Dân Chúa Âu Châu

Tỉnh Bắc Ninh - Việt Nam

Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội … với một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những "liền anh", "liền chị" hát quan họ và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Muốn hát quan họ phải có "bọn": "bọn nam" hoặc "bọn nữ". Vì vậy trong một làng quan họ thường có nhiều "bọn nam" và "bọn nữ". Mỗi "bọn" thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên theo thứ tự: chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu hoặc anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Nếu số người đông tới 7, 8 người thì đặt tên là chị Ba, chị Tư (bé) hoặc anh Ba, anh Tư (bé)… mà không đặt chị Bảy, Tám hay anh Bảy, Tám. Trong các sinh hoạt quan họ, các thành viên của "bọn" quan họ không gọi nhau bằng tên thật mà gọi theo tên đặt trong "bọn".

Hát quan họ là hình thức hát đối đáp giữa "bọn nam" và "bọn nữ". Một "bọn nữ" của làng này hát với một "bọn nam" của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. "Bọn hát" phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp thành một giọng để tạo ra một âm thanh thống nhất. Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là thể thơ và ca dao của Việt Nam, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp với từ ngữ giàu tính ẩn dụ, trong sáng, mẫu mực. Đây là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca là thể hiện tình yêu lứa đôi. Lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha v.v…

Quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội riêng. Đầu tiên là tập quán "kết chạ" giữa các làng quan họ. Từ tục "kết chạ", trong các "bọn" quan họ xuất hiện một tập quán xã hội đặc biệt là tục kết bạn quan họ. Mỗi "bọn" quan họ của một làng đều kết bạn với một "bọn" quan họ ở làng khác theo nguyên tắc quan họ nam kết bạn với quan họ nữ và ngược lại. Với các làng đã "kết chạ", trai gái trong các "bọn" quan họ đã kết bạn không được cưới nhau.

ĐỊA CHỈ THƯỞNG THỨC QUAN HỌ

Hội Lim

" Quai thao nâng dải lụa đào Trầu têm cánh phượng em vào hội Lim" Cách Hà Nội 25km về phía Bắc, hội Lim được mở vào dịp đầu xuân - 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trung tâm diễn ra Lễ hội là khu di tích núi Lim thuộc xã Lũng Giang thị Trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đây là Lễ hội truyền thống đặc sắc và riêng có của quê hương Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.

Hội Lim theo lời các cụ cao niên trong làng thì cách đây 300 năm trước đã bắt đầu diễn ra, ban đầu đó là hình thức kết hợp giữa hội chạ của 6 xã thuộc Tổng Nội Duệ (Nội Duệ, Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và giáo phường Tiên Du) và hội chùa Hồng Ân (chùa Lim) vào ngày rằm tháng Tám.

Hơn 40 năm sau, vào cuối thế kỷ VXIII, Nguyễn Đình Diễn người làng Đình Cả (Nội Duệ) làm Trấn thủ Thanh Hoá, tước hiệu Hiếu Trung Hầu có công đối với quê hương như cung cấp ruộng và cung tiến tiền để sửa chữa đình, chùa, mở mang tập tục và chuyển hội Đình hàng Tổng vào ngày rằm tháng Tám sang ngày rằm tháng Giêng. Kế đó là Bà Mụ Ả, người tu hành và trụ trì tại chùa Hồng Ân (lúc đó chỉ là một Am nhỏ), Bà đã bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Ân dành cho việc xây dựng chùa và vườn chùa và cũng đặt ruộng, đặt tiền cho 6 xã làm hương hoả cho chùa, Bà yêu cầu hàng Tổng cứ 3 năm cho mở hội chùa, hội chạ một lần vào 13 tháng Giêng.

Ngoài 80 tuổi, Bà Mụ Ả lên giàn tự thiêu về nơi cực lạc, từ đó dân ở sáu xã giữ lệ hương khói thờ bà Mụ Ả, tướng quân Phạm Bân, Hiếu Trung Hầu. Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng dân làng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng dân cư nơi đây.

Cũng như các lễ hội khác, Hội Lim gồm hai phần : Lễ và Hội. Mở đầu là tục rước Chạ vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, đây là một đám rước quy mô của sáu làng thuộc Tổng Nội Duệ hợp lại từ các ngả về đình, chùa trên núi Lim. Đám rước được nghi thức hoá, tạo nên vẻ hùng tráng, rực rỡ muôn mầu, đứng xa hàng trăm mét ta đã nghe thấy "trống rong cờ mở" nét mặt rạng rỡ của người người về xem hội. Cả đám rước ánh lên rực rỡ của cờ hoa, của trang phục, các lộng, kiệu sơn son thiếp vàng .v.v. tất cả hợp lại tạo một quang cảnh trọn vẹn về con người, thẩm mỹ, đạo đức, thể hiện việc ứng xử chu đáo với những người có công với cộng đồng dân cư.
Sau phần rước, tế Chạ trang nghiêm tôn kính, phần hội diễn ra sôi động muôn mầu với âm vang của tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng hát, những trò chơi, nghệ thuật dân gian…

