Dân Chúa Âu Châu

Peter Baptist and friendsThánh PHÊRÔ BAPTIST VÀ CÁC BẠN (c. 1597)

Lược sử

Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.
Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.
Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến 4 tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.

Suy niệm 1: Nổi tiếng

Nagasaki nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.
Nổi tiếng là một chước cám dỗ thông thường của mọi người ở mọi thời, mọi đời và mọi nơi. Tuy nhiên người khôn ngoan phải biết chọn lựa tiếng tốt hay là tiếng xấu khi được nổi tiếng.
Cụ lão Elada 90 tuổi đã chấp nhận thà chết vinh hơn là sống nhục. Bằng cái chết tử đạo, cụ đã lưu danh muôn thuở như là một tấm gương sáng cho giới trẻ và cho cả hậu thế (2Mcb 6,31).
Ngược lại thượng tế Mêlênaô tham sống sợ chết nên chẳng những dùng vàng bạc mua chuộc chức tước, mà còn phản bội Lề Luật và dân tộc. Ông đã chuốc lấy cái chết ô danh ngàn đời, và ngay cả một tấc đất để chôn cũng không có (2Mcb 4,24; 13,7).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chọn sống theo tiếng tốt chứ đừng tìm hư danh, cho dầu phải đón nhận cái chết, nhưng là một cái chết anh dũng và vinh quang vì Chúa và vì Giáo Hội.

Suy niệm 2: Tử đạo

Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.

Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật: "Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi.
Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận những thánh giá lớn nhỏ hằng ngày như là món quà Chúa gởi đến để thanh luyện chúng con.

Suy niệm 3: Hòa bình

Năm 1592 Thánh Phêrô Baptist được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.
Theo sứ điệp hòa bình ngày 01/01/1991 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chỉ nơi lương tâm mà vấn đề bảo đảm một nền hòa bình vững chắc và lâu bền được đặt ra, vì không tôn trọng lương tâm người khác là một trong những nguồn mạch gây xáo trộn thế giới.

Như thế hòa bình xã hội, đất nước và ngay cả thế giới phải được xây dựng tự căn bản nội tâm. Dĩ nhiên người thương thảo hòa bình chẳng những phải có một tâm hồn hiếu hòa, và còn phải dẹp bỏ được nơi hai đối phương tinh thần hiếu chiến và hiếu thắng nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có hiếu chiến và hiếu thắng, thì hiếu chiến đối với ma quỷ và tội lỗi cũng như hiếu thắng đối với các tính mê tật xấu, còn đối với tha nhân thì luôn hiếu hòa.

Suy niệm 4: Truyền bá tin mừng

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện.
Để ủy lạo tinh thần truyền bá tin mừng, Chúa vẫn thường ban cho công cuộc rao giảng được gặt hái thành công, như xưa Chúa cũng cho các tông đồ được chứng kiến cuộc biến hình vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho họ đi vào mầu nhiệm Tử Nạn.
Sự thành công chỉ mang ý nghĩa đó, vì thế đừng dừng lại đó để tự hào hay ỷ lại, mà phải nhìn xa hơn, như có lần chính Chúa đã nhắc nhở: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì truyền bá tin mừng cho dầu thành công hay thất bại.

Suy niệm 5: Thành công

Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ.
Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả. Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một công đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo.
Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn miệt mài làm việc theo chí hướng của Chúa: “Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (1Cr 3,8).

Suy niệm 6: Thập giá

Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo.
Thập giá là điều ô nhục đối với người Dothái và là điên rồ đối với người Hylạp (1Cr 1,23) cũng như là một bản án nặng nề nhất đối với người bách hại. Nhưng thập giá lại là niềm vinh dự cho các vị tử đạo, vì được giống với cách chết của Đức Kitô nhiều hơn cả.
Thánh Phêrô cũng đồng quan điểm đó khi bị án phải chết treo trên thập giá, nhưng vì cảm thấy bất xứng với Thầy chí thánh, nên xin được chết theo cách bị treo ngược, đầu ngài ở vị trí phía dưới chân cây thập tự giá.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học cách trở nên giống Đức Kitô chịu tử nạn, ít ra là bằng cách vui lòng vác lấy thập giá hằng ngày của mình.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