi, kêu xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức gắn bó bền đỗ theo Chúa đến cùng. Và lời cầu xin của các thầy đã được chấp nhận. Ngày 18 tháng 12 năm 1838, quân lính dẫn ba vị chứng nhân anh dũng của Chúa ra pháp trường Gò Vôi, tỉnh Sơn Tây. Và sau khi tròng dây qua cổ theo lệnh quan, lý hình siết chặt hai đâu dây cho đến lúc các ngài tắt thở, máu từ miệng trào ra làm hạt giống trổ sinh thêm nhiều tín hữu…

Cả ba vị đều được tôn là Hiển thánh, để toàn thể Hội thánh suy tôn.

* Quyết tâm

Noi gương các thánh Phao-lô Mỹ, Phê-rô Đường và Phê-rô Truật, thầy giảng tử đạo, hằng ngày siêng năng giúp việc giảng đạo Chúa, và suốt đời trung thành bền đỗ chịu khổ chịu cực vì Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

Muc luc 

Ngày 19 tháng 12

THÁNH PHAN-XI-CÔ MẬU, ĐA-MINH ÚY,

AU-GU-TI-NÔ MỚI, TÔ-MA ĐỆ VÀ TÊ-PHA-NÔ VINH

Thầy Giảng và Giáo Dân Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Hôm nay Hội thánh mừng kính 05 vị Anh hùng đã chịu chết vì Chúa cùng một ngày để làm chứng cho Chúa. Các ngài làm chứng tá không phải chỉ trong lúc chịu chết ở pháp trường, mà trong suốt đời sống, đặc biệt trong thời gian hơn một năm bị giam trong ngục. Đó là Thánh Phan-xi-cô Mậu, Đa-minh Úy, Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

Sau khi bị bắt, các ngài bị giam chung với nhiều người tại Bắc Ninh, trong số đó giáo có lương cũng có. Đây là cơ hội may mắn Chúa ban, để các ngài làm chứng cho Chúa, là tông đồ rao giảng đạo Chúa. Mặc dầu cũng bị xiềng xích tra tấn khổ sở như mọi người, các ngài vẫn luôn tỏ vẻ hân hoan vì được chịu khổ chịu cực vì Chúa, và chia nhau tiếp xúc với các bạn tù, chia sẻ những nỗi sầu khổ của họ, an ủi khích lệ họ, giới thiệu Chúa là Đấng thương xót cứu giúp họ. Trong lúc tù ngục khốn khó như thế mà nghe nói đến Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, họ hết sức cảm mến. Họ yêu cầu các ngài giúp cho họ theo Chúa thờ Chúa. Thế là các ngài dạy giáo lý và rửa tội cho họ.

Phải chăng đó là tấm gương các ngài để lại cho hậu thế? Bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn làm chứng cho Chúa, đem Chúa đến cho người khác.

* * *

Phan-xi-cô Hà Trọng Mậu sinh năm 1790, tại Kẻ Điền tỉnh Thái Bình.

Lớn lên, cậu được Chúa thương kêu gọi, và cậu đã sẵn sàng dâng mình đi tu giúp việc Chúa. Sau khi được chọn làm thầy giảng, thầy đến giúp họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt, do cha Phê-rô Tự làm chánh xứ.

Giữa lúc đó, vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao. Ngày 29 tháng 08 năm 1838, lính đến bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Tự và thầy Úy đang giúp ở đó cùng với ba giáo dân là Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh, dẫn về tạm giữ ở huyện Lương Tài. Khi biết cha Tự và thầy Úy bị giam ở Lương Tài, thầy liền đi đến đó nghe tin tức. Trong thời gian ở đây, thầy được giáo hữu gởi tạm trú tại nhà một lương dân quen biết, cốt ý cho quân lính không để ý theo dõi. Chẳng may người chủ nhà lại tham tiền, đi tố cáo với quan. Thế là thầy bị bắt…

Đa-minh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiên Môn tỉnh Thái Bình. Ngay từ nhỏ, cậu đã được cha mẹ cho đến ở giúp cha Phê-rô Tự, chánh xứ Kẻ Mốt. Cha thấy cậu có trí thông minh lại đạo đức, nên gởi cho tu học làm thầy giảng.

Sau khi tu học, thầy được Bề trên cho về giúp cha Tự như trước. Thầy nhiệt thành cộng tác với cha trong hoạt động tông đồ mục vụ, đặc biệt trong việc dạy giáo lý tân tòng và trẻ em. Hai cha con sống rất thân mật, hết lòng thương yêu nâng đỡ nhau, nhất là giữa lúc nầy là lúc cơn bách hại đang ác liệt. Thầy thường nói với giáo dân:

- Nếu quân lính đến bắt cha, tôi sẽ ra nộp mình thế cho cha, để cha ở lại giúp anh chị em.

Ngày 29 tháng 06 năm 1838, theo tin mật báo, quan quân đến bao vây xứ Kẻ Mốt. Thầy tình nguyện ra nộp mình, nhưng khi biết thầy không phải là Linh mục, quân lính chia nhau lục soát, bắt được cả cha Tự và ông trùm Cảnh và ba giáo dân là Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

Cả ba giáo dân nầy đều là người làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Vì cuộc sống ở đây khó khăn, làm ăn không đủ sống, ba anh đến lập nghiệp tìm kế sinh nhai tại giáo xứ Kẻ Mốt.

Au-gu-ti-nô Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806, trong một gia đình nông dân ngoại đạo. Khi đến làm mướn ở xứ Kẻ Mốt, hằng ngày tiếp xúc với người có đạo, thấy họ có lòng yêu thương bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, anh cảm thấy mến mộ đạo và xin theo học giáo lý. Năm 1837, cha Phê-rô Tự đã ban Bí tích Thánh Tẩy cho anh, và năm sau chính ngài cũng chủ sự lễ thành hôn cho anh với một thiếu nữ trong giáo xứ.

Mặc dầu đạo mới, anh sống đạo rất sốt sắng, siêng năng đọc kinh dâng lễ, nhất là lần chuỗi Môi Khôi mỗi tối trong gia đình. Nhờ đó, Đức Mẹ ban cho anh được phúc tử đạo, làm chứng cho Chúa.

Ngày 29 tháng 06 năm 1838, khi quân lính đến bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, họ gọi hết dân làng tập trung về đình điểm danh. Lúc mọi người đã tựu về đủ mặt, họ buộc mỗi người phải đạp lên Thánh giá. Ai vâng lời bước qua thì được về. Có số giáo hữu nhanh chân trốn thoát, những người nhát đảm sợ chết thì bước qua, còn ba anh Mới, Đệ và Vinh cương quyết không thi hành lệnh nên bị bắt.

Tô-ma Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811, trong một gia đình Công giáo ở Bồ Trang. Lớn lên, vì kế sinh nhai, anh theo cha mẹ đến giáo xứ Kẻ Mốt làm ăn lập nghiệp. Cha mẹ cho anh theo học nghề may. Khi thành thuộc, anh về mở tiệm may tại nhà. Nhờ khéo tay, anh may được nhiều người ưa thích, nên ngày càng thêm đông khách. Do đó kinh tế gia đình được ổn định. Anh lập gia đình, ra ở riêng, sinh được ba đứa con.

