Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

I- Lược truyện

 

Nguyễn Du mở đầu câu truyện bằng những vần thơ đề cao thuyết “Tài Mệnh’’ như một định luật có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mỗi người.

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...

 

Kế đến, các vai chính trong truyện như Kim Trọng, Thúy Kiều và Thuý Vân lần lượt xuất hiện trong một một lễ hội theo phong tục tập quán có từ thời xưa. Sau những ngày vui nhộn đón xuân và mừng Tết là thời gian tỏ lòng hiếu thảo đối với những người thân yêu đã từ biệt cõi trần qua việc đi dạo trên cỏ non (đạp thanh) và sửa sang các ngôi mộ (tảo mộ) vào cuối mùa Xuân. Trong ngày lễ người ta thấy xuất hiện đủ mọi lứa tuổi. Ai cũng chưng diện quần áo mới. Nhân dịp này trai tài gái sắc mong tìm được người bạn đời qua những cái nhìn tình tứ, nụ cười tươi và trao cho nhau những lời nói ngọt ngào, làm thế nào để mong lọt vào cặp mắt của người đối diện. Từ lễ hội, nhiều tiếng sét ái tình đã đưa các cô thiếu nữ và các chàng trai trẻ tới chỗ làm quen, yêu nhau và thề hứa hẹn sẽ lấy nhau. Trong lễ hội tưng bừng náo nhiệt đó, Thuý Vân và Thuý Kiều, hai thiếu nữ vẻ đẹp tuyệt vời đã xuất hiện như hai tiên nữ giáng trần, làm cho Kim Trọng, một văn nhân đa cảm phảI say mê đắm đuối. Kim Trọng yêu cái đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thuý Kiều, còn nàng thì yêu cái hào hoa phong nhã của một nho sinh thông minh tuấn tú. Họ yêu nhau từ cái nhìn ban đầu, vụng trộm hẹn hò, đàn hát cho nhau nghe, trao vật kỷ niệm và hứa sẽ thành duyên vợ chồng.

 

Nhưng cuộc đời không diễn ra như tài tử và giai nhân hy vọng. Kim Trọng bất ngờ được tin chú chết ở miền xa, phải từ giã ra đi. Cùng thời gian đó, Vương ông, cha của Thuý Kiều bị thằng bán tơ vu oan cáo vạ có thể bị bắt, đưa ra tòa và bị tù đày. Để báo hiếu và có tiền chuộc cha, Kiều đành phải bán mình cho Mã Giám Sinh và theo hắn về Lâm-Chi. Mã Giám Sinh không mua Kiều làm vợ mà bán Kiều cho một mụ chủ chứa gái làng chơi là Tú Bà. Kiều xuất thân từ một gia đình nho phong lễ giáo nay bị lừa vào nghề mãi dâm. Thật nhục nhã cho thân phận của một cô gái nhà lành! Nàng toan tự tử. Tú Bà sợ mất con mồi ngon và số tiền lớn đã bỏ ra mua nàng về bèn tìm mọi cách an ủi Kiều và cho ra nghỉ ngơi ở lầu Ngưng Bích. Mụ ta cũng giả vờ hứa sẽ tìm người xứng đáng để gả nàng. Nhưng bên trong thì mụ lập mưu gài Kiều vào bẫy qua Sở Khanh, một ngưởi giả dạng ra mặt nghĩa hiệp muốn cứu giúp Kiều và xúi nàng trốn khỏi lầu xanh. Kiều ngây thơ tưởng được ân nhân cứu mạng bèn tin theo. Nhưng hỡi ôi! Nàng bị rơi vào cạm bẫy và bị Tú Bà bắt lại, ép phải tiếp khách làng chơi.

