Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Đôi lời mở đầu

 

Khi nói tới nền văn học nước ta và các thi sĩ nổi tiếng nhất trong làn văn Việt Nam, người ta không quên nhắc tới tên tuổi Nguyễn Du, một nhà thơ lớn không chỉ được đề cao trong lịch sử của dân tộc mà còn được ghi vào danh sách danh nhân văn học Thế giới.

 

Thơ của Cụ Nguyễn Du hay ra sao, phong phú thế nào mà người Việt dành cho Cụ chỗ đứng cao nhất "Đại Văn Hào" trong làng văn Việt Nam và được văn nhân thế giới mến phục?

Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin đưa ra hai dữ kiện trong số hàng chục bài ca tụng Truyện Kiều, một tuyệt tác thi ca, một trong các biểu tượng văn hóa hàng đầu của một quốc gia vẫn tự hào là có "Bốn Ngàn Năm Văn Hiến":

 

1-Lời phát biểu của học giả Phạm Quỳnh, một danh nhân trong làng văn học Việt Nam.

Tại Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1924 tại Hà Nội Phạm Quỳnh, một học giả và Thượng Thư Bộ Lại dưới Triều Nguyễn, đã đọc một bài diễn văn lịch sử, trong đó có một câu được coi như "Kim Chỉ Nam" cho những người luôn đề cao và phát triển chữ Quốc Ngữ:

“Truyện Kiều không chỉ đối với văn hóa nước nhà mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý... Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”.

 

2-Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc "UNESCO" (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại Thi Hào Nguyễn Du (1765-1965), đã công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới, vì sự nghiệp vĩ đại mà ông đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam. Trên văn đàn thế giới thì truyện Kiều đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài như: tiếng Anh, Ba Lan, Đức, Hung Gia Lợi, Pháp, Tầu, Nhật, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha, (Hungary) v.v…

 

Chủ đề văn hóa toàn năm 2009 của Dân Chúa Âu Châu dành cho Truyện Kiều, không phải để đánh dấu một mốc lịch sử văn hóa quan trọng nào, mà mang mục đích giới thiệu với tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có cơ hội tìm hiểu thi phẩm độc đáo của tiền nhân, để tự hào về một dân tộc đã từng có những áng văn lưu danh cổ kim, sáng chói trên nền trời văn học thế giới.

 

Trong bài mở đầu cho chủ đề văn hóa năm 2009, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Tiểu sử Đại Văn Hào Nguyễn Du.

Để có một cái nhìn toàn diện và khách quan, chúng tôi tổng hợp các tài liệu của các văn nhân, thi sĩ và học giả đã viết về Nguyễn Du thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau.

 

I- Đôi hàng tiểu sử

 

Nguyễn Du sinh năm nào vẫn còn có sự khác biệt trong các tài liệu. Hai năm 1765 và 1766 đã được đề cập tới; nhưng năm nào chính là năm sinh của Cụ?

-Theo giáo sư Nguyễn Lộc “Từ điển Văn học (tập II). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984, trang 54, 55 cho rằng: “Nguyễn Du (3.I.1766? - 16.IX.1820). Nhà đại thi hào Việt Nam. Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng.

-Giáo sư Lê Đình Kỵ trong tác phẩm Truyện Kiều và Chủ nghĩa hiện thực, lại viết: “Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng giêng năm 1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

c-Trong Bách khoa Tự điển wikipedia ghi Nguyễn Du sinh ngày 03 tháng 01 năm 1766 tức ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765).

-Giáo sư Dương Quảng Hàm trong quyển “Văn học Việt Nam”, ghi Nguyễn Du (1765-1820)

-Tác giả Phạm Thế Ngũ trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Giản ước Tân biên” ghi “Nguyễn Du sinh ra năm Cảnh Hưng 26 (1765), hai năm trước khi chúa Trịnh Doanh từ trần để quyền lại cho Trịnh Sâm.

-Sử gia Trần Trọng Kim Trong quyển “Việt Nam Sử Lược” (VNSL) ghi Trịnh Doanh từ trần năm 1767; Trịnh Sâm (1767-1782). Như vậy, năm sinh 1765 của Cụ Nguyễn Du đúng với lịch sử.

-Tác giả Nguyễn Huyền Anh trong “Việt Nam Danh Nhân Từ Điển” ghi Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765; Lê Hiển Tôn Cảnh Hưng thứ 28).

