Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

1-Đôi dòng lịch sử

Hội An, một địa danh từng nổi tiếng là một thương cảng có tầm vóc quốc tế qua các tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Hoài Phố (Faifo), Hội An... Nền văn hóa tiên khởi của Hội An được biết với tên gọi là Sa Huỳnh và qua kết quả nghiên cứu khảo cổ tại 4 di tích mộ táng (An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Xuân Lâm) và 5 điểm cư trú (Hậu Xá I, Trảng Sỏi, Đồng Nà, Thanh Chiắm, Bàu Đà). Ở các nơi này các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình mộ chum, những công cụ dùng trong việc sản xuất và sinh hoạt hàng ngày; đồ trang sức tuyệt mỹ bằng đá, gốm, thủy tinh và kim loại. Các di vật này chứng minh nền văn hóa Sa Huỳnh có những sắc thái độc đáo riêng. Sự phát hiện hai loại tiền đồng Trung Quốc thời Hán (Ngũ Thù, Vương Mãng) và những hiện vật làm bằng sắt giống kiểu mẫu của Tây Hán, Đông Sơn và Óc Eo, hoặc đồ trang sức với công nghệ chế biến tinh luyện được khai quật từ các hố sâu… chứng minh ngành ngoại thương của Hội An đã phát triển ngay từ đầu Công nguyên.
Lịch sử cũng cho thấy dưới thời Vương quốc Chàm, các thương thuyền của Ả Rập, Ba Tư và Trung Hoa đã đến Hội An buôn bán khiến nơi này trở thành trung tâm giao thương phồn thịnh. Các di tích tháp Chàm, giếng nước và các pho tượng cổ (tượng vũ công Thiên Tiên Gandhara, tượng nam thần tài lộc Kubera, tượng voi thần...) và nhiều loại gốm sứ nhãn hiệu Trung Quốc, Đại Việt và Trung Đông có niên hiệu từ thế kỷ 2 tới 14 được đào lên từ lòng đất chứng tỏ Lâm ấp (thời kỳ Chăm Pa) trước Hội An (thời Đại Việt), từng là một thị trường buôn bán sầm uất.

Hội An nổi tiếng vì nằm gần tuyến đường biển quốc tế rất thuận tiện đối với các thương thuyền tại vùng biển Đông. Ở đây người ta nhận thấy hai dịch vụ quan trọng nhất là buôn bán "tơ lụa" và "gốm sứ" của các thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm La, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh và Pháp .
Theo Thích Đại Sán trong Hải ngoại Ký sự thì số lượng tàu thuyền ra vào bến cảng tấp nập đến nỗi cột buồm của chúng được ví "như rừng tên xúm lại"; còn hàng hóa theo Lê Quí Đôn trong quyển Phủ Biên Tạp Lục thì "không thứ gì không có", nhiều đến mức cả trăm chiếc tàu lớn chở cùng một lúc cũng không hết được.
Vào thời kỳ đó, Hội An được coi là thương cảng quốc tế phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á; là cơ sở kinh tế trọng yếu của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Tác giả Phan Khoan trong quyển Lịch sử Đàng Trong có ghi lại nhận xét của mình: "Nguyên nhân cho một Hội An phồn thịnh trong lịch sử đó là chính sách của các Chúa Nguyễn ở Nam Hà, đi đôi với việc khai khẩn đất đai phương Nam, đã đồng thời mở cửa tiếp xúc với các nước khác, Á cũng như Âu, giao thiệp buôn bán với họ để thu dụng những tài năng, phẩm vật và những gì mới lạ về khoa học, kỹ thuật."
Vì thế, một số triều đại chúa Nguyễn đã khuyến khích người Tàu, Nhật và châu Âu đến buôn bán. Năm 1636, Abraham Duijecker, người Hòa Lan đầu tiên đã mở cửa hàng

tại Hội An. Đến năm 1695, Thomas Bowyear đại diện cho Công ty Anh quốc đưa tàu buôn Delphin đến Hội An và thành lập tại đây một cửa hàng buôn bán.
Tuy nhiên, chúa Nguyễn thường có cảm tình với các thương gia gốc Á Châu, dành cho người Hoa và Nhật được nhiều đặc ân hơn trong việc xây dựng phố Tầu, phố Nhật để kinh doanh; được phép xây đình chùa, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp trên đất Hội An. Hơn thế nữa, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) đã gả con gái mình (tên tục là Quận chúa Anio) cho một nhà buôn Nhật có thế lực lúc bấy giờ tên là Araki Shutaro (1619). Sau đó chúa Nguyễn ban cho chàng rể tên dòng họ của mình là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng.