Đối với xứ đạo, anh luôn nhiệt thành phục vụ. Cờ xí trang hoàng trong nhà thờ do một tay anh cắt may. Mỗi dịp lễ lớn, anh hy sinh nhiều ngày dọn dẹp trang trí. Lúc nào cha xứ có việc cần nhờ, anh chẳng nệ tốn công hao của với nhà chung.

Khi quân lính đến bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt mọi người phải đạp lên thánh giá, anh tìm cách lẫn trốn. Nhưng khi thấy họ lục soát gắt gao quá, không thể trốn khỏi, anh ra trình diện bước lại gần Thánh giá. Quân lính tưởng anh đạp lên, nhưng anh quỳ xuống, hôn kính và nói:

- Lạy Chúa, con không bao giờ dám bước qua Thánh giá Chúa. Con biết rồi đây con sẽ bị bắt, bị tra tấn hành hạ. Nhưng con thà chết hơn là xúc phạm đến Chúa. Xin Chúa thương giúp con can đảm làm chứng cho CHÚA.

Quân lính liền xúm lại bắt trói anh…

Tê-pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 trong một gia đình ngoại giáo nghèo khó. Nghe nói ở giáo xứ Kẻ Mốt có người thuê mướn làm việc, anh theo bạn hữu đến tìm việc làm. Vì anh siêng năng cần mẫn, lại khỏe mạnh thật thà, nên được nhiều người kêu làm.

Sống lâu ngày với người có đạo, thấy họ tận tình giúp đỡ, anh bắt đầu quý mến họ và ước muốn theo đạo. Đúng thật gương lành gương tốt của người tín hữu là một trong những phương thế hiệu nghiệm dẫn đưa mọi người đến Chúa, như lời Chúa Giê-su phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em”. (Mt. 5,16).

Nhưng khổ nỗi, anh không biết đọc biết viết, làm sao học giáo lý? Nhưng anh cũng chịu khó học thuộc lòng. Nghe dạy điều nào, anh lặp lại nhiều lần cho nhớ rồi nghe thêm. Lần hồi anh cũng thuộc hết những điều cần thiết trong đạo. Song chưa kịp rửa tội, anh đã bị bắt cùng với cha Tự và năm người nữa là ông trùm Cảnh, thầy Mậu, thầy Úy, anh Mới và anh Đệ, vào ngày 29 tháng 06 năm 1838.

Hôm đó, khi quan quân bắt mọi người tập trung về đình, đạp lên Thánh giá, anh công khai tuyên bố:

- Tôi chỉ là người dự tòng, chưa được rửa tội. Nhưng tôi tin Chúa, tôi quyết thờ Chúa. Tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá.

Chính lúc bị giam tại Bắc Ninh, Cha Phê-rô Tự đã ban Bí tích Thánh tẩy cho anh.

Ngày 27 tháng 07 năm 1838, sau gần một tháng tra tấn, bắt ép bảy chiến sĩ đức tin bỏ đạo mà không thành công, quan đệ án xin xử giảo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn 05 người kia là thầy Mậu, thầy Úy, anh Mới, anh Đệ và anh Vinh thì xin cho đánh đòn rồi phát lưu. Nhưng vua Minh Mạng quyết định xử trảm ngay Cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm người kia phải giam giữ cẩn thận, nếu sau một năm mà không chịu quá khóa chối đạo, sẽ bị xử giảo.

Từ ngày cha Tự và ông trùm Cảnh bị chém đầu, năm vị còn lại trong ngục ngày ngày nhớ thương, hiệp nhau cầu xin Chúa cho được phúc chết vì Chúa như các ngài, rồi chia nhau đến an ủi khích lệ các bạn tù, giới thiệu Chúa cho họ, giúp họ tin theo Chúa.

Một năm trôi qua với hai lần bị đưa ra công đường tra tấn nữa, nhưng cả năm vị đều cương quyết một lòng giữ vững đức tin. Thế nên, ngày 19 tháng 12 năm 1839, quân lính dẫn năm vị chứng nhân của Chúa ra pháp trường. Sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình dùng dây siết cổ các ngài cho đến lúc tắt thở.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 tôn phong cả năm vị lên Chân phước, và Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm

Làm chứng cho Chúa trong hết mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để giúp mọi người nhận biết tin kính Chúa, và bền lòng chịu khổ vì Chúa cho đến chết, theo gương thánh tử đạo Phan-xi-cô Mậu, Đa-minh Úy, Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Muc luc 

Ngày 21 tháng 12

THÁNH PHÊ-RÔ CA-NI-XI-Ô

Linh Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô sinh năm 1521 tại Ni-gi-mê-gen, nước Đức, trong gia đình Công giáo đạo đức. Ngài là một trong những vị Linh mục Dòng Tên nổi tiếng nhất thời đó. Dường như Chúa Quan Phòng dành cho ngài sứ mạng đặc biệt chống lại lạc giáo Lu-te ở Đức, người ta gán cho ngài biệt hiệu “cái búa chống thệ phản”, bằng sách vở ngài viết và lời ngài giảng dạy. Ngài vừa là một nhà trí thức, một vị thánh, vừa là một tông đồ hăng say làm vinh danh Chúa, đúng theo đường hướng thánh I-nha-xi-ô.

Lúc nhỏ, thánh nhân đã được giáo dục đạo hạnh đầy đủ ở gia đình. Năm lên 15 tuổi, ngài được cha mẹ gởi đến đại học Cô-lôn, theo học môn triết và hùng biện. Trong thời gian học ở đây, ngài hân hạnh được gặp Chân phước Phê-rô Pháp-vơ là bạn thân của thánh I-nha-xi-ô. Vị Chân phước nầy đã hướng dẫn ngài vào Dòng Tên, để phụng sự Chúa và bênh đỡ Hội thánh đang lúc bị các lạc giáo khuấy phá. Giới Công giáo ở đây đặt ngài làm thủ lãnh điều khiển phong trào chống lại các nhóm ly khai.

Năm 1546, thánh nhân được thụ phong Linh mục. Và năm sau, Đức Tổng Giám mục Au-bua đã cử ngài đến dự Công đồng Tri-đen-ti-nô, với tư cách đại diện. Và từ năm 1549 trở đi, ngài được chọn làm viện trưởng đại học ở In-gô-ta rồi ở Ven-na. Trong thời gian nầy, ngoài ra nhiệm vụ ở trường đại học, thánh nhân đi hầu khắp nước Đức, Thụy-sĩ, Ba-lan, để củng cố đức tin cho người Công giáo đang bị lung lay vì những tư tưởng sai lạc. Đi đến đâu, ngài cũng tiếp xúc gần gũi với các Ki-tô hữu, giảng dạy chân lý Phúc âm cho họ. Nhiều năm liền, ngài là nhà giảng thuyết nổi tiếng ở nhà thờ chính tòa Au-bua. Số người đến nghe giảng ngày càng đông, vì ngài giảng dạy cách nhiệt thành, trong suốt, làm cho người nghe bị thu hút, cảm hóa, tin tưởng. Mỗi khi đi ngang qua nhà thờ nào, ngài đều dừng lại, giảng dạy chân lý đức tin, chỉ vạch cho mọi tín hữu thấy rõ những sai lầm của các lạc giáo, một mặt để cho họ đề phòng cảnh giác, mặt khác cũng để giúp họ sửa chữa lầm lạc.

