Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Đại ý đoạn thơ Kim Trọng tương tư Thúy Kiều

 

Đúng là tiếng sét ái tình. Sau khi gặp chị em Kiều, Kim Trọng về nhà thương nhớ, nỗi nhớ không làm sao quên được. Một ngày không được gặp Kiều thời gian dài chẳng khác gì ba năm mong đợi. Kim Trọng hình dung hình ảnh Kiều ngồi trong cửa sổ nhà nàng mà lòng mình sầu nhớ miên man suốt cả một tuần trăng (một tháng), đèn cạn dầu tắt lụi mà lòng vẫn còn vấn vương. Kim Trọng tương tư đến nỗi phòng học để lạnh tanh, bút lông thỏ không hề viết và cây đàn cũng bỏ lơ. Phải chăng đây là duyên nợ kiếp này sang kiếp khác mà chàng phải mang? Nhớ người đẹp, Kim Trọng rời phòng ra chỗ gặp gỡ Kiều lần đầu, nhưng chỉ thấy cỏ xanh, mặt nước trong veo và bụi lau nghiêng ngả! Chịu không nổi, Kim Trọng tìm lối sang nhà Kiều; nhưng cổng kín, tường cao ngăn trở làm cho anh chàng si tình mà nhát gan không biết làm cách nào gặp được người đẹp. Về nhà, đứng sau mành cửa Kim Trọng chỉ nghe thấy tiếng chim oanh ca hót như mỉa mai mình. Mấy lần chàng tính qua thăm nhưng cổng nhà nàng vẫn đóng kín, chỉ thấy hoa rụng còn nàng ở đâu?

 

Để có cơ hội làm quen Thuý Kiều, Kim Trọng cũng ma mãnh tìm cách thuê nhà gần nhà Kiều. Một hôm chàng thấy có một thương gia, nay đi buôn ở nước Ngô mai đi bán ở nước Việt, nên nhà bỏ trống. Chàng liền kiếm cớ xa nhà du học hỏi thuê, rồi mau mau dọn đồ đạc sang ở. Nhà thương gia có hòn non bộ, có hiên cao rất thuận tiện cho chàng đứng ngắm sang nhà Kiều. Sau hai tháng chực chờ ngóng trông, bỗng một buổi sớm sương mù chưa tan Kim Trọng thấy bóng hồng xuất hiện. Chàng vội vã chạy đến nhưng khi tới gần chỉ còn hương thơm, nàng tiên biến mất đâu rồi. Chàng lần theo tường gạch hoa của nhà Kiều để kiếm nàng thì bất chợt thấy một trâm vàng cài tóc treo trên cành đào. Kim Trọng vội vàng đưa tay với lấy đem về nhà, hí hửng đứng nhìn trâm mãi không chán và tự nghĩ có cơ may mới nhặt được trâm vàng của người mình thầm yêu trộm nhớ. Dù chưa gặp lại Kiều; nhưng có vật quí của nàng trong tay cũng vơi đi nỗi buồn và có cớ làm quen. Kim Trọng tự hỏi phải chăng đây là nhân duyên tiền định?

 

Lúc trời vừa sáng tan sương, sau khi về phòng, Kiều thấy trâm cài đâu mất, bèn ra vườn tìm kiếm. Chàng Kim si tình đứng chờ từ lâu; thấy bóng Kiều bèn vội vàng lên tiếng: "Nàng ơi tự nhiên tôi nhặt được cây trâm của nàng nè". Từ bên kia tường nhà Kiều tỏ vẻ thẹn thùng đáp lại. "Chàng ơi! Của rơi có sá gì mà chàng quá quan tâm". Nhân cơ hội ngàn năm một thuở, Kim Trọng kiếm cớ xin Kiều dừng chân cho chàng trao lời tâm sự. Bốn mắt nhìn nhau, hai con tim rung động, hai người chả nói ra nhưng ai cũng hiểu được họ "đã phải lòng nhau". Thúy Kiều không đòi lại trâm mà còn vào nhà lấy thêm hai xuyến vàng và chiếc khăn lụa quí giá, rồi lén leo thang cao qua góc tường sang nhà Kim Trọng.