Đến với Hội Lim du khách được chứng kiến và có thể trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn như thi chọi gà, đấu vật, dệt vải, đu tiên, đấu cờ người…

Du khách đến với Hội Lim xem cờ cũng là dịp thưởng thức trí tuệ của người Kinh Bắc và nét đẹp duyên dáng của các thiếu nữ Kinh Bắc khi được chọn đóng quân cờ (32 thanh nữ đẹp nhất làng).

"Quân cờ là lượt thanh tân
Bao ngày tập luyện ra quân hội này"

Chia tay với những ván cờ hấp dẫn, du khách đến với cuộc thi dệt vải, dệt lụa của các làng trong vùng với khung cửi truyền thống, du khách sẽ bị lôi cuốn bởi sự khéo léo mềm mại của các thanh nữ khi đưa thoi, tư thế ngồi dệt đẹp nhất và đặc biệt vừa dệt vừa hát dân ca Quan họ. Sở dĩ có thi dệt vải trong hội Lim bởi vùng Nội Duệ cầu Lim chính là vùng có truyền thống dệt vải lâu đời và hàng năm thi dệt vải trong ngày hội đã trở thành truyền thống.

Đến với hội Lim, náo nức nhất, hẫp dẫn nhất không thể không nhắc tới sinh hoạt Quan họ trong ngày hội. Quan họ được xem là dân ca đặc sắc nhất không chỉ riêng vùng Quan họ mà phạm vi đã lan toả rộng khắp trong và ngoài nước. Quan họ không chỉ nổi tiếng về lời ca trữ tình nồng nàn, tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống của hơn 200 làn điệu khác nhau mà còn đọng lại ở quý khách đó là cách thể hiện, cách chơi thanh lịch, ấm áp tình người Quan họ.

Trang phục quan họ

       Từ lâu đời, cư dân vùng Quan họ sớm tạo được cho mình một mức sống kinh tế tương đối dễ chịu, cho nên đã đi ca hát Quan họ thì dù đời riêng có giàu nghèo khác nhau, các bọn Quan họ thường đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để sao cho trang phục khi đi ca hát, nam nữ đều cố gắng giữ cho được sự trang trọng, lịch sự theo nề nếp và truyền thống chung.

+ Trang phục nam Quan họ : Nam mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Chất liệu để may áo cánh và áo dài bên trong thường là các loại vải màu trắng như diềm bâu, vải cát bá, vải phin, vải trúc bâu. Ở những vùng nuôi tằm, kéo tơ, các áo trong bằng sồi hoặc lụa...Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, đôi khi có một vài người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may 2 lần: một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh...gọi là áo kép. Quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què, dài tới mắt cá chân. Chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu. Cũng có khi bằng lụa truội, màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Chân đi dép đen theo kiểu dép Gia định. Nhiều người đi guốc. Vào đầu giữa thế kỷ XX, người ta cũng đi giầy vải, giầy da, kiểu du nhập từ nước ngoài vào. Ðầu đội khăn bằng nhiễu hoặc khăn xếp được làm bán sẵn ở các cửa hàng. Hồi đầu thế kỷ XX, đàn ông còn nhiều người búi tó thì khăn nhiễu hoặc khăn xếp đều có mảng nhiễu hoặc vải mỏng che búi tó. Sau này, đàn ông cắt tóc, rẽ đường ngôi, thường dùng các loại khăn xếp bán sẵn ở cửa hàng. Ðể tránh nắng mưa, các nam Quan họ thường dùng nón chóp lá thường hoặc nón chóp dứa, có quai lụa màu mỡ gà. Cũng có khi dùng ô màu đen. Mỗi người thường có một khăn tay bằng lụa hoặc bằng các loại vải trắng, rộng, dài hơn khăn mu-xoa, gấp nếp, gài gọn trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong.

+ Trang phục của nữ Quan họ : Người ta thường nói Quan họ nữ mặc áo mớ ba mớ bẩy có nghĩa là Quan họ có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bẩy áo dài lồng vào nhau (mớ bẩy). Nhưng trong thực tế, các Quan họ nữ thường mặc mớ ba (ba áo dài lồng vào nhau). Kiểu áo dài nữ cũng là kiểu năm thân, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước, xưa con gái thường mặc trong hội hè, cưới xin.. mà ngày nay có thể thấy các cô gái (nhân vật) trong nghệ thuật thường mặc. Chất liệu để may áo đẹp nhất xưa là the, lụa. Áo ngoài thường mang màu nền nã: màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán...áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm, v.v....aó cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà...Yếm có thể may bằng vải màu, đẹp nhất là lụa truội nhuộm các màu hoa đào, cánh sen, màu mận chín đỏ thắm, cũng có thể chỉ để yếm màu trắng. Cổ yếm của Quan họ nữ ở tuổi trung niên thường may yếm cổ xẻ, các cô gái trẻ thích mặc yếm cổ viền và nhuộm màu, có giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao của các cô gái Quan họ xưa thường bằng sồi se (dệt bằng thứ tơ đã se sợi), màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng. Thắt lưng là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo, thường là lụa nhuộm các màu tươi sáng như: màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thuỷ...Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái. Thắt bao và buộc múi các bao cũng là một nghệ thuật làm đỏm (làm đẹp) của các cô gái Quan họ, góp phần tạo nên vẻ đẹp của những cô gái thắt đáy lưng ong của một thời. Váy của Quan họ là váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép: váy trong bằng lụa, vải màu, váy ngoài bằng the, lụa. Váy màu đen. Người biết mặc váy khéo là không để váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người như mặc quầy mà phải thu xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm đôi con khoai phía gót chân. Dép của Quan họ nữ là dép cong, làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công; có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai (bên cạnh ngón chân cái) khiến khi đi lại, không rơi được dép. Mũi dép uốn cong và người thợ làm dép phải biết nện, thuộc cho mũi dép cứng, như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân.

Người Quan họ đội khăn đen bằng vải láng hoặc the thâm. Muốn đội khăn, trước tiên phải biết quấn tóc trong một khăn vấn tóc, xong, vòng khăn vấn tròn lại và đặt tròn trên đầu, hơi xệ và hình bầu dục về phía gáy, ghim lại. Ðặt khăn vuông đã gấp chéo thành hình tam giác lên vòng khăn tóc đã vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về 2 phía tai, rồi thắt múi lại đằng sau gáy. Sau khi đội khăn xong, khuôn mặt người con gái trắng hồng sẽ nổi lên giữa màu đen của khuôn khăn mỏ quạ và hai mớ tóc mai đôi bên bờ má, tạo nên hình búp sen hồng. Ðể mỏ quạ cụp xuống thấp quá trước trán sẽ làm khuôn mặt tối tăm đần độn...Cho nên, đội khăn là một ttrong những nghệ thuật làm đẹp rất quan trọng của cô gái Quan họ và phụ nữ Việt Nam một thời. Nón ba tầm là nón chũng của phụ nữ Việt một thời nhưng lại gắn liền và được làm đẹp, làm duyên hơn lên khi gắn bó với cô gái Quan họ. Nón làm bằng lá cọ có độ tuổi vừa phải. Lá cọ già màu vàng sẫm để làm chóp lá già, nón của mọi người, cả đàn ông, đàn bà dùng che mưa nắng khi lao động. Lá chọn để làm nón ba tầm đẹp nhất là khi khô kiệt không màu vàng sẫm, cũng không màu vàng trắng (như nón bài thơ xứ Huế) mà mang một màu vàng sáng, hơi đanh mặt, khiến khi kết thành nón, hình tròn và các đường nét của lá kết nón toả ra từ tâm điểm của hình tròn kia chạy đến bờ nón như sự toả sáng, làm người ta liên tưởng đến mặt trời và sự toả sáng như một số khách nước ngoài đã liên tưởng về "những cô gái xứ mặt trời, mang vành nón mặt trời", hát những bài ca mặt trời... Mặt phía trong của nón, càng về sau này người ta càng hay trang trí hình hoa, hình bướm, hình chim loan, chim phượng mỏ cắp phong thư...bằng giấy trang kim màu vàng hoặc bạc. Quai nón được se bện bằng tơ tằm, cũng có khi bằng tơ dứa màu vàng, trắng; đôi đầu quai, mỗi bên có 2 hoặc 3 thao tua được kết, bện một cách nghệ thuật. Vì vậy quai nón ba tầm còn được gọi là quai thao. Gắn liền với trang phục ngày hội, các cô gái Quan họ xưa cũng yêu đồ trang sức khuyên bạc, khuyên vàng, hoa vàng đeo tai; nhẫn bạc, nhân vàng đeo ngón tay; dây xà tích có ống vôi hình quả đào bằng bạc và túi dựng trầu (giầu) bằng lụa đeo ở thắt lưng; khăn tay lụa gài ở vành bao v.v...

