Dân Chúa Âu Châu

John Bosco and childrenTHÁNH GIOAN BỐTCÔ (1815-1888) 

Lược sử

Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bốtcô đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.

Được khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Sau thời gian làm tuyên úy cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.

Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".

Với sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.

Suy niệm 1: Giáo dục

Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bốtcô đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay.
Thánh Gioan Bốtcô giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Đức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc.
Theo ngài, mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục. 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về tầm quan trọng của gia đình như là môi trường giáo dục đầu tiên và căn bản nhất. 
Suy niệm 2: Hình Phạt
Giáo dục, đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội.
Thương con cho roi cho vọt. Lời cổ nhân dạy chắc hẳn không sai, nhưng phải lưu ý về mặt tiêu cực vốn có là: một hình phạt mà thiếu vắng tình thương thì chỉ có kết quả trước mắt và tức thời chớ không thể lâu dài và tận căn được. 
Nhà tù là một biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chận các hiện tượng tiêu cực quấy rối xã hội hơn là nhằm cảm hóa nội tâm con người. Vì thế không một tôn giáo nào chủ trương xây dựng nhà tù cho các tín đồ sai phạm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật thận trọng trong việc sử dụng hình phạt, tốt nhất là hãy phạt chính mình hơn là phạt tha nhân.
Suy niệm 3: Môi trường
Giáo dục, đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. 
Môi trường xã hội có một ảnh hưởng rất quan trọng đối với tâm tánh con người. Để nói lên điều đó, Đức Giêsu đã tách riêng người câm điếc ra khỏi đám đông, rồi mới chữa lành (Mc 7,33), đúng như câu nói: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Quả vậy, các tông đồ vốn có nhiều khuyết điểm và thiếu sót, nhưng nhờ sống với Đức Giêsu nên đã được nên thánh. Còn Giuđa Ítcariốt dầu ở bên Chúa, nhưng lòng thì gắn kết với các đầu mục Dothái vốn chống đối Chúa, nên cuối cùng đã phản bội Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm xa lánh môi trường xấu và tận dụng môi trường tốt, để mỗi ngày chúng con càng nên tốt hơn. 
Suy niệm 4: Giới trẻ
Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý. 
Giới trẻ thường bị lãng quên trong xã hội loài người. Có thể nói chính thánh Bốtcô là người đầu tiên dành mối quan tâm đặc biệt đến giới trẻ. Ngài quy tụ các trẻ lang thang bụi đời, dày công giáo dục chúng chẳng những thành nhân mà còn thành thánh nhân nữa.
Dĩ nhiên bước đầu nào cũng lắm chông gai và chướng ngại. Chính ngài đã từng bị các anh em linh mục chống đối và gây nên không ít khó khăn. Nhưng nhờ kiên trì và nhất là nhờ ơn Chúa trợ giúp, ngài đã vượt qua và mở hướng cho hậu thế sau này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho giới trẻ gặp được nhiều vị lãnh đạo tốt, để tốt hóa thế giới trong tương lai nhờ vào các chứng nhân tốt ấy.
Suy niệm 5: Tiếng tăm
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. 
Hữu xạ tự nhiên hương. Tiếng tốt vốn đồn xa. Không lạ gì lối sống tốt lành của Đức Giêsu đã lôi cuốn đủ mọi thành phần, đến mức muốn ẩn mình không cho ai biết thì cũng không được (Mc 7,24), thậm chí lợi dụng trời còn tối, Ngài đến nơi hoang vắng để cầu nguyện thì mọi người cũng đi tìm và đến gặp (Mc 1,37).
Trước đó tiếng tăm khôn ngoan của vua Salômôn cũng đã làm cho mọi dân tộc khắp thiên hạ kéo tới lắng nghe (1V 5,14), kể cả nữ hoàng Sơva cũng tìm đến thử tài và rồi bái phục (1V 10,1tt). 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm lắng nghe lời cổ nhân, để luôn sống cho phải đạo: mua danh phải ba vạn, mà bán danh thì chỉ ba đồng thôi. 
Suy niệm 6: Truyền giáo
Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ. 
Khi nói đến việc truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến thánh Phanxicô Xavie vốn là bổn mạng, với việc rời bỏ quê hương xứ sở, để đến một phương trời xa lạ, bất đồng ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán.
Nhưng đừng quên rằng: thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng được tôn vinh là thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo, cho dầu ngài chỉ đóng khung trong bốn bức tường tu viện. Điều này có nghĩa là vẫn định cư ở tại địa phương, nhưng dùng đời sống chứng nhân để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. 
* Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã cho chúng con những phương cách truyền giáo trong tầm tay chúng con, xin giúp chúng con sáng suốt chọn lựa và sống.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ nằm lì trong tội, nhưng hãy vội chỗi dậy, để đáp lại tình thương hãi hà hằng tha thứ của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