 

Lúc gặp nhau, người thẹn thùng, kẻ ngỡ ngàng. Hình ảnh cuộc gặp gỡ lần đầu lại hiện ra trong tâm trí hai kẻ "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Kẻ nhớ, người thương, chàng và nàng như rơi vào biển tình dậy sóng. Kim Trọng tha thiết bày tỏ tình yêu của mình thà chết còn hơn không cưới được nàng (như điển tích Vĩ Sinh ôm chặt chân cầu, nơi hẹn hò người yêu, đến đỗi sóng lên cao, đành bị chết đuối chứ không chịu bỏ đi khi người tình chưa đến). Thiết tha hơn, chàng muốn tìm người mai mối kết duyên cùng nàng. Hiểu được tấm chân tình của chàng, Kiều khiêm tốn bày tỏ gia đình nàng thanh bạch, tư chất bình thường, có tài sắc gì gì đâu mà chàng quá quan tâm. Còn chuyện tình duyên, là phận nữ nhi, Kiều không dám quyết định khi chưa có sự ưng thuận của cha mẹ.

 

…Cho hay là thói hữu tình,
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.

245-Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Mây Tần khóa kín song the,
250-Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.
255-Mành Tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Vì chăng duyên nợ ba sinh,
Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
260-Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khảy trêu.
265-Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.

 

Kim Trọng kiếm cớ thuê phòng gần nhà Kiều

 

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
270-Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Mấy lần cửa đóng then cài,
đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
275-Là nhà Ngô Việt thương gia,
Buồng không để đó người xa chưa về.
Lấy điều du học hỏi thuê,
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang.
Có cây, có đá sẵn sàng,
280-Có hiên Lãm thúy, nét vàng chưa phai.
Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây.
Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.
285-Tấc gang đồng tỏa nguyên phong,
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.

 

Trâm cài rơi rớt là cớ hai người tìm đến nhau

 

Nhẫn từ quán khách lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
290-Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Buông cầm xốc áo vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
295-Giơ tay với lấy về nhà:
Này trong khuê các đâu mà đến đây?
Ngẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
300-Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.

 

Kiều tìm trâm gặp Kim Trọng và trao quà hẹn ước

 

Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
Sinh đà có ý đợi chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:
305-Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia:
Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.
Chiếc thoa nào của mấy mươi,

310-Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!
Sinh rằng: Lân lý ra vào,
Gần đây nào phải người nào xa xôi.
Được rày nhờ chút thơm rơi,
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay!

315-Bấy lâu mới được một ngày,
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là.

Vội về thêm lấy của nhà,
Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông.
Thang mây rón bước ngọn tường,

320-Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?
Sượng sùng giữ ý rụt rè,
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu.
Rằng: Từ ngẫu nhi gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn

325-Xương mai tính đã thâu mòn, (*)
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gửi cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều. (*)

330. Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?
Ngại ngần nàng mới thưa rằng:
Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong.
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

335. Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!

 

2- Chú giải và điển tích

 

244- Tơ mành: Sợi tơ mong manh. Hai chữ này chỉ Kiều và Kim Trọng để kết thúc đoạn nói về Kim Trọng.

245-Thư song: Chỗ cửa sổ phòng đọc sách.

247- Sầu đong càng lắc càng đầy: Ý nói sầu nhớ vô cùng, nếu đem mà đong thì càng lắc càng đầy, không vơi đi được. Ca dao có câu: “Ai đi muôn dặm non sông, để ai chất chứa sầu đong vơi đầy”. Bản LVĐ chép là: Sầu “đông” càng “khắc” càng đầy.

249-Mây Tần:  Trong Tấn thư có câu: “Tần vân như mỹ nhân” (mây Tần như người đẹp). Ở đây chữ “Tần” chỉ được dùng cho đẹp lời. Câu này ý nói: Mây che kín cửa sổ phòng Kiều.

250-Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao:  câu này và câu trên có thể hiểu là: Cô Kiều cứ ở hoài trong phòng không ra ngoài nên Kim Trọng chỉ còn cách tìm về trong mộng để gặp mặt người yêu. “Hoa Tiên” cũng có câu: “Bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao”. “Bụi hồng” trong câu 250 có nghĩa là cảnh phồn hoa náo nhiệt. Đường phú có câu: “Hồng trần một đoạn...” (Chiêm bao cách đám bụi hồng...) Xem thêm câu 3046: Còn chen vào chốn “bụi hồng” làm chi?