Toàn bộ trang phục đã kể trên là sự ghi nhận được ở đầu thế kỷ XX. Trang phục Quan họ không phải chỉ riêng cho người Quan họ mà là trang phục của nam nữ người Việt một thời trong hội hè đình đám, ngày vui. Nhưng người Quan họ may mặc trau chuốt hơn, đồng đều hơn, lại gắn liền với nhiều người đẹp, nhiều cử chỉ đẹp, ngôn ngữ đẹp, ca hát hay...nên người Quan họ cùng những trang phục cứ trội lên như một vẻ đẹp đặc trưng, đạt chuẩn mực cao của một vùng văn hiến. Cũng như mọi hiện tượng văn hoá, trang phục của người cũng luôn luôn biến chuyển theo một quá trình đào thải và sáng tạo mới cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội... Về kiểu dáng, đường nét của trang phục Quan họ nam cũng như Quan họ nữ

Ðoàn dân ca Quan họ, xuất phát từ một quá trình có nghiên cứu học hỏi nên những trang phục đó giữ được gần như nguyên vẹn kiểu dáng, đường nét xưa. Nhưng do yêu cầu phải ca hát trên sân khấu, chịu sự chi phối của mĩ thuật sân khấu, sự chi phối của yêu cầu thẩm mĩ ngày càng cao đối với sân khấu, đồng thời chất liệu để may ngày cũng có nhiều mặt hàng tốt, đẹp... nên, trang phục Quan họ của Ðoàn DCQH có thay đổi rõ ở một số mặt:
Về màu sắc, có biến đổi rất nhiều, tạo nên sự rực rỡ, tươi sáng; trang phục có tính sân khấu khá rõ. Về chất liệu, hầu hết là những mặt hàng sang trọng, đắt tiền; xưa, thời Quan họ truyền thống, chưa thể có.

Cách mặc trang phục, và hoá trang thể hiện rõ những yêu cầu mới của trang phục, hoá trang cho những người biểu diễn sân khấu mang tính chuyên nghiệp. Tuy có những biến đổi trên, nhưng do nhận thức được những nét tinh hoa của vẻ đẹp trang phục Quan họ cổ truyền, nên nhiều diễn viên Ðoàn DCQH vẫn giữ được, giới thiệu được vẻ đẹp độc đáo của trang phục Quan họ, hoà hợp vẻ đẹp này với phong cách và âm thanh ca hát Quan họ...tạo nên những biểu tượng về sự tài hoa, thanh lịch, nền nã, duyên dáng của người Quan họ xưa trên sân khấu Quan họ đương đại.

Vị trí và phạm vi địa lí của di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh

Đến đầu thế kỉ XX, Dân ca quan họ Bắc Ninh được thực hành ở 49 làng mà cộng đồng xác định là làng quan họ cổ, 44 làng hiện nay thuộc tỉnh Bắc Ninh: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài trung,Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám (huyện Tiên Du); Tam Sơn, Tiêu (huyện Từ Sơn); Đông Mai, Đông Yên (huyện Yên Phong); Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ô, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khà Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An,Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ô, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh). Có 05 làng thuộc tỉnh Bắc Giang: Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ (huyện Việt Yên).
Ngoài ra ở 13 làng: Đình Cả. Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiếu, Mật Ninh, Quang Biểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Tiên Lát Hạ, Tiên Lát Thượng, Thổ Hà, Trung Đồng, Vân Cốc (huyện Việt Yên) của tỉnh Bắc Giang, Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng được thực hành. Đây là những làng nằm trong vùng lan tỏa của di sản này.

Bảo tồn phát triển quan họ

Từ năm 1954, chính quyền địa phương rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quan họ. Năm 1962, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị Quan họ lần 1/1962. Từ năm 1963 đến 1966, tỉnh Hà Bắc (gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), đã tổ chức 06 hội thảo về quan họ. Năm 1969, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập để bảo tồn, phát triển và trình diễn dân ca quan họ. Tỉnh Hà Bắc thành lập trung tâm văn hóa quan họ để sưu tầm nghiên cứu nhằm bảo vệ quan họ. Tỉnh Bắc Ninh trong quyết định số 1357/QĐ-CT ngày 19-11-2003 đã quy hoạch khu đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thành khu trung tâm lễ hội dân gian, để trình diễn quan họ. Năm 2004, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án bảo tồn làng quan họ Viêm Xá. Hằng năm, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tổ chức hội thi hát đối đáp quan họ vào mùa xuân để phát hiện những giọng ca mới.

Quan họ được UNESCO công nhận là di sản nhân loại

Vào lúc 19.55 (giờ Việt Nam, tức 16.55 giờ Abu Dhabi), Quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại.

TS Lê Thị Minh Lý – Cục phó Cục di sản văn hóa, TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, ông Phạm Sanh Châu – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam “dồn dập” thông báo “tin nóng” từ Abu Dhabi, thủ đô của Tiểu vương quốc A rập thống nhất, nơi đang diễn ra kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 – 2/10/2009).

Sưu tần : Nguyen