Trong số những khách hào hoa có Thúc Sinh cảm thông số phận bất hạnh của Kiều, quyết định lấy nàng làm vợ thứ. Ăn vụng sợ có ngày bị bắt, Thúc Sinh nghe Kiều về thú tội với vợ cả. Hoạn Thư nổi cơn ghen, bắt Kiều về nhà hành hạ. Chịu không nổi thân phận hai gái chung một chồng và kiếp làm vợ lẽ, Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư đến ở chùa với sư bà Giác Duyên. Sư bà lại gửi nàng ở nhờ nhà một người đàn bà mộ đạo thường đến lễ chùa là Bạc Bà. Không ngờ Bạc Bà lại mánh mung, giả tổ chức lễ cưới Kiều với cháu mình là Bạc Hạnh, rồi người này lại bán Kiều cho Tú Bà chủ thanh-lâu ở Châu Thai. Thế là Kiều lại bị đọa đầu ở chốn lầu xanh lần hai. Nhưng may mắn thay, tại đây Kiều gặp tướng giặc Từ Hải lấy làm vợ. Dựa vào thế của Từ Hải, Kiều có điều kiện đền đáp ân nghĩa xưa và trả thù oán cũ. Nhưng không lâu, Từ Hải ra hàng do sự yêu cầu của Kiều với hy vọng sẽ được sống hạnh phúc với nàng. Từ Hải bị tổng đốc Hồ Tôn Hiến lừa và giết chết. Vừa bị mất người yêu, vừa bị Hồ Tôn Hiến ép hầu rượu trong tiệc mừng chiến thắng; nhưng rồi sợ mang tai tiếng ham rượu và gái trước triều đình và dân chúng, nên gả Kiều cho một thổ quan. Kiều chán cho thân phận ba chìm bẩy nổi và cuộc đời oan trái của mình, bèn nhẩy xuống sông Tiền đường tự tử. Nhưng số nàng vẫn chưa chết. Sư bà Giác Duyên đang trên đường du ngoạn nghe sự tình liền nhờ ngư ông thả lưới tìm xác Kiều và may mắn vớt được xác nàng đưa lên thuyền lúc nàng còn đang hôn mê. Sau đó Kiều tỉnh lại và được Giác Duyên đem về chùa.

 

Kim Trọng sau khi tham dự tang chú trở về tìm Kiều thì như tiếng sét đánh ngang tai, Kiều đã bán mình chuộc cha, gia đình Kiều lâm cảnh nghèo nàn khó khăn. Do lời khuyên của Kiều trước khi ra đi, Kim Trọng kết hôn với cô em Thuý Vân. Sau đó Kim Trọng và Vương Quan đều thi đỗ ra làm quan và quyết chí đi tìm Kiều. May mắn thay, hai người gặp được Giác Duyên và sư bà dẫn đến chỗ Kiều đang ở. Kim Trọng gặp lại Kiều trong hoàn cảnh tình duyên ngang trái, thân phận phũ phàng. Nàng cảm thấy không còn trinh tiết và xứng đáng là người vợ của Kim Trọng, nên chỉ muốn làm người bạn thôi. Do lời khuyên nhủ của gia đình hãy quên đi quãng đời quá khứ, Kim Trọng và Thuý Kiều vui vẻ nối lại tình xưa nghĩa cũ.

Để kết luận, tác giả nhắc lại thuyết tài mệnh đối nhau và khuyên người ta giữ lấy cái tâm.

 

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 

II- Nội dung truyện Kiều

Truyện Kiều có 3254 câu thơ. Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ trích dẫn những đoạn quan trọng và có ý nghĩa nhất.

Toàn bộ thơ truyện Kiều quí độc giả có thể đọc tại các Websites:

www.nomna.org/vindex.php

www.vietshare.com/vanhoc/kieu.asp

 

Truyện Kiều là một tuyệt tác thi văn, nhưng hơi khó hiểu vì Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm và dựa vào nhiều điển tích của người Tầu. Do đó, có thể nói chỉ có những người rành chữ Nôm mới hiểu một cách thâm thuý toàn bộ nội dung và mục đích của truyện Kiều. Những người không rành chữ Nôm có thể đọc và hiểu được câu truyện qua các bản dịch sang chữ quốc ngữ ngày nay. Dù vậy, mức độ thông hiểu câu truyện vẫn có thể còn bị giới hạn, nếu không có sự giải thích các chữ khó và các điển tích.

Như đã nói, bản chính của truyện Kiều bị thất lạc, các bản sao chép sau này có nhiều chữ và cách giải thích khác nhau do phiên dịch chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Ngoài ra, truyện Kiều được sao chép lại dưới thời Quân chủ, các tác giả lại phải dùng từ ngữ khác thay thế cho các chữ mang tên của vua chúa và hoàng tộc mà người ta gọi là “kỵ huý.’’.

 

Vì lý do nêu trên, khi chọn một văn bản Kiều cho chủ đề văn hóa, chúng tôi cũng chỉ có thể dựa vào một trong những bản sao chép lại bằng chữ quốc ngữ hiện nay và dĩ nhiên nó cũng có những chữ khác biệt với các bản khác, mặc dù cốt truyện không có gì thay đổi.

Để quảng bá cho quần chúng một kiệt tác thơ văn của dân Việt, đặc biệt tuổi trẻ Việt Nam ở ngoại quốc có cơ hội đọc và hiểu truyện Kiều, chúng tôi xin được phép trích dẫn một số câu thơ từ sách vở và các websites đã phổ biến trên mạng lưới toàn cầu (Internet).

