Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Duyên Tiền Định

Thúy Kiều Gặp Mộ Đạm Tiên

Một Ca Nhi Xấu Số 

 

1- Đại ý đoạn thơ Kiều gặp mộ Đạm Tiên

 

Sau khi giới thiệu ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng và gia đình, Nguyễn Du tả cảnh hai nàng đi dự lễ hội đạp thanh và tảo mộ cùng với dân chúng trong vùng. Lễ hội diễn ra dưới bầu trời trong thanh và cảnh vật tươi mát của mùa xuân còn vương lại. Lễ hội kết thúc chị em Kiều ra về, đi bên bờ suối có giòng nước uốn quanh dưới chiếc cầu nho nhỏ. Nhìn bên đường Kiều thấy có một nấm mộ thấp, cỏ nửa vàng nửa xanh, chứng tỏ nơi đây không có ai chăm sóc. Chiều cuối xuân cảnh đẹp hoàng hôn còn phơi phới trong tâm hồn hai em Thúy Vân và Vương Quan mà Thúy Kiều lại cảm thấy buồn man mác, nỗi buồn thương thay cho người xấu số nằm dưới mộ. Như đọc được ý chị, Vương Quan biết Kim Văn Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nên kể rằng:

 

Đây là mộ Lưu Đạm Tiên, danh ca đệ nhất đất Bắc Kinh. Lúc sống nàng đã vang danh khắp nơi. Sau khi chết, mụ chủ chứa bất nhân định vứt bỏ xác nàng ra khe suối. May thay, có người khách ở xa từng nghe danh nàng nên tìm đến mong được gặp người đẹp một lần cho thỏa chí ước ao. Bất ngờ thấy nàng bị chết, người khách khóc thương cho số phận nàng và nguyện ước kiếp này không gặp thì hẹn kiếp sau... Thế rồi người khách mua quần áo, đồ tẩm niệm, hòm quách và thuê xe chở quan tài nàng đem chôn chỗ này. Vì là nấm mồ vô chủ nên không có người năng lui tới viếng thăm!"

 

Thúy Kiều cảm thương cho thân phận người xấu số và than trách sao trời đất quá ác nghiệt đối với phụ nữ "Sống làm vợ khắp người ta, Khéo thay thác xuống làm ma không chồng". Rồi Kiều thắp một nén hương và dùng cây trâm viết trên gốc cây một bài thơ chia sẻ nỗi buồn với người đã chết. Kiều quá cảm động, nước mắt nàng bỗng trào ra. Thấy chị đa sầu đa cảm, Vương Quan và Thúy Vân cũng phải trách nhẹ: "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa".

Người Việt thường nói: "Tin ma thì ma bắt!". Nén hương, lời tâm sự, đôi ba câu thơ và những giọt nước mắt của Kiều như bức thông điệp gửi xuống âm phủ, như một sự liên kết giữa người sống và kẻ chết. Hồn Đạm Tiên bỗng hiện lên qua mùi hương thơm ngào ngạt, cuốn thành làn gió thoảng thổi qua làm rung cây rụng lá. Kiều đi theo làn gió bỗng thấy nốt giầy của Đạm Tiên in trên mặt rêu xanh. Ai nấy đều bàng hoàng sợ hãi. Phải chăng hồn Đạm Tiên xuất hiện để báo cho Kiều biết về số mệnh tương lai của mình, một tương lai trùng hợp giữa hai người con gái đa tài tuyệt sắc!

 

Trong toàn truyện Nguyễn Du đã dành tới 230 câu thơ để tả sự liên kết giữa Thúy Kiều và hồn Đạm Tiên: Kiều gặp mộ Đạm Tiên (câu 51-116), Đạm Tiên hiện về (117-134); Kiều thương cho số phận Đạm Tiên (171-184); Kiều mơ gặp Đạm Tiên và buồn cho số phận mình (185-242); Kiều tự tử, Đạm Tiên báo mộng (985-1004); Kiều tự tử được cứu, Đạm Tiên báo mộng (2695-2738).

