Dân Chúa Âu Châu

BÀI ĐỌC I:  Cv 4, 13-21

"Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Đức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: "Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa". Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Đức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: "Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe". Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21

Đáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. -   Đáp.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.    -   Đáp.

3) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Đây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Đấng cứu độ tôi.    -   Đáp.

ALLELUIA:  Tv 117, 24

Alleluia, alleluia! - Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.

 

PHÚC ÂM:  Mc 16, 9-15

"Các con hãy đi khắp  thế gian rao giảng Tin Mừng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người  và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài". Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/04/2018 - THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS

Mc 16,9-15

NHƯNG HỌ KHÔNG TIN

Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. (Mc 16,11)

Suy niệm: Dù Thánh Kinh đã tiên báo, dù Chúa Giê-su cũng nhiều lần báo trước cho các môn đệ rằng Ngài sẽ chịu chết rồi sau ba ngày sẽ trỗi dậy, cái chết bi thảm của Chúa Ki-tô vẫn gây ra nơi các môn đệ Ngài một cú sốc nặng nề đến nỗi họ có say mê Ngài đến mấy cũng không thể bịa ra câu chuyện Thầy mình phá tung cửa mộ sống dậy. Ngay cả khi bà bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ từ sáng sớm chạy về báo tin đã thấy Chúa sống lại, họ cũng không tin. Chỉ khi chính họ, những người trong số môn đệ đã tận mắt gặp Ngài, đó là Phê-rô, là Gia-cô-bê, là hai môn đệ làng Em-mau, là Tô-ma, là nhóm Mười Hai, là các tông đồ, là hơn 500 anh em, lúc đó họ mới xác tín Ngài đã sống lại như lời đã báo trước (1Cr 15,4). Một khi đã xác tín, họ sẵn sàng đem cả mạng sống để bảo đảm lời chứng của mình là chứng thật: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32; 3,15).

Mời Bạn: Hiện tượng “mộ trống” đã là một bằng chứng khó nuốt đối với những ai muốn phủ nhận sự thật Đức Ki-tô đã chết và ngày thứ ba đã sống lại. Thế nhưng khi có những chứng nhân bất khuất như thế làm chứng, thì đó quả là một sự thật chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa: Chúa đã sống lại thật như lời Thánh Kinh.

Sống Lời Chúa: Noi gương các tông đồ làm chứng nhân của Chúa Phục Sinh bằng đời sống hằng ngày của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vô số người đã dám hy sinh cả cuộc sống để làm chứng Chúa đã Phục sinh. Xin cho con biết noi gương các ngài để vững bước trong niềm tin của mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG TƯ

Được In Dấu Aán Sự Sống

Chúng ta hãy cảm tạ vì cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa Cha đã tôn vinh Người. Người là Đấng đã hủy mình ra không, “trở thành vâng phục cho đến chết, chết trên Thập Giá” (Pl 2,8).

Vâng, công cuộc cứu chuộc thế giới được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Người. Dấu ấn của sự chết đã được tháo gỡ khỏi ngôi mộ đá lạnh lùng. Và dấu ấn sự sống đã được đóng vào trái tim của những người tin. “Đức Kitô đã chịu hiến tế để làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).

Chúng ta hãy cảm tạ vì hy tế của Đức Giêsu – hy tế đã đạt tới chính ngai tòa của Chúa Cha. Chúng ta hãy cảm tạ vì tình yêu của Chúa Cha – tình yêu đã được mạc khải nơi cuộc Phục Sinh của Chúa Con.

Chúng ta hãy cảm tạ vì hơi thở của Chúa Thánh Thần Đấng trao ban sự sống. Hơi thở này được đón nhận bởi các Tông Đồ, qui tụ tại căn gác thượng theo chỉ thị của Đức Giêsu. Đức Kitô sẽ đến giữa họ, ngay cả xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Người sẽ nói với họ: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha… “ (Ga 20,22-23).

Chính từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cuộc hoán cải của chúng ta xảy ra nơi chính Thập Giá của Người. Và nơi cuộc Phục Sinh của Người, chúng ta chiến thắng trên tội lỗi của mình. Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Người đã trao cho chúng ta chính sự sống của Người, Người mở lối cho chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu bất diệt.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/4

THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Cv 4, 13-21; Mc 16, 9-15.

LỜI SUY NIỆM: “Sau cùng Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bỡi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy,”

. Sau Khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Người vẫn tiếp tục nâng dậy những đức tin đang còn yếu kém hay ngờ vực của những người đã từng sống với Người, đã từng nghe Người giảng dạy và tiên báo. qua nhiều phương cách.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã dùng bà Maria Mácđala, đã dùng hai môn đệ trên đường Emmau, nhưng các Tông Đồ của Chúa vẫn cứng lòng không tin, Chúa không uốn mất thêm mội ai nữa, nên Chúa  đã đích thân hiện ra cho chính Nhóm Mười Một, để giúp các ông tin Chúa đã Phục Sinh. Xin cho chúng con ơn đức tin , tin có Chúa hiện diện trong cuộc sống của chúng con với tình yêu của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-04

Thánh GIOAN LASAN

Linh Mục (1651 - 1719)

Thánh Gioan Lasan là bổn mạng của các nhà giáo dục, Ngài được thành công trong việc cung ứng một hệ thống giáo dục cho quảng đại quân chúng vào thời mà dân nghèo như bị bỏ rơi hoàn toàn. Nỗ lực của Ngài không phải chỉ trong việc mở trường mà là việc tạo lập nên một đoàn thể những nhà giáo dục được đào tạo chu đáo. Chính nỗ lực này đặt nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong việc giáo dục.

