Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Những Cung Đàn Tuyệt Diệu, Nàng Gẫy Cho Chàng Nghe

 

1- Đại-ý đoạn thơ Kim-Kiều trao lời hẹn ước và Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe

 

Kiều lợi dụng lúc cha mẹ và hai em đi dự tiệc sinh nhật bên quê ngoại, bèn mò sang nhà Kim Trọng thăm chàng. Rồi không chỉ trao tặng kim thoa và khăn hồng làm vật kỷ niệm, mà còn làm thơ, vẽ tranh, tặng hoa và cắt tóc mai trao cho chàng như một lời trăm năm hẹn ước. Kim Trọng không chỉ say mê sắc đẹp mà còn phục tài làm thơ “nhả ngọc phun châu”, tài vẽ tranh “Tay Tiên gió táp mưa sa” của nàng, không thua gì hai nữ sĩ danh tiếng là Nàng Ban đời Đông Hán và Ả Tạ đời Tấn của Tầu. Để chinh phục trọn vẹn tình yêu của chàng, nàng lấy đàn gẩy cho chàng nghe. Những khúc đàn của nàng hay tuyệt diệu đến nỗi chàng Kim phải khen: “Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như nước suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. Tuy nhiên, các điệp khúc “Hán Sở chiến trường, Tư Mã Phượng Cầu, Chiêu Quân…”, làm người nghe buồn tê tái. Tiếng đàn thê lương gợi lại nỗi đớn đau của các cuộc tình chia ly trong lịch sử. Phải chăng cuộc đời nàng sẽ khổ đau như số phận Đạm Tiên, như các nạn nhân trong lịch sử? Thấy nàng quá bi quan và quá lo xa cho số phận mình, Kim Trọng tỏ lời an ủi: “Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều”.

 

Cha mẹ và hai em đi dự tiệc, Kiều ở nhà lén sang gặp Kim Trọng

370. Lần lần ngày gió đêm trăng,

Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.

Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,

Trên hai đường, dưới nữa là hai em.

Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,

375.Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.

Nhà lan thanh vắng một mình,

Gẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay.

Thời trân thức thức sẵn bày,

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.

380.Cánh hoa sẽ dặng tiếng vàng,

Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông.

Trách lòng hờ hững với lòng,

Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu.

Những là đắp nhớ đổi sầu,

Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.

385. Nàng rằng: Gió bắt mưa cầm,

Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.

Vắng nhà được buổi hôm nay,

Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng!

390. Lần theo núi giá đi vòng,

Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.

Xắn tay mở khóa động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.

Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,

395. Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên.

Sánh vai về chốn thư hiên,

Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông.

Trên yên bút giá thi đồng,

Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên.

400. Phong sương được vẻ thiên nhiên,

Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi.

Sinh rằng: Phác họa vừa rồi,

Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.

Tay tiên gió táp mưa sa,

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.

405.Khen: Tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban, Ả Tạ cũng đâu thế này!

Kiếp tu xưa ví chưa dày,

Phúc nào nhắc được giá này cho ngang!

Sinh rằng: Giải cấu là duyên,

420-Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều.

 

Kiều đàn cho Kim Trọng nghe

 

Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

465.Thưa rằng: Tiện kỹ sá chi,

đã lòng dạy đến dạy thì phải vâng.

Hiên sau treo sẵn cầm trăng,

Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.

Nàng rằng: Nghề mọn riêng tay,

470.Làm chi cho bận lòng này lắm thân!

So dần dây vũ dây văn,

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.

Khúc đâu Hán Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.

475.Khúc đâu Tư mã Phượng cầu,

Nghe ra như oán như sầu phải chăng!

Kê Khang này khúc Quảng lăng,

Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.

Qua quan này khúc Chiêu Quân,

480.Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

485.Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.

Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.

Rằng: Hay thì thật là hay,

490.Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Lựa chi những bậc tiêu tao,

Dột lòng mình cũng nao nao lòng người?

Rằng: Quen mất nết đi rồi,

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!….

 

2- Chú giải và điển tích

Trong bài này chúng tôi chỉ viết đại ý từ câu 370 tới câu 462 và không ghi toàn bộ phần chú giải từ ngữ. Lý do: có nhiều điển tích đáng đọc, quan trọng nhất là đoạn Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe. Nếu ghi tất các câu thơ và lời chú giải thì bài viết này sẽ quá dài.

 

406-Nàng Ban

Ban Chiêu tự là Huê Cơ là người đàn bà hay chữ đời Đông Hán. Năm mười lăm tuổi Ban Chiêu đã biết làm thơ và làu thông Tứ Thư, Ngũ kinh. Lấy chồng là Tào Thế Thức, một danh nho của Đông Hán. Sống chung được mười năm thì Tào Thế Thức qua đời vì bệnh. Ban Chiêu thủ tiết thờ chồng.

Đời vua Hoà Đế, Ban Chiêu được triệu vào cung để dạy học cho các hoàng tử và các phi tần. Lúc bấy giờ cha của bà là Ban Bưu đang tại chức Đông-các Đại-học sĩ, chịu trách nhiệm soạn thảo bộ Hán Thư. Công việc đang còn dang dở thì ông qua đời. Anh của Ban Chiêu là Ban Cố được nhà vua chỉ định tiếp tục công trình của cha. Nhưng chẳng bao lâu, Ban Cố cũng qua đời vì bạo bệnh, trong khi bộ Hán thư vẫn chưa xong. Ban Chiêu tâu với vua cho bà được tiếp nối công trình. Vua Hòa Đế chấp thuận và bà được sung vào Đông-các Tàng-thư tiếp tục soạn bộ Hán Thư cho hoàn tất.