Trong thời gian này, một chủ tàu buôn người Nhật tên Furamoto Yashishiro đã được công nhận là Thị trưởng Hội An đầu tiên trong lịch sử Đàng Trong. Các thị trưởng ngoại quốc này có ảnh hưởng khá lớn đối với vương quyền, đến độ họ có thể che chởû giám mục Alexandre de Rhodes, trong thời kỳ nhà Nguyễn bách hại đạo Thiên chúa.     
Năm Nhâm Dần (1602), Thái Tông lập dinh trấn Quảng Nam ở làng Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn và giao cho Công tử trưởng là Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ. Hội An trở thành thương cảng có tiếng nhất của Thuận Hóa và Quảng Nam từ thời điểm này.
Sự phồn thịnh của Hội An đã được giáo sĩ Chistoforo Borri ghi lại vào năm 1618:

"Thành phố rộng rãi, có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia thì người Nhật Bản ở" và "Người Trung Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ". Quan trọng hơn hết: "Do chợ này mà Quốc Vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích".
Chính sách mở cửa giao thương cùng với sự dồi dào sản vật địa phương là hai nguyên nhân đưa Hội An vượt xa Phố Hiến ở Đàng Ngoài.

Trong Phủ Biên Tạp Lục có ghi: "Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hóa không thứ gì không có". Với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được bảo trì và ghi vào lịch sử văn hóa của nhân loại, ngày 4-12-1999, Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh sách các di sản Văn hóa của thế giới

2- Một số di tích tiêu biểu của thành phố cổ Hội An

2.1-Chùa Cầu

Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tai, Chùa Cầu qua nhiều lần trùng tu bị mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản nguyên thủy. Thay vào đó người ta thấy chùa có hình dáng giống kiến trúc của Việt Nam và Tầu. Chùa Cầu hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắc qua con lạch thông ra sông Hoài, có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều nét vẽ tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán "Lai Viễn Kiều" (cầu của những người bạn từ xa đến). Tên này do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719.

Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, một vị thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù, một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở Nhật Bản. Mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt và động đất. Vì vậy, ngoài việc xây cầu nhằm mục đích phát triển sự giao thông, người xưa còn muốn trấn yểm loài thuỷ quái để bảo vệ cuộc sống an bình. Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.

2.2-Chùa Ông

Chùa Ông được xây dựng năm 1653, đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Công trình kiến trúc chùa Ông khá uy nghi. Tại đây người Hoa thờ tượng Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung - tín - tiết - nghĩa) nên còn có tên là Quan Công Miếu. Chùa Ông là trung tâm tín ngưỡng của Quảng Nam ngày xưa và cũng là nơi các thương gia đến để cam kết trong việc vay nợ, buôn bán, làm ăn và xin xăm cầu may.

2.3-Quan âm Phật tự Minh Hương

Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ, có kiến trúc và quang cảnh xinh đẹp. Tại đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sản do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Bồ Tát khác. Trong những ngày lễ và ngày rằm thường có rất nhiều người đến khẩn cầu.    

2.4-Hội quán của người Hoa

Theo phong tục, tại mỗi làng của VN người dân thường xây một ngôi đình để làm nơi cúng tế và tổ chức các lễ hội hàng năm. Người Hoa cũng vậy, di dân tới quốc gia nào họ đều xây dựng một hội quán cho dòng họ hay Bang để sinh hoạt. Một số hội quán được biết tiếng tại Hội An gồm:
- Hội quán Phúc Kiến
Theo truyền khẩu, Hội quán trước đây là một gian miếu nhỏ thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) được vớt tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán ngày càng trở nên khang trang và trở thành một trong các công trình

văn hóa của Hội An. Bên trong thờ 6 vị Tiên Hiền (lục tánh), bà mụ và thần tài ... Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 Âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) ... tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều người tới tham dự. Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia ngày 17.2.1990.