 

Mở đầu:

 

1. Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

5. Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

 

Gia đình Kiều:

 

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

10. Bốn phương phẳng lặng, hai Kinh vững vàng.

Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bực trung.

Một trai con thứ rốt lòng,

Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.

 

Nhan sắc Thuý Vân và Thuý Kiều

 

15. Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời,

20. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

25. Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tư trời,

30. Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.

35. Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Chú giải và điển tích

Câu 1: Trăm năm

 

Trăm năm: Thời gian một đời người ta ở trần thế được biết qua câu “Nhân sinh bách tuế vi kỳ’’ (Người ta sống lâu chừng trăm tuổi).

Chữ trăm năm ở câu này có thể thay bằng chữ “xưa nay’’, vì chỉ ngụ ý nói bao quát mà thôi chứ không phải là hạn định 100 năm như mấy chỗ khác trong chuyện.

Theo phong tục, người Việt thường coi đời người kéo dài khoảng 100 tuổi, vì số người sống trên 100 tuổi rất ít. Các câu chúc nhau mà người ta quen nghe trong dịp Tết hay lễ thành hôn là: chúc ông bà sống lâu trăm tuổi; chúc anh chị trăm năm hạnh phúc

 

Câu 2: Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Tài là tài năng của một người và Mệnh là số phận của mỗi người theo quan niệm Tạo Hóa đã an bài.

 

Câu 3: Trải qua một cuộc bể dâu

Bể dâu có nghĩa là biển cả và bãi dâu, dịch nghĩa từ trong một câu của Thần Tiên Truyện. Ma Cô bảo Vương Phương Bình: ”Ta đã ba lần thấy bể khơi biến thành ruộng dâu” (tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền) nghĩa là cứ ba mươi năm một lần vũ trụ lại chuyển hóa, biển cả biến đổi thành nương dâu, nương dâu biến thành biển cả. Biển cả còn biến thành ruộng đất huống chi thân phận của con người.

Ca dao cũng có câu: sông có khúc, người có lúc. Chu kỳ biến đổi của con người mỗi thời kỳ là 30 năm. Chính vì ý nghĩa này có một số tác giả cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều vào năm 30 tuổi (1765+30=1795) có nghĩa trước khi đi sứ Tầu 1813.

 

Câu 5: Bỉ sắc tư phong

Bỉ: cái kia trái với tư: (thử) cái này - sắc: dáng điệu, phong: được lợi: có nghĩa bù qua đắp lại hoặc cái kia kém thì cái này hơn, không ai được hoàn toàn cả.

 

Câu 6: Má hồng hay má đào ám chỉ đôi má đỏ hồng hồng của phụ nữ. Trong ca dao cũng có câu:

Hỡi cô da đỏ má hồng,

Cô đi theo chồng cô bỏ xứ cha

Hai câu này ý nói người đẹp đến nỗi ông Trời (Trời xanh theo ý nghĩa Tạo Hóa ở trên bầu trời xanh) cũng phải ghen. Như vậy người phụ nữ mà bị ghen thì sẽ phải khốn khổ vì tài sắc của mình.

 

Câu 7: Cảo thơm: do chữ phương cảo, nghĩa là quyển sách hay. Toàn câu có nghĩa mở quyển sách hay đọc trước đèn.

 

Câu 8: Phong tình: những chuyện ái tình của trai gái được chép trong sách. Sử xanh: Thời xưa, khi chưa có giấy, người ta chép sử bằng cách khắc chữ vào những thanh trúc màu xanh, nên còn gọi là thanh sử.

 

Câu 9: Gia-tĩnh: Niên hiệu vua Thế Tông (1522-1566), Triều Minh (1366-1644) là một triều đại Quân chủ của Trung Hoa, thời kỳ yên bình.

 

Câu 10: Hai kinh: Bắc Kinh và Nam Kinh của Trung Hoa.

 

Câu 11: Viên ngoại: Một chức quan giữ việc sổ sách tại các bộ, đặt ra từ thời Lục-triều. Đây là chức quan ngoại ngạch mà người giàu có thể bỏ tiền ra mua để có thêm danh giá. Về sau, Viên ngoại dần dần trở thành một cách nói, không ám chỉ chức vụ công quyền gì cả (hư hàm). Chữ Viên ngoại ở đây được dùng theo nghĩa này nói về gia đình Thuý Kiều không nghèo mà cũng không sang, thuộc giới trọng Nho, trung bình.

 

Câu 14: Chữ: Theo lễ nghi Trung Quốc xưa, người nào cũng có “danh” là tên chính, và “tự” là tên chữ. “Danh” đặt từ khi sinh ra, còn “tự” thì đến khi hai mươi tuổi mới dựa theo “danh” mà đặt ra. Có thể hiểu như danh hiệu, tước hiệu hay bút hiệu.

Nho gia: những người học và thực hành các Kinh sách Nho giáo của Khổng Tử được gọi là nhà Nho và gia đình gọi là Nho gia.

 

Câu 15. Tố Nga: Tố là trắng, Nga là người con gái đẹp giống chị Hằng hay Hằng Nga trên cung trăng. Theo tích xưa, thời nhà Đường, ông Vũ Tám Tư có nàng hầu Tố Nga nhan sắc đẹp lộng lẫy. Một hôm Định Lương Công đến thăm, Vũ Tám Tư gọi Tố Nga ra tiếp khách nhưng không thấy nàng đâu. Tám Tư đi tìm thì ngửi thấy mùi hương thơm xuất phát từ gốc cây. Ông tới đó gặp Tố Nga đang lẩn trốn. Hỏi tại sao thì nàng nói mình là con quí yêu của mặt trăng được Thượng Đế sai xuống chỉ để hầu hạ chàng. Ông Lương Công là bậc chính nhân đương thời nàng không dám giáp mặt.

 

Câu 17: Mai cốt cách: Mai là cây, cành hoa mai, Cốt cách là bộ xương, hình dáng con người. Nguyễn Du so sánh Thuý Kiều và Thuý Vân đẹp duyên dáng thanh tú như cành mai. Tuyết tinh thần: tinh thần trong trắng như tuyết

Mai là hình ảnh của sự trong trắng, tinh khiết, là ẩn dụ của một đức tính thanh cao. Mai với tuyết mà ở bên nhau thì không ai có thể bình phẩm xem cái đẹp nào tinh khiết và cao quý hơn cái nào. Cổ nhân phong tặng cho hoa mai danh hiệu Bách hoa khôi - ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.

 

Câu 20: Khuôn trăng đầy đặn: mặt trăng tròn hay còn gọi là vành trăng. Ở đây Nguyễn Du so sánh mặt Thuý Vân đầy dặn, tròn trĩnh, xinh xắn dịu dàng như mặt trăng, một biểu tượng của vẻ đẹp hiền dịu và phúc hậu dựa theo kinh nghiệm sống và qua nghệ thuật coi tướng.

Nét ngài, mày ngài:

 

Hiện nay có các giả thuyết nói về nét ngài, mày ngài như sau:

 

Giả thuyết 1: Nét ngài, mày ngài là lông mày ốm và uốn cong hình bán nguyệt như râu con ngài. Mày ngài dịch từ chữ Nga Mi của Tàu. Con Ngài (tức thứ bướm cắn kén tằm chui ra) ở đầu có 2 cái râu nhỏ, dài và cong; người ta ví cái lông mày dài, thanh, cong bán nguyệt của người con gái đẹp với râu con ngài nên gọi là Nga Mi hay mày ngài. Nét ngài nở nang, ý nói lông mày của Thúy Vân cong cong, dài, nhưng nở nang, tức là lông mày hơi thô, to bản. Mặt dày dặn phúc hậu thì phải có lông mày như thế mới cân xứng. (Chú giải của Vân Hạc).

 

Các tác giả của thuyết này có: Nguyễn Quảng Tuân, Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, xuất phát từ câu văn trong sách Tướng thư: “Diện như mãn nguyệt mi nhược ngọa tàm’’: mặt như mặt trăng tròn mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây nói cái tướng phúc hậu của cô Vân.

 

Giả thuyết 2:

Trương Vĩnh Ký từ lâu cũng đã từng phiên dịch Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang (1875).

Theo tác giả Dương Quang Minh viết trên báo Tiền Phong năm 2006 thì nhiều tác giả trong nước và nước ngoài từng cho rằng: ”Không sành tiếng Nghệ thì chưa hiểu hết cái hay của Truyện Kiều’’.

Ví như đọc câu thơ ”Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang’’ rồi giải thích ”nét ngài nở nang” là tả lông mày nàng Thuý Vân, thì rõ là buồn cười. ”Nét ngài” ở đây, phương ngữ xứ Nghệ chỉ vóc người. Các cụ xứ Nghệ thường coi những cô gái có vóc người nở nang mới ích chồng lợi con (chứ không phải cô gái chân dài). Giải thích ”ngài” là lông mày chỉ đúng với câu thơ ”Râu hùm, hàm én, mày ngài” tả những nét oai trên khuôn mặt Từ Hải hoặc các cô gái có lông mày to và đậm.