Trong thời gian ở Đông-các Tàng-thư, Ban Chiêu đã trước tác tập Nữ Giới, gồm bảy thiên. Từ đó tài danh Ban Chiêu trở nên lẫy lừng.

 

Ả Tạ

Ả Tạ là Tạ Đào Uẩn, con gái quan Thái-úy Tạ Công đời nhà Tấn, có nhan sắc tuyệt trần lại thông minh nhất mực, nổi tiếng thơ phú hay. Trong cùng một vùng, có họ Vương cũng dòng dõi gia phong, con cháu thuộc vào bậc vọng tộc. Họ Tạ và họ Vương hứa con trai con gái hai họ chỉ kết duyên với nhau, không lấy người ngoài. Khi Tạ Đào Uẩn đến tuổi cập kê, Tào Công nhờ em là Tạ An sang hà họ Vương kén rể. Được tin, tất cả nho sinh nhà họ Vương người nào cũng áo quần tươm tất, ăn nói đoan trang, muốn phô diễn mình là bậc tài hoa thế phiệt. Tạ An hồi giờ để ý từng người nhưng chưa để mắt người đàn ông nào. Một hôm, Tạ An qui tụ các nho sinh họ Vương lại để thử tài đối đáp văn chương. Mọi người đang thi thố tài năng thì Tạ An nhìn thấy về phía đông, một chàng trai tuấn tú, mặc áo để trật bụng ra ngoài, đang nằm vắt vẻo chân chữ ngũ trên giường.

 

Tạ An hỏi dò:

-Công tử nằm ở giường phía đông tên là gì vậy?

-Chàng tên là Vương Ngưng Chi, tự Vương Hưu Quân có tiếng ham học, thông minh.

Tạ An ưng ý, về báo với Tạ Công. Quan Thái-úy vỗ tay:

-Người đó mới là rể tốt của ta đó.

Vài hôm sau, Tạ Công gọi Vương Ngưng Chi đến, gả nàng Tạ Đào Uẩn. Chàng trai lơ đãng chuyện kết duyên rước nàng dâu tài sắc, thường ngày hay ra bờ sông Lan Chữ (tỉnh Triết Giang) ngâm vịnh, viết thư pháp, nét chữ tuyệt đẹp, người đời sau gọi là Thiếp Lan Đình. Trong Kiều còn có câu:

Khen rằng bút pháp đã tinh

So vào với Thiếp Lan Đình nào thua.

Chàng trai tuấn tú thông minh nằm vắt chân chữ ngũ trên giường phía đông (đông sàng) mà lại được vợ đẹp. Người đời sau dùng điển tích Đông-sàng là ý muốn nói chàng rể quí, xứng đôi với gái thuyền quyên.

 

410. Ngọc bội: Đồ đeo bằng ngọc. Chữ dùng chỉ chung người ta đã hiển đạt và có quan chức. Kim môn: Tức Kim mã môn nói tắt, tên cửa cung Vị ương của vua nhà Hán (cửa cung có để tượng ngựa đồng nên gọi là Kim mã). Đời Hán Vũ Đế, thường cho những người có văn tài đến đợi ở đây, để chờ nhà vua hỏi han về chính sự. Kiều muốn nói Kim Trọng không là nhà quan cũng là người học cao.

 

437. Tiếng sen: Bước chân của người đẹp. Giấc hoè: Theo sách Nam kha ký: Thuần Vu Phần đời Đường, ngày sinh nhật, uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hoè già ở phía Nam nhà ông, liền mộng thấy đến một nước gọi là “Đại Hoè An”, được vua nước ấy gả công chúa, và cho làm quan Thái-thú quận Nam Kha, vinh hiển hơn hai mươi năm. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy dưới gốc hoè một tổ kiến lớn, trong có con kiến chúa, mới hiểu đó là nước và vua Hoè An (gốc hoè yên ổn), còn Nam Kha tức là cành hoè phía nam nhằm thẳng xuống tổ kiến. Do đó, người ta nói “giấc Nam Kha” hay “Giấc-hoè” để chỉ cuộc phú quý hư ảo.

439. Đỉnh Giáp: Đỉnh núi Vu Giáp (hay Vu Sơn). Vua Sở Hoài Vương đi chơi quán Cao Đường, mộng thấy một người đàn bà đẹp, và tự xưng là thần núi Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa. Do tích này, người ta thường dùng chữ “mây mưa” để chỉ việc ân ái giữa trai gái. Non thần: núi Thần nữ chỗ ở của nàng tiên gặp vua Sở nói trên.

 

463. Cầm Đài (Bá Nha, Tử Kỳ)

 

Cầm đài: cái đài để Tư Mã Tương Như ngồi gảy đàn. Tri âm: hiểu biết nhau qua tiếng nhạc phát xuất từ chuyện Tử Kỳ tri âm Bá Nha thời Chiến Quốc. Theo sách Lã thị Xuân Thu: “Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy” (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm, khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy).

