Dân Chúa Âu Châu

Thomas Aquinas on glassThánh Tôma Aquinas (1225-1274) 

Lược sử

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Lúc 5 tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Đức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên 1 tu viện trưởng. Tại tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.

Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Đa Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Đa Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."

Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Đồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.

Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Đức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.

Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Được hỏi lý do, ngài trả lời, "Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.

Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Đức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Chúng ta có thể coi Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức Giêsu Kitô.

Lời Trích

"Do đó chúng ta phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).

Suy niệm 1: Lý lẽ

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa.
Phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Đồng thời phải chân nhận như thánh Tôma là sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động.
Một điểm quan trọng là phải biết sử dụng lý lẽ thật đúng thì mới gặt hái được nhiều lợi ích cho cả bản thân và tha nhân. Ngược lại nếu dùng sai thì sẽ gây không thiếu những tai hại cho chính mình và thế giới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đáp trả hồng ân Chúa ban cho món quà quý giá là lý lẽ bằng việc luôn dùng nó cho nên và đúng ý Chúa.

Suy niệm 2: Mặc khải

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa.
Cần thiết phải có sự mặc khải của Thiên Chúa, vì nếu chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí, con người rất khó nhận biết Thiên Chúa, đúng như tâm tình của Thánh Tôma: “Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải”.
Câu chuyện Thánh Augúttinô đi dọc theo bờ biển để suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một xác minh. Một sứ thần dưới dạng một cô bé đã cho câu trả lời: Trí óc hạn hẹp con người không tài nào thấu hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra tính hữu hạn của lý trí con người.

Suy niệm 3: Vinh danh

Thánh Tôma Aquinô là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Ngài nhận được vinh dự Tiến Sĩ Hội Thánh nhờ vào các trước tác thần học có tầm ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài xứng đáng với tước vị Tiến Sĩ Thiên Thần, nhờ giữ được đức thanh sạch tuyệt đối, trước mọi nỗ lực dụ dỗ của một cô gái điếm để kiên trì với ơn gọi
Ngoài ra ngài cũng có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Và năm 1261, Đức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ tìm hư danh và cũng đừng làm gì vì hư danh.

Suy niệm 4: Ý định

Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Đa Minh trái với ý định của cha mẹ, là muốn ngài vào tu viện Biển Đức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ trở nên một tu viện trưởng.
Để thực hiện ý định, mẹ ngài lệnh các anh em bắt cóc và giam ngài ở nhà trên một năm trời. Thậm chí gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài.
Thật khó hiểu cách xử trí của một bậc làm cha làm mẹ như thế, khi bất chấp thủ đoạn để đạt được ý định của mình, khi chủ trương mục đích biện minh cho phương tiện.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh luôn cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con cũng như đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi tu trì.

Suy niệm 5: Ơn gọi tu trì

Tất cả mọi cố gắng nhằm đánh đổ ý hướng của Tôma đều vô hiệu, ngài vẫn kiên trì với ơn gọi tu trì.
Ơn gọi tu trì là một hồng ân cao quý đến mức lắm người thèm khát nhưng không phải ai cũng đạt được ước nguyện, đúng như Chúa đã từng khẳng định: “Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” (Mt 20,16). Thái độ kiên trì của Tôma quả thật xứng đáng.
Một khi Chúa đã chọn và con người hết mình đáp trả, thì Chúa sẽ bù đắp thích đáng, dù con người có hèn kém thế nào đi nữa (1Cr 12,9) để hoàn thành chương trình của Chúa, như một Cha Thánh Gioan Vianê.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc tu trì luôn kiên trì bền chí đến cùng dầu phải vượt qua bao thử thách.

Suy niệm 6: Tuyên khấn

Sau khi tuyên khấn ở Naples, Tôma theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả.
Lời khấn là một lời hứa có suy tính và tự do dâng lên Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn (Sách Giáo Lý số 2102).
Qua việc chu toàn lời khấn, họ dâng lên Thiên Chúa điều họ đã hứa và thánh hiến. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy thánh Phaolô luôn lo lắng chu toàn điều đã khấn (Cv 18,18;21,23).

* Lạy Chúa Giêsu, khấn là khó nhưng sống lời khấn còn khó hơn. Xin Chúa giúp họ luôn chu toàn.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