Dân Chúa Âu Châu

Nói về Cố Đô Huế, kinh thành của một triều đại đã qua, tưởng cũng nên ngược giòng lịch sử để nhắc lại những nhân vật và biến cố đã làm thành cố đô như ta thấy ngày nay, với bao di tích lịch sử được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

 

Nguyễn Kim tức là Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế khai sáng ra Nguyễn Triều và lập thành Hệ Nhất (1). Ngài sanh năm 1468 mất năm 1545, thọ 77 tuổi. Ngài sanh hạ được hai vị hoàng tử: Nguyễn Uông tức là Tả Tướng Lạng Quận Công và Nguyễn Hoàng tức là Đức Thái Tổ Gia Dủ Hoàng Đế và Công chúa Ngọc Bảo.
 Sử sách truyền lại: nhà Lê được hưng thịnh là nhờ công lao của Nguyễn Kim, không may Nguyễn Kim bị tướng lãnh nhà Mạc đánh thuốc độc chết (1545) nên quyền bính triều Lê thuộc về Trịnh Kiểm, con rể của Nguyễn Kim, chồng Công chúa Ngọc Bảo.

 

Trịnh Kiểm lo sợ hai người con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng sẽ dành quyền kế nghiệp cha, bèn tìm cách giết chết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng phải giả điên để khỏi bị nghi kỵ. Cậu ruột của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Dĩ lo sợ bèn ra Hải Dương tìm gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để vấn kế. Trạng Trình trả lời ngắn gọn: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân (nghĩa là: một dãy Hoành Sơn, có thể an thân đến muôn đời)

 

Nguyễn Hoàng hiểu ý nên nhờ chị là Công Chúa Ngọc Bảo xin anh rể cho mình vào trấn giữ đất Thuận Hóa và được Trịnh Kiểm chấp thuận.
Được lệnh vào Nam (1558), bất chấp đang mùa đông giá rét, Nguyễn Hoàng giong buồm đi ngay cùng một số nghĩa quân. Khi đoàn thuyền đi ngang Thanh Nghệ Tĩnh, nhiều người hưởng ứng đem cả vợ con theo ngài. Đến Cửa Việt ngài đổ bộ lên bờ và dựng dinh thự ở Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

 

Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu, lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dụng hào kiệt, giảm sưu, hạ thuế, khiến lòng người ai cũng mến phục. Nhân dân xưng tụng ngài là Chúa Tiên hay Tiên Chủ. Để tránh sự nghi kỵ của chúa Trịnh, năm 1569 ngài ra chầu vua Lê ở An Trường, việc làm nầy tăng thêm tín nhiệm tại triều đình nên năm 1570 Chúa Tiên được giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam, ảnh hưởng chính trị của ngài lan rộng từ Thuận Hóa đến Quảng Nam.
Với cương vị mới, Nguyễn Hoàng cho dời dinh vào Trà Bát cũng thuộc huyện Đăng Xương, Quảng Trị. Năm 1572 tướng Lập Bạo của nhà Mạc theo đường biển, đem quân vào định triệt hạ sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân phá được âm mưu của Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc. Năm 1593 Nguyễn Hoàng lại đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Vì lập được nhiều chiến công nên ông lại bị Trịnh Tùng nghi ngại, nảy ý hãm hại nên năm 1600 Nguyễn Hoàng bỏ trốn về Thuận Hóa. Từ đó ngài trị vì từ Thuận Hóa đến Quảng Nam trong vòng 55 năm.

 

Thuận Quảng (Thuận Hóa-Quảng Nam) vốn là đất cũ của vua Chiêm, chịu ảnh hưởng văn hóa Chiêm Thành và hầu hết theo Phật giáo. Chúa Tiên vốn là phật tử thuần thành nên ngài cho xây dựng và trùng tu nhiều ngôi chùa và bành trướng tinh thần hiếu hòa của Phật Giáo trên mọi tầng lớp nhân dân. Đáng kể nhất là việc Chúa Tiên cho xây chùa Thiên Mụ (1601), ngôi chùa này nổi tiếng cho đến ngày nay vì quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hóa và Triều Nguyễn tại Việt Nam. Một điều đặc biệt là trong lúc Chúa Tiên sùng mộ Phật giáo thì bà Minh Đức Vương Thái Phi (tức là Vương Phi của Chúa Tiên, mẹ của người con thứ mười của Chúa Tiên là Nguyễn Phúc Khê) lại theo Thiên Chúa giáo do linh mục Phanxicô de Pina, người Bồ Đào Nha rửa tội cho bà.