Vào lúc hai nước Tấn và Sở đang giao hảo thì Bá Nha tuy là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng Đại-phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời. Suốt ngày đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây đàn Dao thân thiết của mình. Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy đàn Dao ra so phím thử dây. Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang bay vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng “bựt “ khô khan, dây tơ đồng đứt. Bá Nha nghĩ dây đàn đứt ắt có quân tử nào nghe lén đây, bèn sang sảng cất tiếng:

-Có cao nhân nào trên bờ lắng nghe tiếng đàn của tại hạ, xin vui lòng ra mắt.

 

Từ trên vách núi có tiếng vọng xuống:

-Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành.

Bá Nha cười lớn:

-Tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đàn với ta?

Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:

-Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến...

Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, ông tiến sát đến mũi thuyền nói lớn:

-Nếu thật là người trên bờ biết nghe đàn, thì xin cho biết lúc nãy tại hạ đã đàn khúc gì?

Giọng trên bờ bình thản vọng xuống:

-Đó là Khổng Vọng Vi, Đức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi. Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu chót.

Nghe xong, Bá Nha thấy lòng phơi phới, vội sai tùy tùng lên bờ rước người tiều phu xuống thuyền. Bá Nha trân trọng đón tiếp:

-Quý hữu biết nghe đàn, vậy chắc cũng rõ được xuất xứ của cây đàn Dao (Dao cầm)?

 

Tiều phu không ngập ngừng:

-Nghe nói, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Vua biết cây ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất, có thể dùng để làm nhạc khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn. Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây giữa dòng nước, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô rồi gọi người thợ giỏi Lưu Tử Kỳ đẽo thành cây đàn Dao. Đàn Dao dài ba thước sáu tấc, một phần án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc, án theo tám tiết, mặt sau rộng bốn tấc án theo bốn mùa, bề dày hai tấc án theo lưỡng nghi. Đàn gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, lại có thêm một phím phụ tượng trưng cho tháng nhuận. Đàn có năm dây án theo ngũ hành tượng trưng cho năm âm: cung, thương, giốc, thủy, vũ. Xưa, vua Thuấn gảy đàn Ngũ-huyền, thiên hạ thái bình. Khi vua Văn Vương bị ngồi tù nơi Dũ Lý, Bá Âp Khảo thêm một dây oán, gọi là dây văn (văn huyền). Về sau, khi Vũ Vương đánh nước Trụ, thêm môt dây nữa gia tăng kích động gọi là dây (vũ huyền). Do đó, đàn Dao lúc đầu có năm dây, sau có bảy dây. Đàn Dao có bốn điều kỵ là: rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là: không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm.

Bá Nha nghe nói, biết tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính mến:

-Hiền hữu quả là người tinh thông nhạc lý. Xưa kia, Khổng Tử đang gảy đàn, thầy Nhan Hồi bước vào, nghe thanh âm sao mà u trầm, biết là trong tâm Khổng Tử đang giao động. Hỏi ra, mới hay là trong khi Khổng Tử đàn, thấy con mèo đang bắt chuột, nên tâm tư đã chùng tiếng tơ đồng. Trước kia, Nhan Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng học trò, còn ngày nay, nghe tiếng đàn Bá Nha này, hiền hữu có biết lòng ta đang tư lự gì không?

 

-Xin đại nhân cho nghe một vài khúc nhạc nữa

Bá Nha thay dây đàn, gảy khúc Ý Tại Non Cao.

Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:

-Tuyệt thay, ý chí cao vút. (Ý tại non cao).

Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc Ý Tại Lưu Thủy.

Tiều phu khua tay xuống dòng nước:

-Trời nước bao lạ. (Ý tại lưu thủy).

 

Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không chớp mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậy. Ông sai người hầu dẹp trà, bày tiệc rưọu. Xong, ông đứng lên trước mặt người tiều phu, kính cẩn hỏi:

 

-Dám hỏi tiên sinh quý danh và quê quán.

Tiều phu vội đứng lên, chắp tay thi lễ:

-Tiện dân họ Chung, tên Tử Kỳ, người thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên này. Còn đại nhân, chẳng hay cao danh quý tánh là gì, hiện đi trấn nhậm nơi đâu mà ghé thuyền lại đây vãng cảnh.

-Tại hạ họ Du tên Thụy, là Đại-phu nuớc Tấn, nhân đi sứ nước Sở về, thấy cảnh Hàm Dương trăng thanh gió mát, nên ghé thuyền thưởng lãm. Tại hạ chỉ là một kẻ tài hèn đức bạc mà thôi. Còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này.

-Tôi còn cha mẹ già, không có anh em, phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, dẫu cho công hầu khanh tướng cũng không thể đổi được một ngày báo hiếu của tại hạ. Tử Kỳ hai mươi bảy tuổi.

Bá Nha trân trọng nói:

-Tiện chức hơn tiên sinh những mười tuổi. Nếu tiên sinh không chê tôi đức mọn tài hèn thì xin kết làm anh em để khỏi phụ duyên tri âm.