Và trong thời gian nầy, ngài đã viết ba quyển sách trứ danh, trình bày giáo thuyết tinh tuyền của Hội thánh. Đó là:

- Giáo lý dành cho giáo sĩ và giáo dân trưởng thành.

- Giáo lý sơ cấp dành cho trẻ em.

- Kinh nguyện .

Ba cuốn sách nầy ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp dân chúng, nhất là giới trí thức hiểu biết. Với lời văn sáng sủa, trình bày giáo thuyết Công giáo đầy đủ khúc chiết, các sách ngài đáp ứng nhu cầu học biết giáo lý cho giáo dân, đồng thời giúp người lầm lạc nhận biết những sai sót của họ, để quay về với Hội thánh.

Ngoài ra lời giảng dạy và sách vở, thánh nhân còn dùng thư từ để củng cố đức tin, sửa chữa sai lầm cho mọi người. Ngài viết thơ cho hết mọi hạng người trong đạo cũng như ngoài đời: từ vua quan đến dân thường, đề cập các vấn đề liên quan đến nhu cầu của tầng người; tất cả chỉ vì lợi ích của Giáo hội và làm sáng danh Chúa.

Nhờ đâu mà thánh nhân làm được nhiều việc ích lợi cho Hội thánh và vinh danh Chúa như thế? Tất cả đều do ơn Chúa ban, tất cả đều là hồng ân của Chúa, như lời ngài thưa với Chúa:

“Cuối cùng, Chúa đã truyền lệnh cho con uống nơi nguồn mạch là trái tim rộng mở của Chúa, nơi Thân Thể rất thánh của Chúa mà con như xem thấy tận mắt, nghĩa là Chúa mời con kín nước cứu độ nơi mạch của Chúa, lạy Đấng cứu chuộc con.

Còn con, con hết lòng ao ước được mạch đó chảy đến cho con những dòng nước tin cậy mến. Con khát uống thanh bần, trinh khiết và vâng lời, con xin Chúa rửa thân con, mặc áo và trang điểm cho con. Bởi thế, sau khi con đã dám tới gần trái tim rất dịu dàng của Chúa và tìm được ở đó sự no thỏa, thì con được Chúa hứa ban cho một áo kết bởi ba tấm để che phủ lình hồn trần trụi của con, và hoàn toàn hợp với lời con khấn hứa. Ba tấm áo đó là: sự bình yên, tình yêu và lòng kiên trì. Được áo cứu độ đó che chở, con tưởng không còn thiếu thốn gì nữa, nhưng con sẽ thành công mọi sự để làm sáng danh Chúa”

Thánh nhân qua đời năm 1597, và được Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 tôn phong Hiển thánh và tiến sĩ Hội thánh ngày 21 tháng 12 năm 1925.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô, hằng ngày kêu xin Chúa cho biết dùng lời nói, việc làm cũng như sách vở thư từ, để củng cố và bảo vệ niềm tin cho mọi người và làm sáng danh Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, để bảo vệ đức tin của Hội thánh Công giáo, Chúa đã cho xuất hiện một Linh mục đầy lòng dũng cảm và trí thông minh là thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô; vì lời thánh nhân chuyển cầu. Xin cho những ai đang tìm kiếm chân lý được phúc nhận biết Chúa là Thiên Chúa, và xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con được trung thành giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin…

Muc luc

THÁNH PHÊ-RÔ THI VÀ AN-RÊ DŨNG LẠC

Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Ngoài ra lòng can đảm hy sinh chịu chết vì Chúa, hai thánh Phê-rô Thi và An-rê Dũng Lạc còn để lại cho hậu thế tấm gương hy sinh hãm mình, khắc khổ. Có thể nói đó là nhân đức mà ngày nay nhiều người rất ngại thực hành, hoặc cho là lỗi thời hủ lậu, kể cả một số vị tu hành. Con người ngày càng thích sống tiện nghi, mê hưởng thụ, nên tìm đủ mọi cách xa tránh chịu khó chịu cực. Nhưng mà:

Gừng già, gừng rụi, gừng cay,

Anh hùng càng cực càng dầy nghĩa nhân .

Nhất là:

“Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong…

Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống” (Mt. 7,18).

Chính thánh Thi và Dũng Lạc đã đi qua cửa hẹp đường chật đó mà được vào cõi sống muôn đời.

* * *

Phê-rô Trương Văn Thi sinh năm 1763, tại xứ Kẻ Sở tỉnh Hà Nam , trong một gia đình Công giáo tuy nghèo nhưng đạo hạnh sốt sắng. Nhờ đó khi lên 11 tuổi, cậu được Chúa thương gọi vào Nhà Chúa học hành tu luyện làm thầy giảng. Trong thời gian thi hành chức vụ nầy, thầy tận tụy hy sinh, luôn luôn chu toàn tốt đẹp mọi sứ vụ giao phó, nên được Bề Trên cho vào đại chủng viện, học thêm môn thần học, và năm 43 tuổi được thụ phong Linh mục.

Từ ngày làm Linh mục, cha Phê-rô Thi càng nhiệt thành hoạt động tông đồ hăng say: giảng đạo cho lương dân, chuyên cần ban các Bí tích cho tín hữu. Và để cho việc tông đồ được đắc lực, cha siêng năng cầu nguyện, hy sinh hãm mình, sống khắc khổ chay tịnh. Mọi người đều công nhận cha là một Linh mục rất nhân đức, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng mỗi ngày nhiều lần, thường xuyên ăn chay hãm mình, mặc dầu sức khỏe cha rất yếu kém vì bệnh hoạn.

Suốt 27 năm làm Linh mục, không lúc nào cha nghỉ ngơi, hoặc chểnh mãng bổn phận. Cha được bổ nhiệm đi giúp nhiều nơi, từ xứ Sông Chảy đến xứ Kẻ Sông. Nơi nào cha cũng hoàn thành sứ mạng cách tốt đẹp, mặc dầu hoàn cảnh hết sức khó khăn nguy hiểm, vua Minh Mạng đang cấm đạo trên toàn quốc, bắt bớ giết hại các tín hữu, Linh mục. Cha vẫn can đảm không sợ chết, âm thầm len lỏi hoạt động tông đồ.

