Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Theo phong tục cũ, khi người con trai nhà nghèo không đủ tiền bạc để hỏi cưới một cô gái nhà giầu và khi người con gái đã lỡ yêu chàng trai bần cùng rồi, thì cha mẹ nàng thường bắt chàng phải ở rể khoảng 3 năm, theo kiểu làm công như một hình thức lễ vật. Nhưng cuộc đời lắm lúc đảo điên, nhiều khi chưa hết hạn, cha mẹ nàng trở mặt gả nàng cho người khác!

Vì thế dân Việt mới có hai câu ca dao dưới đây nói lên sự chán chường của người con trai sinh ra phải làm kiếp con nhà nghèo:
Công anh đắp đập be bờ,
Để cho thằng khác đem lờ đến đơm!
(có chỗ ghi: "thằng phải gió")

Rơi vào trường hợp như trên, chắc người con trai nào mà chẳng muốn đổi kiếp người?
Nhưng, các bạn trai đừng lo, muốn thoát cảnh đời đen bạc và phong tục khó khăn trên, các bạn có thể lên xứ Thượng làm kiếp con người dân tộc thiểu số, nơi mà các chàng trai không cần phải là con nhà giầu mà vẫn có vợ; nơi mà người phụ nữ muốn có chồng phải có tiền bạc, của cải và lặn lội đi "bắt chồng".
Để con cháu trai của ông Adam thoát cảnh sinh ra làm kiếp con nhà nghèo mà vẫn lấy được con cháu gái nhà giầu của bà Eva, mời các bạn trai hãy đọc "những câu chuyện tình của dân miền sơn cước":
Theo truyền thống mẫu hệ, người con gái Chu Ru, Cil, Kơ Ho... muốn có chồng phải đi bắt chồng. Nàng cũng rơi vào tình trạng phải có số tiền hay vàng nộp theo yêu cầu thách cưới của nhà trai. Vàng thì tuỳ theo số lượng (người miền Nam gọi là cây) nhà trai đòi. Số tiền sẽ lên tới khoảng từ hai chục triệu, ba chục và thậm chí năm, bảy chục triệu đồng để có một tấm chồng. Giống như phong tục cũ của người Việt miền bắc, nhiều cặp vợ chồng trẻ và nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã lâm vào cảnh bần cùng ngay sau ngày cưới chồng cho con gái.
P’Róh là một xã khó khăn bậc nhất của huyện Đơn Dương. Đa số người dân ở đây là bà con dân tộc Chu Ru, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa, một số rất ít hộ dân bắt đầu nghề trồng rau để ăn và bán.
Xã có 871 hộ dân thì đã có tới 609 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chuẩn mới. Bà Ma Phương, vợ của già làng Ya Ngôn, là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhất ở P’Róh đã tâm sự:
"Khốn khổ cho những gia đình có đông con gái. Nghèo cỡ nào, cưới chồng cho con cũng phải mất hàng chục triệu!. Bản thân gia đình già làng Ya Ngôn cũng phải bỏ ra trên 30 triệu đồng mua sắm lễ vật thách cưới (vàng, vòng cườm, chăn và nhiều thứ vật phẩm khác) cho 3 cô con gái là Ma Xim, Ma Im và Ma Tim. Những cô gái nhà Ya Ngôn may mắn là đều bắt chồng ở các buôn làng cùng xã, nên lễ vật thách cưới có phần nhẹ hơn."

Trường hợp 1:

Mộng ước thành hôn có thể tan vỡ đối với bất cứ cô gái sinh ra phải làm kiếp con nhà nghèo nào lại yêu người bạn trai ở một xã hoặc huyện xa lạ và phải trao lễ vật theo yêu cầu của nhà trai. Chị Ma Nin ở buôn M’Lọn (thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương) đã phải nhờ bố mẹ bán trên 2.000 m2 đất trồng rau để mua sắm lễ vật thách cưới trên 30 triệu đồng mới lấy được anh K’Điếu ở xã Tà In ở huyện Đức Trọng. Phần đất được chia làm của hồi môn cho Ma Nin đã bán trước ngày cưới nên giờ đây, khi đã có 3 mặt con, vợ chồng K’Điếu vẫn phải còng lưng đi làm thuê cho người khác để kiếm miếng ăn qua ngày.

Trường hợp 2:

Ma H, con gái của Ma Ch là một cô gái thuộc hàng hoa khôi của vùng M’Lọn. Ngày còn học trường dân tộc nội trú Lâm Đồng, Ma H đã để ý và yêu chàng trai Ya Pia ở xã Tu Tra. Mới đây, khi Ya Pia trở thành thầy giáo của trường tiểu học phổ thông P’Róh thì họ đã tính chuyện sẽ kết hôn. Gia đình Ya Pia đánh tiếng và sau đã nói thẳng nếu gia đình Ma H không có 70 triệu đồng thì nhất định không được cưới con trai họ. Lý do là Ya Pia đã học hành tử tế nên có giá hơn nhiều chàng trai khác. Không thể xoay xở nổi một món tiền khổng lồ như thế, chị Ma Ch. đành cho con gái về thành phố Hồ đi học và cho đến bây giờ Ya Pia vẫn không thể yêu người khác, khi người mình thương đã đi xa buôn làng.