Chung Tử Kỳ khiêm nhượng đáp:

-Đại nhân là bậc công khanh nơi triều đình, tại hạ là kẻ áo vải chốn sơn lâm thì làm sao kết bạn với nhau được, xin đại nhân miễn cho.

-Giá trị con người đâu ở chỗ giàu sang phú quý, mà ở đức hạnh tài năng. Nay nếu tiên sinh chịu nhận làm anh em thì thật là vạn hạnh cho tiện chức.

Bá Nha đã có thành tâm, Tử Kỳ không từ chối nữa. Bá Nhà sai người hầu đốt lò hương mới, lập hương án trước thuyền, cùng Tử Kỳ lậy trời đất tám lậy, nhận nhau làm anh em khác họ. Rồi hai bạn cùng đối ẩm chuyện trò với nhau rất chi là tương đắc.

Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng ban mai, đôi bạn đành phải chia tay. Bá Nha giọng run run, nhìn Tử Kỳ:

-Lòng huynh quá cảm mộ, chưa nỡ rời hiền đệ. Hiền đệ có thể cùng huynh đi thêm một đoạn đường để thêm được một khúc chuyện trò cho thỏa mối tâm tình.

 

Chung Tử Kỳ cũng không dấu được xúc động:

-Theo lễ, tiểu đệ phải tiễn hiền huynh vài dặm đường mới phải, ngặt vì song thân của tiểu đệ đang trông ngóng ở nhà, xin hiền huynh thứ lỗi.

-Vậy thì hiền đệ về nhà xin với song đường qua nước Tấn thăm chơi, chắc là sẽ được nhận lời.

- “Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du”, làm sao Tử Kỳ có thể rời cha mẹ để vui chơi cùng bạn được.

Cuối cùng, Bá Nha nắm tay Tử kỳ, giọng khẩn thiết:

-Sang năm, cũng vào giờ này, xin hẹn hiền đệ tại đây.

Rồi lấy ra hai nén vàng, hai tay dâng cao lên trước mặt:

-Đây là món lễ vật mọn của ngu huynh làm quà cho bá phụ, bá mẫu, đã xem nhau là cốt nhục xin hiền đệ chớ từ chối.

Cảm tình tri ngộ, Tử Kỳ không từ chối, lưu luyến chia tay, đôi bạn bịn rịn không thốt lên nổi lời tạm biệt.

 

Thấm thoắt một năm qua, ngọn gió heo may từ phương Bắc về đem mùa thu đến. Bá Nha vào triều kiến vua Tấn xin được phép về Sở thăm quê nhà. Thuyền đến bến Hàm Dương, Bá Nha cho dừng lại dưới núi Mã Yên mà lòng bồn chồn trông ngóng. Vừng kim ô đã ngả bóng xuống lòng sông, khói sóng dâng lên nghi ngút, sao mãi vẫn không thấy bạn tri âm. Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng. Bá Nha thất kinh, ngừng tay đàn, tâm thần rối bời; cung thương bỗng nghe sầu thảm như thế này thì chắc là Chung Tử Kỳ gặp nạn lớn rồi. Cả đêm, Bá Nha trăn trở, nhớ thương và âu lo cho bạn. Trời chưa sáng, Bá Nha đã khoác cây Dao cầm lên lưng, bỏ vào túi mười nén vàng ròng rồi cùng vài tên hầu tìm đến chân núi Mã Yên. Dọc đường gặp một ông lão, tay xách giỏ mây, tay cầm gậy trúc. Bá Nha lễ phép thưa:

 

-Xin lão trượng chỉ đường đi đến Tập Hiền thôn.

-Có Tập Hiền thông thượng, Tập Hiền thôn hạ. Tiên sinh cần đến thôn nào?

-Thưa lão trượng, người Tử Kỳ họ Chung ở thôn nào?

Vừa nghe nhắc đến tên Chung Tử Kỳ, lão ông sa sầm nét mặt, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ. Lão ông sụt sùi, giọng ngắt đoạn:

-Chung Tử Kỳ là con lão. Năm ngoái cũng vào ngày này, nó đi củi về, gặp một vị quan nước Tấn tên là Bá Nha và kết nghĩa huynh đệ, vì chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lúc chia tay, vị quan có tặng cho vợ chồng lão hai nén vàng. Ở nơi núi non heo hút thế này, vợ chồng lão chưa cần đến số vàng đó, nên con lão đã dùng đổi lấy sách, đọc bất kể ngày đêm, giờ giấc, ngoài việc đốn củi mưu sinh. Có thể vì quá lao nhọc, con lão đã lâm bệnh mà qua đời...

 

Chưa kịp nghe hết lời, Bá Nha đã bật òa khóc, ôm chầm lấy ông lão, hậu sinh này chính là người bạn kết giao của Chung Tử Kỳ đây. Ông lão thảng thốt, trời ơi:

-Mang ơn đại nhân không chê trách cảnh bần cùng, đã cùng con lão kết nghĩa tâm giao. Lúc lâm chung, con lão đã trối trăn lại: “Sống không trọn đạo làm con, chết xin được chôn dưới chân núi Mã Yên để trọn đạo nghĩa với bạn, nằm bên triền dốc chờ đúng lời hẹn mùa thu này”. Con đường mà đại nhân vừa đi qua phía bên phải có nấm đất nhỏ là ngôi mộ của Tử Kỳ. Hôm nay đúng một trăm ngày mất, lão vừa đi viếng mộ con về thì gặp đại nhân.

Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc “Thiên thu trường hận”. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở màu tối sẩm và tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:

 

-Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này:

Từ nhớ đến mùa thu năm trước

Bến trường giang gặp bạn cố nhân

Năm nay lại đến Giang Tân

Giòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi

Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi

Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng

Ôi thương tâm, ôi thương tâm

Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi

Mây sầu thấp thoáng chân trời

Đêm vui đổi lấy một đời khổ đau

Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi

Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can

Thôi từ nay, thôi phím đàn

Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân...

Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng đàn Dao lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Đàn Dao vỡ tung từng mảnh, trụ ngọc, phím đồng rơi lả tả.

Lão ông hoảng kinh hỏi: “Sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí?”

Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng

Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai

Gió xuân bốn phía bao bè bạn

Khó thay tìm được bạn tri âm

Bốn câu thơ là bài văn tế cho bạn. Bá Nha quay lại phía lão ông, sụp quỳ xuống:

-Bá Nha, Kỳ Tử đã y lời hẹn đến đây rồi. Nay tiểu sinh có đem theo ít nén vàng, xin thành tâm dâng lên bá phụ cùng bá mẫu để cung dưỡng tuổi già và tạo mươi mẫu ruộng làm tự cho Tử Kỳ. Bốn năm nữa hạ quan sẽ dâng biểu từ quan, về đây chung sống với bá phụ bá mẫu, với người bạn tri âm. Chung lão không từ chối. Bá Nha lạy Chung lão, lạy tạ từ bạn rồi quay xuống cho thuyền nhổ sào trở về nước Tấn.

 

473. Hán Sở Chiến Trường

 

Đây là chuyện Hán Sở tranh hùng, đoạn kết oan nghiệt của mối tình Hạng Võ, Ngu Cơ:

Với mưu lược của Hàn Tín, quân Hán của Lưu Bang đã chiếm được Bành Thành, cứ điểm cuối cùng của quân Sở. Hạng Võ phải kéo quân về thủ trại trên bờ sông Ô Giang. Tuy tình hình đã nguy khốn, nhưng quân số Sở vẫn còn khá đông. Hạng Võ lại là một dũng tướng phi thường, trong một ngày đánh lui hơn 60 viên tướng Hán mà đao không nhụt, ngựa không lùi. Vì vậy quân Hán chỉ bao quanh trại quân Sở reo hò inh ỏi, nhưng không có thêm tướng nào dám vào nghinh chiến với Hạng Võ.

Tướng sĩ tâu trình với Hạng Võ:

-Cả ngày hôm nay, Đại Vương thân không rời giáp, ngựa chẳng hở yên. Bây giờ tướng Hán đã khiếp sợ, án binh bất động. Vậy xin Đại Vương cho đóng dinh để Hoàng-hậu nghỉ tạm qua đêm.

Hạng Vũ đồng ý và cho mời Ngu Cơ đến:

-Quân Hán đã cướp thành. Đêm nay ái hậu cùng ta qua đêm bên giòng sông Ô Giang này, màn trời chiếu cỏ kể cũng thi vị. Ngày trước ta đánh Chương Hàm, phải mất chín ngày mới thắng được. Nay chỉ một sớm chiều đã đánh bạt được hàng chục tướng Hán, chỉ vì muốn kết trận sớm để về với nàng.

Trong lúc ấy, quân sư Hàn Tín của Lưu Bang đang đứng ngồi không yên, suy mưu tính kế. Các tướng Hán đã hợp sức giao tranh với Hạng Võ mà vẫn thua chạy dài, thì không dùng thế cương mà thắng được. Hàn Tín cho mời Trương Lương đến vấn kế:

 

-Luôn mấy ngày ác chiến với Hạng Vương, các tướng Hán không ai địch nổi. Nếu để tình hình này kéo dài, Hạng Vương sẽ thoát được vòng vây, kéo về Giang Đông mà dưỡng binh, thì chiến sự sẽ khó phân bề thắng bại. Xin tiên sinh chỉ giáo một mưu chước mới hòng đánh bại được Sở vương.

Một chút trầm ngâm, Trương Lương trả lời:

 

-Việc đó không khó. Bây giờ cứ làm cho các tướng sĩ của Hạng Võ phân ly. Khi Sở vương đã bị cô thế rồi, thì ta bắt sống dễ dàng. Từ nhỏ, tôi có học được khúc tiêu của một dị nhân. Nghe khúc tiêu này, lòng người xao động mãnh liệt tình hoài hương, đang vui thì sẽ hân hoan khó tả, đang buồn thì lại càng da diết nhớ quê. Nay đang lúc vào thu, gió heo may về, cây cỏ xao xác lá vàng, kẻ chiến chinh chắc không thể nào không thổn thức nhớ quê. Tối nay, tôi sẽ vào vách núi Kê Minh, trong canh vắng, tiếng tiêu vọng lên thì quân tướng Hạng Võ chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện binh đao.