 

Tương truyền một hôm Chúa Tiên đi dạo xem hình thế núi sông, thấy ở giữa cánh đồng xã Hà Khê, huyện Hương Trà, nổi lên một gò cao có dáng dấp đầu con rồng quay lại, soi bóng xuống mặt nước của một con sông lớn và đẹp. Chúa dừng chân, tìm người địa phương hỏi chuyện. Dân địa phương thưa: Gò ấy rất thiêng. Khi xưa có người nằm mơ thấy một bà già mặc áo đỏ, quần xanh ngồi trên đỉnh gò dạy rằng: sẽ có một vị chân chủ đến dựng nghiệp ở đây, để tụ khí thiêng cho bền long mạch. Nói xong bà già biến mất. Vì sự tích ấy mà cái gò có tên Thiên Mụ (Bà Trời).

 

Chúa Tiên nghe chuyện, cho rằng gò ấy có linh khí và chân chủ ấy chính là mình, liền xuất tiền cho xây chùa vào năm 1601 và đặt tên Chùa Thiên Mụ, từ đó ghi lại dấu ấn trong suốt chiếu dài lịch sử nhà Nguyễn. Khi đến vãn chùa, ta đừng quên chiêm ngắm chiếc khánh đồng đại hồng chung Bình Trung Quang đời Nguyễn Phúc Tần. Bia đá lớn dựng trên lưng rùa đời Nguyễn Phúc Chu, thủ bút 4 chữ Linh Thứu Cao Phong. Còn bức hoành Linh Mụ Tự đời Tự Đức.
Năm 1613, biết mình không thể sống lâu hơn nữa, Chúa Tiên cho triệu hoàng tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên (2) đang làm trấn thủ Quảng Nam ra và họp các Sĩ Vương lại. Trước khi lâm chung ngài căn dặn các Sĩ Vương rằng:

 

"Ta với các ngươi cùng nhau cam khổ đã lâu mới dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ngươi nên đồng lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp "
Rồi ngài nói với Nguyễn Phúc Nguyên:
«Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con giữ được lời dặn đó thì ta an lòng. Đất Thuận Quảng phía bắc nhờ Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam cậy Hải Vân và Bí Sơn ổn cố. Núi sẵn kim khí, biển sẵn cá muối, thật là nơi Trời để cho anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gầy dựng sự nghiệp muôn đời».

 

Nói xong, Chúa băng hà, thọ 88 tuổi. Từ lời trối trăng đó, các chúa Nguyễn về sau gầy dựng miền này trở thành kinh đô của phương Nam, rồi trở thành kinh đô của cả nước khi Nguyễn Phúc Ánh tức là vua Gia Long lập nên triều đại mới, tiếp nối sự nghiệp nhà Nguyễn kéo dài gần 400 năm (1558-1945) gồm có chín đời Chúa và mười ba đời Vua. Vị vua đầu tiên là Thế Tổ Cao Hoàng Đế húy Nguyễn Phúc Ánh, con thứ ba của Nguyễn Phúc Côn - Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế. Ngài sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (08.02.1762). Khi Đức Hưng Tổ mất ngài mới 4 tuổi, vị Chúa cuối cùng là Đức Duệ Tông đem về nuôi ở trong cung (3). Lúc ngài 13 tuổi gặp loạn năm Giáp ngọ (1774) quân Trịnh tấn công Thuận Hóa, ngài theo Đức Duệ Tông vào Quảng Nam, năm sau đến Gia Định. Đức Duệ Tông giao cho ngài giữ chức Chưởng sứ, mặc dầu tuổi còn nhỏ nhưng đầu óc rất sáng suốt, mỗi khi có việc quân thường được mời bàn tính và các tướng rất bái phục.