Ông K’Đăng, trưởng thôn Đa Huynh (nay là khu phố Đa Huynh, thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng) kể rằng, trong thôn của ông hiện còn có trên 20 cô gái K’Ho đã ngoài 20 tuổi, cái tuổi bị xem là đã quá muộn mằn đối với những người con gái dân tộc thiểu số, nhưng vẫn không có khả năng lập gia đình vì quá nghèo.
Cũng ở khu phố này, gia đình bà Ka Ros có 4 chị em gái đến tuổi lập gia đình, bố mẹ phải khuyên hai người chị nhường cho em đi "bắt chồng“ trước, vì không thể kiếm nổi những món thách cưới quá sức của gia đình các chàng trai!

Trường hợp 3: bắt chồng từ tuổi 15

Ở xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum), theo tục lệ dân tộc H’Lăng, trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học để lập gia đình. Các cặp "vợ chồng trẻ con“ ở riêng trong những ngôi nhà tranh vách đất, hoặc sống chung với cha mẹ, đã sinh ra những đàn con nheo nhóc.
Sinh năm 1991 nhưng Y Ă đã lấy chồng được mấy tháng. Cô cho biết: "Ở đây cứ đến tuổi 14 - 15 là phải bỏ học bắt chồng không thì "ế“. Mấy đứa trong làng cùng tuổi em nhưng bỏ học, bắt chồng trước em rồi. Học hành thì chỉ để biết con số, cái chữ giúp mình biết được đồng bạc mua bán, trao đổi khỏi lẫn lộn thôi, lấy chồng vui hơn...“.
Y Hàng (sinh năm 1982), chị của Y Ă cũng bắt chồng rất sớm, nay con lớn đã chín tuổi. Không riêng gì chị em Y Ă và Y Hàng. Cô hàng xóm Y Đương (sinh năm 1986), học xong lớp 4 thì bỏ học và đến cuối tuổi 15 thì bắt chồng. Hiện nay, con gái của Y Đương đã gần ba tuổi. Lập gia đình sớm vậy nên cô nào cũng nghèo. Con của Y Đương nhỏ tý, trông cứ như cây chuối rừng héo, vì bữa nào cũng chỉ ăn cháo, rau, trộn măng rừng.

Anh A Bier cho biết: "Năm nay thôn Rờ Kơi này có đến 5 cô bắt chồng ở tuổi trẻ con, gồm: Y Ă, Y Trà (sinh năm 1991), Y Đĩa, Y Thơk (1992) và Y Đuôi (1993). Y lớn nhất tròn 16 tuổi, Y nhỏ nhất (Y Đuôi) cưới chồng khi bước sang tuổi 14. Tất cả đều bỏ học khi mới đến lớp 5, cao hơn là lớp 6.
Toàn xã Rờ Kơi hiện có hơn 20 trường hợp bắt chồng ở độ tuổi dưới 15. Có trường hợp bắt chồng khi vừa bước sang tuổi 14 (Y Đuôi,1993). Nhiều cặp đã ở riêng trong các ngôi nhà tạm bợ vách đất, mái tranh; nhưng cũng còn nhiều cặp vợ chồng… trẻ con, sống chung với nhau trong nhà cha mẹ rất chật chội, sinh ra cả đàn con nheo nhóc. Biết vậy nhưng bọn trẻ ở đây vẫn đua nhau bỏ học để bắt chồng.

Các cặp vợ chồng tảo hôn này đều đơn giản cho rằng: "Bắt chồng là để chồng giúp làm nương, rẫy, bẫy thú, bắn chim, được cha mẹ chia đất, cha mẹ đang còn khoẻ mạnh cũng dễ giúp khi mình sinh con, đẻ cái.