Cảnh Hưng thứ 28 có lẽ không đúng vì Lê Hiển Tôn (Tông) kế vị năm 1740+28 = 1768, chênh lệch 3 năm không đúng với năm sinh của Nguyễn Du (1765). (Việt Nam Sử Lược và Việt Sử Toàn Thư đều ghi Lê Hiển Tông: 1740-1786),

-UNESCO vinh danh Nguyễn Du là “Danh nhân Văn hóa Thế giới" nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh (3.1.1765 - 3.1.1965). Như vậy, UNESCO dựa vào năm sinh 1765 Dương lịch, tài liệu của giáo sư Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Huyền Anh đồng nhất về năm Dương lịch.

Trong bài này chúng tôi chọn ngày 3.1.1765

 

1.1- Gia đình và tuổi thơ

 

Cậu Nguyễn Du sinh ngày 3-1-1765 tại quê mẹ, làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Quê mẹ: Làng Kim Thiều có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc. Quê ngoại nổi tiếng về hai phương diện:

-Làng Kim Điền có danh tiếng về nghề chạm khắc gỗ và nhiều tay nghề giỏi.

-Theo tác phẩm “Danh công Truyện ký" làng Kim Điền có nhiều danh sĩ khoa bảng nối đời phụng sự quốc gia; toàn xã có tới 22 tiến sĩ kể từ thời nhà Trần đến nhà Nguyễn.

-Làng Kim Điền, Bắc Ninh nổi danh có nhiều thiếu nữ đẹp. Nhiều bộ phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có nói về gái vùng này thường được kén chọn vào cung vua làm phi, thiếp.

 

Mẹ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740 - 1778), con gái quan Câu kê họ Trần ở làng Hoa Thiền huyện Đông Ngạn xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), vợ thứ ba của tể tướng Nguyễn Nghiễm, nhỏ hơn chồng 32 tuổi, thuộc hệ thứ 11 theo bản phả họ Trần ở Hoa Thiều và bản phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền. Tể tướng Nguyễn Nghiễm có vợ cả, vợ hai là hai chị em ruột họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết. Nguyễn Nghiễm có tất cả 8 vợ và 21 người con. Tể tướng Nguyễn Nghiễm kết duyên với Trần Thị Tần sinh được 4 trai, 1 gái, theo thứ tự: Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức.

Quê cha:

 

Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh).

Theo gia phả họ Nguyễn và sách Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) thì thời gian trước thế kỷ XVI, Tiên Điền là một bãi đất cát bồi của sông Cả (còn gọi là sông Lam), hoang sơ, cư dân thưa thớt, quanh năm nước mặn dâng ngập bờ. Giữa thế kỷ XVI, ông tổ họ Nguyễn là Quận công Nguyễn Thuyên cùng người cháu là Nam Dương Quận công đến dựng nghiệp và tu bổ vùng này rồi đổi thành U Điền. Sang thế kỷ XVII, U Điền đổi tên là Tân Điền, Phú Điền, rồi Tiên Điền. Theo sử sách ghi chép, Tiên Điền được mệnh danh là nơi giang sơn tụ khí và không biết từ bao giờ người dân xứ Nghệ có câu “Ló (lúa) Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Tiên Điền từng được Nhà Lê ban tên xã Trung Nghĩa vì đã có công bảo vệ kinh thành Thăng Long. Theo thời gian, nơi đây nổi danh với Đền thờ Hội Quận công, Đền thờ Uy Quận công, Đền thờ Trinh Dũng hầu, Đàn tế Lĩnh Nam công, Đền thờ Tiên Lĩnh hầu, Đền thờ Xuân Nhạc công, Đền thờ Lam Khê hầu, Đền thờ Điền Nhạc hầu, Đền thờ Hà Chân đài, Mộ tổ họ Nguyễn, Mộ Xuân Nhạc quận công, mộ Tán Quận công, Mộ Tiên Lĩnh hầu, Mộ Nguyễn Du... Cụm di tích và khu lưu niệm Nguyễn Du bao gồm khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Huệ (Anh cả của Nguyễn Nghiễm, bác ruột Nguyễn Du), mộ và đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du), nhà thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du) và khu mộ Nguyễn Du.

