Dân Chúa Âu Châu

TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ NHỮNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

BY: HOÀNG THẠCH

Mỗi năm vào cuối tháng chạp, người Việt nào mà không vui mừng chuẩn bị đón Tết và mùa Xuân trở lại. Tết Nguyên Đán không chỉ trở nên nhộn nhịp với lễ lậy hương trầm nghi ngút và các sinh hoạt vui chơi, văn hóa; mà còn là dịp để mọi người đề cao đạo đức dân tộc, qua các lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng trong lịch sử và đạo đức gia đình, qua sự quây quần của con cháu để tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà và cha mẹ. Truyền thống "Chim có tổ, người có tông" và "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" là những câu ca dao nhắc nhở con cháu sống cho phải đạo. Đây cũng là dịp để ông bà và cha mẹ tỏ tình thương yêu của mình và vui mừng chứng kiến cảnh con cháu đầy nhà, một thành quả của lời khách chúc "đông con, nhiều cháu" trong tiệc tân hôn, mà các ngài đã đón nhận, sau khi trao nhau lời hứa ân tình trong ngày hôn lễ.
Nói đến Tết Nguyên Đán, người dân Việt cũng không thể quên được các ngày lễ hội truyền thống của dân tộc đã được tổ chức năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn vào sinh hoạt văn hóa và lễ hội, người ta mới thấy đâu là Bốn Ngàn Năm Văn Vật của một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời tại Á Châu. Cùng với người Kinh, các dân tộc thiểu số cũng mừng Tết theo tập quán riêng của mình như một số bộ tộc dưới đây.

I-PHONG TỤC TẾT CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

1- Tết Prơ-Giê-Râm của người Cơ Tu

Bắt đầu vào mùa Xuân và cũng là vụ mùa lúa mới, ở huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên thuộc tỉnh Quảng Nam người sắc tộc tổ chức ăn Tết Prơ-giê-răm. Nhà nào cũng trang trí lộng lẫy với các loại cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng. Tại nhà đình làng (nhà Guơi) người ta dựng một cây cột, loại cây gạo, được trạm trổ tinh vi và sơn vẽ trông rất đẹp mắt. Cây cột này dùng để cột con trâu sẽ bị giết để ăn mừng. Các sinh hoạt văn hoá diễn ra tại nhà Guơi gồm có: kể chuyện xưa tích cũ, nhảy múa, hát dân ca. Các cô thiếu nữ ngày ngày phải lo việc nhà, nay có dịp trao đổi tâm tình và cùng nhau tham dự vào các cuộc vui Xuân. Giống như người Kinh, thời gian mừng Tết và Xuân của họ kéo dài cả tháng.

2- Tết Nhảy của người Dao

Người sắc tộc Dao ở miền Bắc có tục lệ mừng Tết giống người Kinh. Trong những ngày đầu Xuân không ai làm việc gì cả ngoài chuyện vui chơi, thăm viếng thân bằng quyến thuộc và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhà nào cũng trang hoàng lộng lẫy bằng những câu đối chữ Hán treo lên cột nhà hay trên vách tường. Người Dao đón Xuân bằng Vũ Tết gọi là "Nhiang chằm Đao“. Vũ Tết bắt đầu trước Tết Nguyên Đán. Trai tráng trong làng tay cầm gươm đao làm bằng gỗ tập dượt các điệu múa nhảy sao cho nhuần nhuyễn. Trong Vũ Tết, mỗi người phải tham dự vào đoàn nhảy múa nhiều lần và phải cử động theo nhịp điệu của tiếng trống và tiếng thanh la.

3- Tết Giọt Nước của người Sê Đăng

Người Sê Đăng ở Kontum có tới hai cái Tết là Tết Giọt Nước và Tết Lửa. Tết Giọt Nước được tổ chức vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Sau mùa lúa, người dân bắt đầu sửa lại các máng nước cho ngay ngắn và sạch sẽ để tổ chức lễ "cúng máng“. Nghi lễ này diễn ra hàng năm nhằm mục đích cầu xin Thần Nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa và nước nôi đầy đủ. Người buôn làng mang chum và nồi đồng ra hứng nước từ các máng nước mang về nhà, một hình thức giống như tục hái hoa cầu may của người Kinh. Sau đó họ tổ chức tiệc tùng và các trò vui chơi suốt trong những ngày Tết. "Lễ cúng máng nước“ được tổ chức tại nơi công cộng, nhà Rông, do thầy cúng làm chủ lễ. Dân làng cùng nhau vui say, ca hát và nhảy múa. Nhân dịp này, gái trai không còn bẽn lẽn như ngày thường; nhưng được tự do trao đổi nụ cười và ánh mắt với các trai làng.

