Dân Chúa Âu Châu

TitusTHÁNH TIMÔTÊ VÀ TITÔ

Lược sử

Thánh Timôtê (c. 97?): Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng Thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng phúc âm và chịu đau khổ.

Thánh Timôtê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô Giáo. Sau đó, Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và Thánh Phalô cùng sáng lập Giáo Hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được Thánh Phaolô gửi đi truyền giáo – thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà Thánh Phaolô thành lập.

Khi Timôtê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôtê cũng bị tù (Dt 13,23). Và Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôtê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. ["Đừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung" (1Tim 4,12a)]. Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôtê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của Thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôtê: "Đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1 Tim 5,23).
Titô (c. 94?): Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas… Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia… Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách -- xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Titô đến…" (2 Cr 2,12a-13;7,5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.

Lời Bàn

Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn". Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.

Suy niệm 1: Bận rộn

Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay.
Một bài học hậu thế phải ghi nhận và sống, đó là phải biết sắp xếp để dầu bận rộn vẫn luôn chu toàn bổn phận. Một Đức Hồng Y đã thu xếp thời khóa biểu: làm tất cả việc thiêng liêng từ sáng sớm vì biết rằng sau giờ điểm tâm sáng thì bận rộn đến giờ ngủ khuya.
Thời Giáo Hội Sơ Khai, khi có tiếng kêu trách trong việc phân phát lương thực hằng ngày, vì số lượng tín hữu càng ngày càng thêm đông, Nhóm Mười Hai đã cắt đặt thêm Nhóm Bảy người để lo việc ăn uống, hầu các ngài chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng: không phải không có thì giờ để làm việc, mà vì không biết sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để làm việc.

Suy niệm 2: Đánh giá

Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên Thánh Timôtê bị người Do Thái coi là bất hợp pháp.
Người đời thường sai lầm do việc đánh giá theo ngoại diện. Người đồng hương đã không nhận ra Thiên tính của Đức Giêsu, vì xét Ngài là con của bác thợ mộc Giuse (Mt 13,55). Các thân nhân thấy Ngài không ăn uống thì cho là mất trí (Mc 3,21).
Thấy Đức Giêsu đồng bàn ăn uống với người thu thuế, người Do thái lại đánh giá Ngài là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Còn Gioan Tẩy Giả không ăn không uống thì cho là bị quỷ ám (Mt 11,18-19).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có đánh giá ai, thì hãy học theo gương Chúa để luôn đánh giá tận bên trong.

Suy niệm 3: Hợp tác

Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo.
Phải kể đến một nhân vật hợp tác nổi bật với Thánh Phaolô là Thánh Banaba. Quả là nổi bật, vì hai ngài được chính Thiên Chúa chọn lựa, để hướng việc truyền giáo đến dân ngoại (Cv 13,2).
Cùng tiếp tay với hai ngài, đó chính là Gioan cũng gọi là Máccô (Cv 13,5;15,37), dầu cũng có một chút trục trặc, để rồi Xila được chọn đi cùng Phaolô, còn Máccô thì đi cùng Banaba (Cv 15,39-40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết từ bỏ ý riêng để việc hợp tác đạt được nhiều kết quả.

Suy niệm 4: Bạn hữu

Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Thánh Phaolô cũng cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng.
Là bậc thầy, Thánh Phaolô lại sống và làm việc cũng như cư xử với các môn đệ mình như những người bạn. Thật đáng khâm phục khi ngài đã họa lại mối liên hệ bằng hữu giữa Đức Giêsu và các tông đồ.

Thật vậy dựa vào tình bạn mà Phêrô mạnh dạn lên tiếng cản đường Chúa lên Giêrusalem để chịu chết. Cũng như Gioan không ngần ngại tựa đầu vào ngực Chúa ở bàn tiệc ly để dò hỏi xem ai là kẻ phản bội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng để thứ bậc trở thành rào cản cho các mối tương quan bằng hữu giữa chúng con với nhau.

Suy niệm 5: Trẻ trung

Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. Vì thế ngài được khuyên bảo: "Đừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung" (1Tim 4,12a).
Qua trường hợp của Thánh Timôtê, một bài học để đời và cũng động viên mọi người. Đó là tài năng không lệ thuộc vào tuổi tác, đúng như câu khen ngợi vốn nghe thường ngày: tuổi trẻ tài cao.
Trong lãnh vực đạo đức, cũng không thiếu những vị thánh trẻ như một Đôminicô Saviô mất lúc 15 tuổi, thậm chí anh dũng tử đạo như một Anê và một Maria Gôrétti vào lứa tuổi thứ 12.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống được châm ngôn các ngài là thà chết chứ không thà phạm tội

Suy niệm 6: Lạm dụng

Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Đức Kitô, triển nở tình bạn.
Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày, cụ thể là việc lạm dụng chức quyền.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tận dụng chứ đừng lạm dụng những ơn Chúa hằng thương ban cho chúng con.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tâm hồn tận hiến luôn được bền đổ đến cùng.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