 

Năm Đinh dậu (1777) Sài Côn (Saigon) bị quân Tây Sơn chiếm, Đức Duệ Tông bị giết hại, Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát và lánh mình ở đảo Thổ Châu, rồi trở về tập hợp các tướng sĩ khởi binh ở Long Xuyên đánh lấy Sài Côn. Các tướng tôn ngài làm Đại Nguyên Súy Nhiếp Chính Quốc, lúc ấy ngài mới 17 tuổi.
Năm Canh tý (1780) tướng sĩ tôn ngài lên ngôi vương ở Sài Côn, dùng ấn Đại Việt Quốc Nguyên Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu. Từ năm 1782-1786 quân Tây Sơn nhiều phen đánh phá Gia Định, cố tâm hại cho được ngài. Ngài thất trận nhiều lần, có lúc bị vây ở Côn Lôn, có lúc trốn ra Phú Quốc rồi qua Xiêm đến hai lần, cuối cùng ngài gởi Hoàng Tử Cảnh theo Giám Mục Bá Đa Lộc tức là Giám Mục Pierre Pigneau de Behaine sang Pháp cầu viện. Đức Giám Mục Bá Đa Lộc thay mặt Thế Tổ ký với De Montmorin Thượng Thư Bộ Ngoại Giao Pháp đại diện Pháp Hoàng tức là vua Louis XVI hòa ước gọi là Hòa Ước Versailles vào ngày 28.11.1787. Nhưng cho đến năm 1788 Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Ấn Độ tuy được toàn quyền giúp Thế Tổ vẫn trì hoãn không đưa quân qua giúp. Sang tháng 10 năm 1789 Tham Chính Viện Pháp (Conseil d’État) bác bỏ việc thi hành hiệp ước, vì lúc bấy giờ nước Pháp đang trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng sau cuộc cách mạng lật đổ vương triều Louis XVI.

 

Năm Đinh Mùi (1787) Thế Tổ trở về Long Xuyên, các tướng giỏi và nghĩa quân theo ngài rất đông nên thế lực mạnh dần. Tháng 8 năm Mậu Thân (1788) lấy thành Gia Định, năm Canh Tuất (1790) chiếm lại Bình Thuận và từ đó ngài tiến dần về phương Bắc. Tháng 5 năm Tân Dậu (1801) tiến quân vào cửa Tư Hiền, đến tháng 6 năm (1801) thu phục lại Kinh đô cũ. Tháng tư năm Nhâm Tuất (1802) ngài cho trùng tu Hoàng thành, qua ngày mồng một tháng năm cho lập đàn ở xã An Ninh (Kim Long, Hương Trà, Thừa Thiên) hiệp tế trời đất về việc đặt niên hiệu, hôm sau ngày mồng hai tháng năm tức là ngày 1.6.1802 vua ngự ở điện nhận lễ triều hạ, đặt niên hiệu Gia Long, ban lệnh đại xá khắp nước. Sau đó ngài cho dựng Thái Tổ Miếu (Thế Miếu) ở bên trái Hoàng thành để làm nơi thờ cúng các tiên đế.
Qua tháng 6 ngài đưa quân ra Bắc tiểu trừ tàn quân Tây Sơn. Đến ngày 21.6.1802 xa giá tiến vào Thăng Long hoàn thành việc thống nhất sơn hà. Sau đó ngài ban dụ cho các cựu thần nhà Lê cùng kẻ sĩ Bắc Hà đến triều kiến, tùy theo tài năng mà bổ dụng. Ngài đến viếng miếu thờ vua Lê Thái Tổ, sắc phong cho con cháu nhà Lê và họ Trịnh. Đến tháng 10 ngài vào Thanh Hóa viếng lăng miếu Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế tức là Nguyễn Kim. Trở về Thuận Hóa, ngài làm lễ tế trời đất và bắt đầu sửa sang mọi việc triều chính.