4- Tết của người H’Mông

Người H’Mông ở vùng cao nguyên Tây Bắc và Việt Bắc mừng Tết Nao X-Cha khá thịnh soạn. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ được ưa chuộng nhất. Tiệc Tết chính yếu thường là một con heo mập. Ngoài thịt, còn có bánh bột nếp như kiểu bánh dày của người Kinh. Tết của người H’Mông được tổ chức vào mùa đông, trước hoặc sau Tết Dương lịch ít ngày. Trong đêm Giao Thừa các gia đình thường cử con trai đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên theo phong tục gọi là "mở nước".

5- Tết của người H’Ré

Ở Quảng Ngãi đồng bào H’Ré ăn Tết kéo dài qua tháng giêng. Nhà nào cũng lo nấu bánh tét và làm rượu cho dư giả. Các nhà giàu có khi phải nấu từ hàng chục nồi bánh tét, ủ hàng trăm hũ rượu cần, giết vài con trâu để đãi thân bằng quyến thuộc và dân trong buôn làng. Trước hết, họ tề tựu về nhà Tù Trưởng để ăn Tết và chúc mừng nhau; sau đó đến các gia đình. Dân làngï vừa ăn uống vừa múa hát. Đàn ông đeo ống chinh, đàn bà đeo ống bương. Họ lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng, một hình thức vũ Trống Cơm của người Kinh. Trò chơi thích nhất của dân làng là nhảy kẹp. Hai người, một nam, một nữ; mỗi người một đầu cầm hai cây đòn trơn láng dài chừng hai mét đập vào nhau. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy và thay phiên nhau.

6- Tết Bỏ Mả của người Gai Rai

Đồng bào Gia Rai ở tỉnh Gia Lai có cái Tết kỳ lạ gọi là Tết Bỏ Mả, giống như Tết Nhà Mả của đồng bào Ba Na; nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. Tết này có thể so sánh với lệ đêm ba người mời Ông Bà về ăn Tết với con cháu hoặc lễ Tảo Mộ của người Kinh. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong buôn làng kéo nhau đi thăm viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Khi tiếng thanh la, trống và cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là dấu hiệu bắt đầu lễ Bỏ Mả. Người trong buôn nối theo nhau, tay cầm đuốc cháy sáng và rượu và thịt tiến về nghĩa địa để chia vui cùng gia đình chủ nhân. Tùy theo gia cảnh của từng người mà chủ lễ tổ chức đơn giản hay sang trọng. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu, loại cây gạo. Trên cây này có treo nhiều lá bùa xanh đỏ. Chủ lễ đưa tay lên lâm râm khấn vái Trời (Yàng) độ phù.

7- Tết của người Thái

Người Thái ở miền Bắc tại tỉnh Sơn La và Lai Châu mừng Tết hầu như người Kinh: "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Mở đầu là Tết Soong Sịp (Tết cơm mới). Sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng, dân làngï giết trâu, mổ heo và lấy gạo mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết Soong Sip là Tết Kim Lao Mao (Tết uống rượu), Tết ông Táo và lớn nhất là Tết Nen-Bươn-Tiền (Tết Nguyên Đán). Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để khai thông thoáng năm mới. Vui nhất là các hội ca vũ "Xoè Thái." Dân chúng vui chơi kéo dài đến rằm tháng giêng mới mãn Hội.

8- Tết Cơm Mới của người Ê - Đê

Người Rha-đê hay Ê-đê ở Đăk-Lăk mừng Tết Cơm Mới vào khoảng tháng 10 Dương lịch, khi lúa đã chín vàng cả nương rẫy. Mỗi gia đình mang gùi đi tuốt lúa về phơi khô giã lấy gạo để tổ chức ăn mừng lúa chín. Tuỳ theo gia cảnh giầu hay nghèo mà người ta giết trâu, bò, heo, gà nhiều hay ít. Lễ vật đặt ở giữa nhà gồm thịt thà, một hay hai hũ rượu cần buộc chặt vào gốc cột và vài đĩa cơm. Gia chủ hay thầy cúng lâm râm khấn vái: "Lạy Thần Mtâo Kia, H’Bia Kiu, Aê-du và Thần A-lê Diê đã ban cho chúng con nào thóc lúa, nào kê, nào ngõ. Chúng con thỉnh chư vị Thần Thánh từ phía Đông dãy Ngân Hà, nơi phát xuất nguồn gốc của lúa, xin giáng lâm chứng giám. Lạy thần Aê Nghi ở dưới đất, lạy thần Aê Ngăn ở trên trời... xin cho mỗi năm lúa được đầy vựa...“