Ngày 10 tháng 10 năm 1839, đang khi cha An-rê Trần An Dũng Lạc ở giáo xứ Kẻ Đầm đến xưng tội với cha, thì viên Lý trưởng đem quân đến bắt cả cha và cha Dũng Lạc, đòi nộp 200 quan tiền chuộc mạng, còn cha thì bị giải về huyện Bình Lục. Không ngờ cha Dũng Lạc trên đường trở về giáo xứ đã bị quân lính bắt giữ, và nộp về huyện. Thế là cả hai vị lại gặp nhau trong ngục, cùng chung số phận tù đày để rồi cùng hưởng phúc lộc vinh quang.

Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795, con của một gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ làm ăn sinh sống. Trong thời gian làm thuê làm mướn ở đây, một thầy giảng thấy cậu hiền lành chất phát thì thương nhận về nuôi cho ăn học, dạy đạo và rửa tội cho cậu lấy tên thánh là An-rê. Nhờ chung sống học hỏi với thầy, lần lần cậu An-rê ước muốn đi tu giúp việc Chúa. Thế là cậu được gởi vào chủng viện Vĩnh Trị học hành văn hóa, trui rèn đức hạnh.

Ngày 15 tháng 03 năm 1823, thầy An-rê Dũng lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, làm Linh mục, được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối, sau đó đến giúp cha Thi ở xứ Đoài, Cha Thiết ở Sơn Miêng, và nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ Kẻ Đầm. Suốt 16 năm Linh mục, cha luôn luôn sống khắc khổ nhiệm nhặt. Ngoài ra những ngày phải ăn chay theo luật định, cha còn giữ chay thêm cả Mùa Chay, và các ngày thứ sáu thứ bảy hằng tuần. Sở dĩ cha chịu khó hãm mình chay tịnh như thế là để hoạt động tông đồ mục vụ của cha được sinh hoa kết quả tốt đẹp. Và quả thực, Chúa đã ban cho cha đem được nhiều người ngoại giáo vào đạo, nhiều kẻ tội lỗi ăn năn sám hối.

Dù vậy cha cũng bị bắt nhiều lần, khi vua Minh Mạng ra lệnh bắt đạo gắt gao, cha trốn lánh nhiều nơi. Đang lúc cha ẩn náu ở Kẻ Roi, vừa dâng Thánh lễ xong, quân lính ập tới. Cha vội vàng cởi áo lễ áo dòng chạy đến ngồi chung với giáo dân, tất cả có độ 30 người. Quân lính bắt trói hết. Nhưng vì chúng không nhận biết cha, nên một giáo hữu là ông tổng Thừa đưa ra 06 nén bạc chuộc lại cha. Sau ngày đó, cha đổi tên là Lạc.

Lần thứ hai, cha bị Lý trưởng Pháp bắt khi đến xứ Kẻ Sông xưng tội với cha Phê-rô Thi, y đòi nộp 200 quan thì cho chuộc. Nhưng giáo dân chỉ góp được 100, nên y thả có một mình cha, còn cha Thi bị giải nộp về huyện. Chẳng may trên đường về, cha bị quân lính phát hiện, bắt về huyện nhốt chung với cha Thi. Ngày 16 tháng 10 năm 1839, hai cha được đưa về Hà Nội.

Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra tấn, bảo bước qua Thánh giá chối đạo. Nhưng thay vì vâng lệnh quan, hai cha quỳ xuống hôn kính Thánh giá Chúa và nói:

- Không bao giờ chúng tôi chối Chúa bỏ đạo. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh chịu khó đem Chúa đến cho người khác, lẽ nào chúng tôi lại chối bỏ.

Quan tức giận, cảm thấy mình bị sỉ nhục, sai quân lính đem nhốt hai vị chứng nhân anh dũng của Chúa vào ngục, rồi làm án gởi về Kinh.

Suốt thời gian ở trong tù, hai cha càng gia tăng cầu nguyện, ăn chay hãm mình, kêu xin Chúa cho được trung thành bền đỗ theo Chúa. Tuy giáo hữu được phép tiếp tế của ăn hằng ngày, nhưng các cha muốn hãm mình hy sinh, dặn họ đừng đem thịt cá đến. Hôm nào lỡ đem thịt cá vào, các ngài lấy cho lính gác hoặc các bạn tù, còn các ngài chỉ ăn cơm, và ăn thật ít, để lập công đền tội.

Ngày 21 tháng 12 năm 1839 thật là một ngày vui mầng trọng đại đối với hai cha. Sau khi cha Trân lén đem Mình Thánh Chúa đến cho các ngài, quân lính vào tuyên bố lệnh xử trảm của nhà vua, và điệu các ngài ra pháp trường Cầu Giấy (Hà Nội).

Đến nơi, các ngài xin ít phút cầu nguyện, rồi đưa đầu cho lý hình thi hành phận sự.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong các ngài lên Chân phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Phê-rô Thi và An-rê Dũng Lạc, hằng ngày chịu khó hy sinh hãm mình, cầu nguyện để làm việc tông đồ đắc lực, và trung thành bền đỗ làm chứng cho Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, đế hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Muc luc

Ngày 23 tháng 12

THÁNH GIOAN KEN-TY

Linh Mục

* Gương Thánh nhân

Thánh Gioan sinh năm 1397 tại Ken-ty, nước Ba-lan, trong một gia đình đạo đức sốt sắng.

Được cha mẹ dạy dỗ chỉ bảo chu đáo, lớn lên thánh nhân có được nhiều nhân đức đặc biệt: ngài sống đơn sơ, khiêm nhường, bác ái hơn hết các trẻ đồng lứa tuổi. Ngoài ra nhân đức, ngài còn được Chúa ban cho trí thông minh giỏi giắn, học hành tấn phát nhanh chóng.

Sau khi mãn các lớp học tại địa phương, ngài được cha mẹ gởi đến đại học Cra-cô-vi trau dồi triết học và thần học. Và khi đỗ đạt, ngài được chịu chức Linh mục làm giáo sư của trường, vì ban giám đốc thấy ngài tài đức vẹn toàn. Ngài vừa dạy học vừa làm tông đồ bên cạnh các sinh viên cũng như các giáo sư, đồng thời bảo vệ và củng cố niềm tin cho những người bị lạc giáo đầu độc.

Chính Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê thứ 13 đã khen ngợi ngài:

“Không ai do dự kể thánh Gioan Ken-ty vào số ít ỏi những vị nổi tiếng và sự thánh thiện, có khả năng hành động, dạy dỗ và bênh vực đức tin chân chính đang bị các đối thủ tấn công, khi đã thấy ngài dạy tại đại học Cơ-ra-cô-vi một học thuyết bắt nguồn từ các mạch trong lành nhất. Quả vậy, vào thời đó, ngay những vùng lân cận cũng có những nhóm lạc giáo và ly khai hoành hành. Ngài đã cố gắng dùng lời giảng giải, cắt nghĩa cho dân chúng một thứ luân lý thật thánh thiện. Ngài còn củng cố lời giảng dạy bằng đức khiêm nhường, đức khiết tịnh, lòng thương xót, sự hãm mình và mọi nhân đức khác của một Linh mục hoàn hảo và một thợ cần mẫn”.

