Dân Chúa Âu Châu

Hai thánh Marcellinus và PHÊRÔ (c. 304)

Lược sử
Mặc dù chúng ta không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị. Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.

Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo.
Marcellinus là một linh mục, còn Phêrô là người trừ tà, cả hai từ trần năm 304. Theo truyền thuyết về sự tử đạo của các ngài, cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ. Truyền thuyết cũng nói rằng cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể của các ngài. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế.
Suy niệm 1 : Tử đạo
Mặc dù chúng ta không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị.
“Giáo Hội luôn tin rằng các tông đồ, và các vị tử đạo của Đức Kitô là những người đã đem lại bằng chứng đức tin và đức ái cao cả qua việc đổ máu của họ, thực sự kết hợp chặt chẽ với chúng ta trong Đức Kito” (Hiến Chương về Giáo Hội, 50).
Tử đạo là chết để làm chứng cho chân lý đức tin, nên là lời chứng cao quý nhất. Sống kết hợp với Đức Kitô, khi chịu chết, vị tử đạo làm chứng cho Đấng đã chết và đã sống lại. Những vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý kitô giáo bằng cái chết anh hùng (Sách Giáo Lý số 2473).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống dũng cảm như tâm tình của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú. Chính nhờ chúng mà tôi sẽ được về với Thiên Chúa.
Suy niệm 2 : Sùng kính
Mặc dù chúng ta không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị.
Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.
Phải nói thêm sự tôn kính này nằm trong kế đồ Thiên Chúa. Vì thế với ý đồ không muốn thi thể ngài được sùng kính, người ta đã cho chặt đầu hai vị trong rừng vắng, thế nhưng Chúa đã cho hai phụ nữ tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế, để rồi lòng sùng kính nảy sinh và lan tràn.
* Lạy chúa Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng lòng sùng kính các thánh, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
Suy niệm 3 : Lời Nguyện
Tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.
Tại sao các vị này được nhắc đến trong lời nguyện Thánh Thể và có ngày lễ tôn kính riêng, dù rằng hầu như chúng ta không biết gì về họ?
Có lẽ vì Giáo Hội tôn trọng ký ức còn ghi nhận được trong lịch sử. Và đã một lần, các ngài là động lực khuyến khích toàn thể Giáo Hội. Họ đã thể hiện một bước đức tin tột bực.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ chiêm ngắm đức tin tột bực của các ngài mà nhất là sống theo niềm tin ấy.
Suy niệm 4 : Trở lại
Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo.
Cái chết bị chém đầu cách anh dũng của hai vị tử đạo chẳng những đem lại sự sống đời đời cho các ngài, mà còn mang lại sự sống mới cho người đao phủ vốn trở lại Kitô Giáo nhờ cảm kích trước cái chết dũng cảm của các ngài.
Cũng thế, cái chết của vị phó tế tử đạo tiên khởi Têphanô do đám người Dothái quá khích ném đá, trước sự chứng kiến tích cực của chàng thanh niên Saolô, không chỉ mang lại triều thiên vinh quang trên thiên đàng cho ngài, mà còn giúp kẻ bắt đạo Saolô trở lại đạo và trở nên vị tông đồ lừng danh cho đạo Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra những sự hy sinh như là cách tử đạo thiêng liêng không vô hiệu nhưng luôn âm thầm trổ sinh hoa quả tốt đẹp.
Suy niệm 5 : Tù đầy
Cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ.
Cái nhìn lạc quan và tích cực ấy chỉ tìm gặp thấy ở bậc thánh nhân. Chẳng lạ gì, thánh nữ Perpetua đã trả lời với gia đình: “Nhà tù đối với con là một dinh thự và con muốn ở đây hơn chỗ nào khác”.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận cũng đang được điều tra để phong chân phước, vì trong đời ngài, đặc biệt trong thời gian bị giam cầm 13 năm, ngài cũng có hướng sống ấy, ngài chẳng những nâng đỡ tinh thần các bạn tù mà còn cảm hóa được nhiều viên cai tù.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn có cái nhìn lạc quan và tích cực, cho dầu đang ở hiện trạng bị tù đày.
Suy niệm 6 : Chôn cất
Cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể các ngài. Được tổ chức chôn cất thật long trọng hay bị quăng xác ngoài rừng vắng, điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với các vị thánh nhân, vì thực chất tất cả những gì là bụi tro thì cũng chỉ trở về tro bụi mà thôi.
Điều chủ yếu không phải là thân xác vốn hư nát mà là linh hồn bất diệt. Và thật diệu kỳ, hai ngài chỉ quan tâm phần hồn thì lại được Chúa bù đắp cả phần xác. Hai phụ nữ đã tìm thấy thi thể các ngài, họ đã chôn cất tử tế và hơn thế sau đó một đền thờ đã được xây dựng trên mộ các ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chú trọng phần hồn hơn phần xác, còn mọi sự khác hãy giao cho bàn tay Chúa lo liệu.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