Các tác giả người Việt không mấy ai phê bình về đoạn thơ Kiều gặp mộ Đạm Tiên và hồn Đạm Tiên xuất hiện là chuyện phù phiếm, ma quái, có tính cách mê tín dị đoan. Có thể vì lý do tôn giáo, người ta không muốn phê bình sợ bị va chạm; hoặc vì phong tục xưa vẫn coi vấn đề bói toán, đồng bóng, chiêu hồn ma là những chuyện bình thường?

 

Sau khi Nguyễn Du được Liên Hiệp Quốc công nhận là danh nhân văn hóa qua truyện Kiều; các tác giả người Tầu đã chú tâm nghiên cứu, rồi đưa ra những bài bình luận. Có tác giả ca tụng theo tình cảm đam mê văn chương nghệ thuật, nhưng cũng có người chê Nguyễn Du vì mặc cảm hoặc vì tình hữu nghị giữa hai nước Cộng sản Việt-Trung không còn thắm thiết như môi với răng của một thời đã qua?

 

Trong số các tác giả người Tầu có Đổng Văn Thành, giáo sư văn học Trung Quốc tại trường đại học Liêu Ninh đã phê bình hiện tượng trên như sau:

"…Ở tiểu thuyết nguyên tác, tư tưởng số mệnh vốn đã có, như “mệnh bạc như hoa đào", “giai nhân bạc mệnh, hồng lỡ phấn thì", nhất định những tình tiết hư ảo về “hội đoạn trường", “giáo chủ đoạn trường", “sổ đoạn trường" ngầm cho biết đời Thúy Kiều là cả một mệnh bạc duyên ôi. Khi lần đầu Thúy Kiều sa vào lầu xanh và toan tự tử không thành, hồn kỹ nữ Lưu Đạm Tiên hiện ra bảo: “Món nợ oan nghiệt chưa trang trải xong, vội thoát cõi trần sao được?". Hồi 19 lại thông qua ni cô Giác Duyên để chuyển lời dự đoán về thân phận Thúy Kiều của đạo cô Tam Hợp “thông tỏ dữ lành", “công đức lớn nên oan nghiệt tiêu trừ được, lại còn được kết mối tân duyên". Rồi hồn Lưu Đạm Tiên lại hiện ra trong mộng của Thúy Kiều và cũng nói: “Vả trước đây từng nếm trải hết mùi cay đắng, ngày nay món nợ kiếp trước đã trả xong. Từ nay thân hưởng phúc lộc, tình duyên như ý. Hôm qua hội đoạn trường đã xóa tên chị, vậy thơ đoạn trường cũng xin trả lại".

Từ đầu chí cuối, lực lượng u minh đều giám sát và quyết định số mệnh của Thúy Kiều. Mặc dù những đoạn miêu tả này chỉ như mây mù nhẹ mỏng lan tỏa trên những đỉnh cao hiện thực được miêu tả trong toàn bộ nguyên tác, nhưng dù sao vẫn có tác dụng tiêu cực là tuyên truyền cho tư tưởng định mệnh.

Dưới bút Nguyễn Du, những đoạn miêu tả đó được giữ nguyên. Chẳng những thế, ông còn cho thuyết định mệnh này thâm nhập vào ý thức tư tưởng của Vương Thúy Kiều ở những đoạn miêu tả có tính hiện thực cũng thấm đượm quan nhiệm mê tín về thuyết nhân quả định mệnh, làm mờ nhạt thêm ý nghĩa hiện thực xã hội của những xung đột bi kịch. Chẳng hạn, ông thường tả Thúy Kiều dùng thuyết định mệnh để giải thích số phận bi kịch của mình…"

(Trích từ bài "So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam" của Đổng Văn Thành - Phạm Tú Châu dịch)

Chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng một phần hay toàn phần các bài phê bình và biện hộ cho tác giả truyện Kiều Nguyễn Du trong những số báo tới.

 

Kiều dự hội đạp thanh

 

Ngày xuân con én đưa thoi,
40-Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh.
45-Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
50-Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

 

Kiều gặp mộ Đạm Tiên

 

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
55-Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: Sao trong tiết thanh minh,
60-Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Vương Quan mới dẫn gần xa:
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.