 

Đêm về khuya, làn gió se lạnh, ánh trăng thu nhạt nhòa trong màn sương. Tiếng tiêu trổi lên réo rắt, sầu thảm như lòng cô phụ, mênh mang như lòng mẹ nhớ con, thỏ thẻ như tiếng trẻ mong cha về... lòng ai có sắt đá đến đâu bỗng chốc cũng yếu mềm như cành liễu non trước cơn gió lốc. Tiếng tiêu lại còn cách đoạn bằng lời ca bi ai:

Đêm thu mù mịt trời sương

Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng

Sa trường vó ngựa

Trẩy gót binh nhung

Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa

Cơ hàn đau đớn mẹ cha

Canh khuya vò võ tuổi già đợi con

Chí trai vạn dặm

Hồ thỉ bốn phương

Nhưng con đi đã lầm đường

Giúp người tàn bạo không thương dân tình

Mơ màng giữa nửa giấc ba sinh

Một đi một nhớ một mình canh thâu.

 

Tiếng địch trên sông Lô dẫn theo lời ca nỉ non đã mau chóng làm mềm lòng tướng sĩ của Sở vương. Họ buông gươm giáo, cởi bỏ chiến bào, lặng lẽ đào ngũ. Chỉ còn lại hai tướng trung kiên là Chu Lan và Hoàng Sở đã cưỡng lại được cái âm thanh mê hoặc đó. Cả dinh trại trong phút chốc bỗng rơi vào cái tĩnh lặng đáng sợ. Chính cái tĩnh lặng này đã đánh thức dũng tướng Hạng Võ. Sở vương vùng đứng đậy, quay mặt về phía núi Kê Minh, nơi đang vọng ra tiếng tiêu não nùng. Sở vương ngửa mặt lên trời than:

-Ôi cơ đồ của ta, trong thoáng chốc đã tiêu tan vì tiếng tiêu này.

Hai vị tướng quân đang quì dưới trướng, cúi đầu không nói nên lời. Hạng Võ truyền hai tướng bày tiệc rượu, rồi cùng Ngu Cơ đối ẩm:

 

Tấm thân lấp biển vá trời

Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang

Giờ đây mưa gió phũ phàng

Anh hùng mạt lộ giang sơn tan tành.

Ngu Cơ nhắp tiếp mây chung rồi đáp:

Cát đằng nương bóng cội tùng

Bấy lâu khăng khít thủy chung một lòng

Tả tơi vì ngọn gió đông

Cội tùng ngả bóng cát đằng bơ vơ.

 

Mặc cho trời đổ, đất nghiêng, như đôi tình nhân đang say men tình, Hạng Võ, Ngu Cơ vẫn ngồi bình thản uống rượu ngâm thơ. Đến lúc trời rạng ánh mai, Chu Lan và Hoàng Sở mới rón rén bước vào:

-Trời sắp sáng rồi, xin quân vương lên đường bôn tẩu. Ngu Cơ cũng hối thúc:

-Xin lang quân hãy nhanh chóng lên đường, đừng vì tình mà luỵ. Cả một cơ đồ lang quân hãy phục hưng lại. Xin một lạy tạ từ phu quân. Thiếp không thể theo phu quân làm vướng bận bước chân người.

Hạng Võ hiểu ý người yêu, rút đoản đao ra trao cho nàng. Ngu Cơ cầm lấy, đâm vào cổ tự vẫn, vĩnh biệt tình lang. Hạng Võ nước mắt đầm đìa, thét lớn: Ngu Cơ tình ơi!

Cùng lúc ấy, quân Hán kéo vào vây phủ. Hạng Võ một thân một ngựa phá được vòng vây, thoát ra bờ sông Ô Giang. Giang sơn giờ nay đã tan mờ sương khói, không thể nào khôi phục được. Hạng Võ quay nhìn giòng sông, rút gươm tự kết liễu một đời vẫy vùng ngang dọc. Người đời sau có thơ:

Sức mạnh kinh thiên vạn cổ truyền

Vẫy vùng yên mã đoạt giang yên

Hạ thành ai luận anh hùng sự

Mãnh hổ sa cơ cũng phải hèn

 

475. Tư mã phượng cầu:

 

Tư Mã Tương Như là nhà viết từ, nhà âm nhạc nổi tiếng thời Tây Hán bên Trung Quốc cách đây hơn 2000 năm; vì ngưỡng mộ đức độ làm người của Lân Tương Như nước Triệu thời Chiến Quốc, cho nên tự đặt tên cho mình là “Tương Như”, và nuôi ý chí phải làm việc lớn oanh liệt cho đất nước. Gia cảnh Tư Mã Tương Như nghèo khó, thời Hán Cảnh Đế, ông theo đuổi Lương Vương, viết nhiều bài thơ và tự gẩy đàn ngay trên đất nhà Lương, cho nên cuộc sống trở nên dư giả hơn. Lương Vương rất tâm đắc với tài ba của Tương Như, liền ban cho ông cây đàn cổ quý hiếm mang tên Lục Kỳ. Khổ nỗi là Lương Vương chết yểu. Sau khi Lương Vương qua đời thì Tư Mã Tương Như cũng mất đi chỗ dựa. Ông phải lang thang đó đây, cuối cùng đến ở nhờ nhà người bạn thân của mì̀nh tên là Vương Cát ở một huyện nhỏ gần biên giới Tứ Xuyên, sống quãng ngày ăn nhờ ở vạ. Ở đó có một người già giầu có tên là Trác Vương Tôn. Ông này có một cô con gái tên là Trác Văn Quân mới 17 tuổi. Văn Quân xinh đẹp phi thường, không những chỉ giỏi chơi đàn, mà còn có tài làm thơ nữa. Ông Vương Tôn tính gả Trác Văn Quân cho Nhất Hoàng Tôn, không ngờ lễ cưới chưa thành Hoàng Tôn lại chết sớm. Thế là Trác Văn Tôn bị góa bụa ở nhà với cha.

