Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Nói tới cảnh đẹp của Sài Gòn và miền Nam thì khá nhiều, không thể kể trong một bài viết. Trong bài này chúng tôi chỉ giới thiệu một vài vẻ đẹp kiến trúc của Thánh Đường, Chùa và chợ tại Sài Gòn; những công trình kiến trúc đã đi vào lịch sử văn hóa và tôn giáo của dân chúng miền Nam; những hình ảnh mà dù xa quê hàng nghìn dặm, người Việt vẫn không bao giờ quên được. Các công trình kiến trúc này là sự phối hợp nghệ thuật kiến trúc của hai nền văn minh Đông và Tây, chúng vừa biểu tượng cho vẻ đẹp tao nhã của Đông phương và nét hùng tráng của Tây phương.

 Một số cảnh đẹp về kiến trúc của Sài Gòn, từng là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi giới thiệu trong bài này là:

 

1- Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn

 

Có thể nói Vương Cung Thánh Đường hay nói nôm na Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất tại thủ đô Sài Gòn, một biểu tượng cao quí của người Công giáo thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Nhà Thờ Chính Tòa tọa lạc tại trung tâm, số 1 Công trường Công Xã Paris, Quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc và thu hút nhiều du khách ngoại quốc cũng như Việt Nam.

Đứng trước công viên Hòa Bình ngắm toàn cảnh Nhà Thờ Đức Bà, người ta thấy vẻ đẹp tươi mát của những hàng cây xanh, vẻ uy hùng của hai tháp chuông vươn cao vút lên bầu trời trong xanh và ngôi nhà gạch đỏ lộng lẫy, một thành quả của một trong các công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới, kiến trúc Gothic. Cái đẹp của Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn khác với cái đẹp của Nhà Thờ Đức Bà Paris ở chỗ hai ngọn tháp nhọn cao 60 mét, vươn tận trời mây; tường mái đỏ cam nổi bật giữa vùng cây cao lá xanh tỏa bóng râm và là chỗ nghỉ chân của du khách dưới nắng Hè gay gắt. Bên cạnh Thánh Đường là bưu điện trung ương và những đại lộ mang đầy tích sử. Nhà Thờ Đức Bà không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn có những nét đặc sắc như sau:

 

Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi-măng, sắt thép, những con ốc, then cài đều được mua và vận chuyển từ Pháp. Tường phía ngoài Thánh Đường được xây bằng loại gạch nhẵn tốt sản xuất tại Marseille. Mặc dù không tô trát và trải qua bao tháng năm dài đến nay tường vẫn còn màu sắc hồng tươi. Ngói lợp mái Thánh Đường được nhập cảng từ Pháp "Guichard Carvin, Marseille St André France". Một số ngói sản xuất tại Sài Gòn có hàng chữ "Wang-Tai Saigon" đã được dùng thay thế những miếng bị vỡ, vì trong Thế Chiến II, Sài Gòn bị quân Nhật Bản chiếm đóng và Không quân của Đồng Minh đã bắn phá thành phố gây đổ vỡ nhiều nơi trong đó có cả Nhà Thờ Đức Bà.

Thánh đường có 56 ô cửa kính nhiều màu, mỗi cửa có hình ảnh được vẽ theo sự tích trong Thánh Kinh, do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất. Bên trong thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ, hai dãy nhà nguyện và hai hàng cột chính hình chữ nhật, mỗi bên có bệ sáu bức tượng các Thánh Tông Đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang với khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có sáu Thiên thần khắc sâu vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ, bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích.

 

Trên tường được trang trí nổi bật 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ bằng kính nhiều màu ghép lại thành hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều được thực hiện theo nghệ thuật Roma và Gothic khiến du khách chiêm ngưỡng có cảm giác vừa tôn nghiêm vừa trang nhã.