Chị Y Pheng, cán bộ Phụ nữ xã Rờ Kơi cho biết: "chi hội phụ nữ xã chúng tôi thường xuyên bám cơ sở để tuyên truyền tác hại của việc lấy chồng sớm, vận động chị em bỏ hủ tục lạc hậu. Nhưng nghe hay không lại là quyền của các cháu. Nhìn các cháu nhỏ tuổi đói khổ, tay xách nách bồng mấy đứa con, thương cái bụng lắm, nhưng rồi nói mãi các cháu đâu có nghe. Nhiều cặp vợ chồng trẻ con cưới nhau 5 - 7 năm sau mới đăng ký kết hôn. Nhưng cũng trường hợp không biết kết hôn là gì và sinh con ra cũng không làm cả giấy khai sinh. Chúng tôi phải đến từng gia đình vận động, thì họ mới chịu đi đăng ký và làm khai sinh, khi trẻ đã 3, 4 tuổi“.
Theo chị Y Pheng, hiện tượng trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học bắt chồng sớm theo tục lệ không chỉ có ở Rờ Kơi, mà xảy ra cả ở các xã lân cận khác trong huyện Sa Thầy như Ya Ly, Ya Tăng, Mo Rai và Ya Xia. Biết đây là một hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các cháu, nhưng các cấp hội phụ nữ chịu thua.
Toàn xã Rờ Kơi có 740 hộ với 3.381 nhân khẩu, do địa hình chủ yếu là đồi núi, có đến 426 hộ nghèo (chiếm 57,56%). Phần lớn các đối tượng nghèo đều do bắt chồng quá sớm, sinh đẻ không kế hoạch (kéo theo bệnh tật, ốm đau). Chưa ai có thể trả lời, bao giờ hủ tục này mới chấm dứt, để trẻ vị thành niên không sớm sa chân vào đói nghèo..

Trường hợp 4

Người Bơ-noong là một trong những nhóm địa phương của dân tộc Giẻ-Triêng, có tiếng nói thuộc ngôn ngữ Môn-Khơ-me (Ngữ hệ Nam Á). Địa bàn cư trú của người Bơ-noong hiện nay tập trung ở hai tỉnh: Kon Tum và Quảng Nam. Hoạt động kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ.
Người Bơ-noong ở Quảng Nam hiện có 13.013 người cư ngụ trên địa bàn các huyện miền núi bắc và nam Trà My khoảng 1.951 người, huyện Hiệp Đức khoảng 593 người. Riêng tại huyện Phước Sơn, người Bơ-noong sống rải rác suốt từ nguồn nước Mỹ Sang đến huyện Dăm Glei (tỉnh Kon Tum) như: Phước thành, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Đức... và một phần của thị trấn Khâm Đức, dân số khoảng 10.469 người, chiếm 65% dân số toàn huyện. Hiện nay, người Bơ-noong cư trú lâu đời và đông đúc nhất là địa bàn huyện Phước Sơn.

Người Giẻ-Triêng nói chung và người Bơ-noong nói riêng có nhiều lễ nghi liên quan đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng…; nhưng đặc sắc và mang dấu ấn trong cộng đồng người Bơ-noong (huyện Phước Sơn) là lễ ăn mừng được mùa (La pôm) và lễ ăn mừng chiến thắng (Pơ truh). Thông qua hai lễ này, nhất là trong lễ Pơ truh, người Bơ-noong còn có tục bắt chồng.  

Người Bơ-noong huyện Phước Sơn từ xưa đến nay theo chế độ mẫu hệ. Trong hôn nhân, người con gái Bơ-noong đóng vai trò chủ đạo tìm kiếm người chồng tương lai của mình mà không có sự ép duyên. Nếu con ngồi đâu là bố mẹ đồng ý ở đó và được hội đồng già làng chấp thuận là làm lễ cưới. Tục bắt chồng là do người con gái quyết định. Đây là nét đẹp văn hoá hiếm thấy so với các dân tộc vùng Trường Sơn, Tây Nguyên.
Khoảng từ 7 - 10 ngày trước khi diễn ra lễ ăn mừng chiến thắng, cha mẹ của người con gái bí mật gặp hội đồng già làng để thực hiện tục bắt chồng ngay trong lễ ăn mừng chiến thắng. Căn cứ vào việc chọn lựa của cô con gái mà tục bắt chồng có được thực hiện hay không (cũng do hội đồng già làng quyết định). Thường hội đồng ấn định cô gái rụt rè, nhút nhát, không biết dệt vải, lao động kém thì được sắp xếp lấy chàng trai khoẻ mạnh, siêng năng, lao động giỏi... còn cô gái đẹp nết, đẹp người, siêng năng… được hội đồng già làng ấn định với chàng trai lao động yếu, sức khoẻ kém. Trong lễ ăn mừng chiến thắng thường có từ 2 - 3 cô gái bắt chồng. Tục bắt chồng được thực hiện bí mật chỉ có cha mẹ, họ hàng nhà gái và hội đồng già làng biết, dân làng kể cả chàng trai và nhà trai không hề hay biết. Đúng là cảnh đổi đời: "thân anh như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai!"