 

Từ Tiên Điền nhìn qua Xuân Mỹ, thấy núi Hồng Lĩnh đứng sừng sững mé Tây-Nam. Vì thế nên Nguyễn Du đã lấy biệt hiệu “Nam hải điếu đồ”, “Hồng Sơn lạp hộ”; và câu đối truyền tụng đời này qua đời khác ở Tiên Điền:

Hồng Sơn chi ngoại uất giai khí, Vị Thủy chi kim thành đại giang.

(Hồng sơn đất ngoại kết tụ được khí tốt - Vị Thủy đến nay đã thành sông rộng)

Cha của Nguyễn Du đậu Nhị Giáp Tiến Sĩ, làm quan tới chức Đại Tư Đồ, tể Tướng (thủ tướng) dưới triều đại Lê Hiển Tông (1740-1786).. Con trai trưởng của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản đỗ Tam giáp tiến sĩ, làm tới chức Tham Tụng đời chúa Trịnh Khải. Con thứ hai là Nguyễn Điều đậu Hương Cống, trấn thủ tỉnh Sơn Tây, được phong tước Điền Nhạc hầu. Con thứ ba là Nguyễn Dao đậu tứ trường thi Hương, chức Hồng lô Tự thừa. Con thứ tư là Nguyễn Luyện đậu tam trường thi Hương. Con thứ năm là Nguyễn Trước và con thứ sáu là Nguyễn Nễ đều đậu tứ trường thi Hương và Nguyễn Du là con thứ bẩy, nên được gọi là cậu Chiêu Bảy.

 

Gia đình Nguyễn Du một gia đình khoa bảng, cha con cùng làm quan dưới triều Nhà Lê. Dòng họ Nguyễn Du không những nổi tiếng về khoa bảng mà còn nổi danh trong lĩnh vực văn chương. Nguyễn Nghiễm còn để lại những tập Quân Trung liên vịnh, Xuân đình tạp vịnh, và quyển Việt sử bị lâm cung cùng nhiều tác phẩm chữ Nôm, từng làm bài phú Khổng tử mộng Chu công, nay còn truyền tụng. Nguyễn Nễ còn để lại Quê hiên giáp ất tập và Hoà trình hậu tập cũng sở trường về văn Nôm. Cháu Nguyễn Du là Nguyễn Thiện có tập thơ Đông phú và Nguyễn Đạm có tập thơ Quan hải, tập thơ Minh quyên đều là những văn hào đương thời. Danh sĩ trong nước thời bấy giờ theo truyền tụng có năm người lỗi lạc, được người Việt cũng như người Tầu gọi là “An Nam ngũ tuyệt” thì họ Nguyễn Tiên Điền có đến hai người là Nguyễn Du và Nguyễn Đạm.

 

Dòng họ này còn được người đời kính trọng về lòng trung nghĩa. Tổ tiên thuở xưa theo Nhà Mạc thì nhiều người tuẫn tiết khi Nhà Mạc mất ngôi. Thời Lê, sau khi Nhà Lê sụp đổ, mấy anh em Nguyễn Khản, Nguyễn Điêu, Nguyễn Luyện, Nguyễn Du cho đến cháu là Nguyễn Đạm đều khởi nghĩa cần vương. Từ Triều đại Tây Sơn sang tới thời Nhà Nguyễn nhiều người trong họ không chịu ra làm quan, kiên trinh giữ tiết với chúa cũ theo đúng phương châm "Tôi trung không thờ hai chúa".

 

Câu ca dao:

“Bao giờ ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan”

là chỉ cái danh giá, chức quyền của làng Tiên Điền, của dòng họ Nguyễn Du là vậy.

Năm 1771, lúc Nguyễn Du 5 tuổi thì gia đình chuyển về làng Tiên Điền và năm lên 10 thì cha mất. Không hiểu vì quá thương nhớ cha sinh bệnh rồi chết hay vì một căn bệnh nào đó, mẹ cậu cũng qua đời vào năm 1778, lúc mới 38 tuổi. Bị mồ côi cha mẹ, cậu phải ra Thăng Long ở chung với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Nguyễn Khản bị kiêu binh ghét nên khi ông được chúa Trịnh cử làm Tham tụng thì họ kéo đến phá tan nhà và toan giết ông. Nguyễn Khản bỏ chạy lên sống với Nguyễn Điều, tổng trấn Sơn Tây; sau đó lại chạy về Hà Tĩnh.

