Dân Chúa Âu Châu

tuongkitovua1Trên núi Nhỏ ở thành phố biển Vũng Tàu, tượng Chúa Giêsu được thi công thế nào? 
Phải chăng đó là tượng Chúa Kitô cao nhất thế giới như nhiều sách báo đã khẳng định? Thêm thông tin đáng chú ý: người tạc tượng này cũng chính là điêu khắc gia sáng tạo tượng Mẹ La Vang.

 

Ghé chơi Vũng Tàu, ngoài việc tắm biển, du khách còn tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có tượng Chúa Giêsu trên núi Nhỏ, nơi được Bộ Văn Hoá - Thông Tin ban hành văn bản số 57VH/QĐ ngày 18-1-1993 công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

 

 

Tượng Chúa Giêsu hay thánh Gioóc?

Một số người thắc mắc vậy. Cũng hợp lẽ, bởi thời thuộc Pháp, Vũng Tàu từng mang tên Cap Saint Jacques, nghĩa là mũi đất mang tên thánh Jacques. Theo nghĩa hẹp, đó là mũi Thuỳ Vân, còn gọi mũi Nghinh Phong, tên khác là mũi Ô Quắn. Chính trên mũi đất ấy, giáo xứ Vũng Tàu khởi công xây tượng vào năm 1973, năm sau thì chuyển lên núi Nhỏ phía đối diện. Núi Nhỏ, tên khác là núi Tao Phùng, cao 136m tính từ chân núi, cao 176m tính từ mặt nước biển.

Lại thêm, một bản đồ do Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản năm 1998 đã ghi chú địa điểm này bằng mấy từ: tượng thánh Gioóc. Thánh Gioóc, phiên âm từ George tức Jacques.

Kỳ thực, trên núi Nhỏ là tượng Chúa Giêsu Kitô / Giêsu Cơ Đốc. Tiếng Pháp: Jésus Christ. Tiếng Anh: Jesus Christ. Tiếng Na Uy: Jesus Kristus. Tiếng Ba Lan: Jezus Chrystus. Tiếng La Tinh: Iesus Christus. Tiếng Esperanto: Jesuo Kristo. Tiếng Nga: Иисус Христос. Tiếng Ukraina: Ісус Христос. Tiếng Mông Cổ: Есүс Христ. Tiếng Hoa: 耶穌基督 - Bính âm phát Yesujidu, âm Hán Việt phát Gia Tô Cơ Đốc. Kitô nghĩa là người được xức dầu dịp thụ phong vương, nhằm chỉ đấng lãnh đạo. Giêsu là tên riêng của vị sáng lập Kitô giáo.

Do đó, các bản đồ thành phố Vũng Tàu được ấn hành sau này tìm cách ghi nhận chính xác, chẳng hạn bản đồ do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện năm 2001 in tượng Chúa Giêsu, bản đồ do Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện năm 2006 in tượng Chúa Kitô, bản đồ do NXB Giao Thông Vận Tải thực hiện năm 2009 in tượng Chúa Giêsu.

Quá trình dựng tượng

Năm 1973, giáo xứ Vũng Tàu tiến hành tạo lập tượng đài Chúa Giêsu Kitô nơi mũi Nghinh Phong. Dự định toàn tượng đài cao 15m, gồm tượng cao 10m và bệ cao 5m. Ngày 17-1-1973, thị trưởng Vũng Tàu là đại tá Vũ Huy Tạo ra lệnh ngưng xây dựng, vì Phật giáo cho rằng địa điểm đó đã được chính quyền đồng ý dựng tượng Phật. Nhằm giữ hoà khí, đại diện của hai tôn giáo đã họp bàn với sự chủ trì của chính quyền, dẫn đến bản thoả hiệp được ba bên ký kết ngày 16-2-1974. Theo thoả hiệp, Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Công giáo thì xây dựng các công trình trên núi Nhỏ với diện tích 10 mẫu.

Ngày 18-3-1974, chính quyền địa phương cấp văn thư số 140/VT/HC/LA cho phép xây dựng tượng đài Chúa Giêsu trên núi Nhỏ. Tại địa điểm mới này, tượng đài cần quy mô khác: to lớn hơn, vững chắc hơn. Phaolô Nguyễn Minh Tri - linh mục quản xứ Vũng Tàu - và ông bà Lê Quang Tuyến cùng nhiều người hảo tâm hào hứng nhập cuộc. Hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân vui mừng thiết kế tượng. Kỹ sư Nguyễn Quảng Đức tính toán loạt thông số cần thiết liên quan bê tông cốt thép.