 

Ngay trên gác cao của cửa chính là gác đàn với hệ thống âm nhạc gồm một đàn dương cầm và những ống nhạc khi đánh đàn nổi lên các tiếng "Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si". Đây là một một trong hai cây đàn dương cầm cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng, để khi đánh, đàn nổi lên âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn. Phần thân đàn cao khoảng 3m, ngang 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một inch. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3m, ngang khoảng 1m) để người điều khiển đạp lên khi dùng nốt trầm.

 

Nhà Thờ có chiều dài là 133m, tính từ cửa ngăn đến tận cùng phòng đọc kinh; chiều ngang 35m; chiều cao 21m và có thể chứa 1.200 người.

Ban đầu, hai tháp chuông cao 36,6m, không có mái và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng 40 cm bề ngang. Nội thất gác chuông rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút. Vào năm 1895, thánh đường xây thêm hai mái chóp để che gác chuông cao 21m, theo thiết kế của kiến trúc sư Gardes, tổng cộng tháp chuông cao 57m. Có tất cả 6 chuông lớn đặt dưới hai lầu chuông nặng tổng cộng 28,85 tấn. Khi đánh, chuông nghe như âm thanh của các nốt nhạc (sol, la, si, đô, rê, mi). Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Trên tháp bên phải treo 4 quả chuông (sol, si, rê, mi); tháp bên trái treo 2 chuông (la, đô). Trên mặt mỗi quả chuông đều có vẽ các chi tiết rất tinh xảo.

 

Ba quả chuông to nhất là chuông "si" nặng 3.150 kg, chuông "rê" nặng 2.194 kg và đặc biệt là chuông "sol" là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25m, cao 3,5m (tính đến núm treo). Chuông này chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giáng Sinh. Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông mi hoặc rê vào lúc 5 giờ và 17g30. Vào ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông. Vào đêm Giáng Sinh thì mới đổ cả 6 chuông.

 

Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.

Bộ máy đồng hồ trước vòm mái cách mặt đất chừng 15m, giữa hai tháp chuông được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887, hiệu R.A, cao khoảng 2,5m, dài khoảng 3m và ngang độ hơn 1m, nặng hơn 1 tấn, đặt nằm trên bệ gạch. Dù thô sơ, cũ kỹ nhưng chuyển động khá chính xác. Để điều chỉnh đồng hồ, người ta dùng một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình ở phía sau. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Mỗi tuần phải lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe. Đồng hồ còn có hệ thống chuông riêng, tuy nhiên đã không còn hoạt động vì dây cót đã quá cũ.

Mặt trước Thánh Đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình Thánh Giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ghi ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên có cây thánh giá. Mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ tiếng Latin: REGINA PACIS - OPRA PRO NOBIS - XVII. II. MCMLIX (Nữ vương Hoà bình - Cầu cho chúng tôi - 17/02/1959). Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện hoà bình cho Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da, và đồng được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam.

 

2- Chùa Vĩnh Nghiêm

 

Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa lớn tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng (6.000 m²) tại số 339, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3 Sài Gòn. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có kiến trúc cổ truyền nhưng được xây dựng bằng chất liệu hiện đại. Công trình cao nhất trong chùa là ngọn tháp 7 tầng, cao 40m.

Chùa có một cửa tam quan lớn dẫn vào sân, từ đây có thể thấy ngôi chùa có một tầng lầu và một tầng trệt. Tầng trệt có hai phần: phần ngoài, dưới sân thượng, cao 3,20m; phần trong, dưới Phật điện cao 4,20m. Tầng trệt được chia là nhà thờ tổ, giảng đường, văn phòng, thư viện, lớp học, phòng học, phòng tăng...

Từ dưới sân có ba cầu thang rộng, gồm 23 bậc, dẫn lên tầng trên. Ở đây có một sân thượng rộng khoảng 10mét. Bên phải phải có một gác chuông. Từ sân thượng lên tiếp mấy bậc thềm nữa là tới Bái điện, một tòa dài 35m, rộng 22m và cao 15m.