 

Tháng giêng năm Giáp Tý (1804) ngài làm lễ nhận tuyên phong của nhà Thanh, qua tháng 2 đổi quốc hiệu là Việt Nam và mãi đến năm Bính Dần (1806) ngài mới làm lễ lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa.

 

Sau khi lên ngôi, lập tức ngài lo việc chấn hưng văn hóa và tuyển mộ nhân tài. Ngài cho dựng Văn Thánh tại làng An Ninh nằm về phía tây kinh thành và các doanh trấn để thờ Khổng Tử. lập Quốc Tử Giám ở Kinh đô để dạy các sĩ tử ưu tú. Năm Đinh Mão (1807) mở khóa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn, khóa này có 61 sĩ phu đỗ Hương Cống (đời Minh Mạng đổi thành Cử Nhân) được niêm yết tại Phu Văn Lâu. Lập lại trật tự xã hội, ngài truyền lệnh cho Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn văn Thành « lấy luật lệ của các triều đại nước ta làm căn bản, tham chiếu luật Hồng Đức và luật Thanh triều » (lời tựa của Vua Gia Long) làm thành bộ Hoàng Việt Luật Lệ (hoàn tất năm 1811). Xây dựng kinh tế và quốc phòng, ngài tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn, đẩy mạnh việc khai hoang, cho đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, vừa là hệ thống thoát nước và dẫn thủy nhập điền cho việc canh tác, vừa là trục giao thông liên lạc lại vừa đảm bảo việc quốc phòng. (Khuôn khổ bài này không cho phép khai triển thêm sự nghiệp phát triển đất nước của vua Gia Long, xin dành lại vào một dịp khác). Công nghiệp thống nhất quốc gia của Hoàng Đế Gia Long đã được sử sách tóm lược như sau: Trước khi lên ngôi, vua Gia Long đã có 26 năm nằm gai nếm mật không những để khôi phục lại sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở xứ đàng trong mà còn thống nhất đất nước từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mâu. Trong 26 năm chiến đấu ấy tỏ rõ đức nhẫn nại, giàu ý chí, không ngại gian khổ hiểm nguy, thu phục được nhân tâm để thực hiện lý tưởng của mình. Ngài cũng là người đầu tiên xử dụng phương tiện tàu chiến và súng lớn, kỹ thuật khoa học quân sự và các chuyên viên phương tây như: J.B. Chaigneau, Vannier, de Forcant….

 

Điểm nổi bật hơn cả là ngài đã thu phục được lòng người Nam kỳ. Nhân tài vật lực của Nam kỳ giúp ngài chiến thắng và làm điểm tựa vững chắc cho ngài trong việc xây dựng triều Nguyễn sau này.
Sau khi thắng Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh trở về đất Phú Xuân, đóng đô trên gò Dương Xuân, trước ga Huế ngày nay. Ngài sai Nguyễn văn Yên với sự giúp đỡ của các chuyên gia phương Tây, phá hết thành quách cũ có từ thời Võ Vương, xây lại kinh thành Huế.

 

Tương truyền trước khi xây dựng Kinh Thành Huế, vua Gia Long đã đến chùa Thiên Mụ ở phía Tây đô thành Phú Xuân để cầu xin Trời Phật phù trợ cho mình trong việc chọn đất định đô. Một bà tiên già (tiên chủ Thiên Mụ Sơn) hiện ra và đưa cho nhà vua một nén nhang rồi bảo: « Tướng công hãy thắp nén nhang này lên, đi bộ xuôi giòng sông này về phía hạ lưu. Khi nào nhang cháy hết, đất dựng nghiệp đế vương của tướng công chính là nơi ấy ». Ngài làm y như lời bà tiên dạy, và nơi bó nhang cháy hết chính là thửa đất dựng nên Kinh Thành Huế sau này, lấy trục Ngự Bình-Hương Giang làm trục chính ở ngay trung tâm Cố Đô.
Trước hết ngài cho xây Kinh Thành, còn được gọi là Thành Nội hay Phòng Thành. Kinh thành khởi công từ năm 1805, hoàn chỉnh năm 1833 dưới thời Minh Mạng, rộng 520 mẫu, chu vi hơn 10 km. Thành xây bằng đất, bề ngang 24m, gồm mặt ngoài cao 6,6 m, mặt trong cao 5,5 m. Kinh thành là lớp thành ngoài cung, xây cất kiên cố để bảo vệ Hoàng cung bên trong. Các công trình kiến trúc thuộc về Kinh thành gồm có: Hồ Thành Hào, thành giai, phòng lộ, pháo nhãn, giác bảo, dược khố (kho thuốc súng), Kỳ Đài, Quan Tượng Đài và các cổng thành. Mặt trước Kinh Thành có một số kiến trúc tiêu biểu: Phu Văn Lâu, nơi niêm yết chiếu chỉ của nhà vua và danh sách các thí sinh đỗ tiến sĩ; Nghênh Lương Đình, nơi nghỉ mát của nhà vua và hoàng hậu; Thương Bạc Viện, cơ quan ngoại giao của triều đình. Bên trong Kinh thành là một loạt công trình kiến trúc bao gồm các trại lính, công thự, trường học, thắng cảnh như: Lục Bộ, Cơ Mật Viện, Quốc Tử Giám, điện Long An, Tôn Nhân Phủ, Quốc Sử Quán, Tàng Thơ Lâu, hồ Tịnh Tâm, đàn Xã Tắc. Theo linh mụcc Leopold Cadière trong khu vực Kinh thành có đến 307 địa danh di tích lịch sử.
Hoàng Thành, thường gọi là Đại Nội, xây dựng năm 1804 dưới triều vua Gia Long, năm 1833 vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh. Hoàng Thành được xây theo hình vuông, diện tích gần 38 mẫu, tường thành dày 1m, cao 5m, thông thương với bên ngoài bằng bốn cửa: Ngọ Môn (phía nam), Hòa Bình (phía bắc), Hiền Nhân (phía đông), Chương Đức (phía tây). Hoàng Thành là trung tâm trị vì của vương triều Nguyễn, đặc biệt nằm giữa lòng Hoàng Thành là Tử Cấm Thành là nơi ăn chốn ở của nhà vua và hoàng gia, có 7 cửa ra vào, trong đó Đại Cung Môn ở phía nam là một công trình điêu khắc bằng gỗ được xem là cái cổng đẹp nhất trong Hoàng Thành. Bên trong Tử Cấm Thành là một loạt các công trình kiến trúc phục vụ cho việc trị vì: Cần Chánh Điện, Tả Vu, Hữu Vu; nơi ăn ở như: Càn Thanh Điện, Khôn Thái Cung, Kiến Trung Điện; nơi giải trí: Thái Bình Lâu, Dưỡng Tâm Điện, Ngự Uyển... Ngoài ra trong Hoàng Thành còn được chia ra nhiều khu vực như: Ngọ Môn, Đại Triều Nghi, Thái Hòa Điẹân; khu vực dành cho việc thờ cúng: Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu (4), Phụng Tiên Từ... khu vực ăn ở của Hoàng Thái Hậu, Thái Hoàng Thái Hậu: Diên Thọ Cung, Trường Sanh Cung; khu vực kho tàng va nơi ăn chơi, học tập của hoàng tử, công chúa: Nội Vụ Phủ, Cơ Hạ Viện, Khâm Văn Điện... Tiếc thay, thời gian và chiến tranh đã làm các di tích lịch sử bị tiêu hủy và hư hại rất nhiều.

 

Ngày 25.11.1981, sau chuyến viếng thăm Huế, Tổng Giám Đốc UNESCO lúc bấy giờ là ông Amadou Mahtar M. Bow đã kêu gọi quốc tế cứu vãn Cố Đô, nhằm bảo tồn và khôi phục các giá trị di sản văn hóa. Từ thời điểm này trở đi, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu vận hành đúng với quỷ đạo của nó. Quy ước về di sản thế giới khiến cho những hoạt động hướng về việc bảo tồn di tích Huế được xúc tiến mạnh mẽ trong những năm 1981 cho đến 1990. Ngày 27.7.1991, đạo luật về việc Bảo vệ và tu bổ những di tích lịch sử ở Huế của UNESCO được công bố, mở ra cho Cố Đô Huế một tương lai khả quan hơn, qua sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia do UNESCO cung cấp trong hai năm 1992 và 1993, bộ hồ sơ về quần thể di tích Cố Đô Huế đã được hoàn tất và đệ trình lên Hội Đồng Di Sản Thế Giới (HĐDSTG) thuộc UNESCO. Kết quả là ngày 11.12.1993 trong phiên họp tại Carthagene (Colombia), HĐDSTG đã ghi danh quần thể di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới. Ngày 2.8.1994 ông Daniel Janicot Phó Tổng Giám Đốc UNESCO đã đến Huế trao cho đại diện chính quyền Tỉnh Thừa Thiên Huế tấm bảng công nhận có chữ ký của Tổng Giám Đốc UNESCO là ông Federico Mayor Zaragoza với dòng chử: " Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị toàn cầu, đặc biệt của một tài sản văn hóa hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại ". ---------------

 

Chú thích
(1) Hệ: trong Nguyễn Phước Tộc, chia thành từng Hệ từng Phòng để nhận biết bà con theo thứ bậc. Một ví Chúa hay vì Vua mở ra một Hệ cho hoàng tử nối ngôi, mỗi ông Hoàng mở ra một Phòng.
(2) Tương truyền: Bà Nguyễn Thị, vợ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nằm mơ thấy chữ Phúc rơi vào lòng lúc bà đang mang thai, bà mừng rỡ định lấy chữ Phúc đặt tên cho đứa con này, nhưng lại nghĩ: đặt tên thì chỉ có một người được hưởng phúc thôi, bèn lấy chữ Phúc làm chữ lót cho nhiều đời được hưởng phúc. Từ đó về sau con cháu Nguyễn Hoàng lấy chữ Phúc để lót, như: Nguyễn Phúc Nguyên. Sở dĩ Chúa Tiên truyền ngôi cho Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ sáu, vì năm người con lớn một số đã mất, một số ở lại Bắc phò chúa Trịnh.
(3) Nguyễn Phúc Khoát tức là Võ Vương truyền ngôi lại cho con Nguyễn Phúc Côn, nhưng Trương Phúc Loan muốn chuyên quyền đổi di chiếu, đem con thứ 16 của Võ Vương tức là Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi, khi ấy mới 12 tuổi.
Nguyễn Phúc Thuần – Đức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế (1753-1777) thọ 24 tuổi, trị vì 12 năm (1765-1777), ngài chỉ sanh được một bà Chúa nên đem Nguyễn Phúc Ánh tức là con của Nguyễn Phúc Côn về làm con nuôi.
(4) Thế Tổ Miếu, còn gọi là Thế Miếu, được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ hai (1981) để thờ các hoàng đế nhà Nguyễn bắt đầu từ đời Gia Long.
------------------
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Sử Lược trọn bộ in lần thứ bảy 1964 Trần Trọng Kim.
- Nguyễn Phước Tộc Lược Biên 1995; Hội Đồng Hoàng Tộc Việt Nam Hải Ngoại.
- Công Nghiệp Thống Nhất Quốc Gia; Hội Đồng Hoàng Tộc Việt Nam Hải Ngoại của Hoàng Đế Gia Long 2002.
- Lịch Sử Giáo Phận Huế qua các Triều Đại Vua Chúa 1596-1945; 1993; Lm. Nguyễn Văn Ngọc và Lm. Nguyễn Văn Hội.
- Chín Đời Chúa - Mười Ba Đời Vua Nguyễn 2001 Nguyễn Đắc Xuân.
- Kiến Thức về Triều Nguyễn và Huế Xưa I Nguyễn Đắc Xuân.
- Kiến Thức về Triều Nguyễn và Huế Xưa II 2002 Nguyễn Đắc Xuân.
- HUẾ Triều Nguyễn một cái nhìn 2004 Trần Đức Anh Sơn.