 

1.2- Thi cử

 

Khi Nguyễn Du 9 tuổi thì đất nước rơi vào cuộc nội chiến Nam-Bắc giữa họ Trịnh và Nhà Nguyễn tái phát. Cha của Nguyễn Du được lệnh của Trịnh Kiểm, phụ tá Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào chiếm Phú Xuân năm 1777. Trong thời gian này Nguyễn Du sống và học hành tại Kinh đô Thăng Long. Dù phải sống trong hoàn cảnh rối loạn do đám kiêu binh gây ra, nhưng Nguyễn Du đã thành công trong việc học hành.

Năm 1783, Nguyễn Du đi thi Hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam Trường.

Để quí độc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin nói một chút về chế độ thi cử thời xưa:

-Đậu Nhất trường: không có học vị, giống như đậu Trung học Đệ I cấp, lớp Đệ Tứ thời Việt Nam Cộng Hòa; lớp 9 Trung học Phổ thông ngày nay.

-Đậu Nhị Trường: đậu Tú Tài I, lớp đệ nhị thời VNCH; lớp 11 ngày nay.

-Đậu Tam Trường: đậu Tú Tài II, lớp đệ nhất thời VNCH; lớp 12 ngày nay.

-Đậu Tứ Trường: đậu Cử Nhân.

Nguyễn Du lập gia đình, có 3 vợ và 18 con. Sau khi Nguyễn Du chết, gia đình ly tán.

 

1.3- Trên đường công danh

 

Nguyễn Du không tiếp tục học và thi cử nhân, mà theo chí hướng của người trai thời chinh chiến nhận chức quan Thủ Hiệu (Lãnh Binh) ở tỉnh Thái Nguyên, thay cho người cha nuôi mới qua đời. Từ đó, ông có tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên (có tài liệu nói Trai Hiên), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ

Ngược dòng thời gian, trước khi Nguyễn Du sinh ra thì Nhà Lê đã mất quyền hành. Họ Trịnh thao túng chính trường. Xã hội rối loạn là nguyên nhân đưa đến các cuộc khởi nghĩa tranh dành quyền lực. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương chưa tan, thì Hoàng Công Chất nổi lên từ năm 1739 cướp phá ở miền Hưng Hoá và Thanh Hoá. Lê Duy Mật nổi lên từ năm 1738 đóng giữ miền Trấn Ninh, thường xuống đánh phá đất Nghệ Tĩnh. Các cuộc khởi nghĩa mới dẹp yên thì năm 1774, lại nổ ra cuộc đánh dẹp chúa Nguyễn ở miền Nam. Cha của Nguyễn Du phải ra chiến trường cùng đi với Việp Công, giữ chức Hiệp tán Quân cơ. Trong khi quân Bắc đương chiếm cứ Thuận Hoá để cầm cự với quân Tây Sơn thì Thăng Long lại xảy ra nạn Kiêu binh. Năm 1882, loạn quân giết Hoàng Đình Bảo, phá nhà quan Tham tụng Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du và nhà quan Quyền phủ sự Dương Phương, giết quan Thủ hiệu Nguyễn Triêm ngay trước phủ chúa.

 

Năm 1786 Họ Trịnh bị lật đổ. Năm 1789, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ 3 dẹp bỏ luôn Nhà Lê. Là một quan chức của Triều Lê, dĩ nhiên Nguyễn Du không thể phục tùng Nhà Tây Sơn; nên ông tiếp tục "đánh Tây Sơn, phục Nhà Lê". Vua cuối cùng của Nhà Lê là Lê Mẫn Đế tức Lê Chiêu Thống (1787-1788) bị thất bại, chạy sang Tầu cầu cứu. Theo tài liệu của Phạm Thế Ngũ thì Nguyễn Du không theo kịp theo vua Chiêu Thống, nên trở về ở Thái Bình, cùng người anh vợ là Đoàn Nguyên Tuấn tụ tập dân binh mưu cuộc khởi nghĩa, nhưng bị dẹp tan. Khi ấy vua Quang Trung đã lên ngôi nắm vững quyền hành ở miền Bắc; nhưng ở miền Nam lại bị thua to, đất Gia Định bị mất về tay Nguyễn Ánh.