251-Tuần trăng khuyết: Khuyết hết cả một tuần trăng (cứ mỗi kỳ trăng tròn, gọi là một tuần trăng). Chỉ thời gian suốt cả tháng.

Đĩa dầu hao: Đĩa dầu hao cạn (Xưa khi chưa có đèn, người ta đổ dầu vào cái dĩa và dùng sợi vải nhỏ làm bấc. Khi đốt suốt đêm thì dĩa cạn dầu.).

254-Ngón thỏ:  ngòi bút làm bằmg lông thỏ, đầu nhọn. Ý cả câu: Bút để lâu không viết đến ngọn bị khô đi, đàn để lâu không gẩy dây bị chùng lại. Ý nói Kim Trọng buồn trong tương tư, bỏ cả việc học hành và gẩy đàn.

255-Mành Tương: bức mành ngoài đan bằng tre, phía trong kẹp the màu vàng. Sở dĩ gọi là mành Tương vì liên quan đến điển tích hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh (xem chữ mạch Tương câu 238. Hai bà nghe tin vua Thuấn chết khóc quá thảm thiết, nước mắt vẩy vào các bụi trúc xung quanh khiến cho các thân trúc đều có những vết lốm đốm. Thứ mành làm bằng trúc có vỏ lốm đốm này gọi là “Tương phi trúc”.

257-Ba sinh: Do chữ Tam sinh, nghĩa là ba kiếp luân chuyển: “Quá khứ”, “hiện tại” và “Tương (vị) lai” của con người. Cả câu ý nói Kim Trọng và Thuý Kiều có duyên nợ từ kiếp này qua kiếp khác với nhau phải kết duyên vợ chồng.

264-Vĩ lô: Cây lau, cây sậy.

 

266- Lam Kiều:

 

Lam Kiều là cây cầu trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Chuyện xưa viết: đời nhà Đường, có chàng nho sĩ Bùi Hằng dáng người khôi ngô tuấn tú, tài cao học rộng, lại đủ tài cầm kỳ thi họạ Thành danh xong, một mình trên lưng ngựa trắng, chàng lên đường dong ruổi đó đây, áo xanh Tư Mã Giao Châu, túi thơ bầu rượu. Tiêu dao với danh lam thắng cảnh và cũng mong tìm được ý trung nhân, nhưng đi mãi mà chàng vẫn chưa gặp được người trong mộng.

Một hôm chàng đi về phía Tây-Bắc thành Thiểm Tây, chợt thấy một thiếu phụ trạc tứ tuần, nhưng dung nhan vẫn còn lưu lại nét thanh xuân tuyệt sắc. Không dừng được sự mê mẩn, Bùi Hằng xuống ngựa, lân la tiến gần đến làm quen. Người đàn bà đẹp, như có ý đợi chờ chàng từ trước; nàng tự giới thiệu tên là Vân Kiều và đã biết chàng nho sĩ đa tình từ lâu đang cố tâm tìm người se duyên kết tóc. Nàng bước vào nhà, viết mấy câu thơ lên một mảnh giấy rồi sai người nhà đem ra cho Bùi Hằng:

 

Nhất ẩm quỳnh tương bách cảnh sanh

Huyền sương đáo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều bổn thị thần tiên chốt

Hà tất khi khu thưởng ngọc kinh

(Uống chén quỳnh tương bách cảnh sanh

Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh

Lam Kiều vốn chỗ thần tiên ở

Hà tất đi tìm đến ngọc kinh).