-Hội quán Triều Châu

Hội quán được người Hoa bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba Tướng quân Mã Viện, một vị thần giỏi chế ngự sóng gió, giúp cho việc di chuyển buôn bán trên biển được an bình. Hội quán có giá trị đặc biệt về kiến trúc với bộ khung gỗ, hoạ tiết, hương án chạm trổ tinh xảo và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.

-Hội quán Quảng Đông

Hội quán được người Hoa Bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885. Ban đầu hội quán dùng để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử. Sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và các bậc Tiền bối của Bang. Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình.

-Hội quán Ngũ Bang

Hội quán Ngũ Bang còn có tên là hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán, do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741 để làm nơi thờ tự Thiên Hậu Ngũ Bang.    

2.5-Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch

Được xây dựng vào năm 1995, bảo tàng lưu giữ trên 430 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18. Hầu hết gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung-Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.

2.6-Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh

Bảo tàng là nơi tàng trữ các di ảnh và di vật của người dân thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Tại đây trưng bày 216 hiện vật văn hoá có niên đại trên dưới 2000 năm được phát hiện qua các đợt khảo sát và khai quật tại các địa điểm: Hậu Xá, Thanh Chiêm, An Bàng, Xuân Lâm ... từ năm 1989 đến năm 1994. Các hiện vật tại bảo tàng viện này được đánh giá là công trình sưu tập độc đáo nhất của Việt Nam về văn hoá Sa Huỳnh.

2.7-Phố Cổ Hội An

Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hội An đã được thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Phổ biến nhất là: Faifo, Haisfo, Hoài phố, Ketchem, Cotam... Các di chỉ khảo cổ, các hiện vật và công trình kiến trúc còn lưu lại đã chứng minh Hội An là nơi hội tụ, giao lưu giữa nhiều nền văn hoá như: Chăm, Việt, Hoa và Nhật Bản ... trong đó chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của hai nền văn hoá là Việt Nam và Trung Hoa.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng di tích kiến trúc cổ, gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng cầu, nhà thờ dòng tộc, bến cảng, chợ... và những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ.
Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh lam thắng cảnh. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
3-Thực phẩm nổi tiếng của Hội An

3.1-Hoành thánh

Tương truyền, vua Càn Long bị giặc cướp rượt đuổi, lạc đường và bụng đói. Ngài vào một quán nhỏ nhưng không còn thức ăn. Quán chỉ còn trứng gà, một ít bột mì và tôm nên bọn tùy tùng phải lấy trứng trộn với bột, bọc tôm, rồi nặn thành bánh, một món ăn mà từ trước chưa ai làm. Vua ăn xong thấy ngon bèn đặt ngay cho một cái tên là "hoành thánh".

Để ăn hoành thánh nước, bánh được lót lá chuối đặt trên cái xửng rồi cho vào nồi hấp chín lớp vỏ. Nước súp được nấu bằng xương heo nhiều nạc. Nấm rơm, su, thơm... cho vào nồi nấu chín rồi giảm lửa. Khi ăn, bánh được trụng lại cho thật chín, để vào tô. Để tăng độ ngon, hoành thánh nước nên kèm một ít sa tế, tóp mỡ chiên vàng và hành ngò.

Vào mùa mưa, người Hội An thường ăn hoành thánh chiên. Bánh được gấp 4 mí vuông vức, chiên ngập trong chảo dầu cho chín vàng và dòn. Khi ăn, xếp bánh ra đĩa, bên dưới rải một lớp xà lách, cà chua mỏng và rau thơm, rồi chan nước súp lên trên.
Còn một món hoành thánh khác là hoành thánh mì, làm tương tự như hoành thánh nước nhưng có thêm mì sợi.