“Vì thế, không những ngài làm cho các giáo sư đại học ấy thêm phần vinh dự đặc biệt, mà còn để lại một gương sáng lạ lùng cho những ai giữ nhiệm vụ dạy dỗ như ngài, để họ hết sức trở thành những giáo sư hoàn hảo, cố gắng kết hợp giáo lý thánh thiện với các khoa học khác, để ngợi khen và làm vinh danh Thiên Chúa”.

“Khi dạy các vấn đề đạo đức, không những ngài có lòng kính trọng mà còn có sự khiêm nhường nữa. Ngài coi nhẹ mình, không bao giờ coi mình cao hơn người khác, mặc dầu ngài rõ ràng trổi vượt hơn mọi người. Ngài còn ao ước bị khinh chê, không bao giờ khó chịu đối với những kẻ chống đối hay khinh dễ mình”.

Sau thời gian làm giáo sư, thánh nhân được bổ nhiệm coi sóc họ đạo Cra-cô-vi. Ngài đem hết tài đức lo cho đoàn chiên. Ngoài ra lời giảng dạy, ngài ăn chay cầu nguyện cho họ, đặc biệt ngài thương lo giúp đỡ kẻ tội lỗi, người nghèo khó.

Tương truyền ngày nọ thánh nhân gặp một người ăn xin rách rưới, ngài cởi ngay chiếc áo đang mặc trao cho kẻ ấy. Ít hôm sau, Đức Mẹ hiện đến, trả lại chiếc áo cho ngài. Và một lần đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem, dọc đường người bị kẻ cướp lấy hết hành lý rồi hỏi:

- Ông còn gì nữa không?

Ngài đáp:

- Không. Tôi không còn gì nữa hết.

Bọn cướp thấy vậy thì cho người đi. Nhưng đi được một quãng, ngài sực nhớ còn mấy đồng tiền trong túi. Ngài liền chạy nhanh trở lại gặp bọn cướp, trao cho họ và nói:

- Lúc nảy tôi quên. Bây giờ tôi sực nhớ còn mấy đồng tiền đây, tôi xin nộp hết cho các anh.

Bọn cướp thấy thánh nhân quá chân thật tốt lành như thế, thì chẳng những không lấy tiền mà còn trả lại hết hành lý cho ngài.

Thánh nhân qua đời ngày 24 tháng 12 năm 1473, và đến năm 1767 mới được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm

Hằng ngày lo dùng lời nói việc làm, nhất là gương sáng đời sống bác ái khiêm nhường, để làm tông đồ, mở mang Nước Chúa, theo gương thánh Gioan Ken-ty.

* Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con ngày càng tiến bước trên con đường tìm hiểu Chúa, theo gương thánh Gioan Linh mục. Xin cho chúng con cùng biết cư xử bác ái với mọi người, hầu đáng được Chúa nhân từ tha thứ. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 26 tháng 12

THÁNH TÊ-PHA-NÔ

Tử Đạo Tiên Khởi

* Gương Thánh nhân

Thánh sử Lu-ca đã kể lại tiểu sử và cuộc tử đạo anh dũng của thánh Tê-pha-nô, trong sách “Công vụ Tông đồ” như sau:

“Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói:

- Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa .

Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông.

Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Bấy giờ họ mới xúi mấy người phao lên rằng:

- Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.

Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng:

- Tên nầy không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-gia-rét ấy sẽ phá hủy nơi nầy và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.

Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

Bấy giờ vị thượng tế hỏi ông Tê-pha-nô:

- Có đúng như vậy không?

Ông đáp:

- Thưa anh em, thưa các bậc tiền bối, xin nghe tôi đây: Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mê-xô-pô-ta-mi-a, trước khi ông đến ở Kha-ran. Người phán với ông: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng ngươi, và đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ông liền bỏ xứ người Can-đê mà đến ở Kha-ran. Sau khi thân phụ qua đời. Người bảo ông rời nơi đấy đến đất nầy, nơi anh em hiện đang ở. Người không ban cho ông sản nghiệp nào ở đất nầy, dù một tấc đất cũng không, nhưng hứa ban cho ông cũng như cho dòng dõi ông được chiếm hữu đất nầy, mặc dầu bây giờ ông không có con. Thiên Chúa phán với ông rằng dòng dõi ông sẽ trú ngụ nơi đất khách quê người, và người ta sẽ bắt họ làm nô lệ và ngược đãi họ trong vòng bốn trăm năm. Người lại phán: Nhưng Ta sẽ xét xử dân đã bắt chúng làm nô lệ, và sau đó chúng sẽ ra đi và sẽ thờ phượng Ta tại nơi nầy.

Rồi Người ban cho ông giao ước, mà dấu chỉ là phép cắt bì; và như thế, sau khi sinh ông I-sa-ác được tám ngày, ông làm phép cắt bì cho con; ông I-sa-ác cũng làm như thế cho ông Gia-cóp, và ông Gia-cóp đã làm như thế cho mười hai tổ phụ”.

Và Tê-pha-nô kể tiếp công cuộc dân Do-thái bị làm nô lệ dân Ai-cập, nhờ Mô-sê cứu dẫn về đất Chúa hứa, rồi kết luận:

“Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.

Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.

Ông nói:

- Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.

Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. Họ ném đá ông Tê-pha-nô đang lúc ông cầu xin rằng:

- Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.

Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng:

- Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội nầy.

Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Tđcv. 6,1-7, 60).

Các đầu mục dân Do-thái đã ném đá thánh Tê-pha-nô chết cách dã man thế nào, thì sau nầy họ cũng đóng đinh Chúa Giê-su chết đau khổ trên thập giá như vậy. Chúa Giê-su vì thương loài người mà chịu đóng đinh thế nào, thì thánh Tê-pha-nô cũng vì đức ái mà chịu ném đá như thế, như lời thánh Phun-gien-xi-ô nói:

“Đức ái đã đem Đức Giê-su từ trời xuống đất thì cũng chính đức ái đã nâng Tê-pha-nô từ đất lên trời. Đức ái đã có trước nơi Đức Vua, thì chính Đức ái ấy sau đó đã sáng ngời nơi người chiến sĩ”.

“Để đón nhận triều thiên như tên mình gợi lên ý nghĩa, Tê-pha-nô đã lấy đức ái làm khí giới và dùng đức ái để chiến thắng mọi nơi. Vì lòng mến Chúa, ngài không lùi bước trước những người Do-thái độc ác; vì lòng yêu người, ngài cầu nguyện cho nhưng kẻ ném đá mình. Vì bác ái, ngài thuyết phục kẻ lầm lạc để họ hối cải; vì bác ái, ngài cầu nguyện cho kẻ ném đá mình để họ khỏi bị phạt”.