 

Theo bốn câu thơ dẫn lối chỉ đường của Vân Kiều, thì chàng phải tìm đến Lam Kiều, chốn thần tiên ở, sẽ gặp Vân Anh, đó duyên trăm năm của chàng. Nhưng Vân Kiều là ai nhỉ, có là giai nhân tuyệt sắc như người thiếu phụ này không? Chàng cảm nhận Vân Kiều có ý giúp đỡ mình, nên bái biệt giai nhân, lên đường dò hỏi tìm đến Lam Kiều. Đi suốt ngày cho đến lúc bóng đêm đen chùm xuống. Bùi Hằng phải dắt ngựa vào một quán trọ bên đường, xin nghỉ tạm. Chủ quán là một bà lão phương phi, trông có dáng tiên phong đạo cốt. Suốt đêm, chàng trăn trở không ngủ được, hình bóng Vân Anh như nhẹ nhàng từ Vân Kiều bước ra, đứng ngồi. Sáng sớm, Bùi Hằng từ giã chủ quán; vừa đi được dặm đường, khi ngoảnh lại thì quán lá đã biến đâu mất, mà chỉ là một rừng cây rậm rạp. Trước mặt, một con sông lớn, có chiếc cầu bắc ngang. Có phải Lam Kiều đây không? Nao nao hồi hộp, chàng lần bước đến bên cầu. Gần đó có một quán nhỏ nằm lọt thõm giữa vườn dâu xanh ngắt. Chủ quán cũng là một bà lão tóc bạc phơ, tướng mạo uy phong. Chàng xuống ngựa, đi vào quán xin nước uống. Từ nương dâu xanh mướt, bước ra một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần. Giai nhân hai tay bưng chén nước mời chàng. Ôi thế gian này sao lại có người đẹp như vậy. Đã bao năm tìm kiếm, từ nay ta đã có nàng. Bùi Hằng trình lá thư của Vân Kiều cho bà lão xem:

 

-Ta có hai người con gái. Vân Kiều đã thành gia thất; còn lại Vân Anh sớm hôm hầu hạ mẹ già. Nhưng nay, rõ ràng là duyên trời định cho đôi lứa, ta nào dám trái ý. Nhưng muốn cưới con ta thì phải nạp sính lễ. Sính lễ không phải là vàng bạc châu báu, mà là một vật quí. Đó là chiếc chày ngọc để giã thuốc huyền sương; chiếc chày ngọc đó phải khít với cái cối ngọc này.

 

Bà lão đưa cho Bùi Hằng xem cái cối ngọc. Cối ngọc làm bằng thứ ngọc quí, xanh biếc. Biết tìm đầu ra chày ngọc. Bùi Hằng đăm đăm nhìn Vân Anh, rồi như sợ sẽ tan mất người trong mộng, chàng đứng vụt dậy, quyết tâm đi tìm cho bằng được vật quí đem về làm sính lễ. Ngày tháng qua quá ê chề, một mình một ngựa bôn ba khắp nơi chân trời góc biển, làm sao tìm được trong dân gian cái chày ngọc để giã thuốc huyền sương. Chút già nua cũng đã ẩn hiện trên dáng dấp phong tú của chàng thư sinh. Rồi một hôm, cũng có một quán bên đường cho chàng dừng chân lại nghỉ qua đêm. Chủ quán, lại là một bà lão, tay cầm chiếc chày bằng ngọc, hát nghêu ngao:

 

Chày sương ta có,

Ai muốn cần dùng,

Duyên thắm chỉ hồng,

Cầu sương đợi khách.

Vừa trông thấy chày ngọc trên tay bà lão, Bùi Hằng quá mừng rỡ, vội vàng khấu đầu thi lễ:

 

- Bao nhiêu năm gian khổ, tiểu nhân đã lặn lội cố tìm cho được chày ngọc giã thuốc huyền sương để làm sính lễ sánh duyên cùng giai nhân bên Lam Kiều. Xin lão bà thương tình giúp cho tiểu nhân toại ước.

Bà lão cười hiền hậu:

 

-Đây là báu vật chỉ trao tặng cho người kiên nhẫn, thành tâm với duyên phận. Công tử xứng đáng nhận sính vật này để thành gia thất với Vân Anh.

Tờ mờ sáng hôm sau, Bùi Hằng tạ từ bà lão, hối hả lên đường tìm về lại Lam Kiều. Bao năm tháng qua đi, nhưng thời gian ở đây như dừng lại. Vân Anh, ôi nhan sắc yêu kiều đang ngồi xe tơ dệt lụa như ngóng trông đợi chàng trở về. Chày ngọc ướm thử vào cối ngọc, vừa khít. Lão bà vui vẻ cho đôi trẻ làm lễ tơ hồng.