Ở đây tác giả đã ví vẻ đẹp của Thúy vân như những gì đẹp đẽ nhất, đặc sắc nhất, thiêng liêng nhất của tinh hoa đất trời: hoa, trăng, ngọc, mây, tuyết.Tất cả đều lột tả vẻ đẹp của một người phụ nữ. ”Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Tác giả đã miêu tả khôn mặt của Thúy Vân như khuôn trăng đầy đặn, vừa tròn vừa sáng. Ý nói khuôn mặt của Thúy Vân rất đẹp. Nhưng tác giả lại thêm vào câu thơ một cụm từ ”nét ngài nở nang”, thì ”nét ngài” có nghĩa là mày của Vân rất đậm. Nhưng đối với một thiên tài về văn học như đại thi hào Nguyễn Du thì không thể lý tả như vậy được bởi ông đã từng miêu tả Từ Hải: râu hùm, hàm ém, mày ngài.

Vậy ”nét ngài” ở đây ý chỉ điều gì? Chúng ta được biết quê của Nguyễn Du là ở Hà Tĩnh mà người nơi đây thì lại có câu: ”Tốt con ngài hơn dài quần áo”, ”con ngài” ở đây nghĩa là con người. Vậy ”nét ngài” nghĩa là nét người. ”Nét ngài nở nang” ý nói nét người của Vân đang căng tràn sức sống. Nếu hiểu theo nghĩa này thì nghe có vẻ hợp lý hơn.

 

Ý kiến của chúng tôi

 

1-Ngoạ tằm: Tằm là một loại con sâu; tọa là nằm. Ngoạ tằm có nghĩa con tằm nằm (Nga My). Nhưng theo khoa tướng số thì ngọa tằm lại là bắp thịt nhỏ nằm dưới mi mắt. Người phụ nữ có ngọa tằm nổi cao có nghĩa sẽ có nhiều con; người miền Bắc thường gọi là “mắn con’’. Theo phong tục xưa, người phụ nữ mà không sinh được con nối dòng cũng bị liệt vào hạng bất hiếu.

Cổ nhân có nêu lên ba điều bất hiếu là:

-Gia bần thân lão, bất vị lộc sĩ. (Cha mẹ già, nhà nghèo mà không chịu ra làm quan để lấy lộc nuôi dưỡng).

-A ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa. (Dựa theo ý muốn của cha mẹ để làm điều bậy, tức là hãm cho mẹ vào điều bất nghĩa.)

-Bất thú, vô tử, tuyệt tiên tổ tự. (Không cưới vợ, không có con, làm dứt nòi giống tổ tiên.)

Điều thứ ba không con nối dòng, theo thầy Mạnh Kha thì là điều bất hiếu lớn nhất. (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại). Như vậy, khi coi tướng phụ nữ không mang tội bất hiếu, các cụ phải chọn những người có thân hình “ích phu, lợi tử’’ và Thuý Vân là điển hình của mẫu người đẹp về đủ mọi phương diện.

Theo khoa tướng số thì người phụ nữ sinh và nuôi con con tốt là người có thân hình đầy đặn, ngoạ tằm nổi, ngực đầy có nghĩa cặp vú nở, có nhiều sữa nuôi con. Cái nhìn này còn thể hiện qua câu:“Gái một con trông mòn con mắt’’ có nghĩa khi người phụ nữ sinh đẻ lần đầu thì thân hình nẩy nở toàn diện trông mới đẹp là vậy.

Như thế, nét ngài nở nang có thể mang ý nghĩa này. Thời xưa sữa mẹ là nguồn mạch nuôi con tốt và cần thiết nhất, ít ai nuôi con bằng sữa súc vật. Người gầy ốm tong teo thì không có nhiều sữa và người ta phải mướn vú nuôi là vậy.

 

Ngoài ra, theo truyền tụng thì Dương Quí Phi vợ vua Đường Huyền Tông là một trong “tứ đại mỹ nhân’’ của Tầu lại là một thiếu nữ mập mạp. Thế mà nhà vua say đắm đến độ suýt mất ngai vàng. Do đó cái nhìn thẩm mỹ của người xưa có khác ngày nay. Nếu đánh giá cái đẹp của phụ nữ theo cách nhìn những người kiểu mẫu đẹp, cao, ốm, đi giống con mèo như ngày nay thì có thể không hợp với cái đẹp theo cách nhìn của các cụ thời xưa.