Không phải khuynh hướng tự nhiên được đưa Ngài tới việc thực hiện công trình này. Thật vậy, hoàn cảnh gia đình với sự đào luyện từ thuở nhỏ khó có thể coi được là một chuẩn bị cho Ngài làm giáo dục. Sinh tại Reims ngày 30 tháng 4 năm 1651, Gioan Baotixita, là con trưởng trong một gia đình quý phái và được thừa hưởng địa vị lẫn gia tài của cha mẹ để lại. Những thứ này là vực ngăn cách Ngài với đám đông dân chúng nghèo khổ.

Vào tuổi 16, khi đang theo học ở Học viện dành cho trẻ em ưu tú (College des Bons enfants), thánh nhân được đặt làm kinh sĩ ở Reims. Sau đó Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện Xuân Bích và đại học Sorbonne để làm linh mục. Ngài thụ phong linh mục năm 27 tuổi.

Cho đến lúc này, chưa có một yếu tố nào cho thấy rõ sứ mệnh tương lai của Ngài. Nhưng ít lâu sau, Ngài được chỉ định giúp vào việc lập trường ngay tại quê hương xứ sở mình. Việc này đặt Ngài và trách nhiệm săn sóc các giáo viên, dẫn Ngài tới chỗ đưa họ về nhà mình và đào luyện họ. Dần dần, Ngài hiểu rằng: Chúa quan phòng định cho Ngài làm dụng cụ kiến tạo một hệ thống giáo dục dành cho dân nghèo, lớp dân bị xỉ nhục trong "thế kỷ huy hoàng" vì sự hư dốn và ngu dốt của họ.

Chọn thánh ý Thiên Chúa làm nguyên tắc hứơng dẫn đời sống, Ngài quyết định hiến mình trọn vẹn cho công tác này. Ngài từ chức kinh sĩ, phân phát gia tài để mang lấy cũng một địa vị như các giáo viên Ngài chung sống. Làm như vậy Ngài làm cho những người đồng hương nặng đầu óc giai cấp tức giận. Nhưng điều ấy không thay đổi được quyết định của Ngài.

Năm 1684, Ngài biến đổi nhóm giáo viên của mình để thành một cộng đoàn an sĩ với danh hiệu Sư huynh. Các trường công giáo. Đây là nguồn gốc của hội dòng ngày nay, phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho nỗ lực giáo dục, Ngài nhận định rằng: sư huynh nào làm linh mục, cũng như không nhận một linh mục nào vào dòng. Luật này ngày nay vẫn còn được áp dụng.

Những năm đầu, hội dòng rất nghèo khổ và cực nhọc. Tuy nhiên thánh nhân vẫn kiên quyết chịu đựng và vững tin ở Chúa quan phòng. Người nói với những người lo âu : - Tại sao mà không tin tưởng ? Chúa thà làm phép lạ còn hơn để cho chúng ta phải thiếu thốn.

Mối quan tâm chính của Ngài là đào luyện đạo đức và nghiệp vụ cho anh em. Nhưng, thấy không thể thỏa mãn được mọi đòi hỏi của giáo viên nếu không huấn luyện giáo viên, năm 1678 Ngài lập ở Reims một học viện cho khoảng 40 trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục có một cơ sở giáo dục như vậy.

Sau khi lập trường ở những thành phố lân cận, năm 1683, Ngài coi sóc một trường ở xứ Thánh Xuân Bích (Sulpice), là nơi Ngài đặt bản doanh của mình. Tại thủ đô công trình lan rộng mau lẹ. Ngài lập thêm một trường đào tạo nữa với một trường miễn phí cho các bạn trẻ đã đi làm việc. Khi vua Giacôbê III trao phó cho Ngài săn sóc các thiếu niên Ai Nhĩ Lan, Ngài đã dành cho họ các giảng khoá đặc biệt theo nhu cầu của họ.

Mục đích tốt đẹp của Ngài bị chống đối bởi những giáo viên trường nhỏ, vì mất học sinh và học phí. Họ kiện cáo Ngài. Trường của Ngài bị cướp phá. Ngài bị kết án và bị cấm không được mở trường đào luyện miễn phí ở phạm vi Paris. Dĩ nhiên Ngài cũng bị trục xuất khỏi thủ đô một thời. Nhưng công trình của Ngài đã lan rộng sang nhiều nơi khác và những cấm đoán kia không thể phá hủy nổi.

Ở Rouen, Ngài đã lập hai cơ sở quan trọng: một trường nội trú phải trả học phí, cho học sinh miền quê muốn hiến thân, và một trường phục hồi cho những trẻ em bụi đời. Cả hai đều rất thành công. Cha Gioan Baotixita trải qua những năm cuối đời ở Rouen để kiện toàn thành tổ chức, viết luật dòng chờ các sư huynh và hai tác phẩm Meditations (nguyện ngắm), Methode de la prière mentale (Phương pháp thực hành tâm nguyện)

Ngài từ trần ngày thứ sáu tuần thánh 09 tháng 04 năm 1719.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Tư

Bình An Trong Tâm Hồn

Purna, một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Ðức Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".

Nghe môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?". Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".

Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần BNPS

Bài đọc: Acts 4:13-21; Mk 16:9-15.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể trốn tránh sự thật mãi.

Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?

1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm chuyện đó.”

Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:

(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”

(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …

Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa."

1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."

Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”

2/ Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô

Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:

(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”

(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”

(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.

- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.

- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP