Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- ĐÔI HÀNG VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP NGUYỄN HUỆ

 

Theo Việt Nam Sử Lược thì nguyên ông Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ, cùng một Tổ với Hồ Quý Ly, người ở huyện Hưng Nguyên, đất Nghệ An; gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc đất Qui Nhơn. Đến đời ông thân sinh là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn, sinh được ba người con: trưởng là Nhạc, thứ là Lữ, thứ ba là Huệ. Anh em ông Nhạc muốn khởi loạn, mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam vẫn là đất của chúa Nguyễn…

 

Để phá thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc bày mưu tự ngồi trong cũi, cho binh sĩ khiêng nộp cho quan Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên. Đến nửa đêm, Nguyễn Nhạc tháo cũi, mở cửa thành cho quân Tây Sơn tràn vào chiếm thành.
(Mưu của Nguyễn Nhạc giống như truyện cổ Hy Lạp "Con Ngựa thành Troy" của Homer)
Sau đó thế lực Tây Sơn ngày một mạnh, tiến chiếm Quảng Nam, Bình Thuận rồi Gia Định. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở thành Đồ Bàn (Qui Nhơn), phong cho Nguyễn Lữ làm Đông-định-vương đóng ở Gia Định, Nguyễn Huệ Bắc-bình-vương đóng ở Thuận Hóa, lấy Hải-vân-sơn làm biên giới.

 

2- CHIẾN CÔNG CỦA NGUYỄN HUỆ

 

-Mới 23 tuổi, Nguyễn Huệ được anh cả Nguyễn Nhạc cử làm chủ tướng đem quân vào Nam đánh tan quân chúa Nguyễn, giết được hai tướng là Nguyễn Văn Hiền và Tống Văn Khôi.
-Tháng 3 năm 1777, Nguyễn Huệ mang thuỷ quân vào Gia Định, một lần nữa đánh bại cả hai cánh quân nhà Nguyễn.
-Tháng 9 năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Nguyễn Phúc Dương và 18 tướng tuỳ tùng bị đưa về Gia Định xử tội.

 

- Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức Nguyễn Nhạc mang quân thuỷ bộ Nam tiến, phá tan quân Nguyễn, giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang.
-Tháng 2 năm 1783, Nguyễn Huệ mang quân Nam tiến. Dù Nguyễn Ánh đã lập tuyến phòng thủ trước, vẫn bị quân Tây Sơn phá tan. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ đánh phá Đồng Tuyên, Nguyễn Ánh lại bỏ chạy ra Hà Tiên, rồi sau trốn ra đảo Phú Quốc. Nguyễn Huệ cho quân truy kích, nhưng vì bão làm cho cuộc hành quân bị trở ngại.-Trận Rạch Gầm - Xoài Mút 1784

 

Nguyễn Ánh đã nhiều lần xin Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) cầu viện người Pháp nhưng không thu được nhiều kết quả. Do đó, Nguyễn Ánh chuyển sang cầu viện Xiêm (Thái Lan). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp (Căm Bốt) với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía Tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn.
Mặc dù phải đương đầu với 3 vạn quân Trịnh đang rình rập ở phía Bắc, 3 vạn quân bộ của Xiêm chực chờ ở phía Tây và 2 vạn thủy quân Xiêm La ở phía Nam, nhưng sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho. Với chiến thuật lừa địch đi vào ổ phục kích, Nguyễn Huệ trong một ngày, chỉ đánh một trận, tiêu diệt toàn bộ 2 vạn thủy quân của Xiêm vào đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn). -Tiêu diệt chúa Trịnh ở miền Bắc.

 

Với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm tiên phong bắc tiến. Quân Trịnh bị tan rã nhanh chóng. Tướng của họ Trịnh biết tin Phú Xuân thất thủ, khi nghe báo quân Tây Sơn đang trên đường tiến tới Thăng Long thì hoảng sợ bỏ trốn. Vì không được lòng dân nên khi chúa Trịnh bỏ thành Thăng Long chạy, bị dân bắt đem nộp cho Tây Sơn. Trên đường áp giải, Trịnh Tông tự sát. Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long ra mắt vua Lê Hiển Tông. Ngưỡng mộ tài danh của một trang hào kiệt, vua gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.-Tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược
Nói tới chiến sử, không người Việt Nam nào không nhớ một trong các chiến công rực rỡ nhất là trận Đống Đa. Cuộc hành quân trên con đường dài 654 cây số, bắt đầu vào ngày 25.11.1788, phát xuất từ Phú Xuân (Huế) tới Tam Điệp ngày 20.12.1988. Nguyễn Huệ cho nghỉ dưỡng quân, ăn Tết trước và cuộc giải phóng cố đô Thăng Long sẽ mở màn vào đêm Giao Thừa. Dưới sự thống lĩnh tài ba của Hoàng Đế Quang Trung, chỉ 5 ngày, từ đêm 30 tới ngày mùng 5 Tết, Thăng Long sạch bóng quân thù. Hơn 20 vạn quân Thanh trên các trận địa bị loại khỏi vòng chiến.

 

Các danh tướng của Tàu: Hứa Thế Hanh, Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận tại Hà Hồi, Ngọc Hồi. Sầm Nghi Đống trấn thủ Đống Đa phải thắt cổ tự tử. Tổng Đốc lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) là Tôn Sĩ Nghị, Tổng Tư lệnh đoàn quân viễn chinh của bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu và Vân Nam ngự trị tại Thăng Long nghe tin ngoại thành thất thủ thì “kinh hồn bạt vía’’, sợ quá không kịp mang theo ấn tín, “chạy vắt giò lên cổ’’ trốn về Tầu. Vua Lê Chiêu Thống, kẻ “cõng rắn cắn gà nhà’’, thấy cái chết kề bên cổ cũng chạy thục mạng theo gót quân xâm lược. Dân Tầu sống gần biên giới Ải Nam Quan nghe tin quân mình thất trận hoảng hốt bỏ chạy về phương Bắc xa hàng trăm dặm.

 

Năm 1792, sau khi ổn định tình hình trong nước, Vua Quang Trung sai sứ sang Tàu ngỏ ý xin cầu hôn và xin trả lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây về cho Việt Nam. Nhưng kế hoạch đang diễn tiến tốt đẹp thì bất ngờ Ngài qua đời, làm vua được 4 năm, thọ 40 tuổi. Toàn bộ chương trình mở mang bờ cõi và phát triển đất nước bị bỏ dở.

 

2- CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TRIỀU ĐẠI TÂY SƠN NGUYỄN HUỆ
2.1-Nhạc trống Tây Sơn

 

Xuất thân từ quê hương nổi danh về võ, nổi tiếng về tuồng hát Bình Định, vua Quang Trung rất ham văn chuộng võ và có tâm hồn nghệ sĩ. Ông đưa nhạc vào võ; dùng nhạc võ để xung trận qua những tiếng trống mà người ta gọi là nhạc trống, một hình thức quân nhạc thời trung cổ. Từ đó “Trống Tây Sơn’’ nổi danh trên đất nước và lưu truyền mãi cho tới ngày nay.
Trống Tây Sơn là dàn trống 16 chiếc lớn nhỏ. Khi đánh lên nghe thật hào hùng khích động, như hun đúc tinh thần chiến đấu và thúc giục quân lính lao vào trận chiến. Khi biểu diễn thì chỉ cần một người có thể đánh 16 trống, tùy theo nhịp điệu và bộ điệu. Khi tập luyện, người tập đứng trên hai khúc gỗ tròn lớn gấp đôi quả bưởi. Đôi chân phải điều khiển hai khối tròn đó một cách nhanh nhẹn; còn cùi chỏ, bàn tay và vai đều được sử dụng để đánh trống theo nhịp điệu của đường quyền. Người đánh phải dùng thế võ côn quyền mới đánh được nhiều trống. Khi ra trận thì chỉ dùng hai trống đặt trên xe đẩy. Hai dùi trống không chỉ dùng để đánh trống thúc quân mà còn là khí giới giết địch.

 

2.2-Bến đò Đại Nài, nơi truyền hịch gọi đò của vua Quang Trung

 

Bến đò Đại Nài ở xã Thạch Hòa hiện nay, cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 3 cây số về phía Đông Nam. Sông ở đó rộng, hai bên bờ là bến cát, dễ qua lại. Bên khúc sông này có làng dân chài gọi là Vạn Nài. Cụ Dương Lung ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà đã cung cấp một văn bản chữ Nôm, nguyên văn Hịch gọi đò mà người ta cho là của vua Quang Trung. Hịch này được truyền ra trong một đêm cuối tháng 12 năm 1788, khi đại quân Bắc tiến diệt Thanh phải dùng bến đò Đại Nài.

 

“Ngang thiên chi tường
Bùng binh chi quân
Khẩn đáo Bắc Hà
Tảo trừ Thanh Tặc
Đại binh chi tề tựu giang biên
Yếu đắc tốc hành cấp hạn
Sở tại chi quan,
Giang biên chi dân
Tốc bát giang thuyền,
Giải thanh bề bề bộn bộn
Bất lai tức trảm trảm, thu tru,
Tư truyền."Nghĩa là:
Tướng ngang trời,
Quân trùng điệp,
Phải kịp đến Bắc Hà.
Để quét sạch quân Thanh
Tất cả đã đến sát bờ sông
Cần đi ngay cho kịp.
Quan sở tại.
Dân hai bên bờ sông,
Nhanh chèo thuyền đến,
Chuyển kịp quân sang cho khỏi bề bộn.
Ai chống truyền lại sẽ bị chém đầu. Nay truyền

 

2.3-Núi Quyết, nơi chiêu quân Bắc tiến diệt gian thần, phá quân Thanh xâm lược
Ngọn núi này đã từng in dấu chân của cả vạn chiến binh dưới quyền thống lĩnh của Hoàng Đế Quang Trung trong cuộc Bắc phạt lần thứ hai. Đây cũng là linh địa mà La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp) giúp xây dựng Kinh đô trong tương lai. Đây là dấu tích Phượng Hoàng Trung Đô thuộc thành phố Vinh ngày nay. Chương trình xây dựng đang tiến hành thì bất ngờ vua Quang Trung băng hà, nên công trình bị bỏ dở. Ngày nay vẫn còn dấu tích bờ thành và các đồn lũy.
Theo tác giả Phan Sáng thì núi Dũng Quyết có 4 chi: Long Thủ (đầu Rồng), Phượng Dực (cánh Phượng), Kỳ Lân (con mèo), Quy Bối (con Rùa). Người xưa gọi địa thế này là đất tứ linh, bởi có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Đỉnh núi cao nhất 101,5 mét và thấp nhất 53,5 mét.

 

Sông Vĩnh (Cồn Mộc) bắt nguồn từ dẫy núi Đại Huệ, có mười hai khúc quanh co, lững lờ chạy dưới chân núi Kỳ Lân, rồi đổ ra sông Lam nơi ngã ba Hạc. Dòng sông Lam như một con rồng xanh khổng lồ (Thanh Long), chảy từ thượng ngàn về đây uốn mình vòng quanh phía Đông-Nam chân núi Dũng Quyết, tạo nên một khu vực thiên nhiên có phong cảnh đẹp độc đáo.2.4-Núi Bân, dấu tích thời Quang Trung tại Phú Xuân
Khu Núi Bân được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988.

 

Khi thực hiện đề tài khoa học “Khảo sát, sưu tầm và biên dịch những di sản văn hóa Hán Nôm hiện còn ở Thanh Hóa”, các nhà nhà nghiên cứu đã phát hiện bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” trong tập “Liên Khê Nam hành tạp vịnh” (gồm 200 bài thơ) của Lê Triệu.
Qua “Kiến Quang Trung linh cữu”, có thể thấy ông Lê Triệu rất ngưỡng mộ, tôn kính vua Quang Trung. Tác giả bài thơ đã ca ngợi vua Quang Trung là bậc anh hùng và lên án Gia Long - Nguyễn Ánh tàn bạo như Tần Thủy Hoàng.

 

Hai câu thơ đầu
“Trấp niên sấp sá tẩu phong vân. Như thử anh hùng cổ hãn văn” được tác giả mượn ý từ đôi câu đối ở đền thờ Quang Trung ở Do Xuyên, Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Đó là câu: “Anh hùng thanh sất Bân Sơn cổ. Miếu mạo quan lưu Bạng Hải kim”
(Nghĩa là: Tiếng thét mắng (quân giặc) của người anh hùng ở núi Bân còn rực sáng để lại ở bến Lạch Bạng ngày nay).
Đôi câu đối trên nhắc lại sự kiện cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Bân (Huế), làm lễ cáo trời đất để lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Tại đây, trước khi hành quân thần tốc ra Bắc Hà, nhà vua đã thét mắng (sất sá) quân xâm lược Mãn Thanh.
Những câu thơ tiếp theo, tác giả ám chỉ sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn và Quang Trung nói riêng. Theo đó, năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long đã thực hiện cuộc “tắm máu” cực kỳ tàn khốc. Không chỉ “đào mồ, cuốc mả”, “tru di tam tộc” đối với dòng họ, con cháu vua Quang Trung, ngay cả những trung thần, tướng sĩ, quan lại của triều Tây Sơn cũng bị nhà Nguyễn trả thù.

 

Câu cuối của bài thơ
“Linh nhân chung cổ tiểu Doanh Tần!” cũng chính là lời tố cáo đanh thép đối với nhà Nguyễn, đồng thời cho thấy tình cảm sâu nặng của tác giả đối với Quang Trung.
Không những thế, có thể nói, “Kiến Quang Trung linh cữu” còn là một tư liệu lịch sử có giá trị.
Như chúng ta đã biết, trong “chiến dịch trả thù”, Gia Long - Nguyễn Ánh đã cho quật cả lăng mộ của vua Quang Trung và san bằng tất cả.
Sách “Đại Nam Chính biên liệt truyện” (Quốc sử quán triều Nguyễn) có chép: “Mùa đông năm ấy (1802), vua về Kinh, cáo tế ở miếu, dâng những tù bắt được đem hết phép trừng trị, đào mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giã hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục, đổi ấp Tây Sơn gọi là ấp Tây An”.
Vì vậy, hơn nửa thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học; nhiều cuộc hội thảo về lăng mộ vua Quang Trung đã được tổ chức nhằm làm sáng tỏ sự thật, xác định rõ vị trí thực sự của lăng mộ nhà vua. Ngay từ năm 1941, nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu đã thực hiện cuộc khảo sát thực địa ở phía Nam kinh thành Huế và công bố bài viết “Lăng hoàng đế Quang Trung”. Sau đó là hàng loạt công trình, tư liệu, bài viết của các nhà nghiên cứu: Lê Văn Hoàng, Bửu Kế, Nguyễn Hữu Đính, Phan Thuận An, Trần Đại Vinh, Nguyễn Đắc Xuân, Đỗ Bang, Mai Khắc Ứng…

 

Dù có những chi tiết và ý kiến trái ngược nhau, song tựu trung, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung dự đoán khả năng vị trí lăng mộ vua Quang Trung là ở khu vực lăng Ba Vành (nằm ở phía nam tu viện Thiên An - Huế) và khu vực gò Dương Xuân (phủ Dương Xuân, sau đó là cung điện Đan Dương).
Thật bất ngờ là qua bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu”, tác giả Lê Triệu cho biết, ông đã từng đến viếng lăng mộ vua Quang Trung và tỏ lòng đau xót, phẫn nộ khi lăng mộ Quang Trung bị Gia Long - Nguyễn Ánh phá hủy (Quang cảnh nhất ban thành phấn mị).
Đáng lưu ý, vị trí lăng mộ vua Quang Trung được tác giả xác định cụ thể là ở trên một ngọn núi có tên là Khuân Sơn.
Vậy Khuân Sơn là ngọn núi nào, ở đâu?

 

Theo tư liệu trang 133 sách “Đại Nam Nhất thống chí” (tập 1) có chép: “Núi Khuân Sơn ở phía Nam huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế - NV), có tên nữa là Thượng Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc, thượng lưu sông Phong Điền chảy về phía tây, có một con đường theo ven núi chạy về bắc, đi theo về phía Tây có thể đến đất người Man Thượng.2.5-Bản Kinh Kim Cang thêu trên gấm
Bộ Kinh Kim Cang bằng gấm lót nhiễu điều thêu chỉ ngũ sắc từ thời Tây Sơn, được đánh giá là bộ kinh thêu lớn nhất VN. Toàn bộ bản kinh dài 2,47m, rộng 0,234m; số lượng chữ được thêu khoảng chừng gần 7.000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hòm gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp dài 29 cm, rộng 10 cm, cao 7,7 cm.
Nguồn gốc của bản kinh này rất ly kỳ, gắn liền với triều đại nhà Tây Sơn và đầu triều các vua Nguyễn. Bản kinh ra đời vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (16-12-1800). Phần lạc khoảnh trong bản kinh có ghi tên người thêu là tỳ kheo ni Diệu Tâm.
Bản Kinh từng có một thời gian lưu lạc trong dân gian. Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập tháp Di Đà (Bình Định) trong thời gian ra Huế giảng dạy tại chùa Tây Thiên biết có một bản kinh quý đang lưu truyền trong dân gian. Ông bèn sai môn đồ dò tìm. Sư bà Diệu Không tìm ra tung tích và mua lại cả chiếc hộp và bản Kinh với giá 250 đồng thời bấy giờ (tương đương 7 lượng vàng). Sau đó, Kinh được hòa thượng Mật Hiển ra sức gìn giữ chu đáo như một bảo vật cho tới ngày nay.2.6-Chuông Đại Hồng Chung
Chuông Đại Hồng Chung của chùa làng La Chữ là một trong các di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Chuông được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do vợ chồng võ tướng Điện tiền Thái bảo Ngự giá Quận công Võ Văn Dũng, một vị võ tướng dưới triều Tây Sơn, cùng với nhạc phụ (bố vợ) là ông Lê Công Học đứng ra làm hội chủ quyên góp trùng tu chùa làng La Chữ và đúc chuông. Quả chuông này cao 0,92m, đường kính miệng chuông 1,78m. Các hoa văn trên chuông không mang nặng dấu ấn Phật giáo mà được trang trí bằng bộ “Tứ thời” Xuân - Hạ - Thu - Đông.

 

Ô Xuân trang trí hai cái lược thưa, lược dày và gương hoa (các vật dụng trang điểm của phụ nữ). Nhiều người cho rằng đây là khung biểu thị cho phái đẹp. Ô Hạ, hoa văn trang trí là ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho sự quyết liệt của các đấng mày râu. Ô Thu có hai bầu rượu quấn dải lụa mềm mại. Ô Đông trang trí hình chiếc quạt lá vả và cuốn sách.

 

Dưới các ô văn ấy có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới... Đây là những hoa văn trang trí rất lạ so với phong cách trang trí trên các pháp khí của chốn thiền môn, thường gắn liền với những biểu tượng mang dấu ấn triết lý Phật giáo như: từ bi, hỷ xả, giới, định, tuệ...
Bên cạnh chuông chùa La Chữ, tại làng Hạ Lang cũng có một quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 (1799). Nhưng quả chuông này không phải được đúc tại Thuận Hóa mà tại tỉnh Hà Đông, rồi chuyển vào Nam. 2.7-Sắc phong
Theo ông Phạm Hữu Bằng thì ít người biết trên thế giới chỉ có 3 nơi còn lưu giữ sắc phong, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật thì VN đang là nước sở hữu những bức sắc phong cổ nhất và nhiều nhất. Ông Bằng cho biết ở VN hiện có hàng chục vạn bức sắc phong, nằm rải rác ở 15.000 đình làng, trong đó có những bức đặc biệt quý hiếm. Bức cổ nhất hiện nay tìm thấy có từ thời Hồng Đức cách đây trên 500 năm. “500 năm rồi mà dấu son vẫn đỏ chót, chữ vẫn đen nháy, giấy vẫn dai và bền”.

 

Bức sắc phong từ thời Quang Trung nguyên niên cũng rất đặc biệt. Theo ông Bằng, nó quý không phải vì thời gian, mà vì sau khi Quang Trung thất thế, nhà Nguyễn lên ngôi tìm mọi cách tiêu diệt tàn dư của thời Quang Trung. Bức sắc phong này ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ Hà Tây và những đóng góp cho quê hương, đất nước của họ.
Đây có lẽ là bức sắc phong độc nhất còn sót lại từ thời Quang Trung.
--------------
NB: Đúc kết từ các tài liệu: Bách Khoa Toàn Thư, Thư viện Bình Định, báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Tự điển Địa danh Văn hóa VN, VNSL/TTK.