3.2-Bánh tráng đập

Người dân miền Trung, nhất là vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thích ăn bánh tráng đập, để thay đổi các món có nhiều chất béo và mau ngán như các loại thịt, cá... Bánh tráng đập gồm 2 lớp, lớp bánh tráng nướng tương đối mỏng đường kính khoảng 20cm có mầu hơi vàng. Khi ăn, người bán trải trên bánh một lớp bánh tráng mỏng mềm và dẻo, có độ lớn tương đương rồi dùng cạnh bàn tay để đập xấp bánh này làm đôi. Phần bánh tráng nướng dòn nên bị vỡ, phần bánh tráng mỏng có dộ dẻo nên giữ bánh tráng nướng không bị rơi ra ngoài. Bánh tráng mỏng phải trắng và dẻo, làm từ gạo thơm. Có nơi người ta thoa lên bề mặt của bánh ướt một ít dầu phụng đã phi hành, tỏi rất thơm.

Ở các vùng nông thôn như Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang người dân quê thích ăn loại bánh tráng đập to và dày hơn (trên 30cm). Bánh tráng đập chấm với mắm nêm hoặc mắm cái mới ngon. Bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo lại vừa thơm.

3.3-Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai lớp ngoài bọc bằng bột nếp trộn đường và nước lá gai để có màu đen bóng. Nhân làm bằng đậu xanh không vỏ có màu vàng. Bánh ít lá gai và bánh su-sê đều được bọc bằng lá chuối màu xanh. Nhìn bên ngoài, bánh gói có chóp nhọn là bánh ít lá gai, còn dẹp là bánh su-sê.
Để giữ cho vỏ bánh có màu xanh, khi hấp bánh không để lửa cháy quá lớn hay quá nhỏ và phải canh giờ để vớt bánh ra. Tuy cùng nguyên liệu, nhưng mỗi loại bánh có một hương vị đặc biệt. Bánh ít lá gai có vị ngọt của đường, bùi béo của bột nếp và hơi đăng đắng mùi lá gai. Bánh su-sê khi ăn có vị thơm của cốt dừa và những sợi dừa tươi hòa trong nhân bánh khi nhai nghe sừn sựt, béo ngậy.

3.4-Bánh Su-sê

Bánh Su-sê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng kèm theo lời nhắn:
Từ ngày chàng bước xuống ghe,
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu.

Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới, nhằm nhắc nhở các đôi vợ chồng phải đề cao sự thủy chung.
Bánh Su-sê có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Bánh cũng được bao bọc bởi một lớp lá chuối giống như bánh ít lá gai. Là một trong những loại đặc sản được bày bán nhiều nơi ở Hội An. Bánh Su-sê nguyên liệu như bánh ít, nhưng không sử dụng với lá gai mà trộn với nước cốt dừa, trang trí thêm bằng cơm dừa bào sợi nhỏ

3.4-Cao lầu

Nguồn gốc của món cao lầu đến nay vẫn là đề tài bàn tán của nhiều người. Có người cho rằng cao lầu xuất xứ từ xứ sở hoa anh đào (Nhật Bản), có nét giống món mì ở vùng Icé (Ice udon). Có người lại cho rằng cao lầu xuất phát từ Trung Hoa. Những người Hoa ở Hội An không công nhận đây là món ăn truyền thống của họ. Dù có nguồn gốc từ đâu thì cao lầu vẫn là món ăn riêng có của Hội An và ngày càng được nhiều thực khách biết đến.
Sợi cao lầu được cán từ bột gạo ngâm với nước tro, hấp qua 3 lần lửa, nên cứng và có màu vàng tự nhiên. Nhân cao lầu chủ yếu là thịt xá xíu, trộn với ít tép mỡ chiên dòn. Cao lầu ăn với rau sống, xì dầu và tương ớt. Chế biến Cao lầu vẫn là nghề bí truyền. Có người nói rằng, ngày xưa người ta phải ra tận đảo Cù Lao Chàm lấy củi đốt thành tro đem về ngâm với nước giếng Bá Lễ ở Hội An thì mới chế biến được sợi cao lầu ngon như ý .