Dự trù móng sâu 6m. Đào xuống 3m thì vấp cả mảng xi măng cứng ngắt. Tiếng vọng sau mỗi nhát xà beng giúp mọi người phán đoán rằng dưới lớp bê tông kia có khoảng trống. Chọc thủng một lỗ to, rồi dùng cái thúng buộc dây đưa một người xuống thăm dò. Lạ lùng thay! Lòng núi là hệ thống công sự do Pháp xây dựng kiên cố từ cuối thế kỷ XIX, gồm 7 căn hầm, mỗi hầm dài 7m và rộng 4m.

Thảo nào đỉnh núi Nhỏ có 2 khẩu thần công bắn đạn cỡ 240mm. Phía nam núi Nhỏ hướng ra biển còn 2 cụm pháo đài nữa. Một cụm với 5 khẩu thần công bắn đạn cỡ 300mm. Một cụm với 3 khẩu thần công bắn đạn cỡ 140mm. Cả 3 cụm pháo đài kết hợp hệ thống công sự tạo nên phòng tuyến đặc sắc nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển Vũng Tàu - Sài Gòn.

Vậy thì móng tượng đài phải sâu hơn dự kiến ban đầu. Rồi xây bệ. Kế tiếp là phần việc chủ yếu: lắp giàn giáo để đổ bê tông pho tượng tại chỗ. 50 thợ có năng lực miệt mài lao động ngày đêm ở công trường. Ngoại trừ xi măng trắng và kim loại, toàn bộ vật liệu đều mang nguồn gốc Việt Nam: cát và sỏi Đồng Nai, cẩm thạch Đà Nẵng, v.v.

Hào quang quanh đầu tượng Chúa còn là thiết bị vật lý quan trọng: phần đầu tiên của thu lôi nhằm chống sét. Tà áo tượng có trổ 3 ô cửa sổ tô điểm bằng hoa văn chữ thọ, giúp lòng tượng được chiếu sáng tự nhiên và thoáng khí. Trong lòng tượng, cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc giúp du khách leo lên cao. Từ đôi vai tượng Chúa Giêsu Kitô, du khách phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh Vũng Tàu: núi Lớn, bãi Dâu, bãi Trước, bãi Dứa, bãi Sau, bãi Chí Linh, bãi Thuỷ Tiên, bàu Sen, bàu Trũng, và muôn nhà cửa, phố xá. Cũng từ điểm cao đó, ai nấy thảy đều thích thú khi ngắm nhìn một phần biển Đông mênh mông cuộn sóng.

Tiếp tục thi công

Tháng 4-1975, tượng Chúa Giêsu Kitô vừa được đúc xong thì đất nước thống nhất. Vì nhiều lý do, mọi công việc trên núi Nhỏ phải tạm ngừng.

Đô thị Vũng Tàu lần lượt trực thuộc nhiều đơn vị hành chính khác nhau: tỉnh Đồng Nai, rồi đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, rồi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tượng Chúa Kitô trên núi Nhỏ gặp những mối nguy hại đáng báo động: dây đồng thu lôi bị mất cắp, đá dưới chân núi bị khai thác bừa bãi. Sau bao lần gửi đơn xin tái thiết tượng Chúa Giêsu trên núi Nhỏ, Phêrô Trần Văn Huyên - linh mục quản xứ Vũng Tàu từ tháng 5-1975 đến nay - cùng các tu sĩ và giáo dân vô cùng phấn khởi khi nhận công văn số 233/QĐ-UB do Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là ông Nguyễn Văn Hàng ký ngày 28-1-1992: "Cho phép linh mục Trần Văn Huyên, chính xứ Vũng Tàu, được sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa trên núi Nhỏ".

Từ ngày 4-11-1992, núi Nhỏ lại rộn ràng dựng xây. Điêu khắc gia Văn Nhân định cư tại Hoa Kỳ trở về quê nhà nhằm chỉ đạo các học trò hoàn tất tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh mà bản thân ông quá ưng ý. 4 mặt bệ tượng được trang trí bởi 4 bức phù điêu, trong đó 2 bức đã hoàn tất trước ngày 30-4-1975, Văn Nhân tiếp tục làm thêm 2 bức nữa. 4 bức phù điêu đó diễn tả cảnh 3 vị đạo sĩ phương Đông đến bái lạy Chúa hài đồng giáng sinh, cảnh bữa tiệc chia tay giữa Chúa Giêsu với 12 tông đồ trước ngày chịu nạn, cảnh Chúa đứng trước toà án Philatô, cảnh Chúa trao chìa khoá cho thánh Phêrô / Pietro / Peter / Pierre.