Lam Kiều ám chỉ điểm hẹn cho duyên lành và là nơi trao đổi sính lễ se duyên cầm sắc cho tình đôi lứa.

275-Ngô Việt thương gia: Nhà đi buôn ở nước Ngô, nước Việt (đi buôn xa, nay Ngô, mai Việt).

279-Đá: Đây chỉ núi giả (ta thường gọi là núi non bộ) do những tảng đá xếp thành.

280-Lâm Thuý: lãm: thu góp, thuý: màu xanh, tên cái hiên. “Hiên Lãm Thuý” là cái hiên ngồi ở đó có thể thu góp vào trong tầm mắt tất cả màu xanh của cây cỏ. Suy ra thì

“Lãm Thuý” còn có ngụ ý bắt được, tóm được hai chị em cô Kiều nên Kim Trọng lấy làm mừng lắm; tên cái hiên của nhà Ngô Việt thương gia. Vì có chữ Thuý trùng với một chữ trong tên Kiều nên Kim Trọng mới mừng thầm là có duyên số tiên định.

283-Song hồ: Cửa sổ dán giấy. Cành mây: Cánh cửa sổ; cánh cửa. Chữ “mây” dùng cho đẹp lời như khi nói “then mây”.

285-286. Đồng toả nguyên phong:  ý nói tuy gần nhà Kiều chỉ có gang tấc mà cái khoá đồng cứ khoá mãi không thấy mở, như xa xôi cách trở.

287-Nhẫn từ: nhẫn: mãi từ, cho đến, kể từ khi ấy mãi đến nay, (tiếng cổ).

293-Tường gấm: Do chữ cẩm tường, bức tường gạch có vẽ hoa như gấm (một cách tô điểm văn hoa).

296-Khuê các: khuê: buồng, các: gác; chỉ chỗ ở của phụ nữ giàu có sang trọng. Bản Nguyễn Khắc Hiếu đã chép là “Tấc gang động khoá nguồn phong” và đã chú thích là: cửa động khoá mà đầu nguồn niêm phong, nói như cảnh Thiên Thai, Đào Nguyên không dễ lại đến được.

305-Hư không: Bỗng không, không có cớ gì, tự nhiên mà gây ra. Đây ý nói tình cờ mà Kim Trọng bắt được cái kim thoa của Thuý Kiều.

306-Hợp phố: Tên một quận, trước thuộc Giao châu, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Theo Hán sử: Nguyên xưa, ven biển quận Hợp Phố có loại trai sinh ra một loại ngọc quý, nhưng vì bọn quan tước tham nhũng, bắt nhân dân đi mò ngọc cho chúng, dân tình khổ cực, nên ngọc trai biến đi nơi khác hết. Về sau, có vị quan thanh liêm là Mạnh Thường đến nhận chức, cải cách, chính sự, bãi lệnh mò ngọc, thì ngọc trai lại dần dần trở về. Do đó, người ta thường nói “Châu về Hợp Phố” (Hợp Phố châu hoàn), để chỉ những trường hợp vật báu đã bị mất lại trở về với chủ cũ.

311-Lân lí: lân: xóm, lý: làng, đây ý nói chỗ láng giềng hàng xóm với nhau.

316-Niềm tây: Nỗi lòng, chút tâm sự riêng.

 

319- Thang Mây: Thang bằng mây dùng để leo thành cao.

Theo điển tích thời Chiến Quốc, lúc Sở Kinh Vương chuẩn bị đánh Tống, bèn cho lệnh Công Thâu Ban, người thợ mộc giỏi nhất nước, chế tạo loại thang mây để công hãm thành trì nước Tống.

Mặc Tử biết sắp có chuyện đao binh, vội đến ngăn vua Sở:

-Nước Sở lớn, nước Tống nhỏ. Nay Chúa công lấy lớn hiếp nhỏ thì phỏng hay ho gì?