9- Tết Yang Pa của người Chơ-Ro

Người Chơ-Ro hay Chu-Ru sinh sống tại Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa tổ chức hai Tết là lễ cúng Thần Rừng và Thần Lúa vào khoảng tháng ba Âm lịch. Ngày cúng Thần Lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy… Có thể coi hình thức này như để ra mắt của các cô đã đến tuổi cập kê. Sau lễ cúng Thần Lúa, tại mỗi nhà, gia chủ làm tiệc khoản đãi. Vị trí cúng lễ thường là gốc cây cổ thụ trong buôn làng, nơi mà người dân tin rằng Thần Lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.

10- Tết Nhô Lir Bông của người K’Ho

Người K’Ho sinh sống ở Lâm Đồng. Họ ăn Tết sau Tết Nguyên Đán của người Kinh độ một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức là Tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng. Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người H’Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Trời (Yàng) ban cho. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình và bắt đầu từ xế chiều. Tham dự lễ cúng có Tù Trưởng và nhiều gia chủ khác. Người ra lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn và cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ và các con mối đất. Cỏ tranh được giã nhỏ để bôi lên ngực và lên trán các thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên cả đồ gia dụng. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người K’Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát và nhảy múa cả tháng trời mới mãn.

11- Lễ Tết Cổ Truyền của người Chăm

Đồng bào Chăm còn gọi là Chàm, hiện sinh sống tại hai tỉnh Bìnhh Thuận, Ninh Thuận và một số ít tại Châu Giang (tỉnh An Giang). Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết rất linh đình. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.

Păng-Katê cử hành vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 Dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16 tháng 9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 Dương lịch. Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ khắp nẻo đường đổ về ba nơi hành lễ: đó là đền Pô Nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang, Tháp Chàm. Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí Dương, cho nên phải cử hành vào buổi sáng. Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí Âm nên được cử hành vào buổi chiều tối. Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể dân làng đều tề tựu về ba nơi hành lễ với quần áo mới và chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật và thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp.

Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các Thầy cúng chính, Thầy cúng phó, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mua rùa) vừa xướng văn tế lễ. Các bà Bóng thì dâng rượu và múa mừng.
Tưởng cũng nên nhắc đến người Chăm gồm có 2 phái: phái theo đạo Bà La Môn và phái theo đạo Hồi. Phái theo đạo Bà La Môn kiêng ăn thịt bò. Phái theo đạo Hồi kiêng ăn thịt heo. Trong ngày Tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe chức sắc, đọc thánh kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah. Sau đó các tín hữu ra sông, suối tắm rửa để tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.
Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn Tết tại nhà. Qua ngày thứ ba, đến ngày thứ 7 hay thứ 9 đến lượt mọi người tổ chức ăn Tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi. Họ giết heo, gà vịt và bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát, uống rượu, bắn cung.

Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng Thần Nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành nghi lễ tế tự tại các đền, tháp; lễ Cầu Đảo (Chakap Hiâu Kron) thì được cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống Ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
II-CÁC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC KINH
Dân tộc Kinh có rất nhiều phong tục và lễ hội khác nhau. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ kể lại một số Lễ Hội trong dịp Tết tại một số địa phương mà thôi.
1- Hội Đống Đa
Hội tưởng nhớ trận chiến tại làng Hà Hồi và Ngọc Hồi thuộc quận Đống Đa, Hà Nội là một trong các chiến thắng oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược Tàu. Sau khi bị quân Tàu xâm chiếm miền Bắc, Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã thống lĩnh 10 vạn quân thiện chiến mở cuộc tấn công giải phóng cố đô Thăng Long kể từ nửa đêm ngày 3.1.1978. Các tướng Tàu gồm: đề đốc Hứa Thế Hanh, tư lệnh tiền phương Trương Sĩ Long, Tả quân Thượng Duy Thăng đều lần lượt bị tử trận. Quan phủ Diền Châu Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa bị vây sợ quá thắt cổ chết. Chỉ trong vòng ba ngày, Hoàng Đế Quang Trung đã đánh tan hàng chục vạn quân Thanh và giải phóng cố đô vào ngày 5.1.1978. Lễ Hội Đống Đa hay giỗ trận Đống Đa được tổ chức vào ngày 5.1 để kỷ niệm chiến thắng vang danh lịch sử này.