2-Về khác biệt tiếng địa phương:

 

Tác giả Dương Quang Minh nói ”Không sành tiếng Nghệ thì chưa hiểu hết cái hay của Truyện Kiều, nét ngài là nét người…’’.

Ý kiến này cũng có lý. Chúng tôi xin đưa ra bằng chứng để có thêm yếu tố về ngôn ngữ bất đồng.

Trong tác phẩm Những Trang Sử Đẫm Mồ Hôi của Họ Cholon Việt Nam của giáo sư Nguyễn Văn Hai có ghi lại lời kể của Linh mục Bùi Văn Nho, Cha sở Nhà Thờ Ngã Sáu Chợ Lớn như sau:

 

-Ngôn ngữ bất đồng (trang 103-106)

Đã nói về Trụ-sở Hà Nội nghĩa là sang đến câu chuyện di cư của các giáo hữu Bắc và Nam, tất nhiên là không thể quên được một câu chuyện xẩy ra liên hệ đến tôi khi cuộc di cư bắt đầu (các Linh mục và giáo hữu Bắc vào Nam và vào Cholon). Câu chuyện rất nhỏ mọn, nhưng không kém phần hào hứng và khó nhọc cho nhiều người.

Năm ấy (1954, sáng 31 tháng 7 DL.) bửng tưng 5 giờ sáng, Nhà thờ vừa đổ chông nhật-một, tôi cũng vừa mở cửa nhà Cha sở, tôi nhận thấy từ xa đến, các vị mặc áo Dòng hàng ngũ đàng hoàng. Tôi tự hỏi: “Các Thầy Chủng viện hôm nay đi dạo đâu mà sớm thế?’’ Nhưng khi đến, thì không phải là Đại Chủng sinh song là một Vị Linh mục Đại diện giới thiệu rằng:

 

-Chúng con đây là các Linh mục (50 vị) di cư vào Nam; khi đêm các tàu bay đưa chúng con từ Bắc vào và đến trọ tại một trường tiểu học gần đây (Trường Hùng Vương bây giờ). Chúng con có tất cả 50 Linh mục và 2.000 giáo hữu cùng đồng trọ tại trường tiểu học ấy (đây là chuyến bay đầu tiên đưa Di cư ở Bắc vào Nam đêm 30 tháng 7 DL. 1954). Chúng con đến xin phép dâng Thánh lễ.

Tôi đáp:

Hân hạnh tiếp đón các Cha và đồng bào, nhưng Nhà thờ chỉ có 3 miếng Đá-thánh thôi. Vậy xin các Cha cứ tự-nhiên và tự-tiện thong-thả.

Nói thế, tôi gọi chú từ lo dọn các Bàn thờ, phần tôi lo dâng Thánh lễ Họ là 5g30.

Sau khi tôi dâng Thánh-lễ xong cũng là hơn 6g. mà không thấy Cha nào dâng Thánh-lễ. Các Cha cứ đi bách bộ chung quanh Nhà-thờ đọc Kinh Nguyện hay lần chuỗi... Tôi đến tiếp chuyện một Cha (khi ấy là Cha Già Chất, xin phép nói tên Cha ra đây để nhớ kỷ-niệm chuyện gặp-gỡ nầy) và hỏi:

Sao các Cha không dâng Thánh-lễ? Ở đây chỉ có 3 miếng Đá-thánh nghĩa là có 3 Bàn-thở thôi mà các Cha có 50 Cha e trễ lắm!

Cha Chất đáp:

-Chúng con chưa dám vì Cha xứ bảo “thong thả’’.

Nghe vậy tôi liền nghĩ, nên nói:

-“Thong thả’’ ở Nam nghĩa là tự do, libertas (tôi nói thêm tiếng La-ngữ libertas cho rõ nghĩa)

Cha Già Chất đáp:

-“Thong thả’’ ở Bắc có nghĩa là chờ, không gấp, lente (Cha cũng lập lại thêm La-ngữ lente)

Đấy, vỡ lẽ: ngôn ngữ bất đồng.

Bấy giờ các Cha mới thay phiên nhau mà dâng Thánh-lễ.