Trước tượng đài Chúa Kitô một quãng, đặt pho tượng Đức Mẹ Maria ôm xác Chúa, thường được gọi tượng Pietà - phỏng theo tác phẩm điêu khắc rất nổi tiếng của Michelangelo (1575 - 1564). Lữ quán Nghinh Phong được mua lại và chỉnh sửa thành nơi để du khách dừng chân nghỉ ngơi, mua hàng lưu niệm do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách. Những viên đá chẻ thành khối hình hộp chữ nhật được lắp đặt xấp xỉ 300 bậc cấp từ đường Hạ Long lên tượng Chúa Giêsu Kitô. Ven theo chuỗi bậc đá là hai hàng cây bày sắc toả hương: sứ / đại, phượng, anh đào, bồ đề, v.v.

Ngày 1-12-1994, tượng đài Chúa Giêsu Kitô trên đỉnh núi Nhỏ được khánh thành trọng thể. Từ ấy, đây trở thành chốn cầu nguyện của Kitô hữu, và là điểm tham quan mới ở Vũng Tàu thu hút đông đảo du khách gần xa.

Cao nhất thế giới chăng?

Trong tài liệu Trên đỉnh Tao Phùng do giáo xứ Vũng Tàu ấn hành cuối năm 1994, Vũ Sinh Hiên viết: "Đất và đá của quê hương đã được dùng để tạo thành hình tượng Đức Giêsu - Vua cao 32m, với hai cánh tay dang dài 18m40, được coi là tượng đài Đức Giêsu lớn nhất thế giới. Tượng đài Chúa Giêsu ở Rio de Janeiro bên Brésil cao 26m và hai tay dang rộng 16m".

Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dùng trong các trường phổ thông) do Nguyễn Thị Chim Lang, Bùi Thanh Hoá, Đinh Văn Hạnh hợp soạn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản năm 2005, có đoạn: "Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật cổ điển tôn giáo với bản sắc văn hoá dân tộc đã tạo cho tượng Chúa Kitô núi Nhỏ Vũng Tàu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ khu vực. Giới kiến trúc trong nước cho rằng đây là bức tượng Chúa Kitô cao nhất thế giới, hơn cả bức tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro (Brazin) vốn do hai Giáo hội của hai quốc gia Brazin và Argentina hợp tác xây dựng (cao 26m, sải tay dài 10m), trên một ngọn núi có cảnh quan tựa núi Nhỏ Vũng Tàu".

Cũng ghi nhận về tượng Chúa Kitô ở núi Nhỏ tại Vũng Tàu với sự so sánh tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro giống hệt tài liệu vừa dẫn là sách Bà Rịa - Vũng Tàu con số và sự kiện do Phạm Diêm, Đinh Văn Hạnh, Hồ Song Quỳnh, Huỳnh Tới hợp soạn, Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản năm 2007.

Đọc 3 thư tịch ấy, tôi ngờ ngợ, bèn tra cứu các trang web new7wonders.com, wikipedia.org, odia.terra.com.br, corcovado.com.br thì được biết: tại thành phố Rio de Janeiro của đất nước Brazil, trên núi Corcovado cao 710m, tượng Chúa Kitô - người chuộc lỗi / Cristo Redentor / Christ Rédempteur / Christ Redeemer được Heitor da Silva Costa thiết kế, Carlos Oswald và Paul Landowski thi công từ năm 1926, tới năm 1931 khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Brazil độc lập. Thứ bảy 7-7-2007, tổ chức New Open World Corporation (NOWC) công bố danh sách 7 kỳ quan thế giới mới, trong đó có tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro: riêng pho tượng cao 30m; hai cánh tay dang dài 23m; bệ tượng cao 8m; toàn bộ cả tượng lẫn bệ cao 38m.

Trên núi Nhỏ tại Vũng Tàu, tượng Chúa Kitô cao chính xác bao nhiêu? Tôi bèn cậy nhờ linh mục Phêrô Trần Văn Huyên giúp. Mới đây, nhóm thợ xây dựng đã đo đạc được thông số khả tín: riêng pho tượng cao 25m; bệ tượng cao 7m; toàn bộ cả tượng lẫn bệ cao 32m.