3.5-Mìø Quảng

Mì Quảng, từ lâu đã được biết đến như món ăn đặc trưng của vùng đất Quảng Nam. Bây giờ, ngoài Quảng Nam, nhiều nơi cũng có quán mì Quảng. Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo thành bánh tráng rồi thái thành sợi. Nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại khác nhau như: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua... Người ta cũng làm cả mì chay dành cho giới tu hành. Dù làm bằng nhân gì đi nữa, mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm và rau quế.

4-Thủ Công Nghiệp

Về hàng thủ công, Hội An xuất khẩu đi các nước gồm tơ lụa, hàng gốm và gỗ... Gốm Cochi (Giao Chỉ) được người Nhật ưa thích và đưa về nước là gốm Thanh Hà xứ Quảng. Người thợ mộc Kim Bồng làng Cẩm Kim và người làm gốm thuộc làng Thanh Hà còn nổi tiếng với những công trình kiến trúc gỗ tuyệt mỹ hiện còn lưu lại trên từng mái nhà và góc phố Hội An. Bàn tay tài hoa của họ còn góp phần trong các công trình xây cất tại kinh thành Huế.
Theo sưu tầm, hiện có 12 ngành nghề chính đang hoạt động tại Hội An gồm: Mộc, gốm mỹ nghệ, lồng đèn nghệ thuật, đan lát mây tre, chằm nón, dệt chiếu, dệt vải, thêu thùa, may mặc, sơn mài, chạm khảm gỗ ...

5-Lễ Hội

5.1-Lễ hội Cầu Bông, Hội An

Cứ vào mùng 7 tháng Giêng, nông dân làng rau truyền thống Trà Quế - Hội An lại cúng lễ Cầu Bông. Cầu Bông là một lễ hội cầu mưa cho làng trồng rau. Tập quán này có từ thuở người dân vào xứ Quảng khai khẩn đất đai và khám phá vùng đất này rất thích hợp trong việc trồng rau mùi.
Người dân không chỉ tập trung để cúng tế tại đình, mà cả làng và mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm lễ vật để Cầu Bông. Lễ vật cần phải có là một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, năm đĩa xôi hồng trên cắm năm cái bông rực rỡ và một ly rượu trắng.

5.2- Nghi lễ mở mùa

Từ sớm tinh mơ, trống chiêng khua vang, mọi người tụ hội về đình Tiền Hiền để nghinh thần. Kiệu có hoa quả tươi, lư hương và án thờ được bốn chàng trai làng vận lễ phục khiêng đi. Trước đoàn rước là hai hàng cờ, biển, sau kiệu thần là trống chiêng, đội gia lễ, đội cổ nhạc, các nghệ nhân và bô lão trong sắc phục áo dài khăn đóng. Lễ nghinh thần của nông dân Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ vận áo dài, tay dâng mâm ngũ quả.
Đoàn nghinh thần vừa đến đình, các bô lão tiến hành lễ cúng đất và cúng âm linh theo nghi thức truyền thống. Bàn thờ cúng đất đặt trước và đối diện với bàn cúng chính. Trên bàn bày hoa quả, gạo muối, thịt heo, áo giấy và văn tế âm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, đến lúc được nghỉ ngơi, người nông dân luôn ngưỡng vọng về ân đức của ông bà, tổ tiên.

Tiếp sau đó, mọi người bước vào phần tế lễ chính thức. Theo người dân nơi đây, gà giò cúng phải là gà trống, nuôi vừa mới lớn, có màu lông đẹp, được luộc hết sức cẩn thận; da, gân phải còn nguyên vẹn. Văn tế có nội dung tôn vinh, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những người đã khai hoang, lập nên làng rau truyền thống trong hơn 500 năm qua. Sau khi lễ tế xong, các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà. Nếu gặp giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi. —————————————
Tài liệu tham khảo:
1.http://myhoian.com/index.php?nv=News&at=article&sid=28
2.(http://www.hoianhandicraft.com/products/index.php?act=vie &code=prod&id=18