 

Nguyễn Du bị thất bại ở Quỳnh Côi mới nẩy sinh ý nghĩ vào Thanh Nghệ Tĩnh, toan tìm đường vào Nam mượn sức chúa Nguyễn chống Tây Sơn. Ông đi tới Vinh thì bị chận bắt và ở tù một thời gian. May nhờ quan Trấn thủ Nghệ An của Tây Sơn là người quen biết với Nguyễn Nễ, người anh ruột cùng mẹ với ông. Nguyễn Nễ đã ra hợp tác với nhà Tây Sơn, được thăng Hàm Đông Các Đại học sĩ, gia tăng Thái sử Thự tả Nghị lang, tước Nghi Thành Hầu; nên Nguyễn Du được thả. Đây là thời điểm khiến cho một số tác giả cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều vào lúc đó, khi ông tròn 30 tuổi. Nhận định này dựa vào truyện Kiều có câu: “Trải qua một cuộc bể dâu”.

Bể dâu xuất phát từ câu “thương hải tang điền” (bãi bể (biển), nương dâu), theo nghĩa đen thì truyện thần tiên có nói về sự tuần hoàn trong vũ trụ cứ 30 năm biển bồi đất thành ruộng dâu và 30 năm ruộng dâu bị lở thành bể. Nghĩa bóng thì cuộc đời của con người luôn thay đổi (theo chu kỳ 30 năm).

 

Sau khi được thả, Nguyễn Du trở về làng sống trong thiếu thốn và chán nản, tiêu khiển bằng ngắm núi nhìn sông, săn bắn khắp vùng Hồng Lĩnh, nên mới có biệt hiệu là "Hồng Sơn Lạp Hộ". Nhiều lần ông phải ăn ở nhờ nhà người khác, có lúc ốm không có thuốc uống. Tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập (Thanh Hiên là hiệu của Nguyễn Du) được Nguyễn Du viết chủ yếu trong những năm tháng nàỵ.

 

1.3- Làm quan dưới triều Nguyễn

 

Năm 1802, Nguyễn Ánh toàn thắng Nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi lấy tước hiệu là Gia Long xuống chiếu chiêu dụng các cựu thần Nhà Lê. Nguyễn Du lúc đó 38 tuổi cũng nằm trong danh sách được mời gọi. Bất đắc dĩ ông phải ra làm Tri huyện Phù Dực (nay thuộc tỉnh Thái Bình) tước Du Đức Hầu; ít lâu sau được thăng lên chức Tri phủ Thường Tín (tỉnh Hà Đông). Năm 1806 ông cáo bệnh về nhà, được một tháng lại bị mời ra thăng chức Đông Các Đại Học Sĩ (ngang hàng với Tam Khôi, tiến sĩ trong khi ông chưa đậu cử nhân), năm 1809 làm cai bạ tỉnh Quảng Bình (phó tỉnh trưởng coi về thuế má) và năm 1813 được thăng Cần Chính Điện Đại Học Sĩ (Văn quan Nhất phẩm: chức cao nhất trong hàng quan văn), được cử làm chính sứ đi Trung Hoa. Sau khi đi sứ về ông được được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri vào năm 1815.

Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn không trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí. Nguyễn Du sinh trưởng ở thời loạn lạc, lại gặp cảnh nước mất nhà tan mà mình không thể nào vãn hồi được, đành phải ôm mối hận lòng. Mặc dù được trọng dụng, nhưng Nguyễn Du không mấy vui lòng nhận bổng lộc của triều đình mới.

 

Sách Đại Nam Chính biên Liệt truyện chép rằng ông làm quan hay bị người trên đè nén, không được thoả chí, cho nên thường buồn rầu. Sự kiện này xẩy ra có thể vì đám quần thần miền Trung ghen tị với Nguyễn Du, một cựu quan chức đời Lê, người miền Bắc mà lại được trọng vọng. Đối với vua mỗi khi yết kiến ông làm ra vẻ sợ sệt, không biết nói năng gì. Có lần vua đã trách rằng:

“Triều đình dùng người, cứ kẻ hiền tài là dùng, chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi với Ngô Vị, đã được ơn tri ngộ làm quan đến bực Á Khanh, biết việc gì thì phải nói để hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện thôi!”.

Thực ra, nếu dựa vào sự trung thành của dòng họ Nguyễn thì người ta phải hiểu là Nguyễn Du không phải buồn phiền vì quan trên đè nén, không phải là người sợ hãi rụt rè. Ông là người dẫu làm quan cho Nhà Nguyễn; nhưng tâm hồn lúc nào cũng nhớ Triều Lê. Cái nỗi lòng sâu kín này ông không thể công khai bày tỏ cùng ai, nên thường buồn rầu, bực tức; thậm chí có khi ông e sợ rằng đời sau cũng chưa chắc có người hiểu thấu được lòng mình:

 

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Xuân Diệu dịch ra lục bát

“Ba trăm năm nữa mơ màng

Biết ai thiên hạ khóc chàng Tố Như”.