Vậy so với tượng Chúa Giêsu Kitô ở Rio de Janeiro, tượng Chúa Giêsu Kitô ở Vũng Tàu thấp thua. Tuy nhiên, tượng Chúa Giêsu Kitô ở Rio de Janeiro đặc ruột, thì tượng Chúa Giêsu Kitô ở Vũng Tàu lại rỗng ruột với sức chứa vài trăm người.

Cũng cần thêm rằng từ tháng 11-2010, tượng Chúa Giêsu Kitô cao nhất thế giới thuộc về pho tượng được dựng tại trị trấn Swiebodzin ở miền tây Ba Lan: riêng pho tượng cao 33m, tính từ bệ đến vương miện thì cao 51m.

 

Dự phóng tương lai

Điêu khắc gia Văn Nhân, tác giả pho tượng Chúa Kitô trên núi Nhỏ ở Vũng Tàu cũng chính là người đã sáng tạo pho tượng Mẹ La Vang được Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn đặt tại linh đài Mẹ La Vang nơi Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào năm 1998. Mẫu tượng ấy thể hiện phong thái Việt Nam, được nhân bản rất nhiều để dựng trong bao giáo đường quốc nội lẫn hải ngoại. Hình chụp tượng Mẹ La Vang lại được phổ biến rộng rãi thông qua nhiều phương tiện truyền thông.

Tượng Chúa Kitô do Văn Nhân tạc bấy lâu nay được các quày lưu niệm trên núi Nhỏ bày phiên bản bằng nhựa, kích cỡ to nhỏ khác nhau với biểu giá: 4.000đ, 5.000đ, 7.000đ, 11.000đ và 47.000đ.

Trên núi Nhỏ, hiện mặt hàng giải khát bày bán chỉ có nước khoáng và nước tinh khiết. Thiển nghĩ ban quản lý nên kinh doanh thêm cà phê, nước ngọt, cùng một số thức ăn nhẹ; đồng thời nên phát hành một số ấn phẩm liên quan, ví dụ lịch và bưu ảnh, bưu thiếp.

Tương lai, khu vực tượng Chúa Giêsu Kitô ở Vũng Tàu sẽ có thêm những hạng mục gì mới? Linh mục Phêrô Trần Văn Huyên cho biết:

- Còn lắm công việc cần thực hiện. Phải tích cực trồng thêm nhiều cây xanh, nhiều hoa trên núi Nhỏ. Ven đường lên núi, sẽ đặt thêm loạt tượng be bé và phù điêu, sẽ làm thêm các liếp nhà để khách tạm nghỉ chân mà ngồi ngắm cảnh. Giữa đường, mong được dựng ngôi nhà nguyện khang trang. Có ý kiến đề nghị rằng đôi khẩu thần công hai bên tượng Chúa cần lợp mái bảo quản, từ trên cao nhìn xuống thì thấy hai mái che như hai đoá bông hồng xinh xắn. Đặc biệt, sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với các cơ quan hữu trách để nếu khả thi thì trổ lối giúp du khách xuống thăm căn hầm là phần độc đáo của di tích lịch sử - văn hoá nơi đây đã được xếp hạng.

- Hiện nay, du khách muốn vào lòng tượng phải tuân thủ quy định: buổi sáng từ 7 giờ rưỡi đến 11 giờ rưỡi, buổi chiều từ 13 giờ rưỡi đến 17 giờ. Du khách bây giờ cũng chưa được lên núi ban đêm. Sau này, khung thời gian ấy ắt thay đổi?

Nghe tôi hỏi vậy, linh mục Phêrô Trần Văn Huyên vui vẻ đáp:

- Trước mắt, Hội đồng giáo xứ Vũng Tàu dự tính phương án mở cửa suốt ngày để quý khách có thể vào lòng tượng buổi trưa. Về lâu về dài, sẽ lắp đặt hệ thống chiếu sáng thoả đáng, rồi đề nghị chính quyền cho phép mọi người thoải mái lên núi ban đêm. Hy vọng mọi sự được tiến triển nhanh chóng, thuận lợi.

Đã đăng:
Thế Giới Mới 780 (21-4-2008) & 781(28-4-2008)
Kiến Thức Ngày Nay 754 (20-7-2011)