“Đức ái quả là nguồn mạch về cội rễ mọi sự lành, là pháo đài kiên cố, là đường dẫn về trời. Ai đi trong đức ái sẽ không thể lạc đường, không thể sợ hãi, chính đức ái sẽ hướng đạo, che chở và dẫn đưa người ta đến đích”.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Tê-pha-nô, luôn sống bác ái, can đảm tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người, và sẵn sàng tha thứ cầu nguyện cho kẻ làm hại làm khổ mình.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên đã biết cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình như Chúa Ki-tô dạy. Hôm nay mừng kỷ niệm thánh nhân bước vào trời vinh hiển, chúng con nài xin Chúa ban ơn, để chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại, mà yêu thương ngay cả địch thù. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 27 tháng 12

THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

Thánh Sử

* Gương Thánh nhân

Thánh Gio-an là em của thánh Gia-cô-bê, con của ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê, làm nghề đánh cá ở Bết-sai-đa. Ngài là môn đệ của thánh Gio-an Tẩy giả, được Chúa Giê-su chọn để giúp Ngài rao giảng Tin mừng cứu độ. Ngài được Chúa thương mến hơn hết vì ngài sống trinh khiết trong sạch:

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt. 5,8).

Trong Bữa Tiệc ly, khi Chúa Giê-su thông báo:

- Thật, Thầy bảo thật anh em: Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.

Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Ngài nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-mon Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo:

- Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?

Ông nầy liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi:

- Lạy Chúa, ai vậy?

Đức Giê-su trả lời:

- Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy.

Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-mon Ít-ca-ri-ốt” (Ga. 13,21-26)

Người “nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su” đó chính là Thánh Gio-an, Thầy trò âu yếm, thiết tha như thế. Vì âu yếm khắng khít mà Chúa đã ban cho ngài nhiều ơn đặc biệt: Ngài đã chứng kiến việc Chúa chữa con gái ông Giai-rô sống lại, được Chúa dẫn lên núi và cho thấy Người biến hình sáng láng, được Chúa sai đi dọn bữa Tiệc Vượt Qua với thánh Phê-rô, ngài là vị Tông đồ duy nhất theo sát Chúa Giê-su và trung thành với Người đến giờ phút cuối cùng trên thánh giá. Dưới chân thập giá, ngài đã được Chúa Giê-su trối phú Mẹ Người cho ngài: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lơ-phát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh. Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng:

- Thưa Bà, đây là con của Bà.

Rồi Người nói với môn đệ:

- Đây là Mẹ của anh.

Kể từ giờ đó, Người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga. 19, 25-27).

Thánh nhân đại diện mọi tín hữu, nhận Mẹ Chúa làm Mẹ mình. Vì thế, Đức Ma-ri-a là Mẹ của tất cả những ai tin theo Chúa, là Mẹ của Giáo hội. Mẹ thương yêu, chăm sóc, che chở các tín hữu như Mẹ đã thương lo cho Chúa Giê-su, Con Mẹ.

Và sau ngày Chúa Giê-su sống lại, khi Ma-ri-a Mác-đa-la báo Tin mừng không thấy xác Thầy, vì lòng yêu mến Thầy, thánh nhân đã chạy đến mồ trước. Và nhờ tình yêu soi sáng, ngài đã tin:

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn nầy không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin . (Ga, 20, 1-8).

Ít ngày sau, trong khi thánh nhân cùng các môn đệ đánh cá ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Chúa Giê-su hiện đến, không ai trong các ông nhận ra Người, chỉ có Ngài là “người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến” nhận biết và “nói với ông Phê-rô: “Chúa đó” (Ga. 21,7). Đúng thật tình thương giúp con người dễ dàng tin nhận Chúa.

Sau ngày Chúa Giê-su về trời và ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh nhân sống với Đức Mẹ ở Giê-ru-sa-lem. Ngài cùng với Phê-rô chữa người què ngồi ăn xin ở Đền thờ (Cv. 3,1-8), bị các thủ lãnh Do-thái bắt giam và cấm không cho rao giảng Chúa Giê-su. Nhưng ngài vẫn can đảm rao truyền Chúa chịu chết cứu chuộc loài người, nên bị bắt đánh đòn, và ngài lấy làm hãnh diện vì được chịu khổ vì Chúa.

Ngài đã viết sách Phúc âm thứ tư, gọi là Phúc âm theo thánh Gio-an, ba bức thư, và sáchKhải Huyền. Ba quyển sách nầy đều nói lên tình yêu dạt dào của Chúa Giê-su là Ngôi Lời nhập thể đối với loài người.

Tương truyền thánh nhân bị bắt đày ở đảo Pát-mô, đời hoàng đế Đô-mi-ti-a-nô bách hại đạo. Sau đó ngài được thả về. Và trong những ngày cuối đời, ngài luôn khuyên bảo mọi người thương yêu nhau, vì ngài cho đó là điều cao trọng Chúa đã truyền dạy.

* Quyết tâm

Theo gương thánh Gio-an, hằng ngày lo giữ mình thanh sạch, để được sống gần gũi Chúa, thân mật với Chúa, hầu được Chúa ban cho nhiều ơn ở đời nầy, và ngày sau được kết hợp với Người muôn đời.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gio-an tông đồ, mà mặc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí, để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại. Chúng con cầu xin…

Muc luc

Ngày 28 tháng 12

CÁC THÁNH ANH HÀI

Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Thánh sử Mát-thêu đã kể lại cuộc tử đạo của các thánh Anh Hài trong sách Phúc âm của ngài như sau:

“Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi:

- Đức Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.

Các nhà chiêm tinh là những người trí thức thời đó, họ là tư tế hoặc là cố vấn các vua chúa. Họ thường xem các ngôi sao trên trời và đoán biết tương lai. Theo hiểu biết của họ, mỗi khi có ngôi sao lạ xuất hiện, đó là dấu báo hiệu có một người danh vọng ra đời. Và nhờ có dịp tiếp xúc với nhóm người Do-thái đến buôn bán trong nước, họ biết được tôn giáo và lòng mong đợi Đấng Cứu Thế của dân Do-thái. Và một đêm nọ, họ thấy có ngôi sao lạ hiện ra ở Giê-ru-sa-lem, họ tin đó là vì sao của Đấng Cứu Thế dân Do-thái. Và nhờ ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, họ quyết định lên đường tìm đến Đấng đó, để thờ lạy và dâng tiến lễ vật.

Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối (vì ông sợ “Vua dân Do-thái mới sinh” là Chúa Giê-su sau nầy, khi lớn lên sẽ chiếm ngôi vua của ông ta), và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”.

Sở dĩ dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao là vì họ thờ ơ lãnh đạm đối với Chúa. Họ biết có Chúa Cứu thế ra đời chuộc tội họ, mà họ chẳng màng nghĩ tới, và sau nầy chính họ cùng các thủ lãnh sẽ lên án tử Chúa.

“Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đức Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời:

- Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng:

Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi Vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi và dặn rằng:

- Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.