 

Chùa Vĩnh Nghiêm chỉ thờ ba bức tượng: Phật Thích Ca và hai vị Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Đại Hạnh Phổ Hiền. Bàn thờ được thiết lập ở bửu điện: chính giữa là Phật Thích Ca, bên trái có Văn Thù Bồ Tát và bên phải là Phổ Hiền Bồ Tát. Những bức tượng này tương đối cao lớn, đường bệ, tương hợp thống nhất trong không gian chùa cao rộng. Ở hàng hiên lối vào chính điện, mỗi bên có một pho tượng Kim Cương Hộ Pháp khá lớn.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, ngày đức Phật thành đạo, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức trọng thể lễ húy nhật Hòa Thượng Thích Thanh Hanh (1838-1936), cố Thiền gia pháp chủ Phật giáo Bắc Việt, được tôn xưng là tổ Vĩnh Nghiêm, có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những năm đầu thế kỷ 20.

 

Tháp 7 tầng của chùa Vĩnh Nghiêm

 

Năm 1954, hai hoà thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm từ Bắc vào Nam, tiếp tục truyền bá đạo Phật đã xây chùa Vĩnh Nghiêm. Hai nhà sư lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa gỗ cùng tên ở xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Tạng Giang, tỉnh Bắc Giang, kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.

 

Người vẽ kiểu cho công trình là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, người đầu tiên sử dụng vật liệu hiện đại, nhưng giữ nguyên những giá trị kiến trúc chùa Việt Nam truyền thống, có sự cộng tác của các ông Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Kỹ sư Nguyễn Văn Tố thiết kế kỹ thuật và ban kiến thiết miền Vĩnh Nghiêm điều hành thực hiện xây dựng công trình.

 

Chùa được khởi công năm 1964 tại khu sình lầy bên cạnh rạch sông Thị Nghè cũ, nên phải đổ thêm 40.000 m³ đất lấp sình lầy. Công trình được hoàn thành vào năm 1971, gồm Phật điện, Bảo tháp và cơ sở văn hóa xã hội. Tiền xây dựng được lấy từ đóng góp công đức của Tăng Ni và Phật tử di cư từ Bắc vào Nam. Năm 1982, chùa xây thêm Bảo tháp Xá Lợi và hoàn thành năm 1984. Tháp cũng được xây theo một kiểu khá độc đáo. Có các cầu thang từ sân dẫn lên tháp. Đây là nơi để lọ đựng tro thi hài người chết mà thân nhân của họ giữ ở chùa.

Tháp Đá gồm 7 tầng cao 14m của chùa được hoàn thành vào ngày 27.12.2003, được coi là tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam.

 

3- Chợ Bến Thành

 

Ngược dòng thời gian, kể từ năm 1680 các thương khách Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã tấp nập ngược sông Sài Gòn lên Cù Lao Phố (Biên Hoà) để buôn bán với người bản xứ. Nhưng từ năm 1777 cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn khiến cho Cù Lao Phố dần dà suy tàn và Sài Gòn trở thành vị trí buôn bán quan trọng nhất vào thời điểm đó.

 

Sự phát triển của một đô thị trong quá khứ cũng như hiện nay đều tùy thuộc vào trung tâm buôn bán mà chợ là một yếu tố quan trọng nhất. Sài Gòn hiện có trên 200 chợ, trong đó phải kể đến chợ Bến Thành và chợ Bình Tây đã được thành lập và phát triển trong hơn 100 năm. Giữa hai chợ thì chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn và của người miền Nam, còn chợ Bình Tây được coi là biểu tượng của người Tầu tại Chợ Lớn.

Chợ Bến Thành hiện nay được xây trên một cái ao sình lầy có tên là Bồ rệt (Marais Bosesse). Quyết định xây chợ được đưa ra vào năm 1911 và đồ án của Brossard et Mopin được chấp thuận năm 1912. Lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 4 năm 1914. Cái tên Bến Thành đã có từ trước khi chợ dời về vị trí như hiện nay. Vị trí đầu tiên của chợ là nằm sát ven sông, một bến nước của thành Gia Định cũ nên được mang tên là chợ Bến Thành. Sau đó để có mặt bằng làm bến tàu, Pháp cho dời chợ về vị trí kinh Lắp (nay là đường Nguyễn Huệ) lúc này chợ không nằm ở bến sông nữa, nhưng đồng bào vẫn dùng tên truyền thống là Bến Thành.

