Dân Chúa Âu Châu

Khi nói tới nghệ thuật ca hát dân gian của đồng bào miền Nam, nếu người ta chỉ chú trọng tới sáu câu vọng cổ, những bản nhạc tài tử và hoạt cảnh của tuồng cải lương mà thôi thì chưa hẳn đã nói hết về nền văn hóa của miền Nam. Người ta còn phải kể đến dân ca, một kho tàng văn học, nguồn sống văn hóa bao la đã ăn sâu vào tâm hồn người dân trong nhiều thế kỷ; kể từ khi miền Nam được thành hình và cai trị bởi các vua nhà Nguyễn. Nếu dân ca miền Bắc đã đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ thời kỳ giữ nước, dựng nước và phát triển đất nước trong hàng trăm thế kỷ, thì dân ca miền Nam cũng phong phú và có một vị trí không thua kém.

 

Những câu hò tiếng hát phát xuất từ nông thôn hay thành thị được ai đặt ra, ai hát và truyền tụng trong dân gian đến ngày nay không ai biết. Cũng như ca dao và tục ngữ, người ta khó tìm ra lịch sử khai sinh của chúng.
Trong bài này chúng tôi không có tham vọng đi tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển dân ca miền Nam, mà chỉ ghi nhận một số nét đặc sắc của một số câu hò tiếng hát có ảnh hưởng sâu xa và tạo cho cuộc sống của người dân thêm thắm tình quê, đậm tình người và nồng nàn tình dân tộc.

 

Câu ca tiếng hò của dân miền Nam, quê hương của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những rừng dừa xanh bát ngát và những vườn trái cây um tùm đầy trái. Những nét đẹp của thiên nhiên và đồng ruộng tạo cho người dân có một tâm hồn ngây thơ, thanh thản. Sự mầu mỡ của đất đai, sự dư giả của hoa trái và thủy sản v.v… cũng ảnh hưởng không ít tới tính vị tha, cởi mở và yêu đời của người dân lục tỉnh.

 

Phải chăng phong cảnh thiên nhiên vốn tràn đầy nét đẹp thơ mộng, nên càng khơi nguồn cảm hứng trong ca hò với âm điệu dạt dào và trữ tình, chắp cánh cho những hoài bão ước mơ trở thành hiện thực, mà nếp sống sung túc của người dân là một biểu tượng chứng minh cái thị vị, sự ngọt ngào và lai láng của dân ca miền Nam.
Chúng ta thử nghe một vài câu hò nói lên sự thủy chung cao quý của tình yêu của vùng phía Đông miền Nam như:

 

Hò ơi...
Nho nhỏ như ai,
chớ còn nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng.
Dẫu cho nước Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn,
thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền... ơ..
Hay, chúng ta thử nghe những lời than trách của chàng trai đối với cô thôn nữ miệt vườn qua điệu hò

 

Trà Vinh:
Hò ơi...
Tay cắt tay bao nỡ...
ruột cắt ruột sao đành!
Một lời thề biển cạn non xanh.
Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành,
Qua không bỏ bậu ơ ơ... mà sao Bậu đành bỏ Qua ơ ơ...
Như vậy, ca hò miền Nam được gắn liền với khung cảnh thiên nhiên tươi mát, với biển cả, sông ngòi, một hình ảnh êm ả, phẳng lặng và dễ yêu. Âm điệu của các thể loại ca hò giống nhau về chi tiết láy ở địa phương. Nhưng các âm điệu giữa câu, hay kết cấu toàn bộ có đôi khi cũng khác nhau.

 

Ví dụ:

Ca hò Đồng Tháp thường kết ở một nốt thuộc "át âm", tuy cùng một điệu thức "sol", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc Liêu, hò Gia Ninh, lại dùng nốt chủ âm để kết hoàn toàn.
Việc kết cấu các câu hò, dĩ nhiên, tuỳ vào phong tục cũng như nếp sống người dân của từng địa phương và đôi khi còn bị chi phối bởi ảnh hưởng của thời cuộc. Thông thường nội dung lời hò giữ vai trò quyết định. Giai điệu hò lúc cất lên cao hay hạ trầm xuống một cách đều đặn và nhẹ nhàng không ngoài mục đích diễn tả tâm tình thầm kín hay kêu gọi lòng nhiệt huyết đối với đất nước và dân tộc.
Thực tế cho thấy khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được chính quyền thì ở Nam Kỳ Việt Nam, ngoài những loại hò mộc mạc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng.
Sau đây là một đoạn của hò quốc sự.

 

Nữ (vấn):
Hò ơi! Trên đời mọi vật bẩn nhơ,
Đều nhờ rửa nước trở nên trong lành.
Đến khi nước phải nhơ tanh,
Lấy gì mà rửa xin anh phân cùng...

 

Nam (đáp):
Hò ơi! Em ơi trải bao thế hệ oai hùng,
Nước nhà lâm nạn anh hùng ra tay.
Hy sinh bao quản thân dài,
Máu đào từng rửa, "nước" rày thành trong...
Phần lớn nội dung của câu hò dựa trên thể thơ lục bát. Khi diễn tả có thể người ta giữ nguyên thể này hoặc thêm bớt một số chữ để hợp với âm điệu của câu hò. Vì thế những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Tháng bảy âm lịch, thường là mùa cấy rộ và cũng là lúc mà các phường (hội) trồng cấy có dịp trổ tài. Nam nữ vừa cấy giỏi lại vừa hò hay. Kết quả là sau những lần gặp gỡ, biết mặt và biết tài nhau, sau ngày mùa gặt hái trai gái tiến đến giai đoạn trao nhau lời hẹn hò và đi tới hôn nhân.