 

Một hôm, Trác Vương Tôn mời Vương Cát đến nhà ăn cơm. Tư Mã Tương Như cũng được mời đến dự theo bạn mình. Trong bữa tiệc, việc làm những bài thơ và gẩy đàn góp vui không thể thiếu được. Biết con gái ông Trác Vương Tôn tài sắc vẹn toàn, Tư Mã Tương Như liền gẩy bản nhạc “Phượng cầu Hoàng”. Từ lâu Trác Văn Quân đã ngưỡng mộ tài ba của Tư Mã Tương Như, nàng bèn núp sau mành nghe trộm. Từ tiếng đàn thiết tha, đắm đuối đó, nàng đã lãnh hội được tình tứ của Tư Mã Tương. Thế rồi, từ đó hai người yêu nhau thắm thiết, nhưng lại bị cha phản đối kịch liệt. Không còn cách nào khác, hai người bèn cùng nhau bỏ trốn đến Thành Đô quê hương Tư Mã Tương Như. Do điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, Văn Quân liền lấy đồ trang sức của mình mang theo đi cầm cố, rồi hai người mở một quán rượu. Văn Quân đích thân đứng bán ngoài cửa hang, còn Tương Như thì đi làm công. Tin này đến tai Trác Vương Tôn. Vì sĩ diện, ông đành cho 100 người hầu đem tiền vạn bạc triệu đến nhà con gái mình, lại cho thêm rất nhiều của hồi môn. Từ đó đời sống của hai người trở nên giầu có an nhàn, có thể uống rượu, làm thơ và ca hát suốt ngày.

 

Sau đời Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế lên ngôi. Khi xem tác phẩm của Tư Mã Tương Như xong, Vũ Đế lấy làm thích thú, bèn cho lệnh triệu ông vào cung. Tư Mã Tương Như sáng tác bài “Thượng Lâm Phổ” bằng tài trí của mình, ca ngợi cảnh hoành tráng khi vua săn bắn. Hán Vũ Đế thích được ca tụng nên phong cho Tư Mã Tương Như chức Lang Quan. Thế là Tư Mã Tương Như hài lòng ở lại thủ đô Trường An, còn Trác Văn Quân vẫn ở Thành Đô, sống cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo, kiên tâm chờ chồng trở về. Ở Trướng An một thời gian sau Tương Như về thăm Thành Đô thấy Trác Văn Quân có vẻ già đi, bèn sinh ý lấy vợ lẽ. Trác Văn Quân biết ý, lòng rối tơi bời nên làm bài thơ “Bạc đầu ngâm”, và bài thứ hai “Giã biệt thư”. Trong thơ có đoạn: “Mong được tấm lòng anh, bạc đầu không chia cách”. Đọc bài thơ đầy thương cảm của vợ, Tư Mã Tương Như hết sức cảm động, nhớ lại quãng năm tháng hai vợ chồng sống ân ái với nhau, ông liền bỏ ý định lấy vợ lẽ, rồi trở về quê cũ với Trác Văn Quân cho đến khi từ giã cuộc đời. Bài thơ “Bạc đầu ngâm” của Trác Văn Quân chứa đựng tình sâu nghĩa nặng, rung động lòng người nên được lưu truyền đến ngày nay.

 

477: Khúc Quảng Lăng

 

Kê Khang là một trong nhóm bảy người bạn chí thân người nước Ngụy: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Nguyễn Đàm, Vương Mậu, Sơn Đào và Hương Tú. Khi Tư Mã Viêm diệt nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn, thì bảy người này không hợp tác với tân triều, bỏ thị thành vào rừng trúc ở, nên người đời gọi là “Trúc lâm thất hiền”. Mỗi người đều có cá tính và nét độc đáo riêng của mình; nhưng nổi bật hơn cả là Kê Khang và Nguyễn Tịch. Sử nhà Tấn viết rằng Kê Khang là một con người phong nhã, giỏi cầm kỳ thi họa; thường đêm ông ngủ ở đình Hoa Dương. Một hôm có người khách tự xưng là người xưa, cảm phục tài hoa của Kê Khang, tặng cho chàng khúc Quảng Lăng, nhưng bắt thề là không được truyền lại cho ai. Sau khi Quảng Lăng chết, khúc nhạc ấy xem như mất. May mắn về sau có nàng Ngọc Nữ khi gảy khúc nhật cung, nguyệt cung, đã dẫn khúc Hoa Nhạc và Qui Vân đúng âm điệu của Khúc Quảng Lăng còn sót lại.