Sở Kinh Vương chưa kịp trả lời thì Mặc Tử đã tiếp:

-Nước Sở giàu, nước Tống nghèo. Chúa công đánh nước Tống thì được lợi lộc gì.

Vua Sở hăm hở:

-Nhưng ta đã chế tạo được thang mây thì phải đi công phá thành chứ.

Mặc Tử cười khẩy:

-Có thang mây đâu phải là chiếm được nước Tống.

Vua Sở bực tức:

-Công Thâu Ban là thợ giỏi nhất thiên hạ, chiến cụ của ông ta chế tạo ra há không công phá được thành nước Tống ư?

Mặc Tử đáp:

-Vậy hãy thử để tôi thủ thành, cho quân dùng thang mây của Công Thâu Ban tấn công, thử xem có thể phá thành được không?

Vua Sở đồng ý cho thử trận.

Đúng như lời Mặc Tử, quân lính đã dùng thang mây, khí cụ mới sáng chế, nhưng không sao công phá được thành.

Sở Kinh Vương cả giận, nói với Mặc Tử:

-Dù vậy, ta đây vẫn có cách để thắng được.

 

Mặc Tử hiểu ý vua Sở, trả lời:

-Cách của nhà vua là giết chết tôi chứ gì? Nhưng cũng chẳng có lợi gì đâu. Tôi chết đi còn có đám học trò, chúng đã học được cách thủ thành của tôi và làm vô hiệu hoá cái thang mây sáng chế của nhà vua rồi.

Sở Kinh Vương đành phải nghe theo lời của Mặc Tử, bỏ ý định đánh Tống.

323-Ngẫu nhĩ: Tình cờ, ngẫu nhiên.

325-Xương mai: Xương vóc gầy. Cây mai, thân và cành nhỏ bé, nên người ta thường gọi những người xương vóc gầy là mai cốt (xương mai).

 

327-328: Ấp cây:  ôm chặt lấy cây cột ở chân cầu.

Theo điển tích: Vĩ Sinh hẹn với một người con gái cùng gặp nhau ở dưới chân cầu. Người con gái không đến. Dù nước thủy triều lên, Vĩ Sinh cứ ôm cây cột chờ mà chịu chết đuối. Thế mới biết lời hẹn của người xưa quan trọng hơn cả mạng sống. Câu này ý nói Kim Trọng cứ kiên nhẫn chờ đợi Thuý Kiều bỏ cả học hành.

330.Đài gương: Giá cao, trên mặt chiếc gương lớn và hộp đựng đồ trang sức của phụ nữ. Trong văn cổ, thường mượn chữ đài gương để chỉ người phụ nữ. Dấu bèo: ý nói thân phận hèn mọn như cánh bèo trôi nổi mặt nước. Ở đây là lời Kim Trọng tự nói khiêm tốn.

332-Băng tuyết: ý nói trong sạch, thanh bạch.

Chất hằng: Một thể chất lúc nào cũng như thế.

Phỉ phong: Hai thứ rau, người ta dùng lá và củ nấu canh hoặc muối dưa làm món ăn hàng ngày. Ý cả câu: Gia đình vốn thanh bạch, mà tư chất thì cũng bình thường, không có tài sắc gì, lời Kiều tự mình khiêm tốn (Bốn chữ trên nói gia đình, bốn chữ dưới nói bản thân).

 

333.Lá Thắm:

 

Điển tích 1: Lá thắm: Do chữ Hồng diệp. Vu Hựu, đời Đường, một hôm đi chơi vớt được chiếc lá đỏ đang trôi trên khe nước từ cung vua chảy ra. Trên lá có đề một bài thơ. Vu Hựu bèn viết hai câu thơ vào chiếc lá đỏ khác, rồi đem thả nơi đầu khe nước để lá trôi vào cung vua. Hàn Thị, người cung nữ thả lá đỏ trước đây lại bắt được lá đỏ của Vu Hựu. Về sau, nhờ dịp vua phóng thích cung nữ, Vu Hựu lấy được Hàn Thị. Lá thắm, theo điển tích là thư từ qua lại của đôi lứa trong ngày còn thơ mộng.