 

Kiều thương khóc Đạm Tiên

 

65-Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
70-Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ.
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên ấy là mình với ta.
75-Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm xanh nếp tử xe châu,
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn ác tà,
80-Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
85-Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.
Nào người phượng chạ loan chung,
90-Nào người tích lục tham hồng là ai?
đã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.

 

Kiều đề thơ tang Đạm Tiên

 

95-Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra.
Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.
Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
100-Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

 

Thúy Vân, Vương Quan khuyên Kiều

 

105-Vân rằng: Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
110-Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Quan rằng: Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe.
Ở đây âm khí nặng nề,
Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.
115-Kiều rằng: Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh,

 

Đạm Tiên hiện về

 

Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.
Một lời nói chửa kịp thưa,
120-Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay.
Ào ào đổ lộc rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
Đè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành.
125- Mắt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: Này thực tinh thành chẳng xa.
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em.
Đã lòng hiển hiện cho xem,.

Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời.
130-Lòng thơ lai láng bồi hồi,
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.
Dùng dằng nửa ở nửa về,

 

II- Chú giải và điển tích

 

Câu 39-Ngày xuân con én đưa thoi:

Khi chim én xuất hiện trên nền trời là báo hiệu mùa Xuân trở lại. Tục ngữ Việt Nam, có lẽ dựa theo tục ngữ Latin[Erasmus Adages i. vii.]: una hirundo non facit ver (Horace), nên có câu: "Một con én không làm nên mùa Xuân (Spring)". Người Tây phương lại nói khác: "một con én không làm nên mùa " (người Anh: One swallow does not make Summer - người Pháp: Une hirondelle ne fait pas de l’été- người Đức: Eine Schwalbe macht noch keinen Sommer- Đan Mạch: En enkelt svale gør ingen summer; ngườiÝ: Una rondine non fa una Summer).

Có thể vì mùa Xuân từ tháng giêng tới tháng ba tại Tây phương nhiều khí trời còn quá lạnh và tuyết phủ đầy đường; nên sau thời gian hàng ngàn năm câu tục ngữ mùa Xuân biến thành mùa Hè, mùa nắng ấm và tươi đẹp chăng?

Nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi thấy truyện ngụ ngôn Aescop: “Người điên và con én” (Aesop’s Fable The Spendthrift and the Swallow) dựa theo danh ngôn của triết gia Aristotle (384-322 trước Công nguyên) cũng nói về mùa chứ không phải mùa Xuân. Như vậy, có sự khác nhau giữa Đông phương và Tây phương về phong tục và tục ngữ

Nghĩa bóng thì một người dù tài giỏi đôi khi không đem lại thành công. Ví dụ: trong một đội bóng đá mà chỉ có một cầu thủ giỏi thì chưa chắc anh ta có thể đem thắng lợi về cho toàn đội.

Chim én bay tới bay lui như chiếc thoi của khung dệt vải chạy qua chạy lại, có nghĩa thời gian qua mau. Mới Tết đến, Xuân về hôm nào mà nay đã cuối xuân rồi.

40-Thiều quang:

Anh sáng tươi đẹp, chỉ tiết xuân. Mùa xuân có 90 ngày (ba tháng), mà đã ngoài 60, tức là đã bước sang tháng ba.

 

43-Thanh minh:

Theo âm lịch Trung-quốc: Một năm chia làm bốn mùa, mỗi mùa chia làm sáu “tiết". Thanh minh là một tiết của mùa xuân nhằm vào đầu tháng ba.

 

44-Tảo mộ:

Tảo là quét, mộ là mồ mả. Theo phong tục xưa, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Người ta đi qua cánh đồng cỏ xanh, nên

gọi hội Thanh minh là hội Đạp thanh.

 

45-Yến anh:

Chim yến (én), chim anh (có khi đọc là oanh), hai loài chim về mùa xuân, thường hay hót ríu rít từng đàn. Ở đây có ý so sánh đoàn người đi tảo mộ đông, cười nói rộn ràng như đàn chim hót líu lo.