Lễ ăn mừng chiến thắng được tổ chức từ 2 - 3 ngày, thì tục bắt chồng được thực hiện vào ngay đêm thứ 3 tiếp đó. Ngày hôm thứ 3, hội đồng già làng họp lại cử từ 3 - 5 thanh niên khoẻ mạnh, 2 - 3 cô gái tham gia vào cuộc bắt chồng (những nam, nữ này cũng được hội đồng già làng dặn dò kỹ, không được tiết lộ cho ai biết). Từng tốp nam, nữ bí mật đi tìm bắt chàng trai đó, cho dù chàng đang vào rừng săn bắn, đang tắm dưới suối, đang chơi ở nhà bạn bè, hoặc đang đi chơi ở đâu đó. Họ tìm và bắt chàng trai dẫn bộ (hoặc có thể khiêng nếu chàng trai đó chống cự) về nhà rông, nơi hội đồng già làng, cha mẹ, họ hàng nhà gái và bà con trong làng đang tụ tập để ăn uống vui chơi chuẩn bị chấm dứt lễ ăn mừng chiến thắng.

Tại nhà rông, hội đồng già làng làm lễ ăn thề, lễ vật gồm một con gà và ít rượu cần. Già làng dùng que tre chấm vào chén rượu cần vung lên đầu của chàng trai và cô gái, lấy huyết gà làm phép rồi bôi lên trán của chàng trai và cô gái đó. Tiếp đến, già làng nâng chén rượu cần đưa cô gái uống trước, chàng trai uống sau và chén rượu cần đó hai người phải uống hết. Gia đình, họ hàng, bạn bè thân thuộc, người thân trong làng cứ thế mời chàng trai và cô gái uống rượu với những lời cầu chúc tốt lành. Đến khi hai người thấm say, họ khiêng chàng trai và cô gái đó vào góc của nhà rông cho nằm kề nhau rồi lấy tấm choàng (dồ) đẹp nhất đắp lên cho hai người trong tiếng reo vui, mừng rỡ của gia đình, bạn bè, dân làng. Đến đây, tục bắt chồng được hoàn thành.

Từ đó, họ đến nhà nhau giúp hai bên cha mẹ việc nương rẫy hoặc kiếm củi chờ ngày tổ chức đám cưới sẽ diễn ra sau đó khoảng từ 2 - 3 tháng.
Theo luật tục của người Bơ-noong thì tục bắt chồng đã được quy định rõ và rất khắt khe. Nếu chàng trai vì lý do nào đó hoặc bỏ trốn mà không đồng ý cô gái đó (vợ mình) thì thường bị phạt rất nặng, có thể phạt từ 2 - 3 con trâu, kèm cả heo, gà làm thịt cáo lỗi với hội đồng già làng, với cha mẹ, họ hàng nhà gái và toàn thể dân làng, hoặc có khi đền bù cho nhà gái cả chiêng, ché, đồ trang sức quí giá.

Trường hợp 5: bó củi hứa hôn (Dân tộc Giẻ Triêng - Xơ Đăng - Rơn Gao)

Hầu hết các cô gái ở tuổi 14-15 đã ý thức được tục lệ bắt chồng. Khi làm rẫy các cô biết chặt những bó củi để dành làm lễ vật. Loại củi dài khoảng 0,80m đẹp và đều, gỗ dễ cháy. Họ đưa về để loại củi này ở một nơi riêng, không lẫn lộn với củi đun hàng ngày. Có những trường hợp củi phải chuẩn bị hàng hai ba năm.
Ngày xưa, người con gái bắt buộc phải có 100 bó củi mới bắt được chồng. Ngày nay con số này có giảm đi. Trong hôn nhân của người Gié Triêng thì củi là quan trọng nhất. Muốn bắt chồng phải có củi.

Người con gái yêu ai thì tìm cách đánh tiếng trước. Nếu người con trai đồng ý thì tối đến anh chàng tự nguyện đến tâm sự với người con gái tại nhà Rông. Sau vài tuần lễ, người nhà gái mang củi sang nhà trai xếp thành đống để làm lễ loong (lễ hứa hôn). Người ta vẩy rượu lên đống củi, khấn vái thần linh phù hộ cho đôi vợ chồng sinh được nhiều con cái khoẻ mạnh. Trong lễ này, nhà trai tặng nhà gái một số đồ đan, nhà gái tặng nhà trai những sản phẩm dệt. Sau đó, lễ cưới được tổ chức.
Thế mới biết làm trai sinh ra phải kiếp con nhà nghèo người Kinh luôn than phận đời là khổ! Nhưng làm thân trai nơi xứ Thượng chả bao giờ sợ "ế".
Như vậy, một cuộc cách mạng đổi đời hoặc thay chỗ ở có khi đem lại cho chàng hay cho nàng cuộc sống hạnh phúc hơn.   n
.......................
Tài liệu tham khảo
-Truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam, tập II
-http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2007/11/752945h
-http://www.kontum.gov.vn/news/news.php?pageid=0000000579&topicid=htt
-http://www.thuviendongnai.gov.vn/c/portal/layout?
-http://members.cox.net/phamhungson/xmas03/kontum.htm