Nơi nhà Cha sở tôi lo dọn bữa ăn sáng để sau khi dâng Thánh-lễ các Cha được lót lòng cho vững bụng. Trong lúc ăn sáng truyện-trò với nhau, mới phát giác ra câu chuyện rắc rối. Xin nói lại là hôm ấy không những có 50 Linh-mục mà còn có 2.000 Giáo-hữu Bắc di-cư, sáng hôm ấy cũng có một nhóm đến Nhà-thờ dự Thánh lễ. Họ thấy các Cha Bắc của họ cứ đi chung quanh Nhà thờ mà không dâng Thánh lễ. Họ hỏi các Cha về lý do thì họ được trả lời rằng: “Cha xứ bảo thong thả’’. Họ bắt đầu tỏ vẻ bất mãn.

Trong buổi ăn sáng hôm ấy bao nhiêu sự truyện-trò đều quay quẩn tiếng “thong thả’’, nói nói, cười cười, vui vẻ, rồi chia tay.

 

Nhưng cái chuyện “thong thả’’ ấy nào ngờ lại loan cùng khắp các Trại Di cư (từ hôm ấy và mấy hôm sau, ngày nào cũng có chuyến bay đưa đồng bào từ Bắc vào Nam nhân số có đến 30.000 người và được đưa vào trọ ở các trường tiểu học Cholon, Xóm Củi và Vĩnh Hội, Xóm Chiếu vì lúc ấy là bãi trường), họ không hiểu về ý lành mà lại hiểu về ý bất hợp tác, người ta đồn rằng:

Cha xứ Cholon Ngã Sáu không thích di cư, Cha bài bác bằng cách lần-lựa, làm khó dễ cho các Cha Bắc di cư, không cho các Cha của mình dâng Thánh lễ. Đến xin phép thì Cha xứ cứ bảo “thong thả’’.

Khi ấy mới tá hỏa ra và Cha Phạm Ngọc Biểu là Cha mà Đức Cha Hà Nội gửi vào để lo xây cất trại cho các chủng sinh trọ tại đất Nhà thờ Jeanne D’ Arc, phải thất công mấy hôm đi đến tất cả các Trại di cư để đính chính rằng:

Cha xứ Cholon Ngã Sáu không bài bác di cư đâu! Cha còn cho Chủng viện Hà Nội tá túc trong đất Nhà thờ. Chính tôi đây được Đức Cha Hà Nội đặc cử lo chuyện cất trại nầy’’.

 

Khi đọc câu chuyện kể trên, cá nhân tôi, người viết bài này cũng phân vân bỡ ngỡ và như một số người miền Nam khác đều hiểu theo ý nghĩa người Bắc thong thả là từ từ, chậm chậm, chờ v.v.... Nhưng khi tra Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức chúng tôi được biết thêm thong thả còn có nghĩa: thư thả, rảnh rang, ở không, tự nhiên, tự do, tự ý mình... ví dụ: chỗ đó vô ra thong thả...

Như vậy chữ ngài là con tằm hay thân người, chữ nào đúng thì chỉ có nước mời cố thi hào Nguyễn Du sống lại giải nghĩa mới chính xác được.

Hiện nay quan niệm con ngài ám chỉ con tằm hay con người vẫn còn trong giai đoạn giả thuyết, không ai có thể quả quyết thuyết nào đúng.

Câu 21: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”.

Thốt: Tiếng cổ có nghĩa là nói. Hoa cười, ngọc thốt là cười tươi như hoa, nói dịu dàng, quí hóa như ngọc.

Câu 22: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Ý so sánh tóc của Thúy vân mềm đẹp và óng ả hơn cả mây. Da của Thúy Vân trắng trẻo mịn màng hơn cả tuyết.

Câu 25: Làn Thu thủy: Nước mùa thu, nét Xuân sơn: Núi mùa xuân. Câu nói này ví mắt Kiều đen sáng long lanh như làn nước ao mùa thu, lông mày đen đẹp như núi mùa xuân.

Câu 27: Nghiêng nước nghiêng thành

Câu này rút từ bài của Lý Diên Niên, đời Hán ca ngợi nhan sắc của phụ nữ đẹp, có câu:

Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc

Nghĩa là: Quay lại nhìn một lần thì làm nghiêng thành người. Quay lại nhìn lần nữa thì làm nghiêng nước người. Do đó, người sau thường dùng chữ nghiêng nước (khuynh quốc), nghiêng thành (khuynh thành) để chỉ sắc đẹp phi thường của người phụ nữ. Hai chữ một hai trong câu này giải thích nghĩa các chữ nhất cố, tái cố ở trên.

Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đã đi vào sử sách mà người Tầu quen gọi là “Tứ đại mỹ nhân’’ (4 người phụ nữ đẹp cao sang nhất) gồm: Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Bốn người đẹp này nhờ nhan sắc tuyệt vời đã can dự vào việc chính trị và khuynh đảo các vua chúa thời phong kiến. Vua Ngô Phù Sai vì say mê sắc đẹp “chim sa cá lặn’’ của Tây Thi, một nữ tình báo nằm vùng của Câu Tiễn, mà bị mất nước về tay Câu Tiễn nước Việt.

Câu 28: Câu này có nghĩa là về “sắc” thì chỉ có một mình Kiều là nhất, về “tài” thì họa may ra còn có người thứ hai.

Câu 31: Cung, thương: Hai âm đứng đầu ngũ âm trong cung bậc nhạc cổ của Trung Quốc: Cung, thương, giốc, truỷ, vũ. Lầu bậc: Làu thông cung bậc.

Câu 32: Hồ cầm: Một loại đàn tỳ bà. Hồ cầm một trương: Một cây đàn hồ cầm. Hồ cầm xuất phát tử điển tích người đẹp tuyệt thế Chiêu Quân bị vua nhà Hán thua trận phải cống nàng sang đất Hồ (Hung Nô). Khi qua Nhạn Môn Quan, cửa ải cuối cùng trước khi từ giã quê hương để sang xứ người, Chiêu Quân đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Tiếng đàn của Chiêu Quân vang lên khi từ biệt quê hương ở Nhạn Môn Quan đã trở thành điển tích Hồ cầm.

Câu 34: Một thiên Bạc mệnh: Bạc là trắng, Mệnh là thân phận, có nghĩa số mệnh bạc bẽo, mỏng manh. Thiên bạc mệnh là bản đàn do Thuý Kiều sáng tác. “Bạc mệnh” nghĩa là. Não nhân: Làm cho người ta nghe mà não lòng.

Câu 35: Hồng quần: Cái quần màu hồng, hai chữ này được dùng để chỉ nữ giới.

Câu 36: Cập kê: Cập là đạt tới, là cài trâm. Đến tuổi cài trâm. Theo kinh Lễ của Khổng Tử khi đến tuổi 15 thì con gái cài trâm và búi tóc để chứng tỏ mình có thể lấy chồng.

 

Tuổi kết hôn là tuổi nào thì còn tùy vào các qui định của mỗi triều đại cai trị Việt Nam. Tục ngữ có câu: “Gái thập tam, nam thập lục’’ có nghĩa về phương diện tình dục, cưới hỏi thì người con gái có thể bắt đầu ở tuổi 13 và trai 16.

Quốc triều Hình luật thời nhà Lê và Hoàng Việt luật lệ thời Pháp không qui định tuổi kết hôn, tuy nhiên, theo “Hồng Đức hôn lễ giá nghi” của nhà Lê ghi nhận tuổi kết hôn: trai 18, gái 16.

Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật hay Dân luật Trung thì tuổi tối thiểu để kết hôn: trai 18, gái 15. Trường hợp đặc biệt có thể xin miễn tuổi, nhưng tối thiểu nam 15, nữ 12 tuổi tròn.

Đạo Luật 1/59 thời Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 2/1/1959 qui định tuổi đủ để kết hôn: nam 18, nữ 15. Tổng Thống có thể xét cho miễn tuổi, nếu có lý do đặc biệt.

Bộ Dân luật ngày 20/12/1972, thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qui định tuổi kết hôn: nam 18, nữ 16, nếu có lý do trọng đại nguyên thủ quốc gia có thể xét cho miễn tuổi.

Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của Việt Cộng quy định: Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện: điều 1: Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên.

Như vậy, tuổi cập kê vào thời Nguyễn Du được hiểu là tuổi 15 và  Thuý Kiều sắp tới tuổi cập kê, 15 tuổi, thì còn quá trẻ so với tuổi kết hôn ngày nay.

Tường đông: Bức tường ở phía đông. Thời xưa người ta thường làm phòng cho con gái nằm ở phía đông, vì bắt đầu một ngày khí trời tốt, sức sống mới, ánh sáng đẹp là vào buổi sáng (bình minh). Chữ ”tường đông” để chỉ chỗ có con gái đẹp ở.

---------------------------

Tài liệu tham khảo

-Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức

-Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển và Văn Học của Việt Nam của Dương Quảng Hàm

-Việt Nam Văn học Sử yếu Tân biên của Phạm Thế Ngũ

-http://www.ptthlamson.net/forums/archive/index.php/t-1344.html

-http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12395&rb=06

-http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%BAy_V%C3%A2n

-http://www.vietshare.com/vanhoc/kieu.asp

-http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=11437&chapter=31