2- Hội Tây Sơn

Lễ Hội Tây Sơn được tổ chức tại quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ vào ngày 5.1 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngoài nghi thức lễ, người ta còn tổ chức các cuộc vui như: biểu diễn trống, thi đánh côn, múa đường quyền, tranh tài thượng võ và hát tuồng. Nên nhớ là Võ Bình định là một trong các môn phái nổi tiếng trong làng võ thuật Việt Nam. Không chỉ nam giới nổi tiếng võ giỏi mà nhiều cô thanh nữ cũng đấm đá không thua ai. Vì thế mới có câu:
Ai ra Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.

3- Hội Đền Mai Động

Đền Mai Động nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 4 đến 6.1 để tưởng niệm bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ngoài nghi thức tế lễ, rước xách, người ta còn tổ chức nhiều trò chơi và các cuộc thi đấu khác nhau.

4- Hội Chùa Keo

Hội Xuân chùa Keo diễn ra vào ngày 14.1. Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng để kính nhớ nhà sư Không Lộ. Nhờ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông (1054-1058) nên sư ông được phong làm Quốc sư. Ngoài nghi thức lễ cúng Phật, người ta còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo.

5- Hội Đền An Dương Vương

Lễ hội này còn gọi là Hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16.1, để tưởng niệm Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Câu truyện tình gián điệp ngang trái giữa Trọng Thủy - Mỵ Châu và chiếc nỏ thần cũng được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe trong dịp này. Nghi lễ gồm có đám rước các kỳ mục tế thần và rước thần của 12 xóm. Các trò chơi giải trí gồm đánh đu, cờ người, tổ tôm và hát chèo.

6- Hội Chợ Chùa

Hội được tổ chức tại xã Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định vào ngày 8.1, để ghi lại chiến tích lẫy lừng Đống Đa và tiệc khao quân sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và giải phóng cố đô Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Nghi thức gồm có tế lễ và rước thần thánh.

7- Hội Lim

Hội diễn ra từ ngày 13 đến 15.1 tại Nội Duệ, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội này nhằm mục đích tưởng nhớ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập lối Hát Quan Họ, một lối hát nổi tiếng miền Bắc. Nhân dịp này thanh niên, thiếu nữ quanh vùng đua nhau tới tham dự và có dịp tỏ tình, trao duyên qua những câu hò tiếng hát. Ngoài Hát Quan Họ, còn có nghi lễ rước xách, đu tiên và đấu vật.

8- Hội Đền Phạm Ngũ Lão

Hội này diễn ra từ ngày 10 đến 15.1 tại làng Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên để tưởng niệm danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần. Có nghi thức tế lễ, lau rửa và tắm tượng.

9- Hội Linh Sơn Thánh Mẫu

Hội này còn gọi là hội Xuân núi Bà Đen, Tây Ninh. Hội thu hút khách thập phương kéo dài suốt 3 tháng Xuân, thường từ ngày 20 trở đi, đông nhất là ngày 15-1. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Việt. Lưng chừng núi có đền Linh Sơn Thánh Mẫu, gần đỉnh núi có miếu Sơn Thần. Đặc trưng của hội là chơi xuân, du lịch, lễ bái cầu mong năm mới an bình và thịnh vượng.

10- Hội Đền Và

Hội bắt đầu vào ngày 15-1 tại Bất Bạt, Hà Tây. Đền này thờ thần núi Tản Viên, bắt nguồn từ câu truyện Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh trong lịch sử Việt Nam. Hội có rước thần và tế thần. Trò vui có đánh cá, hát đúm và cờ người.

11- Hội Đền Cửa Suốt

Hội được tổ chức tại thị trấn Cửa Ông, Quảng Ninh vào ngày 15.1, để tưởng niệm anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) vang danh sử sách qua lời khảng khái trước vua Trần Nhân Tông (1284): "Nếu Bệ-hạ muốn hàng quân Nguyên, xin chém đầu tôi trước đi đã, sau đó hãy hàng!" và là người có công đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi bỏ. Khách hành hương trẩy hội, có dịp nhớ lại địa danh ghi dấu chiến tích và du lịch vãng cảnh vịnh Hạ Long.

12- Hội Đền Hạ Lôi

Hội diễn ra tại Mê Linh, Hà Nội vào ngày 15.1 để tưởng niệm hai nữ anh hùng: Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nghi thức tế lễ có tục cúng bánh trôi, diễn tập trận, đánh cờ, chơi đu...