Điển tích 2: Nước Sở có thành Tây Độ. Quan trấn thủ là Kiều Công Di có aí nữ là Kiều Nga, một giai nhân tuyệt sắc. Bấy giờ, tình hình trộm cướp như rươi, dân tình không được an cư lạc nghiệp. Nội thành dành cho người quyền quí; ngoại thành cho thứ dân. Cửa thành luôn được canh phòng nghiêm ngặt, thường dân ra vào bị xét hỏi rất kỹ. Giai nhân Kiều Loan đã thầm yêu trộm nhớ chàng nho sinh nghèo rớt mồng tơi là Kim Ngọc. Nhà chàng ở ngoại thành. Cậu học trò không dễ gì qua được cổng thành, nói chi đến chuyện lọt được nha môn để gặp gỡ người yêu. Bên này bên kia chỉ là thành quách mà tưởng như núi non nghìn trùng. Không gặp nhau được, mỗi người chỉ biết nhìn giòng sông thở vắn than dài. Sông kia, mỗi ngày hai lần nước thuỷ triều lên xuống, con nước từ ngoại thành tuôn vào rồi lại chảy ra. Theo triều lên xuống, đôi gái trai đã viết thơ trên lá, thả xuống sông, nhờ giòng nước mà trao đổi tâm tình cho thỏa nhớ thương. Giòng sông đã trở thành giòng lá thắm.

 

Chỉ Hồng:

 

Những câu nói trong dân gian như lá thắm, tơ hồng vương vấn hoặc nguyệt lão se tơ đều lấy trong điển tích ông tơ bà nguyệt. Theo Thần-tiên truyện, thời Nguyên Hòa nhà Đường rất thái bình, có quan đại thần Chung Thôi rất giàu sang, thuộc vào hàng danh gia vọng tộc. Quý tử của Chung Thôi là Chung Hạo thông minh đĩnh ngộ; mới 12 tuổi đã văn hay chữ tốt, quan lại trong triều ai cũng khen; các vị có con gái đều mong muốn kết sui gia với Chung Thôi. Ngoài thời gian vui thú cùng cầm kỳ thi họa, Chung Hạo cũng thường theo cha đi săn bắn. Một hôm đi săn, mải đuổi theo con thỏ, Chung Hạo lạc vào rừng sâu, quanh co cả ngày không tìm được lối ra. Đêm xuống lạnh giữa rừng hoang, Hạo bắt đầu thấy sợ. Dưới ánh trăng bỗng nghe tiếng suối róc rách. Chàng lần đến tìm nước uống. Bên bờ suối, trong hang đá, một bà lão đang ngồi xe chỉ, màu chỉ đỏ thắm. Chung Hạo khẽ bước lại gần, kính cẩn thưa:

-Tiểu nhân đi săn, bị lạc đường. Xin hỏi nơi đây là đâu, sao lão bà lại ngồi một mình xe chỉ đỏ?

-Đây là động Tiên. Ta đang ngồi se duyên cho những đôi tình nhân yêu nhau dưới trần gian. Chỉ này là dây tơ hồng. Ta se nhiều hay ít thì trai gái cũng theo đó mà thương yêu nhau nhiều hay ít. Ta muốn đôi trai gái nào nên vợ chồng thì ắt chúng sẽ kết duyên, không xa lìa nhau được.

-Vậy thưa lão bà có thể cho tiểu nhân biết sau này sẽ được sánh duyên cùng ai?

Lão bà đưa mắt nhìn vào bên trong động. Ở đó có một ông lão đang cúi gầm trên một cuốn sách dày cộm.

-Kia là ông Tơ. Công tử muốn biết thì hỏi ông ấy.

 

Ông lão hỏi tên tuổi Chung Hạo rồi lật từng trang sách ra tra cứu:

-Sau này công tử sẽ được se duyên với Tố Lan, con gái một mụ ăn mày ở chợ Đông, gần kinh thành.

Lão ông chưa dứt lời, Chung Hạo đã đùng đùng nổi giận. Đường đường là một quí tử của quan đại thần, tài nghệ, văn hay chữ tốt khó ai bì kịp mà sau này lại kết duyên cùng với con gái mụ ăn mày. Tức tối, chàng quay bước đi, không một lời chào. Ông Tơ vẫn chúi đầu trong sổ bộ, bà nguyệt vẫn bình thản se chỉ hồng.