 

479-Quá quan: có nghĩa đi qua cửa ải, từ điển tích Chiêu Quân

Chiêu Quân là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân trong lịch sử Trung Quốc. Với sắc đẹp được ví là “lạc nhạn” (chim sa). Câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biến của thi ca và nghệ thuật. Chiêu Quân đi vào lịch sử Tầu như một sứ giả hòa bình. Sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa Trung Hoa và Hung Nô. Chiêu Quân tên là Vương Tường nên cũng được gọi là Vương Chiêu Quân Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỷ Quy, Nam Quận nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 đời Hán Nguyên Đế (49-33 trước Công Nguyên). Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và vẫn chỉ là một cung nữ. Năm 33 TCN, Thiền Vụ Hung Nô là Hô Hàn Tà đến thủ đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Ông này nắm lấy cơ hội đề nghị được trở thành con rể của vua Nguyên Đế. Thay vì gả cưới một công chúa cho Thiền-vu thì Hô Hàn Tà được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung, một trong số này là Vương Chiêu Quân.

 

Theo một câu chuyện trong Hậu Hán Thư (quyển 89, Nam Hung Nô liệt truyện) thì Vương Chiêu Quân đã tình nguyện theo Thiền-vu. Khi được vời đến triều đình thì vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Nguyên Đế sững sờ và muốn thay đổi quyết định của chính mình, nhưng đã trễ. Chiêu Quân trở thành người vợ yêu quý của Hô Hàn Tà, được phong là Ninh Hồ Yên Chi. Họ sinh được hai người con trai, chỉ một trong số đó sống sót với tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư và một người con gái, tên là Vân, sau này là một nhân vật đầy quyền lực trong hệ thống chính trị của Hung Nô. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán lưu truyền của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành vợ của Thiền-vu kế tiếp là Phục Chu Luy Nhược Đế, con trai lớn của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái. Sau khi chết, Chiêu Quân được an táng tại “Thanh Trùng”, mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ. Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm, tuy nhiên, sau này người ta đã không còn biết gì về các hậu duệ của Chiêu Quân.

 

Câu chuyện về Chiêu Quân trong truyền thuyết được gọi Chiêu Quân Cống Hồ trở thành một điển tích với nhiều dị bản, trong đó có nhiều chi tiết còn mâu thuẫn. Nổi tiếng hơn cả là bản kể theo những tài tiệu của sử gia Ngô Quân (469-520). Vì số cung phi trong hậu cung của vua Nguyên Đế quá đông, nên nhà vua ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để nhà vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới. Một hôm Hoàng Hậu tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm ly ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Tây Phi. Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề. Thời bấy giờ Hung Nô là nước lân bang thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho Thiền-vu (vua) Hung Nô là Hô Hán Tà. Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô. Điểm này không ăn khớp với lịch sử Hung Nô, do từ thời Hô Hàn Tà thì các Thiền-vu đã chịu nộp cống phẩm cho nhà Hán.

 

Truyền thuyết “Chiêu quân xuất tái” (Đi đến biên cương) nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn cho số phận mình cũng như phải lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, nàng liền đàn “Xuất tái khúc”. Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Từ “lạc nhạn” trong câu “Trầm ngư lạc nhạn” do đó mà có. Khi qua Nhạn Môn Quan, cửa ải cuối cùng, Chiêu Quân được cho là đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Tiếng đàn của Chiêu Quân ở Nhạn Môn Quan trở thành điển tích Hồ Cầm. Ngôi làng quê hương của nàng ngày nay mang tên là làng Chiêu Quân. Dòng suối, nơi tương truyền nàng từng ra giặt vải trước khi được tuyển vào hoàng cung, được đặt tên là Hương Khê (suối thơm) để tưởng nhớ nàng. Trong miền Nội Mông Cổ có hai địa điểm được cho là mộ của Chiêu Quân, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu, cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi, nên đều được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).

 

 Những chi tiết còn mâu thuẫn

 

-Khi vẽ Chiêu Quân, có thuyết cho rằng Mao Diên Thọ đã vẽ thêm một nốt ruồi dưới khóe mắt và tâu với Hán Nguyên Đế đó là “Sát phu trích lệ”, tướng sát chồng. Vì vậy Hán Nguyên Đế không cho vời nàng vào cung tới tận khi Chiêu Quân bị cống sang Hung Nô.

-Một thuyết khác thì Chiêu Quân tài hoa tự vẽ chân dung của mình, nhưng bức tranh đó bị Mao Diện Thọ điểm thêm nốt ruồi “Sát phu trích lệ”.

-Nhà văn nổi tiếng Thái Ung (132-192) cho rằng vua Nguyên Đế đã từng gặp Chiêu Quân, nhưng không biết cảm nhận vẻ đẹp của nàng. Chiêu Quân vô cùng thất vọng và đau khổ sau nhiều năm sống cô độc trong cung cấm. Từ đó, Thái Ung kết luận rằng quyết định sang Hung Nô của Chiêu Quân là một hành động phản kháng lại vua Nguyên Đế.

 Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết.

 -Đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn.

-Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu vua Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.

-Một thuyết khác cho rằng Chiêu Quân đã sống một thời gian dài bên Hung Nô.