Hê-rô-đê hỏi “cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện”, và dặn báo lại cho ông ta biết nơi chốn Hài Nhi ở, không phải để “bái lạy Người” như lời ông ta nói, nhưng là để thủ tiêu, vì sợ Hài Nhi đó sau nầy sẽ chiếm ngôi vua của ông ta. Đúng là kẻ tham quyền cố vị và nham hiểm độc ác, chẳng chừa một đối thủ nào, dù đối thủ đó chỉ do ông ta tưởng.

Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhủ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng:

- Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho tới khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy.

Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:

Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

“Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

“Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình

và không chịu cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa”. (Mt. 2, 1-18).

Bao nhiêu trẻ thơ vô tội đã bị tàn sát dã man, vì tham vọng của một con người độc ác, ích kỷ, nham hiểm. Các trẻ nầy chết thay Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su, nên được Hội thánh tôn phong là những vị thánh Tử đạo, và long trọng mầng kính hôm nay. Và thánh Cốt-vun-đê-út đã ca ngợi các thánh trẻ hết lòng:

“Những trẻ thơ đã chết cho Đức Ki-tô mà không biết; cha mẹ khóc thương những đứa con tử đạo, còn Người, Người đã làm cho những trẻ chưa biết nói trở thành những nhân chứng của Người. Đấng đến để cai trị, đã cai trị như thế đó. Nầy Đấng Cứu tinh đã cứu vớt, và Chúa Cứu Thế đã ban ơn cứu độ…”

“Ôi thánh ân cao cả ! Các trẻ thơ đã lập công phúc gì để chiến thắng như thế? Các em chưa biết nói gì mà đã tuyên xưng Đức Ki-tô. Các em chưa biết dùng tay chân để chiến đấu, nhưng đã giật được ngành vạn tuế chiến thắng”.

* Quyết tâm

Hằng ngày xin các thánh Anh Hài cầu cùng Chúa, cho những kẻ làm cha mẹ biết tôn trọng sự sống của con cái, và biết lo giáo dục chúng nên người và làm chứng nhân cho Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa. Xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin, như chúng con vẫn tuyên xưng ngoài miệng. Chúng con cầu xin…

Muc luc 

Ngày 29 tháng 12

THÁNH TÔ-MA BÉC-KẾT

Giám Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Thánh Tô-ma Béc-kết sinh năm 1118 tại Luân-đôn. Ngài là vị Tổng Giám mục đã bênh vực quyền lợi của Hội thánh cho đến chết, đã đổ máu ra một cách can đảm, xứng đáng vị thánh tử đạo cho mọi người tôn kính và noi gương. Sở dĩ thánh nhân được vinh hiển như thế là nhờ sự giáo dục cần mẫn của cha mẹ. Ngài đã học được nơi cha ngài lòng kiên quyết cương trực, và nhận nơi mẹ tấm lòng sốt mến cậy tin.

Sau khi học xong, thánh nhân được Đức Tổng Giám mục giáo phận Căn-tô-bê-ri mời giúp việc. Ngài làm việc tận tụy nhiệt thành, đến nỗi vua Hen-ri thứ 2 đem lòng mộ mến, và đặt ngài làm chưởng ấn trong triều đình. Vì vâng lời, ngài buộc lòng lãnh chức vụ, nhưng vẫn tha thiết phụng sự Chúa hơn.

Năm 1161, Đức Tổng Giám mục qua đời, nhà vua buộc ngài lên kế vị, lúc đó ngài chỉ là tổng phó tế. Ngài phải lo chuẩn bị tâm hồn và học hỏi thêm. Và ngày 3 tháng 6 năm 1162, thánh nhân chịu chức Linh mục và hôm sau lãnh chức Giám mục.

Từ ngày lên làm Tổng Giám mục, thánh nhân đem hết tài lực phục vụ Chúa và Giáo hội. Ngoài ra việc củng cố lòng đạo cho các tín hữu, ngài còn đặc biệt chăm sóc hàng giáo sĩ, và kêu gọi các Giám mục trong tổng giáo phận chu toàn sứ vụ Chúa phú giao. Ngài nói với các Giám mục:

“Nếu chúng ta lo sống xứng đáng với danh xưng của chúng ta, nếu chúng ta muốn biết ý nghĩa tên gọi chúng ta là Giám mục, là thượng tế, thì chúng ta phải ân cần suy nghĩ và bắt chước gương Đấng là Thượng Tế đời đời Thiên Chúa đã đặt, Đấng vì ta đã dâng mình cho Chúa trên bàn thờ thập giá, Đấng từ đỉnh trời cao đang xem xét mọi hành động và ý tưởng thúc đẩy người ta hành động, để sau cùng thưởng công cho mỗi người tùy việc họ làm…

“Cần phải có nhiều kẻ trồng, kẻ tưới, vì đó là điều cần thiết để Lời Chúa được lan rộng và dân Chúa được tăng triển…”

“Nhưng cho dù ai là người trồng, người tưới đi nữa, Thiên Chúa chỉ “ban sự tăng trưởng” cho những kẻ trồng trong đức tin của Phê-rô và trung thành với giáo huấn của Ngài…”

“Cũng cần nhớ lại cha ông chúng ta đã được cứu rỗi thế nào? Hội thánh phải trải qua đau khổ như thế nào để phát triển và lan rộng? Cũng như con thuyền Phê-rô, con thuyền đó chính là Đức Ki-tô là người cầm lái, đã phải vượt sóng gió thế nào? Và những kẻ mà đức tin đã sáng ngời trong lao khổ đã đạt được triều thiên làm sao? Tất cả các thánh đã trải qua như thế để ứng nghiệm luôn điều đã nói rằng: không được hưởng triều thiên, nếu không chiến đấu xứng đáng”.

Lúc đó thánh nhân với nhà vua rất tâm đắc. Việc gì trong đạo ngoài đời các ngài cũng bàn tính với nhau, hợp tác với nhau, để mưu cầu lợi ích cho xã hội và Giáo hội.

Nhưng về sau, vì nghe lời phỉnh nịnh của các cận thần ích kỷ vụ lợi, nhà vua trở lại thù ghét thánh nhân, buộc ngài phải nộp tất cả tài sản của Giáo hội cho nhà nước. Ngài nhất định không giao nộp và cương quyết cự tuyệt đến cùng. Nhà vua nổi giận, định bắt ngài đi đày, nhưng ngài lánh sang nước Pháp trú ẩn vào năm 1164. Đang lúc ngài trú ngụ trong các tu viện, nhà vua hăm dọa sẽ tận diệt tu viện nào chứa chấp dung dưỡng ngài, nên ai nấy đều sợ hãi hất hủi ngài. Ngài phải sống vất vả khổ cực, gần 6 năm trời ở đất khách quê người.

Khi nghe biết việc nầy, Đức Giáo Hoàng đã quở trách vua Hen-ri. Nhờ đó mà ông ta bớt hung hăng bắt bớ thánh nhân. Thấy tình thế có phần êm dịu, thánh nhân muốn trở về giáo phận. Nhiều người thương sợ ngài chết, nên tìm cách ngăn cản ngài. Nhưng ngài tuyên bố:

- Dù có chết, tôi cũng trở về. Vì đã 6 năm rồi, tôi phải xa cách đoàn chiên của tôi.