 

Lần di chuyển thứ hai đến vị trí hiện nay vẫn gọi là chợ Bến Thành hoặc chợ mới Sài Gòn như được nói ở trên. Như vậy, chợ Bến Thành hiện nay được khai trương năm 1914 nằm trên diện tích rộng 12.000m2, mặt chính hướng ra bùng binh Round point Cuniac (nay là Quách Thị Trang); mặt sau là đường Espagne (Lê Thánh Tôn); bên hông phải là đường Schroeder (Phan Chu Trinh) cũng là bến xe đò đi miền Tây; bên hông trái là đường Vienot (Phan Bội Châu) là bến xe đi miền Đông. Phía trước bên phải chợ là ga xe lửa (Công viên 23/9) có tuyến đường xuống Chợ Lớn và lên Lái Thiêu; phía trước bên trái là đường Bona (Lê Lợi).

 

Với vị trí như thế khu chợ Bến Thành trở nên một đầu mối giao thông và thương mại quan trọng bậc nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Xe cộ các loại, kẻ mua người bán và khách đi đường đổ về đông đúc, nhộn nhịp, tấp nập thường xuyên từ sáng sớm đến tối mịt, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Chợ trở thành biểu tượng của Sài Gòn.

 

Chợ Bến Thành cùng rơi vào tình trạng bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1944 chợ bị máy bay Đồng Minh ném bom làm hư hại nặng nề. Năm 1950 chợ được trùng tu. Ngày 9/11/1951, hàng vạn học sinh và sinh viên biểu tình đã đốt phá chợ để bày tỏ lòng căm phẫn đối với thực dân Pháp và tay sai. Đầu thập niên 70 chính quyền Sài Gòn có ý định phá chợ Bến Thành để xây mới hoàn toàn theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng, nhưng chương trình bị bỏ dở, vì chiến tranh trở nên ác liệt và phần lớn dân Sài Gòn không muốn thay đổi biểu tượng quen thuộc đã có từ thế kỷ trước.

Từ ngày 1/7/1985 chợ Bến Thành được bắt đầu sửa chữa theo đồ án của Phó tiến sĩ Hoàng Như Tấn có tham khảo ý kiến của một số kiến trúc sư khác được hoàn thành ngày 25/8 (chỉ 55 ngày đêm) và được đưa vào sử dụng cho đến hôm nay. Năm 1996 Nhà Cầm quyền Cộng sản tính xây dựng lại chợ để xứng đáng với tầm vóc của một thành phố công nghiệp hiện đại. Công trình dự trù thực hiện từ năm 1997 tới năm 2000 sẽ hoàn tất. Chủ trương vẫn giữ lại cổng chợ với tháp đồng hồ hình hộp có mái nhọn. Nhưng một lần nữa đa số dân chúng không tán thành.

 

Hiện nay chợ Bến Thành có diện tích 13.056 m2, 16 cửa với bốn cửa chính lớn Đông, Tây, Nam, Bắc. Chợ được chia làm bốn khu vực với 11 ngành hàng bao gồm khu vực 1 và 2 chủ yếu vải sợi và quần áo chiếm khoảng 30% diện tích; khu vực 3 và 4 là tạp phẩm, tạp hoá, mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và ăn uống. Hiện nay bình quân mỗi ngày chợ Bến Thành có hàng chục ngàn lượt người đến giao dịch mua bán và thăm quan.

Đối với du khách thì chưa tới chợ Bến Thành thì chưa thể nói đã thăm Sài Gòn.

--------------------

Tài liệu tham khảo

www.vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_thờ_Đức_Bà_ Sài_Gòn.

www.vietshowbiz.comindex.php =Forums &file=viewtopic&p=201189

www.irazoo.com/InterestingTopics/Linh-Quang-Vien_pd_jpg.aspx