 

48-Ngựa xe như nước, Áo quần như nêm

Ngựa xe qua lại như nước chảy liên tục.

“Nêm”: muốn xay lúa thành gạo, người xưa làm hai mặt cối xay hình khối tròn đặt chồng lên nhau, mặt trên lõm để đổ lúa vào. Cối được điều khiển xoay tròn bởi một khúc cây gắn vào tai cối do người đẩy tới, kéo lui. Hai mặt thớt cối này được làm bằng những thanh tre già và cứng để khi cọ sát không bị mòn nhiều. Những thanh tre này gọi là cây “nêm” ghép thật sát nhau.

Cả câu 48 có ý so sánh ngựa xe qua lại liên tiếp như nước chảy, khách du xuân áo quần đẹp đẽ, đi chen chúc sát vào nhau như những cây nêm của cối xay.

 

49-Ngổn ngang gò đống kéo lên:

Những đoàn người lũ lượt kéo nhau lên nơi gò đất cao.

 

50-Vàng vó:

Những thoi vàng làm bằng giấy hình khối chữ nhật dùng để rải trên đường trong lễ nghi đưa quan tài người chết ra nghĩa địa và khi đi tảo mộ. Tập quán này phát sinh từ niềm tin rằng người chết cũng cần phải có vàng bạc để tiêu xài hay chi phí cho việc di chuyển trong cõi chết.

 

53-Tiểu khê: Khe hay suối, nguồn nước nhỏ từ trong núi chảy ra. Ca dao có câu: Trải qua bao dặm sơn khê.

 

62-Ca nhi: người phụ nữ sống nghề ca hát, tiếp khách ở phòng trà, quán rượu thời xưa.

 

65-Hồng nhan: Má hồng, ý chỉ nhan sắc của người phụ nữ.

 

66-Cành thiên hương: Cành hoa thơm của trời, có ý so sánh với người con gái đẹp.

 

70-Trâm gãy bình rơi: Trâm cài tóc bị gẫy và chiếc bình rơi bể nát thì còn gì, ý nói người đẹp đã chết.

 

72-Dấu xe ngựa: Dấu vết xe ngựa của những khách đến Thanh lâu chơi bời trước đây.

 

74-Bấy: Biết bao nhiêu.

 

77-Nếp tử xe châu:

 

Sắm xanh nếp tử xe châu, Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa.

Quan tài bằng gỗ thị (tử) và xe đưa đám tang có rèm hạt châu. Ý nói người khách mua quan tài và thuê xe tang màn phủ có gắn những ngọc trai rồi đào một lỗ cạn chôn xác Đạm Tiên gần bên đường. Nếp tử xe châu cũng là đề tài tranh cãi của nhiều nhà phê bình truyện Kiều.

Có tác gỉả cho rằng: "Buồng không lạnh ngắt như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh"; có nghĩa khi người khách lạ tới thì buồng của Đạm Tiên vắng vẻ, dấu xe ngựa của khách làng chơi đã mọc rêu xanh; như vậy thì Đạm Tiên đã chết lâu rồi, trước khi khách lạ tới, thì làm sao người khách lại có thể mua đồ tang và chôn cất nàng được?

Có tác giả cho rằng: buồng lạnh ngắt vì Đạm Tiên bị bệnh lâu ngày không ai dám mò tới và chủ chứa cũng chán ngấy, vì không kiếm được tiền; nên khi nàng chết thì bà ta quẳng xác ra ngoài suối. May thay, ngay lúc đó có người khách lạ từ xa tới thấy vậy tỏ lòng thương, mua đồ mai táng, thuê xe chở xác Đạm Tiên đi chôn.

 

78-Bụi hồng/Vùi nông:

Bụi hồng do chữ hồng trần, nghĩa là đám bụi đỏ. Trong văn học cổ người ta thường dùng chữ “bụi hồng" để chỉ cuộc đời phồn hoa náo nhiệt.

Vùi nông có nghĩa là chôn cạn, nên mới có câu "sè sè nấm đất bên đường", chỉ nấm mộ thấp lè tè nằm cạnh đường đi.