Lòng mộ mến đoàn chiên đã thúc đẩy thánh nhân trở lại quê hương, mặc dầu ngài biết ở đó rất nhiều nguy khổ đang đợi ngài.

Thế là năm 1170, thánh nhân đã về đến giáo phận Căn-tô-bê-ri…

Chuông đổ vang trời, giáo dân giáo sĩ hân hoan chào mừng đón tiếp ngài vào nhà thờ chánh tòa. Lời nói đầu tiên của ngài là:

- Tôi trở về đây để chết giữa anh em.

Và đúng như lời thánh nhân tiên báo, ngày 29 tháng 12, đang lúc ngài đọc kinh chiều trong nhà thờ, một nhóm người lạ mặt xông đến chém bổ vào ngài. Máu tuôn trào, ngài ngã gục bên cạnh bàn thờ…

Và năm 1173, Đức Giáo Hoàng A-lét-xăn thứ 3 đã tấn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Tô-ma Béc-kết, hằng ngày sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa, và can đảm bênh vực Hội thánh.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giám mục Tô-ma một tâm hồn quảng đại, dám hy sinh tánh mạng vì công lý. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng con biết liều mạng sống ở đời nầy vì Đức Ki-tô, để tìm lại được ở trên trời… Chúng con cầu xin…

 Muc luc

Ngày 31 tháng 12

THÁNH XIN-VẾT-TE I

Giáo Hoàng

* Gương Thánh nhân

Thánh Xin-vết-te sinh ở Rô-ma năm 280.

Lúc trưởng thành, thánh nhân đã có lòng rộng rãi cứu giúp mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, khách đi đường. Nhà ngài là nơi trú ngụ của những người Công giáo ngoại kiều; ngài chăm sóc chu đáo, lo cho họ ăn uống nghỉ ngơi vì lòng kính mến Chúa. Thánh nhân thực hành đúng theo Lời Chúa phán:

“Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm” (Mt. 25, 35-36).

Một hôm, thánh nhân gặp nhà truyền giáo Ti-mô-tê thành An-ti-ốt. Ngài rước vào nhà nuôi dưỡng và giúp đỡ mọi phương tiện cho ông giảng đạo. Và khi Ti-mô-tê bị nhà vua bắt giết vì rao giảng đạo Chúa, đang đêm ngài lén lấy xác ông ta về chôn cất tử tế.

Chính nhờ lòng đạo đức, và đức bác ái của thánh nhân mà Đức Giáo Hoàng Men-si-át đã phong chức phó tế cho ngài. Và năm 314, khi Đức Men-si-át băng hà, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân chọn lên kế vị. Ngài làm Giáo Hoàng được 21 năm. Trong thời gian nầy, ngài làm rất nhiều việc giúp ích Hội thánh.

Tương truyền Hoàng đế Rô-ma lúc đó là Công-tăn-tin còn ngoại đạo, ông không thích gì đạo Công giáo, ông ta mắc bệnh phong hủi. Thánh nhân đã chữa ông ta khỏi bệnh, nên xin vào đạo. Ngài đã dạy dỗ và Rửa tội cho nhà vua. Từ đó, ông ta có nhiều thiện cảm với thánh nhân và dành mọi sự dễ dàng cho Hội thánh. Cuộc trở lại đạo của nhà vua kéo thêm nhiều cuộc trở lại khác trong triều đình cũng như ngoài dân gian. Đạo Chúa được rao truyền khắp nơi, các thánh đường được xây dựng thêm; trong số đó có đại thánh đường Thánh Gio-an, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.

Ngoài ra, trong triều đại thánh nhân làm Giáo Hoàng, còn một biến cố đặc biệt quan trọng nữa là đại hội Công đồng chung Ni-xê năm 325. Ở đại hội nầy, ngài cùng với hội đồng Giám mục đã kết án lạc thuyết A-ri-ô, và định tín rõ ràng thiên tính của Chúa Giê-su, Người là Thiên Chúa làm người: Người là Thiên Chúa thật và là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Như thế, nhờ thánh nhân mà các lạc giáo phải lùi bước. Hội thánh Chúa được bình an phồn thịnh. Chính Đức Êu-xi-ni-ô, Giám mục Xê-sa-rê, đã ca tụng thời gian hưng thịnh của Hội thánh dưới triều đại của Ngài:

“Ngày quang minh trong sáng, không vẩn chút mây, đã chiếu giải ánh sáng bởi trời xuống trên mọi giáo đoàn của Đức Ki-tô rải rác khắp địa cầu. Cả những kẻ khác đạo với chúng ta, mặc dầu không được hưởng tất cả như chúng ta, nhưng chắc chắn cũng được tiếp nhận phần nào những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

“Nhất là chúng ta, những kẻ đã đặt mọi hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng ta được vui mầng khôn tả; một nỗi hoan lạc thiêng liêng đã chiếu giải trên khuôn mặt mọi người, vì những nơi mà ít lâu trước đây, bị lòng độc dữ của những kẻ tàn bạo phá đổ, thì chúng ta thấy như đang sống lại giữa cơn đổ nát lâu dài và tàn tệ, các đền thờ lại được xây lên thật cao và trang trọng huy hoàng, khác xa những nhà đã bị phá hủy trước đây”.

“Quang cảnh chúng ta đang chờ đã được thực hiện, nghĩa là trong mỗi thành lại có những buổi lễ cung hiến và thánh hiến những nguyện đường mới được xây cất”.

“Trong những cuộc lễ như thế, có các Giám mục sum họp, có những khách hành hương từ ngoại quốc, từ những nơi thật xa xôi tuôn đến, có các dân, các nước tỏ tình tương thân tương ái, vì các chi thể thân mình Đức Ki-tô cũng hòa hợp trong một đoàn thể”.

“Một sức mạnh Thánh Thần đã chảy tràn trong mọi chi thể; mọi người một lòng một niềm tin nhiệt thành, một cung hát ngợi khen Thiên Chúa…”

“Sau hết, mọi lớp tuổi đông đúc, cả nam lẫn nữ, đã hết lòng cầu nguyện tạ ơn, và hết sức hoan hỷ thờ lạy Thiên Chúa, Đấng ban mọi ơn lành”.

Thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 12 năm 335.

* Quyết tâm

Suốt đời lo rao giảng đạo Chúa, làm sáng danh Chúa, bằng việc bác ái từ thiện và những hy sinh gian khổ hằng ngày, theo gương thánh Xin-vết-te thứ nhất Giáo Hoàng.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, xin nhận lời thánh Xin-vết-te Giáo Hoàng khẩn nguyện, mà ban ơn trợ giúp dân Chúa, và đưa từ cuộc sống chóng qua đời nầy, đến cuộc sống bất tận đời sau. Chúng con cầu xin…

Muc luc