 

Bên những điệu hò trữ tình và quyến luyến, dân ca miền Nam còn bao gồm những bài hát Lý (hay những điệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan, yêu đời. Các nhịp điệu phong phú và sinh động.
Một trong các bài dân ca nổi tiếng của miền Nam là bài Lý ngựa ô. Bài này không chỉ được hát trong các dịp lễ của dân chúng mà còn được nam nữ hát đối nhau trong các tiệc cưới nhằm tạo nên bầu khí vui nhộn trong bữa tiệc của cả một đời người.

 

Lý (*) con ngựa... ngựa ô,
Lý con ngựa... ngựa ô,
Ngựa ô ăn khớp, ngựa ô ăn khớp,
Ăn khớp cây kiệu vàng,
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm
Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Là anh í a đưa nàng… anh đưa nàng về dinh,
Là anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh.

(*) có chỗ ghi là "khớp’’Nhưng cũng có khi, Lý lại được thêu dệt chút ít màu sắc man mác trữ tình như bài Lý Lu Là:
Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!
Bỏ buồn cho nàng ơi! Mà cho ai?
Bỏ buồn cho nàng ơi! Mà cho anh!
Cách vận dụng các điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại Lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ. Hiện nay, các cơ sở nghiên cứu đã sưu tầm và xếp loại hơn 40 điệu Lý. Một số điệu nổi tiếng như: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý cây bông, Lý chúc rượu, Lý chia tay, Lý cây gòn, Lý con chuột, Lý bình vôi v.v...

 

Mỗi điệu Lý nói trên đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc của các điệu Lý gồm nhiều vẻ và hình thức độc đáo khác nhau. Chúng rất quen thuộc với phong thái cổ truyền của quần chúng qua nhiều thế hệ.

 

Trong tiến trình cải biến và bổ sung, dĩ nhiên có một số chủ đề trong các điệu Lý được sáng tạo, nâng cao giá trị. Trong số ấy, chúng ta có thể lấy bài Ru con làm ví dụ.
Từ bài Lý giao duyên của vùng Trị Thiên, bài Lý giao duyên của Nam Bộ đã cải tiến hoàn chỉnh hơn dưới một tựa đề mới là Ru con. Lời bài hát Ru Con, dân ca Nam Bộ:

 

1- Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
Năm (ơ) canh chày, năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm
Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời, hỡi con!
2- Đến mùa xuân trong cơn mà gió ấm
Cha (ơ) con về, cha (ơ) con về, con nắm tay cha
Hỡi nàng nàng ơi, hỡi người người ơi
Tôi nhớ tới người, tôi nhớ tới người
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời, hỡi con!  
Toàn bộ nội dung của bài hát được diễn tả trong bẩy câu. Chỉ với 7 câu thôi, nhưng cũng đủ để vẽ nên một bức tranh âm thanh tuyệt diệu. Giữa một đêm thu tĩnh mịch, lắng nghe từng cơn gió lành lạnh nhẹ lướt ngoài khung cửa người mẹ trẻ ấy vừa ru con, vừa nghĩ đến người chồng. Câu hát không chỉ nói lên tình cảm và bổn phận của người mẹ dành cho con mà cả cho chồng. Nàng không kể gian nan, thức trắng đêm vì con và vì chồng. Mỗi lời ru là một lời trần tình. Một hình ảnh gia đình hạnh phúc. Dù xa nhau, nhưng nàng luôn nghĩ tới chồng đang làm nhiệm vụ ở một phương trời nào đó. Âm điệu đơn giản, lời lẽ ngắn gọn, cô đọng đến mức không cần thêm vào đấy một chữ nào nữa cả.

 

Toàn bộ bài hát được kết thúc như cánh cửa khép dần thong thả, giai điệu chậm rãi, nhỏ dần và chấm dứt. Nhưng hình ảnh người thiếu phụ đêm thu ru con ngủ, hình ảnh của một sự đợi chờ, của một lòng sắt son chung thủy như đang hiển hiện trước mặt!
Hoặc như một câu hát dễ thương ghi lại lời mẹ trách khéo đứa con vụng về:

 

Ầu ơ…
Má ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt cá hái rau má dùng.
Bắt cá, cá lội trên đàng,
Hái rau, rau héo,
Hỏi sao má dùng hả con?


Kết luận

Dân ca như một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất các hoạt động và tình tự dân tộc của một địa phương hay một sắc dân. Nền âm nhạc phong phú cũng bắt nguồn từ di sản câu ca, tiếng hò, ca dao, tục ngữ của dân tộc, nguồn vốn văn học của thế hệ trước để lại.
Vì thế, không phải chỉ tìm hiểu kho tàng ca hò quý báu là đủ, mà còn phải biết chọn lọc, lựa cái tinh tuý nhất và là biểu tượng cho từng vùng hay từng dân tộc để chứng minh trình độ và nét đặc thù văn hóa của từng vùng, từng dân tộc.