 

79-Thỏ bạc: Người xưa cho rằng trong mặt trăng có con thỏ giã thuốc¸ nên hình ảnh thỏ bạc ám chỉ mặt trăng sáng trắng.

-Ác vàng hay Kim ô: ám chỉ mặt trời. Người xưa cho rằng trong mặt trời có con quạ vàng ba chân.

Trong bài thơ "Tư Dung vãn" của Đào Duy Từ cũng có câu: "Đêm treo thỏ bạc, ngày soi ác vàng.."

 

82-Châu: nghĩa thường là hạt ngọc châu, ở đây chỉ nước mắt.

85-Hóa công: Tạo hoá, ông Trời.

86-Phượng: Chim phượng trống. Loan: Chim phượng mái. Trong văn cổ, loan phượng dùng để chỉ đôi lứa vợ chồng. Ở đây chỉ những khách làng chơi đi lại, chung chạ ái ân với Đạm Tiên, ngày trước.

 

90-Tiếc lục tham hồng: ý nói luyến tiếc, ham sắc đẹp của giai nhân.

94-Suối vàng:

Do chữ Hoàng tuyền. Suối vàng hay chín suối. “Suối vàng" do chữ “Huỳnh tuyền" tức là suối nước màu vàng. Người Tàu ngày xưa tin rằng ở dưới âm phủ có chín cái suối nước vàng, nên có chữ “Cửu tuyền" tức là “Chín suối". Huỳnh tuyền hay Cửu tuyền, Suối vàng hay Chín suối đều chỉ chỗ ở của người chết.

Theo tích xưa: Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), chúa nước Trịnh là Trịnh Trang Công tên Ngộ Sinh rất có hiếu với mẹ. Vì mẹ bất chính nên Trang công có lời thề rằng: "Chẳng phải chốn suối vàng thì chẳng nhìn nhau" (Bất cập huỳnh tuyền vô tương kiến dã).

Nguyên vợ của Trịnh Vũ Công là Khương Thị sinh được hai con. Con trưởng là Ngộ Sinh, con thứ tên là Đoạn. Cái tên Ngộ Sinh là do sự đẻ thình lình làm cho Khương Thị chịu nhiều đau đớn. Vì thế, Khương Thị đâm ra ghét Ngộ Sinh, thương thằng em tên Đoạn. Đoạn là người khôi ngô, thông minh, mặt trắng như phấn, môi đỏ như son, sức khỏe lạ thường, thêm tài cỡi ngựa bắn cung tên chính xác. Khương Thị rất mực thương yêu, muốn sau này được nối ngôi nên thường khoe Đoạn là người hiền trước mặt chồng và tỏ ý muốn Đoạn được nối ngôi thế tử. Trịnh Vũ công bảo:

-Anh em có thứ bực, không nên xáo trộn đạo lý. Hơn nữa Ngộ Sinh không có tội lỗi gì, sao lại bỏ trưởng mà lập thứ được. Trịnh Vũ Công lập Ngộ Sinh làm thế tử. Còn Đoạn thì cấp đất Cung. Khương Thị càng bất bình. Vũ Công mất, Ngộ Sinh lên kế vị tức là Trịnh Trang Công. Khương Thị rất buồn bã, bảo Trịnh Trang Công:

-Con nối ngôi cha làm chủ nước Trịnh, đất rộng ngoài mấy trăm dặm mà chỉ để cho người em ruột thịt một chỗ đất nhỏ bé không đủ dung thân, sao yên lòng đượcTrịnh Trang Công hỏi:

-Vậy xin mẫu thân dạy cho biết ý muốn?

Khương Thị nói:

-Sao con không lấy đất Chế Ấp mà phong cho em con.

Trang Công trả lời:

-Chế Ấp là một nơi hiểm yếu, tiên vương ngày xưa có di chúc cấm phong đất này cho bất cứ ai. Vậy trừ đất ấy, mẫu thân muốn chỗ nào, con sẽ vâng lời.

Khương Thị cướp cơ hội nói ngay:

-Nếu vậy phong cho Đoạn ở Kinh Thành.