Chung Hạo chạy thục mạng suốt đêm trong rừng sâu. May mắn, sáng sớm mai, gặp được quân lính triều đình đang tỏa đi tìm kiếm. Trở về dinh, sau ngày đó, chàng công tử đâm ra biếng ăn lười nói. Lời tiên tri của ông Tơ như cứ lởn vởn trong đầu. Đến một hôm, không dìm được sự thôi thúc, Chung Hạo cùng một gia đồng tìm xuống chợ Đông. Vừa đến đầu chợ, đã gặp ngay một đứa bé gái chừng 9 tuổi mặt mày lem luốc, áo quần rách bươm, dắt theo một bà ăn xin mù lòa. Tên gia đồng dọ hỏi thì biết được tên của con bé là Tố Lan. Chung Hạo thất kinh, ù té chạy về dinh, tâm thần hoảng loạn. Không được, không thể nào, ta lại chịu khuất phục số mệnh, để làm chồng một con bé ăn mày bẩn thỉu như vậy được. Làm thế nào đây? Suy nghĩ cạn nước, chỉ còn cách là diệt trừ cái mầm định mệnh khắc nghiệt đó đi.

Với rắp tâm sẵn có, một buổi sáng Chung Hạo một mình tìm xuống chợ Đông. Anh ta đứng nấp sau một thân cây lớn. Cô bé dắt mẹ đi qua. Chàng cầm hòn đá, liệng ngay vào đầu con bé rồì ù chạy. Sau đó, dò hỏi tin tức thì được biết con bé bị thương tích quá nặng, e không sống được; và rồi bà lão mù cũng không còn thấy ăn xin giữa chợ Đông nữa.

 

Bảy năm sau Chung Hạo đã nên danh phận. Nghe tin thiên hạ bàn tán ở huyện Trúc Giang có con gái quan Thái úy nổi danh là một giai nhân sắc nước hương trời, tên là Thảo Nương. Vương Tôn công tử gần xa, ngày đêm đến cầu thân, nhưng chưa ai được kén chọn. Chung Hạo tìm đến, thuê một phòng trọ trước phủ đường. Mới một lần tình cờ nhìn thấy Thảo Nương, Chung Hạo giao động cả lòng. Chàng vội quay trở về nhà, xin phụ thân tính đường mai mối. Hai gia đình là môn đăng hộ đối, nên việc kết hôn sớm viên thành. Đôi uyên ương nên vợ chồng yêu nhau mặn nồng.

Một hôm, Chung Hạo âu yếm gội đầu cho Thảo Nương. Thấy vợ mình có một cái thẹo lớn đàng sau gáy, chàng hỏi:

-Vì sao có cái thẹo này?

-Nguyên thiếp là con một bà ăn mày mù ở chợ Đông. Lúc nhỏ, một hôm đang dắt mẹ đi ăn xin, không hiểu sao lại có một kẻ xấu cầm đá ném vào đầu thiếp, thương tích nặng, tưởng đã lìa đời. May nhờ bà con tận tình cứu chữa. Và sau đó, may mắn được quan Thái-úy có lòng từ tâm, lại hiếm muộn, nên đem hai mẹ con thiếp về nuôi dưỡng. Thiếp được nghĩa phụ dạy dỗ, cho ăn học. Mẹ thiếp qua đời. Thiếp được giúp việc bút nghiên cho nghĩa phụ nơi công đường. Đã rất nhiều đám đến dạm hỏi, nhưng đều bị từ chối. Lạ thay, bên nhà chàng vừa ngỏ thì dưỡng phụ bằng lòng ngay. Chúng ta đẹp duyên ngày nay chắc là có duyên nợ.

-Không, Thảo Nương nàng ơi! Nếu là định mệnh thì nàng phải là... Tố Lan.

-Tố Lan là tên của thiếp lúc còn bé. Sau khi được đưa về dinh, nghĩa phụ đã xin ý mẹ, đổi tên này.

Chung Hạo chỉ biết hôn lên mái tóc người vợ và tin tình duyên là do trời định.