 

Tháng hai năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Du nhận lệnh vua làm Chánh sứ, dẫn đầu phái đoàn gồm Đàm Ân Hầu (tham sự bộ Lại) và Phong Đăng Hầu (tham sự bộ Lễ), đi triều cống Trung Hoa. Ngày 6/4 năm Quý Dậu, Chánh sứ Nguyễn Du chính thức bước qua ải Nam Quan, bắt đầu hành trình đến Bắc Kinh. Những ngày tháng đua tài với các sứ thần Hàn, Nhật... chắc họ Nguyễn đã tỏ rõ được cái sở học uyên bác của mình. Trong thời gian đi sứ, Nguyễn Du đã được tận mắt chứng kiến nhiều nỗi oan trái và cuộc sống khổ ải của dân nghèo, sau này đã được tập hợp lại trong tập thơ mang tên Bắc hành Tạp lục (131 bài). Cũng trong thời gian này Nguyễn Du đã có dịp tìm hiểu sâu nền văn hoá Trung Quốc. Với vốn sống đa dạng và tài năng kiệt xuất của mình, sau khi về nước, ông đã hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều, lấy cảm hứng từ tập truyên của tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện Kiều sau đó đã vượt lên trên nguyên tác, trở thành một kiệt tác thơ trong lịch sử văn chương Việt Nam.

Tháng Tư năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du cùng đoàn sứ thần về nước. Trong chuyến đi, ông đã cho chọn giống cây hồng quý đem về trồng ở nhà vườn An Hiên (Huế) hiện vẫn còn được người dân nâng niu chăm sóc. Sau khi hoàn thành trọng trách cùng với đoàn sứ bộ, Nguyễn Du được thăng chức Lễ Bộ Hữu Tham Tri.

Năm 1820, sau khi vua Gia Long chết, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch tức ngày 16-9-1820 trong một cơn đại dịch, khi mới 56 tuổi.

Theo Đại Nam liệt truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...", và "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."

 

II- Tác phẩm

 

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc. Có thể nói toàn bộ tác phẩm của ông, chữ Hán cũng như chữ Nôm có nội dung nói về tình cảm, thân phận con người trong xã hội Việt Nam xưa, đặc biệt những người phụ nữ. Không phải chỉ trong Truyện Kiều, mà trong Thơ chữ Hán và trong Văn chiêu hồn của ông, tình thương ấy cũng tràn ngập.

 

2.1- Thơ chữ Hán của ông, những bài được xếp vào loại hay nhất là những bài ông viết về con người bất hạnh như: Thái Bình Mại Ca Giả (Người hát rong ở thành Thái Bình) viết về một ông già mù đi hát rong để kiếm ăn; Hà Nam Đạo Trung Khốc Thử (Nắng dữ trên đường đi ở Hà Nam) viết về một ông già khác kéo xe giữa một buổi trưa trời nắng gay gắt; Sở Kiến Hành (Bài hành về những điều trông thấy) viết về bốn mẹ con một người đi ăn xin sắp chết đói; Trở Binh Hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) viết về những người nông dân chết đói ở Hà Nam... Long Thành Cầm Giả Ca (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành); Điếu La Thành Ca Giả (Viếng người ca nữ đất La Thành); Độc Tiểu Thanh ký (Đọc tập Tiểu Thanh ký)...

Ngoài ra còn 3 bài khác có tựa đề: Thanh Hiên Tiền Hậu Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Bắc Hành Thi Tập

 

2.2- Thơ chữ Nôm: Bài thác lời trai phường nón (ghi lại những câu hát hò giữa trai gái hai làng Trà Cựu và Tiên Điền; Bài văn tế sống Trường lưu nhị nữ; Bài văn cúng Thập loại Chúng sinh hay Chiêu Hồn ca; Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh.

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

Văn học Việt Nam và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Gs Dương Quảng Hàm

Việt Nam Văn Học Sử Giản ước Tân biên của Phạm Thế Ngũ

Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim

Việt Nam Danh Nhân Từ Điển của Nguyễn Huyền Anh

vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Du

evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2005/09/3B9ACF1E/

blog.tamtay.vn/langtubonmua/blog/entry/96676