Trịnh Trang Công im lặng, không nói gì. Khương Thị thấy thế nổi giận, nói:

-Nếu con không nhận như vậy thì cứ đuổi Đoạn đi sang nước khác, để nó kiếm cách gì làm ăn được thì nó làm!

Trịnh Trang Công thở dài:

-Con đâu lại làm thế được!

Hôm sau, Trang Công gọi Đoạn vào phong cho đất Kinh Thành.

Đại phu là Sái Túc can rằng:

-Kinh Thành là một ấp lớn, đất rộng, người đông.

Nếu đem phong cho Đoạn thì mai hậu người tất cậy thế chuyên quyền.

Trang Công nói:

-Mẫu thân ta muốn như vậy thì ta phải làm theo vậy.

Đoạn được phong đất Kinh Thành, vào cáo biệt mẹ. Khương Thị đuổi kẻ hầu cận rồi bảo Đoạn:

-Anh mày không nghĩ đến tình ruột thịt, cư xử với mày thật là bội bạc. Nhờ ta ba lần khẩn khoản, nó mới phong đất Kinh Thành cho mày. Nó vị nể mẹ chứ chưa chắc thành thật. Con về Kinh Thành nên lo luyện tập binh mã, phòng bị sẵn sàng, nếu có cơ hội thì đem quân lại đánh, ta sẽ nội ứng cho mà chiếm lấy nước Trịnh. Nếu con đoạt được ngôi của Ngộ Sinh thì ta có chết cũng được hả dạ. Đoạn vâng lịnh mẹ ra đóng ở đất Kinh Thành.

Từ đấy, Đoạn giả cách đi săn bắn mà luyện tập binh mã, tìm kiếm mưu mô chiếm lấy nước Trịnh. Đoạn lại chiếm luôn cả hai ấp gần đó. Quan ấp tể trốn vào Trịnh kêu cứu. Trịnh Trang Công không nói gì chỉ cười lạt mà thôi. Đại phu Sái Túc và quan thượng khanh là công tử Lữ nằng nặc tâu xin Trang Công cho đem quân đi dẹp. Trang Công nói:

-Đoạn dẫu vô đạo nhưng chưa rõ tội lỗi. Nếu ta đem quân đánh thì quốc mẫu ắt tìm cách ngăn cản. Người ngoài không biết lại bảo ta bất hữu, bất hiếu. Chi bằng cứ để thế, Đoạn tất làm càn, không hề kiêng nể, lúc ấy ta sẽ kể tội trạng đem quân đi đánh thì người trong nước chẳng ai giúp Đoạn, mà đến mẫu thân ta cũng không trách oán gì được.

Công tử Lữ nói:

-Mặc dù vậy nhưng tôi sợ thế lực Đoạn ngày một to, lan ra như cỏ mọc, cắt không hết được thì mới làm sao? Chúa Công nên mưu cách gì cho Đoạn phản nghịch, nổi loạn sớm thì đánh hắn mới chắc được. Trang Công cho là phải. Bấy giờ cả hai mới tính kế. Sáng hôm sau, Trang Công ra lịnh giao việc quốc chính cho Sái Túc để vào triều nhà Chu. Khương Thị nghe biết mừng lắm, cho là có dịp cướp được nước, vội vã viết thư sai người tâm phúc đem đến Kinh Thành, hẹn với Đoạn chiếm lấy nước Trịnh. Nhưng công tử Lữ đã cho người đón đường, giết tên đưa thư và đoạt lấy thư. Trang Công xem xong niêm lại, rồi sai kẻ tâm phúc giả làm người của Khương Thị đem thư sang đưa cho Đoạn và lấy thư trả lời về. Thư của Đoạn hẹn đến ngày mùng 5 tháng 5 thì khởi sự.

Trang Công tiếp được thư, mừng nói:

-Tờ cung chiêu của Đoạn sẵn có đây rồi. Mẫu thân hẳn không còn binh vực thế nào được.

Đoạn từ khi tiếp được thư mẹ liền sai con là Hoạt sang nước Vệ mượn binh; rồi phao tin rằng mình về Trịnh phụng mạng coi việc quốc chính và mở cửa thành tiến quân. Công tử Lữ sai quân giả dạng lái buôn vào thành, đợi khi Đoạn cất quân thì đốt lửa làm hiệu cho Lữ biết mà đem quân đến, trong thành sẽ mở cửa đón.

Lữ vào được thành liền kể tội trạng của Đoạn và đem những đức tính của Trang Công yết cho dân chúng biết. Đoạn biết cớ sự không thành, rút quân về Cung Thanh. Trịnh Trang Công đem quân tiến đánh. Đoạn tự tử. Trang công vào thành, ôm thây Đoạn than khóc, lại đem tất cả thư từ của mẹ gởi cho Đoạn và thư của Đoạn gởi cho mẹ gói làm một gói, truyền Sái Túc trao lại cho Khương Thị. Trong lúc buồn tức, Trang Công truyền an trí mẹ ở Đỉnh Ấp và thề rằng: "Chỉ đến khi xuống suối vàng, mẹ con mới gặp mặt được".

Khương Thị trông thấy cả hai bức thư, lấy làm hổ thẹn, tự nghĩ không còn mặt mũi nào nhìn thấy Trang Công nữa nên theo lịnh an trí ở Đỉnh Ấp. Trang Công về cung, thấy vắng mẹ, lòng chua xót than thở:

Ta buộc lòng mà để em chết, nay nỡ tình nào lìa mẹ nữa. Ta thật có tội với luân lý."

Nhà vua rất lấy làm hối nhưng đã lỡ thề rồi. Quan trấn Đỉnh Ấp là Đĩnh Khảo Thúc biết ý Trang Công nên mới bày cách giải lời thề là cho người đào đất đến tận mạch nước, rồi làm một cái nhà dưới hầm bên cạnh suối đem Khương Thị xuống ở, đặt thang dài để Trang Công xuống gặp mẹ. Trang công sụp lạy mẹ, nói:

-Ngộ Sinh này bất hiếu, lâu nay thiếu sự phụng thờ mẹ, xin mẹ tha tội cho.

Khương Thị nói:

-Đó là lỗi của mẹ, con không có tội gì.

Đoạn đỡ Trang Công dậy, mẹ con khóc lên não nuột. Trang Công liền dắt mẹ lên thang rồi ngồi xe, và tự tay cầm cương đưa mẹ về cung đình.

97-Áy: Vàng úa.

112-Vận vào: ý nói lời nào cũng như ám chỉ vào mình.

113-Âm khí: Cái khí cõi âm, cõi chết, ở đây chỉ không khí bãi tha ma.

116-Thể: Thể xác (hữu hình). Phách: Chỉ những cái gì vô hình chỉ dựa vào thể xác mà tồn tại.

118-Hiển linh: linh thiêng, ở đây ý nói hồn chết linh thiêng của Đạm Tiên xuất hiện.

126-Tinh thành: Lòng thành thuần khiết, lòng chí thành.

128-U hiển: U là tối, chỉ cõi chết ám chỉ cõi âm. Hiển là sáng rõ, chỉ cõi sống. Ý nói: quen nhau chớ nề hà kẻ sống, người chết; kẻ ở cõi âm, người ở cõi dương.

131-Cổ thi

Cổ phong hay Cổ thể, cổ thể thi là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung là thơ 5 chữ (ngũ ngôn), 7 chữ (thất ngôn)… không giới hạn số câu, tức thơ Đường luật. Thơ Cổ Phong có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, luật bằng trắc v.v...   n

-------------------------

1-Tài liệu tham khảo cũ:

Các tài liệu đã đăng trong các số báo trước.

2-Tài liệu tham khảo mới:

-http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/others/DienHayTichLa/dhtl_ntq_119.htm

-http://24x7interestingfacts.blogspot.com/2008/10/one-swallow-does-not-make-summer.html

-http://www.special-dictionary.com/latin/u/una_hirundo_non_facit_ver.htm

-http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5986&rb=0102